Tôi sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng miền Trung gió lào cát trắng. Tuổi thơ chúng tôi có hai nỗi ám ảnh: Sợ tàu bay Mỹ và đói bụng, lúc nào cũng thèm ăn. Lên tuổi chín, mười là chúng tôi đã phải lao động phụ giúp bố mẹ. Chuyện yêu hoa, trồng hoa, chơi hoa… là những khái niệm thật… xa hoa(!)

Mà ngày ấy quê tôi hầu như chỉ có hai loài hoa phổ biến là dâm bụt và dong riềng. Dâm bụt thì nhà nào cũng có vì đó là thứ cây làm bờ rào ngăn vườn rất dễ trồng. Loài cây này trổ hoa quanh năm, bất kể tháng Đông hay mùa Hạ. Dong riềng là thứ cây lương thực phụ nhưng phải phòng cơ tích cốc quanh năm, nên quanh năm vườn nhà nào cũng lấp ló những bông hoa đỏ rực như những búp lửa. Thế là mỗi khi cần đến một bó hoa, chỉ việc chạy ra vườn một loáng là có ngay. Đám cưới, hội nghị, tặng thầy cô ngày Hiến chương Nhà giáo, tiễn tân binh lên đường nhập ngũ… là rực rỡ những bó hoa dong riềng và dâm bụt. Rồi lễ truy điệu liệt sĩ, viếng đám ma người làng, đặt trên ban thờ tổ tiên ngày giỗ chạp… cũng là hoa dâm bụt, dong riềng…

Hoa loa kèn

Mãi đến những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi mới quan tâm đến một loài hoa có cái tên rất lạ: loa kèn! Ấy là hồi tôi mới ngoài hai mươi tuổi, làm nhân viên nhà văn hóa một sư đoàn bộ binh đóng ở Quảng Trị. Một lần tôi đọc được truyện ngắn Có một đêm như thế của Phạm Thị Minh Thư, giải Nhất cuộc thi truyện ngắn năm 1980-1981 của tạp chí Văn nghệ quân đội. Tác phẩm cuốn hút tôi bởi một lối viết mới mẻ, truyện lồng trong truyện rất hấp dẫn. Và bởi một mối tình thầm kín, hé nở trong một đêm chiến tranh ở ngoại thành Hà Nội, cũng là những tâm tư tình cảm của tuổi trẻ đất nước trong những năm tháng hào hùng mà bi tráng. Ám ảnh trong tôi là hình ảnh một bông hoa loa kèn còn sót lại trong khu vườn đêm, kín đáo tỏa hương bên đầm nước lăn tăn tăm cá, dưới vầng trăng đỏ ối trong một đêm Hè ngột ngạt sắp bão…

Là một chàng lính say mê văn học từ hồi phổ thông, tôi biết ngụ ý cái đêm ngột ngạt ấy là bối cảnh của đất nước trước một trận đánh lớn quyết định vận mệnh của dân tộc. Và bông hoa loa kèn bé nhỏ mảnh mai đang lặng lẽ tỏa hương chính là cô nữ sinh trong trắng bên chàng sinh viên sắp sửa ra trận. Nhưng ngoài sự tưởng tượng về một bông hoa trắng muốt, hình dáng như một cái loa kèn do chính tên gọi của nó gợi nên, thực tình lúc đó tôi chưa biết hoa loa kèn là loài hoa như thế nào.

Chủ nhiệm Nhà văn hóa Sư đoàn là một họa sĩ người Hà Nội, nói với tôi: “Hoa loa kèn chính là bông hoa trong bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ của danh họa Tô Ngọc Vân”. Thật thế ư? Bức tranh ấy thì tôi đã được xem và được đọc khá nhiều về nó trong sách báo. Đó là bức vẽ một thiếu nữ mặc áo dài trắng, đang nghiêng đầu một cách tự nhiên về phía lọ hoa cũng màu trắng, trông như những chiếc loa bé xíu. Hình dáng cô gái cùng những chi tiết và màu sắc xung quanh tạo thành một hình khối hài hòa giản dị, toát lên một nét buồn vương vấn, nhẹ nhàng. Bức tranh không gợi lên một chân dung nhân vật cụ thể, nó như một biểu tượng về sự trong sáng, trữ tình, gợi điều gì đó thanh cao, bình lặng, trinh trắng của người thiếu nữ…

Nhưng tại sao tên tác phẩm lại gọi là “Thiếu nữ bên hoa huệ”? Vẫn là anh họa sĩ Chủ nhiệm Nhà văn hóa Sư đoàn giải thích: “Loa kèn là tên gọi khác của hoa huệ. Cơ mà hoa huệ trong bức tranh ấy là huệ tây, còn gọi là hoa bách hợp hoặc chuộng ngoại thì gọi là hoa lys, là loài hoa mới du nhập vào nước ta hồi đầu thế kỷ XX, rất được các gia đình quyền quý giàu sang và lớp thanh niên tân thời trọng vọng. Hoa huệ ta cũng cánh trắng nhị vàng nhưng là vàng ươm và mùi thơm đậm hơn, từ cành tới lá mang vẻ “mộc” hơn. Ngoài việc để trang trí thưởng thức, thì hoa huệ ta còn dùng để thờ cúng. Hà Nội bốn mùa có nhiều loài hoa, nhưng tớ chỉ ấn tượng nhất là mùa hoa loa kèn tháng Tư và mùa hoa sữa tháng Mười. Vì sao ư? Phải là người Hà Nội hoặc sống ở Hà Nội nhiều năm mới cảm được và hiểu được!”…

