Cả nước ta đang sôi nổi kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (7-5-1954/2024), kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Cuối năm nay, Quân đội nhân dân Việt Nam – đội quân cách mạng “Bộ đội Cụ Hồ” – tròn 80 năm ra đời và phát triển. Tháng Tư năm sau, cả nước lại tưng bừng kỷ niệm tròn nửa thế kỷ kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/2025). Đó là những sự kiện chính trị trọng đại, những cột mốc lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là một đề tài văn học lớn, một dòng văn học có nhiều thành tựu rực rỡ, hợp lưu cùng nền văn học Việt Nam hiện đại. Sau năm 1975, dòng văn học này tiếp tục vận động với những chiều kích mới, sắc thái mới, trong một thời đại đổi mới đầy biến động, góp phần làm nên diện mạo văn học Việt Nam đương đại. Nhưng dòng văn học về đề tài này cũng đang đặt ra nhiều vấn đề mới về xây dựng đội ngũ, về cách tân nghệ thuật, về con đường đi đến trái tim bạn đọc…

“Xứng tầm” và “đỉnh cao”

Ngày nay, mặc dù xuất hiện một vài ý kiến chưa thống nhất khi đánh giá thành tựu văn học đề tài về Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng (sau đây xin được nói gọn là văn học về chiến tranh và người lính), nhưng không ai có thể phủ nhận rằng: dòng văn học ấy đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Có thể nói, trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, văn chương và chính trị đã tạo nên một cuộc gặp gỡ đẹp và hay, vì một mục đích hết sức thiêng liêng cao cả. Văn học trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc đã làm nhiệm vụ chính trị một cách tự giác, nhà văn tìm thấy niềm cảm hứng sáng tạo lớn của mình trong nhiệm vụ chính trị. Đây là bài học lớn và thời gian càng đi qua, càng thấy rõ ý nghĩa to lớn ấy.

Cũng cần khẳng định rằng: đó dứt khoát không phải là một dòng văn học “minh họa” như một số người gần đây nhân danh “đổi mới” để phán xét. Thực tiễn đời sống văn học cho thấy văn thơ thời kỳ kháng chiến cứu nước cũng có nhiều tác phẩm có sức sống lâu dài, có giá trị trên nhiều mặt. Chỉ tính riêng những tác phẩm được viết trong chiến tranh, nếu muốn tìm hiểu về những ngày u ám nhất nhưng cũng bất khuất nhất của người dân Nam Bộ trong những năm tháng ấy, không thể không nhắc đến các tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Thi, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Văn Bổng, v.v… Hoặc muốn hiểu dân tộc Việt Nam đã tồn tại mãnh liệt ra sao trên mảnh đất Khu Năm máu lửa và kiên cường, không thể không nhớ tới những trang viết rất hiện thực nhưng cũng đầy chất lãng mạn của Phan Tứ; nếu muốn biết bộ đội và thanh niên xung phong lạc quan ra sao ngay trong những ngày bom đạn, không thể không nhắc tới một phong cách độc đáo của thơ Phạm Tiến Duật. Và nếu muốn tìm hiểu bộ đội chủ lực đã chiến đấu và hy sinh ra sao, không thể không nhắc tới những trang viết vừa nồng nhiệt vừa triết lý sâu sắc của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Xuân Thiều…

Tuy nhiên, trên các diễn đàn chính thống, đôi khi cũng có những nhận định rằng chúng ta chưa có những tác phẩm đỉnh cao, chưa xứng tầm với sự nghiệp kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc. Nhiều người tâm đắc với nhận định trên đây, nhưng cũng không ít người phản biện. Có lần trong một cuộc tọa đàm văn chương, khi có người nêu nhận định trên đây, nhà văn Lê Minh Khuê đã phản ứng: Xin hỏi các vị cần gì? Cần về số lượng tác phẩm ư? Chúng ta có ngay những nhà văn mà tác phẩm xếp cao hơn đầu người. Vậy, đó có phải là tác phẩm xứng tầm thời đại không? Chẳng có tầm nào đâu, bởi so ra thì còn thua một truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu viết về chiến tranh. “Mảnh trăng cuối rừng” của Nguyễn Minh Châu, văn chương chẳng khổng lồ về số trang nhưng nó hay và mẫu mực. Theo tôi, đó là một tác phẩm “xứng tầm” thời đại…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có thể điểm danh hàng chục nhà thơ xuất sắc, như: Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Xuân Quỳnh, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Thi Hoàng… Trên tinh thần đổi mới hiện nay mà nhìn nhận, thì trong bối cảnh lúc đó, các nhà thơ phải sáng tác trong một cái “khung” hẹp, đôi khi phải hi sinh nghệ thuật vì yêu cầu của thời cuộc, nhưng thơ họ vẫn cực kỳ hay. Những bài thơ chiến tranh của Phạm Tiến Duật nâng đỡ tinh thần người lính và đông đảo công chúng lúc đó. Thơ có tác động tích cực đến cuộc kháng chiến, tức là “nhà thơ công dân” đã tác động tốt đến xã hội. Bởi vậy, không nên đánh giá bất công với những thành tựu văn học mà chúng ta đã đạt được. Văn học chiến tranh và người lính một thời gian dài là món ăn tinh thần của người đọc, thì đó chính là thành tựu. Nếu có chăng chút đáng tiếc, thì văn học viết về chiến tranh của chúng ta đến nay vẫn chưa rút ra một điều gì đó mang “tầm” khái quát triết học. Các thế hệ nhà văn của chúng ta vừa qua mới làm được cái việc là đưa tư tưởng vào trong văn học, nhưng tư tưởng và đạo đức không phải là văn học. Cách phản ánh tư tưởng bằng nghệ thuật ngôn từ mới là văn học và chỉ có các nhà văn đồng thời là nhà tư tưởng thì mới làm được điều đó!

