Mùa xuân là mùa của hy vọng, của niềm vui, hạnh phúc, và phải chăng bởi thế cũng là mùa của những lễ hội. Lễ hội, bản thân nó, là nơi quy tụ và bộc lộ một cách rõ nét các phong tục, tín ngưỡng, nghi lễ… của người dân địa phương, của một quốc gia. Nói cách khác, thông qua lễ hội ta hiểu được nét đẹp và bản sắc văn hóa của cư dân sinh sống trong không gian văn hóa ấy. Không có cách nào độc đáo, thú vị hơn để khám phá một vùng miền bằng cách hòa mình vào những lễ hội. Tuy nhiên, đáng tiếc thay, nhìn vào thực trạng của khoảng hơn 8000 lễ hội trên cả nước và 27 lễ hội tại Nghệ An hiện nay có thể thấy không ít bất cập, khiến lễ hội phần nào dần mất đi những ý nghĩa tốt đẹp của nó. Câu chuyện tổ chức, quản lý lễ hội cũng đặt ra những bài toán chưa dễ tìm lời giải. Nguyên do vì đâu chúng ta chưa có những lễ hội thực sự mang đậm bản sắc, “thương hiệu” Việt? Vì đâu nhiều lễ hội trở nên biến tướng, phản cảm? Có lẽ cần đi sâu vào căn nguyên vấn đề mới có thể tìm được hướng đi phù hợp để chấn chỉnh, thay đổi, để mùa xuân – mùa của lễ hội – thực sự là mùa mang lại hạnh phúc, niềm tin cho mọi người.

Lễ hội Đền Quả Sơn. Ảnh: Nguyễn Đạo

Lễ hội và những tham vọng

Lẽ dĩ nhiên những lễ hội ra đời bắt nguồn từ nhu cầu của người dân tại các cộng đồng, tức là cũng từ những mong muốn. Song đó là những ước muốn rất người, rất nhân văn, gắn với niềm tin tôn giáo tín ngưỡng. Người ta tổ chức lễ hội với những ý nguyện tốt đẹp như: tưởng nhớ người có công với đất nước, với làng; cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào, nòi giống sinh sôi, gắn kết cộng đồng,… Tất cả những chủ thể tham gia lễ hội đều hướng đến nó với tấm lòng thành kính, trong sáng nhất. Những hoạt động, ý nghĩa của nó gắn với thế giới tâm linh, vượt lên trên thế giới thực tại trần tục. Tuy nhiên, hiện nay, ít nhiều chúng ta đang có hiện tượng trần tục hóa các lễ hội bằng những ham muốn cá nhân, đầy vụ lợi của mình.

Nhiều lễ hội được phục dựng, tổ chức không chỉ với mục đích bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa mà còn để lôi kéo du khách, phát triển du lịch. Mục đích này là chính đáng và sẽ không có gì đáng để bàn nếu như nó giữ đúng “vị trí thứ yếu” của mình. Nghĩa là mục đích đó phải được đặt sau việc bảo tồn giá trị văn hóa, đáp ứng nhu cầu tinh thần, tín ngưỡng cho Nhân dân. Trái lại, hiện nay, nhiều nơi đưa việc lôi kéo du khách, tăng nguồn thu lên làm mục tiêu hàng đầu khiến cho nhiều hoạt động trong lễ hội mang tính vụ lợi. Để lôi kéo người tham gia, người ta sẵn sàng đưa vào nhiều nội dung dù nó không phù hợp với tính chất, không gian văn hóa của lễ hội; khiến lễ hội mất dần đi bản sắc và ý nghĩa của nó. Tình trạng lộn xộn và biến tướng cũng từ đó phát sinh.

Kỳ lạ hơn nữa, nhiều lễ hội hiện nay còn bị áp đặt ý muốn chủ quan từ các nhà nghiên cứu, thậm chí là của báo chí. Lên tiếng trước những hủ tục, hành vi man rợ; những hành vi phản cảm trong lễ hội là cần song điều đó không có nghĩa là chúng ta nên vào cuộc can thiệp “quá sâu”, làm ảnh hưởng đến tính thiêng của lễ hội, nhất là khi chưa thực sự nắm rõ văn hóa của vùng miền, dân tộc ấy. Bởi trong lễ hội, tính thiêng là một yếu tố hết sức quan trọng. Nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng, không có cái nhìn đủ sâu vào đời sống văn hóa tâm linh của người dân bản địa, chúng ta dễ đi đến những kết luận vội vàng, áp đặt, làm tổn thương đến cộng đồng bản địa.