Nghe vậy thì biết vậy, tôi đâu ngờ dăm năm sau đó tôi được ra Hà Nội tu nghiệp rồi định cư làm công dân Thủ đô đến nay ngót nghét đã gần bốn chục năm. Trải nghiệm gần bốn chục mùa hoa loa kèn, tôi đã phần nào cảm và hiểu được cái điều anh họa sĩ Chủ nhiệm Nhà văn hóa Sư đoàn tâm sự. Không hiểu sao, cứ mỗi mùa hoa ấy, trong tâm trạng man mác, ngậm ngùi có phần trang nghiêm rất khó tả, tôi lại nhớ về những chi tiết, khung cảnh trong truyện ngắn Có một đêm như thế mà nhiều đoạn tôi đã nhập tâm thuộc lòng. Vâng cái đêm hôm ấy đã trôi qua dưới vầng trăng màu đỏ, dòng người đi sơ tán qua các cửa ô và mùi hương loa kèn e ấp, dịu dàng bên mặt đầm. Chàng sinh viên ấy đã mang theo cái dáng người thiếu nữ như một bông loa kèn đang vươn lên, để ra mặt trận. Và anh ấy đã không trở về, như bao đồng đội của anh đã không trở về, sau Mùa Xuân đại thắng 1975…

Tháng Tư, hoa loa kèn, chiến tranh, tình yêu, chờ đợi, hi sinh, chiến thắng… Tất cả cùng hòa trộn thăng hoa. Bài thơ “Hoa loa kèn” tôi viết trong một dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng 30-4, được đăng báo và được nhiều người đồng cảm. Nhà phê bình văn học Đoàn Minh Tâm viết trên báo Văn nghệ Công an số ra ngày 1-12-2014: “Hoa loa kèn chỉ nở vào tháng Tư, tháng của cuộc hành quân thần tốc lịch sử, tháng của bản hùng ca bất tử và cũng là tháng của những mất mát, hy sinh. Vì vậy, dẫu có thế nào đi nữa, nhà thơ vẫn không thể không viết: Mùa hoa dâng bản hùng ca náo nức/ Riêng những nốt trầm tê tái rụng về hoa… Sự mất mát, hy sinh to lớn là có thật. Cái bi hùng càng là hiển nhiên. Nhưng, vượt lên trên tất cả là hoa, là cái đẹp của người thiếu nữ như hoa buổi đầu hẹn ước: dịu dàng, trong trắng, tinh khôi…”.

Nhà thơ Phạm Đình Ân cũng nhận xét về bài thơ Hoa loa kèn của tôi: “Chỉ hai câu thôi: Mùa hoa dâng bản hùng ca náo nức/ Riêng những nốt trầm tê tái rụng về hoa… tác giả đã cho thấy sự việc diễn ra nghịch lý biết nhường nào, buốt xót đến bao nhiêu! Ngay cả việc “thắp hoa” cũng là nghịch lý khi khép lại bài thơ. Tuy nhiên, nỗi đau xót của những số phận riêng lẻ nếu được đẩy đến tận cùng chăng nữa, thì có thể sẽ giảm đi rất nhiều trước chiến thắng lẫy lừng đã cứu được cả một đất nước, cứu được cả một dân tộc. Sau hương khói nụ cười nhói trắng là như vậy!”.

Thực tình, tôi không còn nhớ khi viết bài thơ Hoa loa kèn, tôi có nghĩ được những điều như các anh đã viết trên đây. Nhưng chắc chắn rằng đó là cảm xúc chân thành và là những liên tưởng của tôi khi nói về Ngày chiến thắng 30-4. Những cảm xúc và liên tưởng ấy, nếu không được sống với những mùa hoa loa kèn Hà thành, tôi không sao có được!

Hoa loa kèn

Người nép bên hoa đã thành vĩnh cửu

Người chia tay hoa đã hóa vô danh

Hóa cánh rừng sốt rét tái xanh…

Hóa vầng trăng hạ tuần ối đỏ!

 

Chỉ còn lại tháng Tư thiếu nữ

Trắng kiêu sa lộng lẫy Hà Thành

Trắng tinh khôi lời hẹn hò thứ nhất

Trắng dịu dàng năm cánh mỏng xinh…

 

Và tháng Tư hồi âm

Mùa hoa nâng những bước chân thần tốc

Mùa hoa dâng bản hùng ca náo nức

Riêng những nốt trầm tê tái rụng về hoa.

 

Sớm mai này tháng Tư

Chị lặng lẽ thắp hoa

Sau hương khói nụ cười nhói trắng…

Mai Nam Thắng
(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam số 22, tháng 4/2022)