Các tác phẩm viết về đề tài Chiến tranh. Ảnh: PV

Đổi mới từ “điểm nhìn”

Như đã nói, do yêu cầu của thời cuộc nên trong kháng chiến cứu nước, đôi khi nhà văn phải chịu hi sinh nghệ thuật, phải đặt cái “ta” trên cái “tôi”. Nhưng sau chiến tranh, văn học viết về chiến tranh khác rất nhiều, khác trước hết là ở sự đổi mới tư duy nghệ thuật.

Trước năm 1975, điểm nhìn nghệ thuật của nhà văn là điểm nhìn sử thi. Trong “Mảnh trăng cuối rừng” của Nguyễn Minh Châu, cô Nguyệt ở trong cabin ô tô cũng chính là “mảnh trăng cuối rừng” ở bên ngoài buồng lái. Đó là hình ảnh tượng trưng lãng mạn trong chiến tranh. Hoặc như anh Lữ trong “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu, lúc ở trên đồi cao gọi pháo bắn vào chỗ mình đứng, thấy “hoa hoàng hôn rạng ngời lên” thì đấy cũng chính là “thi vị hóa” sự khốc liệt. Nhưng sau chiến tranh, Nguyễn Minh Châu là người tiên phong trong khuynh hướng sáng tác phi sử thi hóa. Văn chương ít nói về bình diện chiến thắng mà nói về những góc khuất của chiến tranh. Từ “Cỏ lau” của Nguyễn Minh Châu đến “Đất trắng” của Nguyễn Trọng Oánh, “Hai người trở lại trung đoàn” của Thái Bá Lợi, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Lính trận” của Trung Trung Đỉnh, “Đối chiến” của Khuất Quang Thụy, “Vùng lõm” của Nguyễn Quang Hà… thì ngôn ngữ phi sử thi hóa tràn vào trang viết. Ngày trước, các tác giả ấy viết về niềm lạc quan, sự lãng mạn trong chiến tranh… thì bây giờ họ viết về mặt sau của chiến tranh, thế sự hơn, đời thường hơn, có tốt, có xấu…

Văn học “hậu chiến” viết về hình ảnh phía kẻ thù cũng khác. Ngày trước, nhân vật kẻ thù được miêu tả là khát máu moi tim ăn gan người, là ngốc nghếch, vô văn hóa… Nhưng sau năm 1975, nhiều nhân vật kẻ thù trong văn học cũng có văn hóa, lịch sự, trong những khoảnh khắc nào đó họ cũng rất “con người”. Trong chiến đấu họ cũng có khi quyết liệt, không khoan nhượng. Đánh thắng một kẻ thù có văn hóa khó hơn là đánh thắng một kẻ vô văn hóa. Đọc “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, chúng ta nhận ra hình ảnh người lính phía bên kia có văn hóa cao, nhặt được quyển nhật ký mà trước đó người viết là kẻ nã đạn vào mình, xem qua rồi anh ta đã trân trọng giữ lại: “Đừng đốt! Trong đó đã có lửa”. Anh ta giữ mấy chục năm sau, tìm mọi cách để trả lại cho thân nhân của quyển nhật ký. Hãy thử hình dung vào thời ấy, nếu một anh bộ đội nhặt được quyển nhật ký của kẻ thù và cất trong ba lô, thì anh ta sẽ bị xử lý như thế nào?

