Chuyện rằng sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân sang thăm Liên Xô và được phía bạn bố trí một nữ phiên dịch tiếng Pháp hằng ngày giúp đỡ ông. Một sáng Chủ nhật mùa đông, nhiệt độ ngoài trời dưới âm mười độ, cô gái đến chờ ông ở lễ tân khách sạn. Ông xuống và đưa tiền nhờ cô chạy đi mua giúp một bông hồng. “Trời ơi, mùa này hoa hồng đắt hơn vàng!” – cô gái kêu lên, nhưng ông vẫn kiên quyết: “Đắt mấy cũng mua, đây là yêu cầu của tôi!”…

Cô gái chạy ra ngoài phố, lát sau mang về một bông hồng: “Hoa của ông đây. Những mười rúp cơ đấy!” Nhà văn trịnh trọng cầm bông hoa đến trước mặt cô gái, nói: “Hoa này là của cô. Tôi tặng cô vì hôm nay là Chủ nhật, đáng lẽ cô được nghỉ ngơi, nhưng vì tôi mà cô phải đội mưa tuyết đến đây…”. Cô gái từ bất ngờ chuyển sang xúc động, run run đỡ lấy bông hoa và òa khóc nức nở như một đứa trẻ…

Ảnh minh họa: Trang Đoan

Câu chuyện trên đây tôi chỉ được nghe kể lại trên sách báo. Nhưng có một sự việc ứng xử với hoa như sau mà chính tôi được chứng kiến: Hôm đó, trên một con phố đẹp bậc nhất của Hà Nội, một “tổ trật tự phường” sau khi đuổi kịp anh thanh niên bán hoa dạo, đã thẳng tay “trấn áp” người bán hoa vì anh này nhiều lần bị xua đuổi nhưng vẫn tái phạm nội qui đường phố. Họ giằng vứt tung tóe những bó hoa tươi của anh ta ra đường. Anh thanh niên nổi nóng, dùng hung khí chống trả và cuối cùng bị đưa về đồn công an gần đó… Chắc chắn người thanh niên sẽ bị xử phạt về tội bán hàng rong nơi không được phép và tội chống người thi hành công vụ. Nhưng những người dân chứng kiến sự việc hôm đó thì vô cùng bất bình trước hành vi thô bạo của “lực lượng chức năng”; nhất là hành vi giằng giật, vứt ném những bó hoa tươi…

Có một câu chuyện nữa cũng về hoa, được đông đảo công chúng biết đến vì nó được chụp ảnh, ghi hình và phổ biến rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng. Ấy là vào dịp cuối năm 2020, nước ta bị mưa lũ dồn dập, thiên tai hoành hành. Đặc biệt ở khu vực miền Trung, nhiều chiến sỹ bộ đội bị hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ vì núi lở và lũ quét, hàng chục công nhân bị vùi lấp vì sạt lở đập thủy điện; hàng trăm ngôi làng khắp trong Nam ngoài Bắc tiêu điều xơ xác, khiến đồng chí, đồng bào cả nước quặn thắt đau thương… Dịp ấy trùng với lịch đại hội nhiệm kỳ ở các địa phương. Đây là sự kiện hệ trọng đã được chuẩn bị từ trước theo kế hoạch thống nhất toàn quốc. Có điều, trong hoàn cảnh nhiều nơi đang tang tóc như vậy, trong lúc nhiều đại biểu của nhiều đại hội phải vắng mặt để “ra trận” chỉ đạo phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, nhưng ban tổ chức một số đại hội vẫn vô tư trưng rất nhiều hoa quá mức cần thiết. Hoa tràn ngập khán đài, tràn ngập hội trường để chào mừng đại hội. Hoa rực rỡ xếp chật phòng khách chúc mừng các đồng chí vừa trúng cử. Đại hội nào cũng được báo chí ưu tiên trang nhất, giờ vàng. Sau khi dư luận phản ứng và mạng xã hội phê phán, một số phương tiện truyền thông vốn sốt sắng đưa tin các đại hội đã có sự điều chỉnh về liều lượng, khéo léo “tránh” các băng rôn khẩu hiệu chào mừng và những tràng vỗ tay hân hoan nhiệt liệt, nhưng hoa thì vẫn quá nhiều, quá mức cần thiết, quá “lạc lõng” trong bối cảnh thiên tai hoạn nạn…

