Tên làng bản cũng là một địa danh gắn với lịch sử văn hóa cộng đồng. Khi địa danh thay đổi sẽ ảnh hưởng nhiều đến vấn đề văn hóa và nghiên cứu văn hóa. Vậy nên, khi thay đổi địa danh, dù là lớn hay nhỏ, cũng cần phải xem xét các yếu tố văn hóa liên quan đến nó nhằm góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng. Nhìn cách đặt tên làng bản ở vùng dân tộc thiểu số sẽ thấy rõ hơn. Ở xã Thạch Giám có bản Mác nghĩa là bản có nhiều cây cau. Khi đến đây lập bản, người ta thấy vùng đất này cây cau rất nhiều nên đặt tên vậy để thấy được nét đặc trưng. Hay bản Huồi Ngậu (nay là bản Khe Ngậu) là vùng đất trước đây có nhiều hổ quấy nhiễu đời sống người dân. Nậm Xán (nay là bản Tùng Hương) là bản gần suối và cạnh gốc cây thị. Bản Đửa là bản có nhiều cây sung. Bản Mó thì nghĩa là bản ở gần khe nước/mó nước. Bản Ang là bản của vùng trung tâm (như là bộ ngực trong cơ thể con người). Bản Cắm là bản có điều kiện tự nhiên khó khăn nên các tài nguyên ở đây đều quý giá. Bản Pui nghĩa là bản có cuộc sống vui vẻ, yên bình (ý nhắc nhở con cháu phải biết sống vui vẻ và hòa thuận)… Người dân ở đây đặt tên làng bản hầu như dựa vào một đặc trưng nào đó để dễ nhận biết hay một lời nhắc nhở, một mong muốn và gắn nó với văn hóa cộng đồng.
Một câu chuyện được ghi nhận tại vùng dân tộc thiểu số ở miền núi Nghệ An khoảng mấy chục năm trước: Có hai bản người Thái và người Mông cùng tranh chấp nhau về một cánh đồng nhỏ. Bản người Mông cho rằng cánh đồng này ở gần bản họ nên thuộc về họ mới đúng. Còn bản người Thái lại bảo đây là cánh đồng do cha ông họ khai khẩn ra nên đương nhiên là của người Thái. Sự tranh chấp diễn ra trong nhiều năm nhưng chính quyền không giải quyết được vì thiếu chứng cứ để quyết định nó thuộc về cộng đồng nào. Cho đến khi một vài nhà nghiên cứu về tìm hiểu và nghe người dân hai bản phân trần. Sau đó các nhà nghiên cứu đã đi hỏi những người già về tên gọi của cánh đồng này như thế nào theo ngôn ngữ của mình. Qua đó họ thấy rằng những người già ở bản người Thái đều thống nhất tên gọi của cánh đồng trong khi những người già ở bản Mông lại thì chỉ biết tên gọi theo tiếng Thái chứ không biết tên gọi theo tiếng Mông. Lần theo một vài bài mo cũng có liên quan đến cánh đồng nên họ xác định được cánh đồng thuộc về bản Thái. Và đây cũng là một ví dụ cho thấy, địa danh về cơ bản là văn hóa và luôn gắn với lịch sử văn hóa cộng đồng. Đương nhiên, có nhiều cộng đồng vẫn sử dụng địa danh theo các tên gọi từ ngôn ngữ của cộng đồng khác, như nhiều địa danh liên quan đến người Khơ Mú nhưng được gọi bằng tiếng Thái, đó như là một sự tích hợp về văn hóa tộc người. Nhưng dù xét trên phương diện nào, địa danh cũng luôn gắn với lịch sử văn hóa cộng đồng.
Trong hơn nửa thế kỷ qua, các tên gọi mới xuất hiện ở vùng dân tộc thiểu số đã làm thay đổi nhiều địa danh và qua đó ảnh hưởng nhiều đến văn hóa cộng đồng của người bản địa. Với những ai từng đi nghiên cứu điền dã dài ngày ở vùng dân tộc thiểu số chắc không lạ gì với những hiện tượng thay đổi địa danh theo kiểu “Kinh hóa” trong nhiều năm qua. Địa danh là văn hóa, và địa danh luôn gắn với các cộng đồng cụ thể nên cũng gắn với các nền văn hóa cụ thể. Nhưng từ giữa thế kỷ XX, với nhiều chính sách khác nhau được áp dụng lên vùng dân tộc thiểu số nên địa danh của nhiều làng, bản cũng thay đổi theo hơi hướng hiện đại hóa.