Tài năng và bản lĩnh

Ngày nay, sau gần nửa thế kỷ kết thúc chiến tranh, người viết có độ lùi cần thiết để nhìn về cuộc chiến. Độ lùi giúp người viết bình tĩnh, tỉnh táo hơn, khách quan hơn, toàn diện hơn. Nhưng điều đó cũng bất lợi là càng lùi xa thì tình cảm có thể lắng đọng nhưng sẽ phai nhạt đi, ký ức mờ đi… Người viết lại bị áp lực của cách nhìn, của tư duy thời bình và những vấn đề chính sách tồn đọng sau chiến tranh… Tất cả nó dội vào người viết.

Hiện nay chúng ta vẫn đang loay hoay tìm cách trả lời thật trọn vẹn và thấu đáo câu hỏi: Làm thế nào để có tác phẩm hay về đề tài chiến tranh và người lính? Cần có tài năng để viết tác phẩm hay, tác phẩm lớn… thì rõ rồi. Nhưng, chăm sóc tài năng và tạo điều kiện cho tài năng sáng tạo thì lại là câu chuyện khác. Thế hệ các nhà văn trưởng thành trong kháng chiến, thậm chí là thế hệ trưởng thành trong giai đoạn đầu của công cuộc Đổi mới, thì nói như nhà văn Khuất Quang Thụy từng có lần thừa nhận là “đã hoàn thành sự nghiệp, nếu viết nữa cũng chỉ là sự kéo dài”. Vậy thế hệ nhà văn trẻ hôm nay cần những phẩm chất gì của người sáng tạo? Có phải chăng là cần cái nhìn, tầm nhìn về cuộc chiến tranh đã qua?

Hiện nay, đôi khi đây đó vẫn có người viết văn kêu ca rằng tự do sáng tác bị bó buộc. Nhưng thực tế thì cái “trần” tự do sáng tạo thời nay không phải là quá hẹp, mà đã đủ cao và rộng để nhà văn sáng tạo ra tác phẩm lớn. Đảng ta đã công khai đề cập vấn đề “cởi trói” cho văn nghệ từ gần 40 năm trước và chúng ta đã từng có rất nhiều tác phẩm “viết khác” được tôn vinh như vừa kể trên đây. Tuy nhiên, tâm lý “dè chừng” của một thời bị quản lý bởi một vài quan niệm cực đoan, cứng nhắc… vẫn ám ảnh nhiều người viết, khiến họ đôi khi sợ bóng sợ gió, rồi “co vòi” lại. Nhà văn Sương Nguyệt Minh từng thú nhận: “Cứ mỗi khi tôi ngồi viết thì có một ông biên tập vô hình đứng bên cạnh; cứ viết dữ dội, viết gai góc một tí là ông ta kéo áo mình nhắc nhở; hoặc mình muốn lật lại cái nhìn về cuộc chiến tranh khác với con mắt mình đã từng soi chiếu xem sao, thì cái anh nhà văn công dân, nhà văn đảng viên… lại nhắc nhở mình…”.

Trong quá trình lao động sáng tạo, nhà văn luôn đầy những áp lực. Hiện thực đời sống, hệ sinh thái văn chương và nhu cầu thẩm mỹ của công chúng văn học hiện nay khiến nhà văn càng bị áp lực hơn. Nói riêng về văn học đề tài chiến tranh và người lính, bên cạnh tiếng nói chung, gặp gỡ ở lợi ích dân tộc, thì rất cần có nhiều tiếng nói riêng đặc sắc. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng và bản lĩnh của người viết. Văn học viết về chiến tranh bây giờ đòi hỏi phải ngẫm ngợi nhiều. Ngẫm ngợi để tìm ra những giá trị mới, những bài học mới, những góc khuất cần được bạch hóa… là hết sức cần thiết. Nhưng nếu càng ngẫm ngợi mà càng xa cái mục đích ban đầu của cuộc chiến, thì không còn là văn học nữa. Chiến tranh là hiện thực đã xảy ra không thể thay đổi. Chỉ có cách nhìn, cách viết là phải thay đổi. Vấn đề là đổi mới như thế nào? Chẳng hạn khi viết về kẻ thù, cần khách quan và công tâm với những cái tốt, cái hay của họ; nhưng viết về cái tốt, cái hay của kẻ thù mà khiến người đọc yêu kẻ thù hơn anh giải phóng quân, thì là… thất bại!

