LTS: Đại hội lần thứ XI Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An diễn ra trong 02 ngày 8 và 9 tháng 5 năm 2024. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy đã dành cho Tạp chí Sông Lam cuộc trò chuyện cởi mở về những thành tựu, những hạn chế, thách thức trong việc phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Nghệ An 5 năm qua và thời gian tới.
Tạp chí Sông Lam trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện này tới quý bạn đọc!

PV: Xin chào ông, Tạp chí Sông Lam rất vinh dự và cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn hôm nay. Thưa ông, nhìn lại khoảng 5 năm gần đây, trong dòng chảy văn học nghệ thuật cả nước, văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An đã có những thành tựu nổi bật nào?

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu: Có thể nói trong 5 năm qua, văn học nghệ thuật Nghệ An đã chứng kiến những bước phát triển đáng kể và gặt hái được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trước hết, văn học nghệ thuật đã làm tốt vai trò của mình trong việc góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chúng ta có một đội ngũ văn nghệ sỹ khá hùng hậu với hơn 360 hội viên thuộc Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, và nhiều tác giả có tiềm năng khác trên nhiều lĩnh vực vẫn miệt mài sáng tạo. Chúng ta đã có nhiều tác phẩm có chất lượng, đạt nhiều giải thưởng cao ở quốc gia, khu vực. Tỉnh cũng đã tổ chức thành công các cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, chương trình biểu diễn nghệ thuật, thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của cộng đồng; tổ chức nhiều chương trình đi thực tế, tập huấn cho văn nghệ sỹ trên địa bàn tỉnh cũng như phối hợp hoạt động với nhiều tỉnh thành khác trên cả nước để lan tỏa các giá trị văn học, nghệ thuật. Đặc biệt, tỉnh đã tăng cường hỗ trợ, đầu tư cho các tác giả, các văn nghệ sỹ cũng như có chính sách quan tâm đến các nghệ nhân, văn nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng để khuyến khích sự sáng tạo, niềm đam mê đối với văn học, nghệ thuật. Cụ thể, trong khoảng 5 năm trở lại đây, hơn 160 đầu sách đã được công bố, xuất bản; 506 tác phẩm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh tham gia các cuộc triển lãm; 45 văn nghệ sĩ được trao các giải thưởng cao quý cấp quốc gia, bộ, ban, ngành…, trong đó có 1 giải thưởng Hồ Chí Minh và 2 giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 1 giải thưởng ASEAN, 1 giải thưởng Quốc tế về nhiếp ảnh… Giải thưởng Hồ Xuân Hương – một giải thưởng lớn về văn học nghệ thuật của tỉnh nhằm tôn vinh những cống hiến của các văn nghệ sỹ Nghệ An, lựa chọn những tác phẩm có giá trị được tổ chức uy tín, có chất lượng. Thời gian qua 74 tác phẩm/ cụm tác phẩm đã được lựa chọn trao giải; các tác phẩm ít nhiều đã lan tỏa được giá trị và sức ảnh hưởng của mình. Đó thực sự là những con số biết nói! Cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Nghệ An – Tạp chí Sông Lam đã thực sự là tiếng nói của đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức tỉnh nhà, đồng thời là nơi quy tụ nhiều sáng tác hay của đội ngũ văn nghệ sỹ cả nước, nơi phát hiện và bồi dưỡng những người bắt đầu trên con đường sáng tạo. Và có thể thấy rõ, trong những năm qua, chúng ta đã tạo được cầu nối để tác phẩm đến được với công chúng, tôn trọng cái “tôi” hay chính là cá tính sáng tạo trong mỗi văn nghệ sỹ, đặc biệt đã tạo được môi trường để các văn nghệ sỹ tôn vinh lẫn nhau…

PV: Quả thực, những hoạt động văn học nghệ thuật đa dạng, phong phú mà tỉnh Nghệ An nói chung, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An nói riêng đã tổ chức trong thời gian qua thực sự mang đến một không khí sôi nổi, tươi mới, đầy ý nghĩa cho đời sống văn hóa, tinh thần tỉnh nhà. Trên cương vị của mình, ông đánh giá thế nào về những giá trị mà văn học nghệ thuật đóng góp cho xã hội cũng như đời sống nhân dân? Theo ông, đâu là giá trị lớn nhất mà lĩnh vực này mang lại?

Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu. Ảnh: Nguyễn Tú

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu: Cảm ơn câu hỏi của bạn. Từ xưa đến nay, nói đến văn học nghệ thuật là nói đến các giá trị chân, thiện, mỹ. Văn học nghệ thuật bản thân nó là nơi kết tinh những giá trị sáng tạo, những rung cảm đẹp đẽ, tinh tế và nhân văn nhất; chính vì thế nó có sức mạnh to lớn để nuôi dưỡng, thanh lọc tâm hồn, bảo tồn và gìn giữ các giá trị tốt đẹp cũng như là một trong những động lực góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người. Như bạn biết, văn học nghệ thuật chân chính không chỉ lan tỏa cái hay, cái đẹp mà còn góp phần chống lại cái sai, cái xấu, cái ác để từ đó xây dựng một xã hội nhân văn hơn, tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Bằng tài năng, trí tuệ và sự rung động của tâm hồn mình, các văn nghệ sỹ đã góp phần lan tỏa, bồi đắp tình yêu thương với quê hương, đất nước và con người; lòng căm giận cái xấu, cái ác, những bất công xã hội; góp tiếng nói phản biện để chính quyền điều chỉnh những bất cập; góp phần giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp của đất Nghệ – người Nghệ với bạn bè trong nước, quốc tế. Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã đạt được những thành tích ấn tượng trong phát triển kinh tế, xã hội, tốc độ tăng trưởng khá cao, thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện, tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hình ảnh Nghệ An ngày càng trở nên đẹp hơn trong mắt bạn bè,… Có được những thành tích đó, một phần không nhỏ là nhờ những đóng góp của văn học nghệ thuật, của đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức.
Với câu hỏi về giá trị lớn nhất mà lĩnh vực này mang lại, theo tôi, chính là khả năng làm giàu, đẹp tâm hồn; truyền cảm hứng, khích lệ tinh thần con người, khơi gợi những rung cảm sâu sắc, nhân văn nhất; khơi gợi tinh thần sáng tạo, ham hiểu biết và đặc biệt là tạo ra sự gắn kết giữa con người với con người, con người với thế giới xung quanh. Những tác phẩm văn học và nghệ thuật đã mở ra cho chúng ta những góc nhìn mới, những kiến thức, trải nghiệm đa dạng từ nhiều góc độ khác nhau để khám phá thế giới tinh thần của mình cũng như của người khác. Những câu chuyện, bài thơ, bức tranh, bản nhạc,… truyền cảm hứng và động lực, niềm tin, khích lệ chúng ta vượt qua khó khăn, thách thức trong cuộc sống hàng ngày. Văn học nghệ thuật chạm vào tâm hồn ta, khơi gợi những giá trị đẹp đẽ nhất, nhân văn nhất để ta sống với nhau tử tế hơn, “người” hơn!

PV: Như ông chia sẻ, những thành tựu thời gian qua rất nổi bật và đáng ghi nhận. Ít nhiều nó đã giúp đời sống tinh thần người dân được cải thiện, phong phú hơn, đẹp đẽ hơn. Tuy nhiên, khách quan đánh giá, văn học nghệ thuật Nghệ An vẫn còn đó không ít hạn chế. Ông có thể chia sẻ về những bất cập, thách thức mà tỉnh Nghệ An đã, đang đối diện trong việc phát triển văn học và nghệ thuật không, thưa ông?

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu: Như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, quá trình phát triển văn học và nghệ thuật tỉnh Nghệ An cũng đối mặt với những hạn chế và thách thức không nhỏ. Mặc dù tỉnh luôn quan tâm, nỗ lực để khuyến khích và hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực này, nhưng vẫn còn đó nhiều tồn tại cần được nghiêm túc nhìn nhận, khắc phục. Thời gian qua, chúng ta chưa có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng đỉnh cao, phản ánh sinh động công cuộc đổi mới trên quê hương Nghệ An và cả nước, thu hút sự quan tâm rộng lớn của công chúng. Nguồn lực tài chính cho các hoạt động này vẫn còn hạn chế nên việc tổ chức các sự kiện nghệ thuật lớn, xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa, và hỗ trợ cho các nghệ sĩ và tác giả địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều hoạt động, sự kiện văn học nghệ thuật tổ chức còn ít nhiều mang tính hình thức, đi theo lối mòn, thiếu sáng tạo; chưa tạo được một môi trường văn học nghệ thuật thực sự sôi động, xứng tầm với tiềm năng con người xứ Nghệ. Công tác giáo dục, đào tạo về nghệ thuật cũng như lan tỏa giá trị, định hướng thẩm mỹ cho công chúng còn nhiều bất cập. Đặc biệt, điều chúng tôi luôn trăn trở là chưa thu hút được người trẻ đến với văn học nghệ thuật, thiếu vắng đi những thế hệ kế cận trong lĩnh vực này.

PV: Vậy, tỉnh Nghệ An đã, đang và sẽ làm gì để khắc phục những hạn chế trên nhằm nâng tầm văn học nghệ thuật tỉnh nhà, thưa ông?