Nhưng có lẽ, điều dễ nhận thấy nhất trong các lễ hội hiện nay vẫn là những ham muốn, tham vọng của người tham dự. Đó không còn là mong muốn chung của cả một cộng đồng, vì cộng đồng, xuất phát từ niềm tin tôn giáo tín ngưỡng thiêng liêng nữa mà người ta tham gia lễ hội với vô vàn những ham muốn, tính toán cá nhân. Người mong bán được nhiều hàng trong lễ hội, kẻ mong chen lấy được lộc để may mắn cho gia đình, cầu thăng quan tiến chức, cầu sức khỏe, cầu tiền tài, tình duyên,… Niềm tin vào thế giới siêu nhiên vẫn còn đó nhưng mang một hình hài khác. Với niềm tin lễ càng lớn lộc càng dày, họ biến không gian lễ hội, các không gian thờ tự linh thiêng thành chốn để ngã giá, hơn thua; nơi thể hiện tư duy mua bán, hối lộ, chạy chọt, nịnh bợ.

Đi qua bao nhiêu mùa lễ hội, chúng ta vẫn loay hoay trong những rối rắm hiện nay có lẽ cũng bởi chính quá nhiều ham muốn chi phối. Lễ hội nên và phải được tổ chức vì chính nhu cầu tinh thần, tín ngưỡng, vì ước vọng của mỗi cá nhân và cộng đồng đang sinh sống. Nói cách khác, lễ hội là không gian thể hiện rất rõ sự dân chủ và chúng ta cần tôn trọng điều đó.

Lễ hội Đền Cuông. Ảnh: Cảnh Yên

Lễ hội và niềm tin

Những bất cập tại các lễ hội hiện nay ít nhiều phản ánh chuyển động đời sống văn hóa tinh thần trong xã hội. Người ta đổ xô đi đền, chùa, lễ hội để cầu may cho bản thân chứ không hiểu nhiều về giá trị văn hóa, ý nghĩa thực sự của lễ hội đó. Những giá trị nhân văn tốt đẹp đã bị chúng ta làm méo mó đi vì tư tưởng vụ lợi, niềm tin thiếu hiểu biết, dần trở thành niềm tin mù quáng, mê tín dị đoan.

Mê tín là hiện tượng tâm lý không chỉ có ở người Việt mà xuất hiện hầu hết mọi nơi trên thế giới. Người ta vẫn truyền nhau những điều kiêng kỵ, điềm báo may rủi; thậm chí ở nhiều nước phương Tây còn có “hội chứng sợ số 13”. Bởi vậy nhiều nước không đánh số nhà số 13… Điều đó dường như chứng minh rằng mê tín là một đặc điểm tâm lý luôn tiềm tàng trong mỗi cá nhân. Phải chăng nó bắt nguồn từ nỗi sợ hãi khi thân phận con người quá nhỏ bé giữa vũ trụ đầy bí hiểm thuở sơ khai. Nỗi sợ hãi bắt nguồn từ quá trình tiến hóa, như trong cuốn “Lược sử loài người” Yuval Noah Harari đã đề cập “nỗi sợ hãi và lo lắng khôn nguôi” của con người khi có bước nhảy ngoạn mục lên vị trí dẫn đầu trong chuỗi thức ăn song do quá nhanh nên chưa có những điều chỉnh để thích nghi, bởi vậy, vẫn là thế yếu trên đồng cỏ. Bởi sợ hãi mà họ trông chờ vào thần linh và những đấng tối cao giúp đỡ. Cùng với sự phát triển của lịch sử, con người dần làm chủ cuộc sống song có những nỗi ám ảnh dường như không mất đi. Các điều kiêng kỵ trên hầu hết đều gắn với một nguyên do nào đó trong lịch sử, trong truyền thuyết hay giáo lý và có thể lý giải. Trong khi đó, tại Việt Nam, mê tín ăn sâu vào đời sống, chi phối gần như mọi hoạt động và lắm khi không thể lý giải nguyên cớ vì đâu. Nên chăng phải xem đây là một hiện tượng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi trong đó chứa đựng rất nhiều vấn đề tồn tại của xã hội.

