Khi được Đoàn Ca kịch Quảng Nam đặt hàng viết kịch bản về Mẹ Thứ (tôi muốn viết hoa chữ Mẹ), quả thật, tôi có chút lo lắng. Sự lo lắng này, thường xuyên xảy đến mỗi khi làm sân khấu, nhưng lần này có vẻ hơi khác. Là bởi, đây là một đề tài rất khó. Đương nhiên rồi, làm nghệ thuật không chấp nhận sự dễ dãi. Nhưng cũng có những đề tài tôi để mặc cho cảm hứng tuôn trào, bởi câu chuyện cũng như nhân vật đã có sẵn trong đầu, chỉ chờ dịp là tuôn ra. Mỗi kịch bản là một quá trình sáng tác khác nhau, cũng vì sự lý thú đó mà tôi vẫn đủ năng lượng theo nghề, hay nói một cách khác, vì làm nghề đủ lâu rồi nên bản thân tìm ra được những sự lý thú riêng của mình. Điều này cũng giống như một ông thợ lành nghề, ở mỗi sản phẩm đều truyền đam mê cũng như kinh nghiệm của mình theo một cách thần kỳ nào đó. Thật ra tôi không coi công việc của mình là cái gì ghê gớm như một số đồng nghiệp vẫn thường hay nói để ca tụng chính mình, thậm chí là tự huyễn hoặc mình. Tôi chỉ coi mình như một người thợ, và đôi lúc tự hỏi, không biết tay nghề của mình đang ở bậc nào. Mà đôi khi, không biết mình ở bậc nào cũng có cái hay riêng, là để giữ cho mình luôn ở tâm trạng bừng cháy rừng rực như ngày mới bắt đầu.

Trước tượng đài mẹ Nguyễn Thị Thứ

Và thế là tôi hăm hở bắt tay vào công việc sáng tác. May quá, tôi đã đọc rất nhiều tài liệu về Mẹ Thứ cách đây ít năm, do lúc đó có một lời đề nghị viết kịch bản phim truyền hình về người Mẹ vĩ đại này. Nhưng rồi, do một vài yếu tố khách quan, và nhất là do dịch COVID-19, dự án đó coi như đổ bể. Tất nhiên, những tài liệu cũng như ý tưởng kịch bản lúc ấy lại không dùng được, do hai loại hình nghệ thuật khác nhau. Với phim truyền hình, tôi thích hình ảnh ngọn đèn của Mẹ. Ngày trước Mẹ Thứ và chồng lấy nhau, cuộc sống kham khổ, ngọn đèn dầu còn là niềm mơ ước. Sau này, ngọn đèn ấy lại là dấu hiệu để mẹ báo cho các chiến sĩ quân giải phóng dưới hầm là đã bình yên. Ở phim ảnh, việc đặc tả ngọn đèn là điều dễ dàng, nhưng với sân khấu, lại không đem lại hiệu quả gì. Và thế là, tôi phải cùng đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên bàn bạc để có phương án tối ưu nhất.

NSND Triệu Trung Kiên luôn có những ý tưởng ấp ủ từ rất lâu, chỉ chờ để đưa vào những vở diễn. Với anh, sân khấu là luôn sáng tạo, dù nhiều khi do những sáng tạo khác biệt ấy mà vở diễn không được đánh giá cao. Đương nhiên rồi, đã sáng tạo, đã đổi mới thì phải chấp nhận. Chúng tôi hay làm việc với nhau cũng là bởi cùng suy nghĩ đó. Như lần trước, ở vở cải lương “Bên dòng Long Khốt”, sau đó đã đạt giải xuất sắc trong Liên hoan Cải lương toàn quốc 2022 tại Long An, tôi nói với Triệu Trung Kiên, bắt buộc chúng ta phải đưa một con voi lên sân khấu. Không có con voi ấy, ý tưởng kịch bản sẽ không được rõ nét. Và may mắn thay, trong Liên hoan năm ấy, hai người diễn viên vốn không xuất phát từ diễn viên lại được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tặng giải Thể hiện xuất sắc hình tượng nhân vật. Lần này, Triệu Trung Kiên cũng trình bày với tôi về một vài ý tưởng của anh. Rằng người mẹ trong kịch phải là người mẹ toàn quốc nhưng mang màu sắc Quảng Nam, điều này đương nhiên rồi. Và còn một vài ý tưởng dàn dựng của anh nữa, rất độc đáo và khiến tôi thích thú.

