Ngày 22-10-2018, Ban Chấp hành TW Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nhấn mạnh: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển” và lần đầu tiên, khái niệm “văn hóa biển, đảo” được nêu lên trong một văn kiện quan trọng của Đảng ta.

Việt Nam là một quốc gia biển, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, với trên 3.260 km bờ biển và diện tích hơn 1 triệu km2; trong đó có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đây là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước bi tráng của dân tộc. Bởi vậy, Việt Nam có một kho tàng văn hóa biển – đảo rất phong phú và độc đáo. Trong đó, các loại hình văn học, nghệ thuật thể hiện niềm tự hào giang sơn gấm vóc, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và ca ngợi cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển – đảo… là một bộ phận hết sức quan trọng của kho tàng văn hóa biển – đảo Việt Nam.

Nói riêng về văn học và chỉ tính từ thời kỳ Trung đại đến nay, đã có biết bao áng văn chương tuyệt tác về biển – đảo, trong đó có tác phẩm của những bậc đế vương, như: Lê Thánh Tông, Thiệu Trị…; có tác phẩm của những danh nhân trí thức như: Trương Hán Siêu, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Nguyễn Xuân Ôn, Trần Cao Vân, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, v.v… Đặc biệt là khối lượng những tác phẩm thơ văn viết về biển đảo của các thế hệ nhà văn Việt Nam hiện đại, tiêu biểu là những tác phẩm được tôn vinh tại Giải thưởng Văn học về đề tài biên giới và biển, đảo viết từ năm 1975 đến nay, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tháng 11-2020, như: Đảo chìm (tiểu thuyết của Trần Đăng Khoa), Huyền thoại tàu không số (bút ký của Đình Kính), Trường Sa kỳ vĩ và gian lao (ký sự của Sương Nguyệt Minh), Biển xanh màu lá (tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Thủy), Trường Sa trong mắt trong (tập truyện ngắn của Nguyễn Mạnh Hùng), Tổ quốc nhìn từ biển (tập thơ của Nguyễn Việt Chiến), Sóng trầm biển dựng (trường ca của Đoàn Văn Mật), Hạ thủy những giấc mơ (trường ca của Nguyễn Hữu Quý), Nơi khôn thiêng của biển (tập thơ của Nguyễn Hữu Quang), Ba phần tư trái đất (tập thơ của Thi Hoàng) Ngang qua bình minh (trường ca của Lữ Thị Mai), Mộ gió (tập thơ của Trịnh Công Lộc), v.v…

Đặc điểm nổi bật của thơ văn Việt Nam viết về biển – đảo xưa nay, bên cạnh cảm hứng lãng mạn, kỳ vĩ mà biển, đảo gợi nên, thì chủ yếu là ngợi ca giang sơn bờ cõi của đất nước, ngợi ca những võ công hiển hách gắn liền với những địa danh biển, đảo và khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng. Nói cách khác, các thế hệ nhà văn Việt Nam viết về biển, đảo với cảm hứng công dân và tâm thế dân tộc là chủ đạo. Đặc biệt những năm gần đây, thơ văn Việt Nam viết về biển đảo là viết về những người lính hải quân giữ biển, những ngư dân bám biển và lực lượng kiểm ngư thực thi pháp luật trên biển; là tinh thần “Cả nước hướng về Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu”…

Với cảm hứng và tâm thế ấy, những năm gần đây mỗi khi chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bị xâm phạm hoặc bị đe dọa, thì cùng với đồng chí, đồng bào cả nước, các nhà văn cũng rầm rộ “ra quân” ào ạt trên các phương tiện truyền thông. Điều đó cho thấy ý thức công dân, tinh thần dân tộc vẫn luôn luôn thường trực trong mỗi nhà văn Việt Nam. Có điều là trong các “phong trào” sáng tác về biển đảo ấy thì chỉ thơ là “áp đảo”, còn văn xuôi còn khá khiêm tốn. Tất nhiên, văn xuôi, nhất là tiểu thuyết, cần có độ lùi về thời gian. Nhưng truyện ngắn và ký hay về biển đảo đến thời điểm hiện nay vẫn còn hiếm thì thật đáng tiếc.

