Tối nay 22/4, Sở Văn hóa và Thể thao, Đài PT-TH Nghệ An phối hợp cùng UBND huyện Đô Lương long trọng tổ chức khai hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan (Thập niên sự lệ) năm 2024 và công bố Lễ hội là Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia. 

Đại biểu tham dự buổi lễ

Tham dự có ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL). Về phía tỉnh Nghệ An có ông Bùi Đình Long, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Trần Mỹ Hạnh, Giám Đốc Sở VH&TT; Đại diện Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Cảnh Việt Nam; Lãnh đạo UBND huyện Đô Lương, cùng đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn.

Đền thờ Thái phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan tại xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương.

Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (1521-1576) là nhân vật lịch sử có công lớn đối với đất nước thời Lê. Sau khi ông qua đời đã được triều đình cho lập đền thờ tại xã Tràng Sơn (huyện Đô Lương). Để tưởng nhớ công ơn và bảo tồn những giá trị văn hoá tốt đẹp của dòng họ, kể từ năm 1604, cứ 10 năm một lần, vào ngày Rằm tháng Ba âm lịch, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh cùng nhân dân trong vùng lại tề tựu về Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan tại xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An để tổ chức lễ hội truyền thống “Lễ hội chay” hay còn gọi là “Thập niên sự lệ”.

Năm 2024, Lễ hội “Thập niên sự lệ” đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: trong chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, dòng họ Nguyễn Cảnh với gần 600 năm sinh cơ, lập nghiệp đã trở thành dòng họ có bề dày truyền thống, còn lưu giữ được rất nhiều di sản quý báu trên mảnh đất Đô Lương – Nghệ An. Trong đó, “Thập niên sự lệ” là lễ hội bắt nguồn từ văn hoá dân gian, nơi có sự hòa quyện giữa tín ngường thờ thần và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, là dịp để nhân dân tôn vinh, tưởng nhớ công lao của Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan và nhiều thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh có công lớn trong lịch sử dân tộc…

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh cũng đề nghị nhân dân huyện Đô Lương, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh làm tốt hơn nữa, phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng, dòng họ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hoá, để tiếp bước truyền thống tổ tiên, làm rạng danh cho dòng tộc, đất nước.

Toàn cảnh buổi lễ

Tại buổi lễ, đại diện Cục Di sản – Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã trao Bằng công nhận Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan là Di sản phi vật thể cấp quốc gia cho chính quyền địa phương và dòng họ Nguyễn Cảnh.

Đại diện lãnh đạo tỉnh, huyện và dòng họ Nguyễn Cảnh nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Sau phần công bố quyết định và trao bằng công nhận di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan là chương trình nghệ thuật “Sáng mãi bài ca truyền thống” với nhiều tiết mục ca, múa, nhạc ca ngợi quê hương, đất nước. Chương trình có 3 chương: Từ cội nguồn lịch sử; Nơi đất lành hội tụ và “Thập niên sự lệ” – Di sản mãi trường tồn.

Một tiết mục  trong chương trình nghệ thuật “Sáng mãi bài ca truyền thống”
Đông đảo bà con nhân dân tham dự buổi lễ

Năm nay Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 21 – 23/4 (tức ngày 13 đến ngày 15 tháng 3 năm Giáp Thìn) với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, như lễ rước tổ tiên, lễ cầu siêu, cầu an, lễ rước thần, hành hương về cội nguồn, biểu diễn văn nghệ, võ thuật, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian… trong đó lễ rước thần từ đền Nguyễn Cảnh Hoan đến chùa Phúc Mỹ và đền Đức Hoàng (xã Yên Sơn) và ngược lại là một trong những điểm nhấn quan trọng, hấp dẫn của lễ hội.

Tin: PV. Ảnh: Hữu Hoàng