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu: Nhìn chung, những hạn chế và thách thức trên đây đòi hỏi sự đồng lòng và nỗ lực từ nhiều bên, bao gồm cả cấp ủy chính quyền, các cấp ngành, địa phương, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và toàn thể nhân dân để tìm ra những giải pháp phù hợp nhất nhằm thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật Nghệ An. Về phía lãnh đạo tỉnh, chúng tôi đã luôn và sẽ nỗ lực hơn nữa tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực văn học nghệ thuật. Tỉnh sẽ tăng cường đầu tư, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các thiết chế phục vụ cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật; tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích sự sáng tạo, đam mê của văn nghệ sĩ, đặc biệt là thu hút và giữ chân các tài năng trẻ trong lĩnh vực này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét tăng cường việc hợp tác, giao lưu học hỏi kinh nghiệm với các tỉnh bạn đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật. Việc đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho Tạp chí Sông Lam hoạt động ngày một chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, có uy tín trên cả nước; cũng như chú trọng thông tin về các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật trên những kênh thông tin khác cũng là một cách để tỉnh Nghệ An đẩy mạnh quảng bá, lan tỏa các giá trị văn học nghệ thuật tới công chúng cũng như tạo một môi trường năng động, sáng tạo, sôi nổi hơn cho lĩnh vực này phát triển.

PV: Từ nay đến năm 2030, tỉnh Nghệ An mong muốn thấy được bước chuyển mình nào trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, thưa ông? Ông có thể chia sẻ những mục tiêu, định hướng phát triển văn học và nghệ thuật của tỉnh Nghệ An giai đoạn này?

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu: Mong muốn thì nhiều, khát vọng thì lớn nhưng trước mắt, từ nay đến năm 2030, hy vọng văn học nghệ thuật Nghệ An sẽ chuyển mình theo hướng sáng tạo hơn, chất lượng hơn, bắt kịp với hơi thở cuộc sống đương đại. Tỉnh mong muốn thấy văn học nghệ thuật sẽ phát huy vai trò, chức năng xã hội tích cực của mình, gắn bó mật thiết với cuộc sống của nhân dân, đồng hành với công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả sáng tạo để cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đưa văn học nghệ thuật tỉnh nhà lên một tầm cao mới, góp phần xây dựng và phát triển con người mang bản sắc xứ Nghệ, xây dựng xứ Nghệ thành một môi trường phát triển thực sự bền vững, nhân văn trong tương lai.
Từ nay đến năm 2030, tỉnh cũng sẽ đặt mục tiêu tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động sáng tạo và đổi mới văn học và nghệ thuật; xây dựng Nghệ An thành một tỉnh phát triển kinh tế năng động và có bề dày về văn hóa, văn học nghệ thuật, là “mảnh đất màu mỡ” cho tài năng văn học nghệ thuật được nảy nở. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện những cơ chế chính sách về đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cho văn nghệ sĩ, thu hút tài năng trẻ trong lĩnh vực này. Đặc biệt, chúng tôi sẽ chú trọng tạo ra các cơ hội và sân chơi cho nghệ sĩ và tác giả trẻ để họ có thể phát triển tài năng và sự sáng tạo của mình. Điều này bao gồm chính sách thu hút nhân tài, chế độ ưu đãi, tổ chức các cuộc thi văn học và nghệ thuật, hỗ trợ cho các dự án nghệ thuật triển vọng của người trẻ.
Hơn hết thảy, lãnh đạo tỉnh mong muốn được nhìn thấy các văn nghệ sĩ tỉnh nhà tâm huyết hơn nữa, trăn trở hơn nữa và “cháy” hết mình hơn trong sáng tạo văn học nghệ thuật.

PV: Tôi tin chắc rằng, bằng sự quan tâm, tin tưởng, nỗ lực và quyết tâm từ phía lãnh đạo tỉnh, các cấp ủy chính quyền cùng tâm huyết, tài năng của đội ngũ văn nghệ sỹ, chúng ta sẽ tạo ra nhiều thay đổi tích cực cho văn học nghệ thuật Nghệ An thời gian tới. Cảm ơn ông đã có một buổi chia sẻ cởi mở, thẳng thắn, chân tình và đầy hữu ích với Tạp chí Sông Lam. Hy vọng những mục tiêu, định hướng, kế hoạch trao đổi hôm nay sẽ sớm trở thành hiện thực và văn học nghệ thuật Nghệ An sẽ có bước phát triển xứng với tiềm năng và sự kỳ vọng của lãnh đạo, Nhân dân tỉnh nhà.

Trang Đoan (thực hiện)