Xin nói thêm về thơ viết về biển đảo sau những đợt “Biển Đông dậy sóng” vừa qua, có cảm giác như không khí thơ thời chống Mỹ cứu nước đã tái hiện, với nét nổi bật là sự cộng hưởng giữa nhà thơ với công chúng, với xã hội, với thời đại. Chỉ khác là cái hào khí của thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã để lại một loạt tên tuổi với những tác phẩm đi cùng năm tháng; còn thơ ca viết về biển đảo trong thời gian gần đây, sau những cao trào rầm rộ thì sự lắng đọng lại trong trí nhớ độc giả và trong đời sống văn học không nhiều. Trong các cuộc đàm đạo văn chương, trên các diễn đàn văn học, thường chỉ một vài tác phẩm được nhớ, được nhắc nhiều như các trường ca “Hạ thủy những giấc mơ” của Nguyễn Hữu Quý, “Tổ quốc đường chân trời” của Nguyễn Trọng Văn… cùng một số bài thơ, như: “Mộ gió” của Trịnh Công Lộc, “Hào phóng thềm lục địa” của Nguyễn Thanh Mừng, “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến, “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai, v.v… Kể cả trong số những bài thơ nổi trội trên đây, vẫn hiếm có những câu thơ ấn tượng, “để đời” như trong một số bài thơ và trường ca viết về biển – đảo của một số nhà thơ đương thời như Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Anh Ngọc, Ngô Xuân Hội… viết cách nay đã trên dưới bốn chục năm.

Thực trạng trên đây, có lẽ vì thơ viết về biển đảo gần đây vẫn mang tính phong trào, nặng về cổ động. Nhiều tác giả viết về biển đảo chủ yếu theo cảm hứng sử thi; dựa vào các sự kiện lịch sử để lập tứ dàn ý khiến người đọc cảm thấy mòn cũ bởi bắt gặp quá nhiều những hình ảnh quen thuộc như: cọc Bạch Đằng, sóng Lục Đầu Giang, sóng Cửu Long Giang, cửa Thần Phù, trận Rạch Gầm – Xoài Mút, v.v… Một số tác giả khác lại vẫn say sưa nói về những biểu tượng của Trường Sa như hoa muống biển, cây phong ba, cây bàng quả vuông… nhưng không có phát hiện gì mới. Cũng có những tác giả có ý thức lao động chữ nghĩa, đổi mới cách viết về biển – đảo, nhưng do thiếu trải nghiệm, thiếu thực tế, thiếu vốn sống về biển – đảo, nên những nỗ lực sáng tạo của họ lại trở nên sáo và “diễn”.

Tất nhiên, không phải nhà văn muốn viết hay về biển đảo thì phải được ra tận nơi Trường Sa, Hoàng Sa, phải mục sở thị về biển – đảo. Nhưng về cơ bản và nhất là trong bối cảnh thời sự hiện nay, việc được chứng kiến cuộc sống, lao động, sẵn sàng chiến đấu… của quân và dân biển – đảo; được trải nghiệm thực tế ở Trường Sa, Hoàng Sa, khu vực DK1… là điều kiện hết sức quan trọng. Bởi vậy, thiết nghĩ cần phải thay đổi cách đi thực tế biển – đảo và Trường Sa như trong thời gian qua. Hội Nhà văn Việt Nam cần phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân cùng các lực lượng hữu quan để tổ chức những chuyến đi thực tế biển, đảo dành riêng cho các nhà văn, phù hợp với điều kiện biển đảo và đặc điểm tác nghiệp của họ; không nên tổ chức cho nhà văn đi chung với các đoàn đại biểu ra thăm Trường Sa kiểu “gặp nhau lần nào cũng vội” như lâu nay. Nhà văn phải được nhìn thật gần biển, đảo thì sáng tác của họ mới gần với cuộc sống, với tình cảm của bộ đội và ngư dân trên biển, đảo. Xin nêu một ví dụ: Những chuyện khát nước, chuyện khát thư… chuyện đi nhặt trứng chim, trứng vích… của bộ đội Trường Sa bây giờ không giống như trong chùm thơ được giải và và trong tiểu thuyết “Đảo chìm” của Trần Đăng Khoa mấy chục năm trước nữa. Tâm tư, nguyện vọng của bộ đội Trường Sa bây giờ như thế nào khi các chế độ đãi ngộ ở ngoài đó cao gấp 3 lần so với trong đất liền? Trong đêm tối mênh mông, nhất là vào mùa biển động, những người lính trên các nhà giàn trơ vơ ở DK1 suy nghĩ gì? Cảm giác của họ trong những hoàn cảnh ấy ra sao? Sự hiện diện của họ ở đây là tự nguyện hay chấp nhận? Nếu được lựa chọn thì họ sẽ lựa chọn điều gì? Vân vân và vân vân… Miêu tả, diễn đạt, lý giải những điều đó nếu chỉ bằng tài năng bẩm sinh và trí tưởng tượng của nhà văn chắc chắn là không đủ!