“Tin ở hoa hồng”

Chiến tranh kết thúc đã gần tròn nửa thế kỷ. Một thế hệ nhà văn mới đã hình thành. Họ không quan sát cuộc chiến tranh bằng cuộc đời của mình, bằng sự trải nghiệm của bản thân, mà là quan sát bằng mắt. Họ được chuẩn bị kỹ càng về văn hóa, điều kiện sống và điều kiện học tập tốt hơn. Nguồn tài liệu chiến tranh hiện nay quá phong phú, đầy đủ và tiếp cận rất dễ dàng. Nhà văn trẻ muốn viết về trận Pleime chẳng hạn, thì họ không cần phải ngồi nghe Thượng tướng Nguyễn Hữu An kể chuyện chiến đấu nữa, mà lấy tư liệu trên Google, hoặc nghe các vị tướng tá của Mỹ, thậm chí đếm được bao nhiêu xác lính Mỹ do phía biên kia thống kê… Nhưng, khả năng phân tích các tài liệu ấy như thế nào để hiểu ra bản chất cuộc chiến lại là một thách đố. Chẳng hạn, nhà văn trẻ làm sao hiểu được trước đây trong 1 trận đánh, chỉ cần bắt được 1 lính Mỹ mà lại phải hy sinh hàng chục người lính, đã là một thắng lợi? Và nữa, đã đến lúc chúng ta phải hiểu được câu chuyện chiến tranh Việt Nam không chỉ là của Việt Nam mà là câu chuyện của nhân loại, thì tư duy sáng tác mới khác đi. Truyện ngắn “Ba người đàn bà trên sân ga” của Hữu Phương, được Nguyễn Quang Lập và Nguyễn Thanh Vân đưa lên màn ảnh, được Liên hoan phim châu Á – Thái Bình Dương năm 2000 trao giải cao nhất, vì đó không chỉ là câu chuyện chiến tranh Việt Nam, mà là số phận con người, là câu chuyện hậu chiến có thể bất kỳ quốc gia nào.

Theo dõi đời sống văn học những năm gần đây, có nhiều tín hiệu khả quan về đội ngũ nhà văn mới sáng tác về đề tài chiến tranh. Họ đã bắt đầu tự tin, không còn “kính nhi viễn chi” nữa; hình như họ đã tìm được cách giải mã cách viết về chiến tranh trong thời đại mới. Tất nhiên chúng ta còn phải chờ đợi. Chờ đợi nhưng không thụ động, phải biết tạo niềm tin, tạo giá trị tinh thần, tạo đà cho thế hệ sau được giao lưu, tích lũy, có tầm nghĩ và tầm nhìn vượt lên, đưa tinh thần thời đại vào tác phẩm. Sáng tác văn học thì không đào tạo được, chỉ có thể bồi dưỡng nâng cao phông văn hóa và kinh nghiệm sáng tác cho người viết trẻ hôm nay. Nhưng lý luận và phê bình thì có thể đào tạo được. Các cơ quan quản lý phải chọn những người viết trẻ có năng khiếu, có lòng say mê văn học để gửi đi học ngoại ngữ và học chuyên môn ở những nước có truyền thống lý luận văn nghệ. Điều này trước đây Nhà nước ta đã làm rất tốt, nhưng hiện nay có nhiều bất cập.

Đồng thời, các nhà văn thế hệ đi trước, thấy nhà văn trẻ hôm nay viết khác mình cần phải biết trân trọng, đừng kỳ thị cho họ là lai căng, là non kém, thiếu vốn sống, ít trải nghiệm… Một thời chúng ta chỉ biết đến và đề cao phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, mà không biết còn một bộ phận nhân loại rất lớn đang sống với những giá trị mỹ học đặc sắc, rực rỡ. Hơn nữa, ngày nay các nhà văn trẻ có đông đảo công chúng là bạn đọc trẻ. Sự đồng cảm giữa họ đôi khi bạn đọc lớn tuổi không nhận ra, không hiểu và chia sẻ được. Mà tương lai văn học nước nhà thuộc về lớp trẻ, kể cả người viết và người đọc.

Cũng cần nhắc lại lần nữa: nhà văn chân chính dù ở lứa tuổi nào cũng không ngây thơ đến mức đòi hỏi thứ dân chủ quá trớn. Vả lại, công việc viết văn cũng không cần thứ tự do vô hạn độ, vô chính phủ, nhưng lại rất cần một sự dân chủ cần thiết, sự tự do cần thiết để viết thoải mái những điều nhà văn cần thể hiện. Đảng ta chủ trương “cởi trói” văn nghệ, khuyến khích tìm tòi sáng tạo, chấp nhận cá tính sáng tạo… Nhưng có một khoảng chênh vênh như “đi trên dây” của nghệ thuật, mà người quản lý văn chương nghệ thuật phải hiểu được để chia sẻ với người viết. Chưa xa lắm câu chuyện một vài cơ quan tuyên giáo phản đối truyện ngắn “Bóng anh hùng” của Doãn Dũng, truyện dài “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, hay bài thơ “Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở Ủy ban nhân dân” của Đàm Chu Văn. Mặc dù đó thực sự là những tác phẩm tốt và hay, có sức sống lâu dài. Trong công tác quản lý văn nghệ nên cố gắng tránh những chuyện tương tự như thế xảy ra…

Mai Nam Thắng