Chúng tôi cùng làm kịch bản với nhau, sau độ vài lần sửa chữa thì tạm ưng ý. Hay nhất là ở cảnh gần cuối, khi tôi vừa viết lại vừa khóc và sau đó gọi cho Triệu Trung Kiên, thì anh cũng vậy, gần như cùng thời điểm. Rồi chúng tôi chắp nối hai bản của hai người lại, lọc ra những gì ưng ý nhất để hoàn chỉnh. Cách làm việc lâu nay của chúng tôi là vậy, sửa chữa trên bản gần nhất, không bao giờ khư khư giữ ý đồ của mình. Vả lại, tội gì cứ phải như vậy, khi mà kết quả cuối cùng mới là quan trọng nhất.

Một cảnh tập trong vở Ca kịch

Khi kịch bản được duyệt xong thì cũng là những ngày cuối năm dương lịch 2023. Tôi thu xếp thời gian cùng với đạo diễn vào Quảng Nam. Thật ra thì không có tác giả, đạo diễn cũng xoay xở được hết và thường là phải như vậy. Nhưng tôi nói với Triệu Trung Kiên, lần trước chúng ta cùng làm đã rất hiệu quả, giờ cũng nên như vậy. Vả lại, nghề viết luôn đơn độc, nên đôi khi, tôi cũng muốn tắm mình trong không khí sôi nổi trên sàn diễn. Trước kia, sàn diễn với những ánh đèn màu đã từng là một trong những giấc mơ của tôi. Và tôi cũng đã từng lên sân khấu đóng vai ấu chúa, từng diễn xuất trong những chương trình Những bông hoa nhỏ. Tuy nhiên, sau đó tôi bị nói lắp, sau này mới biết đó là hậu quả của việc thuận tay trái mà chuyển sang tay phải, nên tín hiệu lên não có vấn đề. Mà nói lắp thì làm sao lên sân khấu biểu diễn được. Nhiều khi tôi trêu bạn bè rằng, mình mà lên sâu khấu thoại câu “Tòa tuyên án 2 năm tù” thành “22 năm tù” là hỏng vở ngay, hoặc “anh yêu em” mà thành “anh anh yêu em em” là thôi xong.

Quảng Nam đón chúng tôi bằng một cơn mưa dài dằng dặc, gần hết cả quãng thời gian sơ dựng ở đoàn Ca kịch. Tất nhiên, với tôi, chẳng có gì là quá dở cả. Nắng thì đẹp, mưa thì tận hưởng vì sao có câu “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say”. Anh chị em ở đoàn Ca kịch Quảng Nam đón chúng tôi bằng những nụ cười thân thiện, ấm áp. Tất nhiên anh chị em trong đoàn đã quá quen với NSND Triệu Trung Kiên, chỉ với tôi là lần đầu tiên.