Đồng thời, Hội Nhà văn Việt Nam và các hội văn nghệ địa phương cần phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, nói chuyện thời sự, cấp phát tài liệu chuyên đề… để nâng cao nhận thức và kiến thức về biển – đảo cho các nhà văn. Biển – đảo Việt Nam có vùng chủ quyền hoàn toàn, vùng đặc quyền kinh tế, vùng quyền chủ quyền, vùng quyền tài phán… nếu không phân biệt được những khái niệm đó thì đôi khi sáng tác của nhà văn sẽ là sự nhầm lẫn đáng tiếc. Hoặc như không ít nhà văn khi viết về Trường Sa thường gắn thêm DK1, tức là đem khu vực hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam gắn vào vùng đang có tranh chấp quốc tế. Như thế là tự mình “làm khó” cho mình, làm khó cho đấu tranh ngoại giao theo công pháp quốc tế. Và nữa: Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) là gì? Thỏa thuận DOC là gì? Bộ qui tắc ứng xử trên biển Đông COC mà nước ta đang tích cực thúc đẩy ký kết là như thế nào?… Đó là những kiến thức thời sự phổ thông mà nhà văn không thể không quan tâm.

Cuối cùng, Hội Nhà văn Việt Nam nên định kỳ phát động những cuộc thi sáng tác về đề tài biển – đảo cho các thể loại văn học. Đây phải là những cuộc thi văn chương uy tín, sang trọng, trị giá giải thưởng lớn, do Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tổ chức. Nếu có đơn vị đồng tổ chức thì phải là những bộ, những ngành liên quan hữu trách, khả dĩ tạo điều kiện cho cuộc thi có thêm độ sâu và bề rộng. Các ngành kinh tế, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm tài trợ kinh phí chỉ được gắn logo trên các ấn phẩm và tờ rơi, băng rôn… chứ không đứng tên tham gia Ban tổ chức. Kết quả mỗi cuộc thi sẽ được chọn lọc xuất bản thành ấn phẩm tinh tuyển và phát hành phi thương mại để phổ biến rộng rãi trong toàn xã hội. Phải đầu tư lớn, công phu và chuyên nghiệp như vậy mới có thể góp phần sáng tạo nên những tác phẩm hay, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao về biển – đảo. Trong tình hình hiện nay, rất nên có một tạp chí văn học chuyên đề về biển – đảo; các báo và tạp chí, các đài phát thanh và truyền hình… nên mở trang văn học về đề tài biên giới, biển – đảo hàng tuần hoặc hàng tháng. Đồng thời, ngoài các thư viện truyền thống hiện có, cần xây dựng thư viện điện tử, hiệu sách điện tử chuyên đề về biển – đảo để bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ, dễ dàng tiếp cận được tác phẩm mọi lúc, mọi nơi, phù hợp với cuộc sống hiện đại thời 4.0.

Chưa bao giờ đề tài về biển – đảo được những người cầm bút quan tâm như hiện nay. Sáng tác về biển – đảo được xác định như một nhiệm vụ cần kíp, một nhu cầu tự thân, một trách nhiệm công dân của nhà văn Việt Nam. Lịch sử văn học Việt Nam từ xưa tới nay đã có không ít những áng thơ văn bất hủ về biển – đảo thiêng liêng của Tổ quốc, được ví như những cột mốc chủ quyền bằng văn chương. Thế hệ những người cầm bút ngày nay có quyền mơ ước và có trách nhiệm phải góp phần xây dựng thêm những cột mốc như thế!

Mai Nam Thắng