Còn nhớ cách nay gần hai chục năm, một học giả lớn ở phía Nam qua đời, để lại di chúc đề nghị những người yêu quý ông không mang hoa đến viếng và toàn bộ tiền phúng viếng thì xin góp vào quỹ giúp đỡ người nghèo. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… đã thực hiện đúng di nguyện của ông. Đám tang của ông không có nhiều hoa, nhưng có hàng ngàn người đi sau linh cữu và hàng vạn người đứng hai bên đường phố vĩnh biệt ông. Nhiều người đã khóc ông như khóc một người thân yêu ruột thịt trong gia đình…

Lại nhớ cũng cách nay gần hai chục năm, quán triệt quan điểm “Tiết kiệm là quốc sách” của Đảng và Nhà nước, trong giấy mời đến dự lễ kỷ niệm thành lập, lễ khánh thành, lễ mừng công… của nhiều cơ quan, đơn vị có dòng ghi chú “Đề nghị quý đại biểu không mang hoa tặng”. Đây là việc làm thiết thực và hiệu quả, được dư luận hoan nghênh và nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện. Đáng tiếc là “mô hình” này đang bị mất dần… và hiện nay rất nhiều buổi lễ đó đây lại tràn ngập hoa tặng. Có những buổi lễ “hoa cả mắt” vì hoa. Và người ta ước tính số tiền mua hoa ấy có thể xây được vài căn nhà tình nghĩa ở nông thôn, miền núi; chưa kể công sức và tiền của phải bỏ ra để xử lý số “rác hoa” sau buổi lễ…

Ảnh minh họa, nguồn: nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn

Hoa là sản vật quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho loài người, để con người thưởng lãm và trao tặng cho nhau. Tặng hoa là hành vi văn hóa rất đáng trân trọng và hàm ơn; nhưng trong một số trường hợp nếu lạm dụng thái quá thì sẽ là việc làm lãng phí, hình thức, thậm chí còn gây phiền toái và tác hại. Đồng thời, việc nhận hoa và “chơi hoa” cũng phần nào thể hiện cái “tầm” văn hóa của mỗi người, mỗi tổ chức. Ấy là chưa kể, việc ứng xử với hoa như trong trường hợp của “tổ trật tự phường” kể trên còn là biểu hiện sự sa sút về văn hóa công quyền cần được khẩn trương chấn chỉnh hiện nay. Dư luận đang có quá nhiều những lời kêu ca, phàn nàn, băn khoăn, lo ngại… về những biểu hiện thiếu lương tâm và trách nhiệm, thiếu công tâm và minh bạch, thiếu văn hóa và đạo đức… trong một bộ phận không nhỏ những người thừa hành công vụ của bộ máy công quyền.

Từ Đại hội toàn quốc lần thứ XI Đảng ta đã xác định phải “coi trọng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý”. Đây là yêu cầu sát hợp với thực tiễn cuộc sống và phù hợp với nguyện vọng của toàn dân. Bởi vì “văn hóa trong lãnh đạo, quản lý” chính là biểu hiện của văn hóa chính trị và là “tấm gương phản chiếu” trung thực và sinh động trình độ văn hóa của một bộ máy, một thể chế. Để xây dựng văn hóa công quyền – văn hóa chính trị – cần phải thông qua nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “vừa hồng, vừa chuyên”, “có tâm, có tầm” là biện pháp có ý nghĩa quyết định nhất. Tuy nhiên, cùng với đó cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, chung sức xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh. Việc gì dân chưa hiểu, thậm chí có những đòi hỏi và hành vi “vượt mức” thì cần phải kiên trì giải thích, hướng dẫn và xử lý với tinh thần và thái độ “thượng tôn pháp luật” và tôn trọng Nhân dân.

Dân gian nói rằng “người ta là hoa của đất”. Văn hóa công quyền là “lấy dân làm gốc”; cán bộ, đảng viên là “đầy tớ của Nhân dân”. Theo đó, ứng xử với dân như người đời ứng xử với hoa, ấy là biểu hiện của văn hóa công quyền – văn hóa chính trị vậy!

Mai Nam Thắng

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 27, tháng 9/2022)