Đến Quảng Nam lúc gần trưa, chiều là tập ngay. NSND Triệu Trung Kiên ngoài việc làm nghệ thuật, anh còn là Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam với hàng loạt việc không tên, nên phải tranh thủ từng buổi tập. Lịch của chúng tôi xếp kín để khi về Hà Nội là đúng tối 31/12, gọi là kịp đón thời khắc năm mới dương lịch ở Thủ đô. Buổi làm việc đầu tiên, sau khi nhạc sĩ Võ Thu Mây, trưởng đoàn, tuyên bố bắt đầu, rồi đạo diễn khai mạc, thì đến lượt tôi nói vài câu. Thật ra tôi ít khi thích nói trước đông người, nhưng lúc ấy, không hiểu sao tôi lại hào hứng kể về việc sáng tác kịch bản của mình, chỉ là để các diễn viên trong vở hiểu sâu thêm về cách xây dựng nhân vật mà thôi. Với tôi, Mẹ Thứ phải là hình ảnh của những bà mẹ Việt Nam anh hùng, và tầm vóc hơn nhiều. Là bởi nhiều khi, chỉ nghĩ đến cảnh Mẹ chịu từng ấy cái tang mà vẫn sống được đến mãi sau này thì tôi thực sự nể phục. Có thể là Mẹ cũng sẽ quen dần đi, nhưng rõ ràng với suy nghĩ của tôi, đó là việc quá sức chịu đựng. Cũng chính vì thế, mà trong cảnh đầu tiên, tôi không cho Mẹ Thứ khóc, thậm chí Mẹ còn phải ráng bình tĩnh để động viên tinh thần người nhà, và hơn nữa là đánh lừa kẻ thù. Vả lại, khi nỗi đau lên đến tận cùng, sẽ không còn những giọt nước mắt.

Diễn viên Phương Tính – người được Đoàn Ca kịch Quảng Nam giao đóng vai mẹ Thứ – cứ mỗi lần hết cảnh là lại vội chùi nước mắt. Phương Tính bảo tôi, “em thích vai này quá anh ạ, cứ nhẹ nhàng như không, lời thoại không lên gân lên cốt, rất đời thường”. Tôi bảo Phương Tính, “em ơi anh sợ nhất những lời thoại kêu choang choang, bởi vì sân khấu là hành động kịch. Vả lại, các bà mẹ anh hùng đâu có tự ca ngợi mình, họ lại càng không phải là chính trị viên. Họ hy sinh cho đất nước bằng cách của họ”. Nghe vậy, Phương Tính bảo tôi, “anh an tâm, em sẽ làm được, nhất là khi làm kịch về bà mẹ anh hùng của đất Quảng Nam”. Quả vậy, vở ca kịch này của chúng tôi có tên là “Người mẹ Quảng Nam”. Tất nhiên, trong một vở diễn dù căng đến mấy, cũng vẫn phải có những đoạn chùng xuống, dí dỏm một chút để cho khán giả xả hơi. Nghệ thuật khác cuộc đời ở chỗ, trong cuộc đời chúng ta có thể chịu đựng sự tàn khốc, sự căng thẳng rất lâu. Nhưng nếu ở trên sân khấu mà kéo dài quá lâu, thần kinh người xem sẽ rất khó chịu và thậm chí muốn nổ tung. Chính vì thế, chúng tôi luôn phải cẩn trọng từng chút, cân đo đong đếm cảm xúc, như thể người đầu bếp cân chỉnh và điều phối lại món ăn sao cho hương vị hài hòa. Đơn giản vậy thôi!

Tập được vài hôm thì toàn bộ ê-kip đi thăm nhà Mẹ Thứ, nơi đã thành di tích lịch sử của tỉnh. Trời vẫn mưa, hạt không nặng lắm nhưng đủ dầy, đủ làm ướt áo. Sau khi thắp hương, tôi cố gắng tìm lại dấu vết của những căn hầm xưa mẹ nuôi giấu chiến sĩ quân giải phóng, nhưng không còn. Thời gian vật đổi sao dời, cũng tiếc là do nhiều lý do mà chúng ta không giữ gìn được những chứng tích chiến tranh. Những chứng tích ấy có giá trị hơn cả những bài học khô khan. Nó giúp thế hệ không sinh ra trong chiến tranh hiểu hơn về cái giá của hòa bình, về những gian khổ mà thế hệ trước đã phải trải qua để có được ngày hôm nay. Tất nhiên rồi, không có chiến tranh thì tốt nhất, nhưng lịch sử loài người luôn gắn với chiến tranh, không thể nào khác được. Vậy nên, nhiều khi, được sống trong hòa bình đã là một hạnh phúc. Nói gì đâu xa, qua cơn đại dịch vừa qua, nhiều người đã phải thay đổi cách nghĩ, bởi họ may mắn hơn những người đã thiệt mạng quá nhiều. Và khi phát biểu cảm tưởng, đạo diễn Triệu Trung Kiên đã khóc, mà sau đó anh nói là chẳng hiểu sao cảm xúc lại như vậy. Còn diễn viên Phương Tính thì không cầm được nước mắt, dù Tính đã khóc suốt từ hôm bắt đầu tập. Có cảm giác như Phương Tính đã nhập vai vào nhân vật. Cảm giác này rất tuyệt với tôi. Ít ra thì công việc của mình đã không vô nghĩa chút nào.