Qua một khảo sát nhỏ ở huyện Tương Dương đã phần nào cho thấy điều đó. Xin liệt kê một loạt tên các bản ở huyện Tương Dương làm dẫn chứng. Ở xã Tam Đình có nhiều bản làng người Thái và Khơ Mú mang tên gọi theo tiếng Thái sau đó đã bị đổi sang theo tiếng Kinh như bản Xốp Cớ đổi thành Đình Phong; bản Piềng Đồn đổi thành Đình Tiến; bản Càng đổi thành Đình Thắng; bản Chổng đổi thành Đình Hương; bản Na Pục đổi thành Quang Phúc, bản Cùng đổi thành Quang Yên… Xã Tam Quang thì có bản Co Pài (bản có nhiều cây vải) đổi thành bản Tam Liên; bản Piềng Khằm (bãi vàng) đổi thành Tam Hương, bản Phai đổi thành Làng Mỏ, bản Pồ đổi thành Sơn Hà, bản Piêng Nhung đổi thành Làng Nhùng, bàn Piêng Thờ đổi thành Bãi Sở, bản Nậm Xán đổi thành Tùng Hương…. Xã Lượng Minh có bản Chà Lốc đổi thành Minh Phương, bàn Na Ẻn đổi thành Minh Tiến, bản Pù Cò đổi thành Minh Thành… Xã Xá Lượng có bản Huồi Ngậu đổi thành Khe Ngậu, bản Xốp Mộ đổi thành Cửa Rào…
Cũng như Tương Dương, ở các huyện khác như Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp… thì những vấn đề này cũng xuất hiện nhiều. Và hiện tượng này gần như phổ biến ở hầu hết các vùng dân tộc thiểu số ở miền núi. Nó cũng gắn với quá trình thực hiện các chính sách phát triển mang từ miền xuôi lên miền ngược cũng như sự di cư của người Kinh lên vùng miền núi. Những hiện tượng như thế này cũng được nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo phản ánh qua các nghiên cứu hay trên các phương tiện truyền thông chính thống của Nhà nước. Thậm chí ở các vùng đồng bằng, các làng xã người Kinh cũng mất đi nhiều địa danh, nhiều tên gọi vốn gắn với lịch sử văn hóa địa phương trong quá trình thay đổi.
Nhìn rộng ra, việc thay đổi tên gọi của các địa danh chỉ là một phần nhỏ trong những ảnh hưởng mà chính sách phát triển văn hóa đưa lại. Thực tế, cả văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần vùng dân tộc thiểu số đều bị biến đổi nhanh chóng bởi các chính sách phát triển. Ví dụ khi thực hiện chính sách xây dựng đời sống văn hóa mới thì xem việc tổ chức đám tang kéo dài là một hủ tục lạc hậu và cần phải hạn chế. Điều này làm cho hệ thống các sinh hoạt văn hóa, trong đó có nhiều bài mo, bài cúng, diễn xướng dân gian gắn với nghi lễ này cũng ngày một bị mất mát. Những bài mo, bài cúng hay các điệu diễn xướng dân gian mang theo nó là lịch sử văn hóa cộng đồng. Thầy mo cúng nhiều bài mo khác nhau đưa linh hồn người chết đi về đúng nơi cần đến cũng là diễn tả lại những chặng đường lịch sử của cộng đồng đã đi qua. Nhưng khi bị cắt bớt, rút gọn lại cũng làm cho kho tàng lịch sử văn hóa của cộng đồng bị thu hẹp và mất mát là điều khó tránh khỏi. Càng ngày, các sinh hoạt văn hóa càng được hiện đại hóa theo kiểu miền xuôi hơn. Điều đó là một trong những nguyên nhân làm mất đi nhiều nét văn hóa độc đáo ở các cộng đồng. Đó cũng là vấn đề thúc đẩy chúng ta phải xem xét lại các chính sách phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số trong hơn nửa thế kỷ qua.
Ngày hôm nay, một lần nữa chúng ta thực hiện cải cách hành chính. Trong đó có nội dung quan trọng là sáp nhập các địa phương cấp xã và tiến tới là cấp huyện và cấp tỉnh. Trong sự thay đổi này, nhiều địa danh, nhiều tên gọi sẽ mất đi và nhiều tên mới sẽ xuất hiện. Nhiều người cho rằng khi lập một địa phương mới từ sự sáp nhập thì nên đặt một tên gọi mới để “thay đổi triệt để”, nhưng cũng không ít người lo ngại việc đặt tên mới sẽ làm mất đi những tên gọi cũ vốn gắn với tâm thức người dân. Vậy nên, chúng ta cần quan tâm đến văn hóa và lịch sử của các địa phương cụ thể nhằm làm sao để giữ gìn được các địa danh, các tên gọi cần thiết. Bởi đó cũng là để góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Thiên Trang