Tháng trước, tôi được một tạp chí văn nghệ địa phương ở miền Trung mời vô dự hội nghị tổng kết công tác năm 2022, kết hợp gặp mặt cộng tác viên gần xa của tạp chí. Thật chẳng uổng công vượt gần ngàn cây số tự túc tiền tàu xe, chuyến đi đã cho tôi được gặp lại mấy người bạn đồng môn đại học hơn ba chục năm trước, nay đều là những văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, tiến sĩ… Thật mừng cho các bạn!

Câu chuyện hàn huyên trong cuộc rượu hội ngộ bữa đó, chẳng rõ thế nào lại bị cuốn vào sự kiện nóng sốt vừa xảy ra ở địa phương sở tại: Nhiều bác sĩ giỏi của bệnh viện tỉnh đã và đang nộp đơn xin nghỉ việc. Hàng chục giáo viên giỏi các nhà trường phổ thông công lập ở mấy thị xã và thành phố cũng đã và đang nộp đơn xin nghỉ việc. Đặc biệt, một số cán bộ công chức mấy ngành vốn là niềm mơ ước của thiên hạ lâu nay, như: ngân hàng, tài chính, môi trường, xây dựng… cũng đã nộp đơn xin nghỉ việc. Lý do xin nghỉ đa số đều là vì sức khỏe bản thân, hoặc vì hoàn cảnh gia đình, nhưng dư luận thì biết rõ mười mươi là họ đã được các nhà trường ngoài công lập, các bệnh viện và phòng khám tư nhân, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài chào mời, với các khoản đãi ngộ và môi trường làm việc hấp dẫn gấp nhiều lần so với vị trí hiện tại của họ.

Chuyện ấy đang là hiện tượng chung của cả nước, có gì lạ đâu? Theo tài liệu của ngành nội vụ công bố mới đây, thì từ năm 2020 đến nay, cả nước có gần 40 ngàn cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư. Trong đó tỉ lệ xin nghỉ ở trung ương là 18% và địa phương là 82%; tập trung nhiều nhất là ở 2 ngành y tế và giáo dục, cùng một số ngành “hot” như vừa nêu trên.

Vâng, đúng là chuyện chẳng có gì mới lạ. Cơ mà điều đáng nói là rất nhiều những người rẽ ngang, “rời ghế” ấy, trước đây từng được bao cấp đào tạo chuyên môn theo tiêu chuẩn học sinh cử tuyển; hoặc là công chức, viên chức được cử đi học hàm thụ, tại chức, nghiên cứu sinh… nhưng vẫn được hưởng nguyên lương. Tóm lại, họ thành tài là nhờ tiền Nhà nước. Thế mà nay họ mang cái tài ấy đi phục vụ khu vực ngoài Nhà nước thì có hợp lý, hợp tình không và Nhà nước phải xử lý họ như thế nào?

Thế là đám thực khách cố nhân chúng tôi “hăng hái hùng hổ” luận bàn, ý kiến tựu trung chia thành 2 phe “đả” nhau rất quyết liệt.

Phe thứ nhất cho rằng: cần phải truy thu số tiền Nhà nước đã đài thọ đào tạo họ thành tài. Hơn thế nữa, phải xử phạt cao gấp nhiều lần chi phí Nhà nước đã đài thọ, thì mới có sức răn đe ngăn chặn vấn nạn “chảy máu chất xám” lâu nay đang là một trong những kênh lãng phí bậc nhất ở nước ta.

Phe thứ hai thì cho rằng: với cơ chế tuyển dụng và trọng dụng nhân tài như hiện nay, thì thà rằng đền bù một khoản tiền để được làm việc và cống hiến trong những môi trường lý tưởng, còn hơn “bó thân về với quê nhà” để phải đối mặt với một tương lai không sáng sủa, một môi trường khó có cơ hội thăng tiến, một cơ chế xin-cho cùng những cuộc đua chen của đồng tiền và quyền lực. Đây đó lâu nay vẫn nói rằng “hiền tài là nguyên khí của quốc gia” và luôn sẵn sàng “chiêu hiền, đãi sĩ”, nhưng thực tế thì…