Khi người ta mù quáng gửi niềm tin của mình vào những điều không thực, có lẽ là lúc con người ta cảm thấy chới với, sợ hãi, bất an và mất niềm tin vào cuộc sống thực tại. Thế nhưng vì đâu lại bất an? Vì đâu lại mất niềm tin? Đó là câu hỏi không dễ trả lời. Trong một đất nước hòa bình, ổn định như chúng ta thì câu hỏi ấy lại khó hơn gấp vạn lần. Chúng ta có thể dễ dàng phỏng đoán một vài nguyên nhân dẫn đến sự mất niềm tin và bất an như: thời đại toàn cầu hóa với vô vàn thông tin, vô vàn xu hướng tác động lên đời sống mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc dường như khiến mọi thứ trở nên khó nắm bắt, khó đoán định và mong manh hơn; thực trạng xã hội với nhiều vấn nạn tồn đọng lâu năm không được giải quyết như tình trạng tham nhũng, hối lộ, chạy chức chạy quyền; tình trạng thất nghiệp của người trẻ… khiến người dân dần mất đi niềm tin; biến đổi khí hậu, dịch bệnh khiến người ta cảm thấy thân phận con người ngày càng nhỏ bé và mong manh trước vũ trụ…

Bên cạnh sự bất an và mất niềm tin, việc Nhân dân trở nên mê tín, có những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức một phần cũng bởi sự thiếu hiểu biết về tôn giáo, tín ngưỡng; sự sai lệch trong truyền bá, quản lý. Bên cạnh đó, thực trạng này còn do bởi một bộ phận đã lợi dụng vào tâm linh để kinh doanh, trục lợi trong khi người dân dễ bị dẫn dụ theo tâm lý đám đông,… Trách nhiệm của ngành văn hóa là rất lớn trong câu chuyện này.

Để kịp thời chấn chỉnh những bất cập của các lễ hội, chúng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lí, tổ chức lễ hội nhưng thiết nghĩ, để giải quyết dứt điểm tình trạng này phải đẩy mạnh công cuộc chấn hưng văn hóa; lấy lại niềm tin vào đời sống, vào những giá trị tốt đẹp cho người dân. Chúng ta phải làm sao để đưa những lễ hội trở về đúng với giá trị của nó. Làm sao để tuyên truyền và giúp người dân hiểu được ý nghĩa của từng lễ hội khi tham gia; để họ thấy rằng cái họ được không nằm trong những thứ phải mất tiền, mất sức tranh giành. Quan trọng hơn, chúng ta phải thoát khỏi từng hiện tượng cụ thể để nhìn một cách tổng thể. Đó là văn hóa Việt, bản sắc Việt đang từng ngày từng giờ bị làm méo mó, biến dạng bởi chính cách bảo tồn, khôi phục không đúng hướng.

Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Ấn Độ, Mahatma Gandhi đã từng nói: “Tôi không muốn ngôi nhà của mình bị vây kín giữa những bức tường và những khung cửa sổ luôn luôn bịt chặt, tôi muốn văn hóa của mọi miền đất tự do thổi vào ngôi nhà đó. Nhưng tôi sẽ không bị cuốn đi bởi bất cứ ngọn gió nào”. Muốn xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thiết nghĩ, chúng ta phải giữ vững những giá trị của mình để không bị “ngọn gió nào cuốn đi” trong thời đại ngày nay. Phải làm sao để không tự mình làm méo mó, biến dạng những giá trị văn hóa đang có, không để ngôi nhà văn hóa bị lung lay bởi chính chúng ta. Muốn khắc phục triệt để, không có con đường nào khác là tập trung xây dựng, giáo dục con người. Bởi đó chính là chủ thể sáng tạo nên văn hóa. Những bất cập trong lễ hội nói riêng và trong đời sống văn hóa nói chung thời gian gần đây cho thấy đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Chúng ta biết cái chuông “thần thánh” đó ở đâu. Vấn đề ai sẽ là người đánh chuông?

Trang Đoan