Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 tổ chức cuối tháng 11/2021 vừa qua, quan điểm “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” được nhiều đại biểu nhấn mạnh, phân tích và đề cao trong các tham luận của mình. Đây là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946. Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 75 năm qua đã chứng minh “văn hóa soi đường” cho dân tộc ta vượt qua muôn trùng gian khổ khó khăn, tiến hành sự nghiệp kháng chiến cứu nước thành công, xây dựng đất nước sau chiến tranh và tiến hành công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu hết sức to lớn và toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh Thành Duy

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay, chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu về kinh tế. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng: nguyên nhân của sự tụt hậu này không chỉ nằm trong kinh tế mà còn nằm trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa. Thậm chí nguyên nhân quan trọng nhất là do những hạn chế về văn hóa hội nhập của chúng ta. Không có văn hóa hội nhập thì không thể hội nhập thành công. Không có văn hóa hội nhập thì chẳng những kinh tế bị tụt hậu mà nhiều lĩnh vực khác cũng bị thua thiệt, đặc biệt là nguy cơ “hòa tan” bản sắc văn hóa dân tộc. Mà văn hóa dân tộc là “thẻ căn cước”, là “mã định danh” của một dân tộc. “Văn hóa dân tộc còn thì dân tộc còn” như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 vừa qua.

Từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Ủy ban Văn hóa và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) đã có khuyến cáo rằng: Bước sang thế kỷ 21, nền khoa học của nhân loại có những bước tiến như vũ bão, làm đảo lộn nhiều giá trị tưởng như đã ổn định. Những thành tựu kỳ diệu của khoa học, công nghệ… sẽ kéo theo những thay đổi về văn hóa, tác động sâu sắc đến các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Vì vậy, các dân tộc cần chuẩn bị cho quá trình hội nhập một cách thông minh, trên cơ sở bảo tồn vững chắc những tinh hoa truyền thống của nền văn hóa dân tộc mình, góp phần làm phong phú nền văn hóa chung của nhân loại. Sự “chuẩn bị” ấy chính là quá trình xây dựng văn hóa hội nhập cho dân tộc để tham gia hội nhập toàn cầu, trong đó có hội nhập văn hóa.

Văn hóa hội nhập là khái niệm có biên độ mở, bao gồm cả những kỹ năng cần thiết khi giao lưu, quan hệ, trao đổi, “làm ăn” với nước ngoài. Trong đó yêu cầu trước hết là phải hiểu biết những quy định pháp lý của đối tác và quốc tế. Có như vậy mới không bị lép vế, thua thiệt mà cái giá phải trả cho sự “khờ khạo” trên “sân chơi lớn” thường là rất đắt. Đồng thời, văn hóa hội nhập đòi hỏi phải có bản lĩnh khi tiếp xúc – tiếp nhận cái mới, cái khác; biết tôn trọng sự đa dạng, khác biệt nhưng cũng phải biết chọn lọc tiếp thu, biết loại bỏ những thứ không phù hợp, thậm chí là xấu, độc.

Từ Đại hội lần thứ XII, Đảng ta xác định phải “xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế”. Có thể nói, đây chính là cốt lõi của văn hóa hội nhập Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa. “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế”, vì văn hóa không đứng ngoài chính trị và kinh tế. Hội nhập văn hóa cũng đồng thời diễn ra trong quá trình hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế diễn ra theo xu hướng hòa đồng các giá trị kinh tế; còn quá trình hội nhập văn hóa thì vấn đề cốt tử là phải bảo tồn cho được các giá trị riêng biệt, đó chính là bản sắc văn hóa của dân tộc. Và nữa, hội nhập văn hóa có những đặc thù riêng, không giống hội nhập trong các lĩnh vực khác. Đó là sự thống nhất giữa “nhận” và “cho”. “Nhận” cái mới của nước ngoài nhưng chúng ta cũng phải “cho” thế giới, đóng góp cho thế giới những điều đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Tức là, trong quá trình hội nhập văn hóa, chúng ta không chỉ tiếp biến văn hóa nhân loại, “gạn đục khơi trong” để làm giàu có thêm kho tàng văn hóa Việt Nam, mà văn hóa Việt Nam có thể đóng góp những giá trị đặc sắc gì của mình vào văn hóa chung của nhân loại. Văn hóa Việt Nam có đủ tầm vóc, bản lĩnh, tự tin để tham gia định hình những giá trị chung trong văn hóa của nhân loại. Đó là một nội dung quan trọng của văn hóa hội nhập trong hội nhập văn hóa. Và đó cũng là cách để làm “đầy” thêm vốn văn hóa truyền thống của dân tộc; bởi khác với các loại tài nguyên vật chất khác, tài nguyên văn hóa càng khai thác và “cho đi” thì càng giàu có thêm, góp phần xây dựng một thế giới đa dạng bản sắc văn hóa.