Căn nhà của Mẹ Thứ được tỉnh xây lại rất khang trang, và có một mô hình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng nhỏ hơn cụm tượng đài chính. Chúng tôi cùng nhau chụp những bức hình lưu niệm ở đó, trong cơn mưa của mùa mưa xứ Quảng.

Ê-kíp chụp hình lưu niệm tại nhà mẹ Nguyễn Thị Thứ

Trong mỗi vở diễn về lịch sử hay chiến tranh cách mạng, tôi luôn cố gắng xây dựng nhân vật tạm gọi là phản diện, hoặc nếu gọi là kép độc với sân khấu truyền thống thì có vẻ dễ hiểu hơn. Là bởi, nhân vật dạng đó có nhiều đất diễn, và hợp với những diễn viên diễn xuất tốt nhưng ngoại hình không “soái ca” cho lắm. Trong vở ca kịch này, kép độc là một sĩ quan Việt Nam cộng hòa, là con của viên thông ngôn cho Pháp ngày trước. Anh ta được cha mình giật từ tay mẹ đem về nuôi, mà trước đó, do mẹ mình thiếu sữa, anh ta lớn lên bằng dòng sữa của “người mẹ Quảng Nam”. Đây đương nhiên là nhân vật do tôi sáng tạo, để nói lên sự vị tha của nhân vật chính, và cũng là sáng tạo không ảnh hưởng gì đến bối cảnh câu chuyện cả. Chúng tôi làm nghệ thuật, chứ không phải viết thuyết minh, đơn giản vậy thôi. Diễn viên Ngọc Quốc nhận vai này cũng lấy làm thích thú lắm, vì đất diễn thì bao la. Sau khi tôi về rồi, ở giai đoạn 2, Quốc còn nhắn tin cho tôi bảo rằng, “anh ơi, anh Kiên có tỉa thêm cho em nhiều nét diễn hay lắm, em sẽ cố làm cho đặng”. Và bây giờ, chúng tôi vẫn hay đùa nhau bằng tên nhân vật trên mạng xã hội, cứ Quốc đăng gì là anh chị em lại “thằng Săng kìa”, “chạy lẹ kẻo thằng Săng tới”. Đời nghệ sĩ mà, đôi khi chỉ có những niềm vui nhỏ thế thôi, ấy thế mà cũng là liều thuốc tinh thần cân bằng giữa sân khấu và cuộc đời.

Một hai ngày trước khi về, đất trời Quảng Nam lại tạnh ráo. Vừa hay lúc đó ê-kíp cũng đã thuộc hết thoại và nắm được nét diễn. Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho anh chị em nghỉ sớm để còn về nhà đón Tết dương lịch. Còn chúng tôi, đi ra cụm tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng để một lần nữa, đắm mình trong những cảm xúc về thời lửa khói lan tràn. Để rồi khi trở về, những cảm giác về sự tận hiến trong nghệ thuật lại được nhân lên, giúp tôi có thêm năng lượng  bắt tay vào những tác phẩm mới.

Nguyễn Toàn Thắng