Đến lượt tôi được góp lời: cả hai phe các bạn đều có lý và có phần đúng! Nhưng trong trường hợp này mà gọi những người được hưởng bổng lộc Nhà nước để thành tài rồi quay lưng lại với Nhà nước là “hiền tài” thì tôi không đồng ý. Vì sao ư? Vì họ có thể là những nhân tài nhưng nhất quyết không thể là những hiền tài. Nhân tài là những người có năng lực xuất sắc, có khả năng làm giỏi và có sáng tạo trong một công việc, một ngành, một lĩnh vực cụ thể. Còn hiền tài là người tài cao, học rộng và có đạo đức, một lòng một dạ vì lợi ích của Nhân dân, của Tổ quốc. Hiền tài không bao giờ hành xử kiểu tham bát bỏ mâm, “cạn tàu ráo máng”, thực dụng, vụ lợi… Hiền tài là người tài, có đức, có trách nhiệm và chỉ những người có tài, có đức, có trách nhiệm mới thực sự là “nguyên khí của quốc gia”!

Cách đây gần 600 năm, sau khi đánh đuổi hoàn toàn giặc Minh, lên ngôi vua mới hơn một năm, ngày mồng Một tháng Mười âm lịch năm 1429, Thái tổ Lê Lợi đã ban hành tờ chiếu với nội dung như sau: “Trẫm nghĩ, muốn thịnh trị, phải có người hiền tài; muốn được người hiền tài, phải do tiến cử. Người đứng đầu thiên hạ phải lo việc ấy trước tiên (…). Vậy ra lệnh cho đại thần văn võ, công hầu đại phu từ tam phẩm trở lên, mỗi người tiến cử một người, ở trong triều hay ngoài thôn dã, đã làm quan hoặc chưa làm quan (…). Ai tiến cử được người hiền sẽ được trọng thưởng”.

Quan điểm về việc tìm “nhân tài giúp nước” trên đây của tiền nhân được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục thể hiện trong bài viết “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu quốc ngày 20-11-1946: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.

Đất nước ta có được như hôm nay là nhờ những người tài đức như trên đã chung tay góp sức vì dân vì nước; cùng dân tộc vượt qua biết bao thăng trầm cam go. Và ngày nay, đất nước ta đang rất cần những người tài đức chung tay góp sức cùng làm “những việc ích nước lợi dân”; góp phần đẩy lùi những trì trệ, tiêu cực, quốc nạn… để hội nhập và phát triển; trong đó có cả việc đấu tranh đẩy lùi những hạn chế, bất cập, tiêu cực trong tuyển dụng và trọng dụng nhân tài. Chỉ những nhân tài lúc này dám chấp nhận khó khăn, cản trở; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nghiệp lớn của dân tộc, thì mới xứng đáng là hiền tài! Và tất nhiên, cần kíp những giải pháp và biện pháp hữu hiệu để bảo vệ những nhân tài dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đừng để họ trở thành nạn nhân của những hẹp hòi, đố kỵ, phe nhóm và những bất cập của cơ chế, luật lệ hiện hành…

Vẫn biết rằng trong thời đại ngày nay thì làm việc ở đâu cũng đều là một hình thức cống hiến cho xã hội, cho đất nước. Tuy nhiên, nếu những nhân tài được cống hiến trực tiếp cho đất nước, tại các cơ quan nhà nước, tại các doanh nghiệp và tổ chức trong nước… thì vẫn thiết thực và ý nghĩa hơn. Vì vậy, Nhà nước và các tổ chức kinh tế – xã hội trong nước cần tích cực và nhạy bén hơn nữa trong việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Và cả các bạn thân mến của tôi nữa, nếu chúng ta không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để cùng nhau vượt lên; nếu chúng ta không làm một cái gì đó đặng góp sức thắp lửa thổi bùng “nguyên khí của quốc gia”, mà ngồi đâu cũng chém gió chê bai chuyện “chiêu hiền, đãi sĩ” ở ngành này cấp nọ, thì bao giờ những “sĩ” này “sĩ” nọ mới được là Sĩ phu, Kẻ sĩ?

Mai Nam Thắng

(Bài đã đăng tạp chí Sông Lam số 30, tháng 1+2/2023)