Lịch sử nhân loại chưa có một nền văn hóa nào, kể cả những nền văn hóa lớn và có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, mà có thể tồn tại và phát triển một cách biệt lập, riêng biệt, khép kín với các nền văn hóa khác. Nhưng hội nhập bao giờ cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực là giao lưu và hội nhập sẽ giúp cho văn hóa mỗi dân tộc luôn phát triển, tiếp nhận được những tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác để bồi đắp thêm cho văn hóa của dân tộc mình, đồng thời cũng quảng bá được những giá trị văn hóa của dân tộc mình cho các dân tộc khác. Tuy nhiên, cùng đó là nguy cơ “đồng hóa” các hệ giá trị, các chuẩn mực văn hóa dân tộc, đe dọa tính sáng tạo của các nền văn hóa dân tộc, dẫn đến tình trạng “vong bản”, thậm chí thủ tiêu các giá trị văn hóa dân tộc. Điều này trong lịch sử đã từng xảy ra với một số dân tộc trên thế giới.

Hội diễn văn nghệ các dân tộc tỉnh Nghệ An. Ảnh Trang Đoan

Bản sắc văn hóa của một dân tộc chính là cốt cách của dân tộc ấy. Đó là những phẩm chất tương đối ổn định và bền vững, bởi nó được hình thành và tồn tại trong lịch sử phát triển của dân tộc. Đồng thời, cốt cách dân tộc được thể hiện rõ nhất là ở lĩnh vực văn hóa, làm nên bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng chính là giữ gìn cốt cách của dân tộc. Và một nền văn hóa giữ được cốt cách dân tộc sẽ là một nền văn hóa có đủ nội lực đề kháng, chống lại các cuộc “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài. Một nền văn hóa như vậy mới đủ tự tin và bản lĩnh để tiếp nhận chọn lọc những giá trị văn hóa của các dân tộc khác, “dân tộc hóa” những giá trị văn hóa nhân loại để đồng hành cùng nhân loại.

Dân tộc Việt Nam trải qua nghìn năm Bắc thuộc, trăm năm Pháp thuộc và hai mươi năm xâm lược của đế quốc Mỹ. Trong quá trình đó, các thế lực ngoại bang luôn tìm mọi cách đồng hóa dân tộc ta về văn hóa. Nhưng văn hóa Việt vẫn trường tồn, vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Được như vậy là nhờ ông cha ta đã giữ được cốt cách dân tộc, biết cách bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc; đồng thời biết tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại, “Việt hóa” thành công những giá trị văn hóa từ bên ngoài. Nội lực ấy của nền văn hóa Việt Nam là một nguồn lực làm nên sức mạnh tổng hợp, giúp dân tộc Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giữ vững bờ cõi.

Tuy nhiên, trong quá trình giao lưu văn hóa hiện nay, sự xâm nhập, thẩm thấu các giá trị văn hóa ngoại lai vào nước ta diễn ra thông qua nhiều hình thức, nhiều con đường rất tinh vi, thông qua các loại hình nghệ thuật phức hợp, khiến bên tiếp nhận nhầm tưởng mình đang thụ hưởng một thứ văn hóa quen thuộc của chính dân tộc mình. Ấy là chưa kể, đang có những âm mưu làm mờ nhòe ranh giới, thậm chí làm “mù nhận thức” của người tiếp nhận để áp đặt một nền văn hóa phục vụ mục đích kinh tế và chính trị. Có thể nói, đấy là những cuộc xâm lăng không tiếng súng, nhưng nó có thể giết chết tinh thần của dân tộc. Nguy cơ ấy đòi hỏi dân tộc ta phải khẳng định bản lĩnh văn hóa của mình, để không tự đánh mất mình, không hòa tan và cuối cùng biến mất trong khát vọng tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá.

Và nữa, nếu không khẳng định được bản lĩnh văn hóa của dân tộc mình, thì cũng không thể phát huy được “sức mạnh mềm” của văn hóa dân tộc trong thời đại hội nhập toàn cầu, như một số nước gần gũi chúng ta đã biết cách sử dụng hữu hiệu sức mạnh ấy trong quá trình “hóa Rồng, hóa Hổ”. Cũng như trong lịch sử dân tộc, nếu nền văn hóa truyền thống của Việt Nam không đủ sức đề kháng, thì dân tộc Việt Nam đã bị bại liệt, đã bị thủ tiêu bởi các thế lực xâm lược hùng mạnh hơn nhiều lần. Đó là bài học nhỡn tiền thiết thực cho văn hóa hội nhập trong quá trình hội nhập văn hóa ngày nay.

Mai Nam Thắng

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 20, tháng 1+2/2022)