Khi cần đến kỹ xảo điện ảnh, một trong những cái tên đầu tiên mà giới làm phim nghĩ đến là đạo diễn, chuyên gia kỹ xảo Bùi Hoài Thanh – còn được biết đến nhiều hơn với nickname Thanh Nõn, cũng là tên công ty của anh. Xuất phát điểm là dân mỹ thuật, gắn bó với phim hoạt hình, Bùi Hoài Thanh có một niềm say mê đặc biệt với kỹ xảo điện ảnh. Sau nhiều năm gắn bó với nghề này, gia tài nghệ thuật liên quan đến kỹ xảo của Bùi Hoài Thanh trong CV của anh cũng đủ làm cho đối tác phải quan tâm. Hiện tại, Bùi Hoài Thanh đang tập trung cho công việc giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Bên cạnh đó, anh vẫn miệt mài với những dự án phim. Gần đây nhất, Bùi Hoài Thanh đang gấp rút những công đoạn cuối cùng của bộ phim 3D về đề tài lịch sử có tên “Thời đại Hùng Vương”. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với anh ngay khi được anh cho xem những bản demo của bộ phim 3D có giá trị về lịch sử cũng như văn hóa này.

Cảnh demo phim 3D “Thời đại Hùng Vương”

Chúng tôi không biết gọi anh với chức danh gì nhỉ? Đạo diễn, thày giáo, chuyên gia kỹ xảo hay họa sĩ?

Có quan trọng gì đâu nhỉ! Nhưng mà nếu gọi tôi là đạo diễn kỹ xảo, tôi thích lắm (cười). Bởi vì kỹ xảo điện ảnh là niềm đam mê của tôi. Nếu không đủ đam mê, chắc chắn tôi không theo được công việc này đến ngày hôm nay. Tất nhiên, khi đã đam mê, chúng ta phải trả giá. Mà nhiều khi, đắt hay rẻ là do thái độ nhìn nhận của mình. Còn với tôi, đến giờ này, tôi vẫn thấy mình tồn tại được trong nghề, được đồng nghiệp nhìn nhận, thế là đủ.

Lý do nào khiến anh đam mê kỹ xảo đến như vậy, thưa đạo diễn kỹ xảo Bùi Hoài Thanh?

Tôi học Mỹ thuật công nghiệp, sau đó làm phim hoạt hình, thế nên luôn để ý đến kỹ xảo. Hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước, thời điểm mà phim Mỹ có rất nhiều kỹ xảo điện ảnh phải nói là hoành tráng, tôi cứ xem đi xem lại, rồi ước mình cũng làm được như họ. Tất nhiên từ ước muốn đến hiện thực là một khoảng cách xa vời, nhưng tôi tự nhủ, đi mãi rồi cũng thành đường. Tôi xem đi xem lại, thậm chí dừng từng hình trong phim để xem họ làm thế nào. Hồi ấy thì chưa được tiếp xúc với internet, tài liệu lại không có, nên tôi cứ phải tự mò mẫm. Sau này, khi băng từ phổ biến, tôi mới tìm cách tự thực hiện những kỹ xảo nhỏ lẻ, mà so với bây giờ chỉ như trò chơi trong các ứng dụng trên điện thoại thôi. Nhưng lúc đó, để làm được như vậy, đã là cả một kỳ công, bởi mất rất nhiều thời gian và công sức. Rồi thì cơ hội đầu tiên cũng đến…

Đạo diễn Bùi Hoài Thanh say mê trong từng cảnh quay

Chắc anh không quên kỷ niệm về lần đầu ấy chứ?

Không bao giờ quên được, bởi đó là dấu ấn đầu tiên, nó tạo cho tôi niềm tin rằng mình sẽ làm được. Đó là lần đạo diễn, NSƯT Tất Bình giao tôi làm kỹ xảo cho một clip quảng cáo mạng điện thoại Mobifone. Ý tưởng là kết nối mọi người ở mọi nơi, nên tôi phải làm kỹ xảo sao cho người từ nơi nọ biến hình sang nơi kia mà điện thoại vẫn đứng yên. Những nơi ấy đều là cảnh đẹp đặc trưng của mọi miền Tổ quốc. Nhận được yêu cầu này, tôi hăm hở lắm, vận dụng mọi khả năng của mình để làm cho giống thật. Ngày ấy, máy tính đã có nhưng nói thật là rất yếu chứ không mạnh như bây giờ, nên chỉ mất thời gian là chính. Chứ lồng ghép trên phông xanh thì không khó lắm, bởi tôi đã làm đi làm lại việc này không biết bao nhiêu lần cho đến mức thuần thục. Bộ phim quảng cáo ấy, hay nói là clip cũng được, mở ra cho tôi nhiều cơ hội làm nghề hơn. Nhất là khi tôi làm ở Công ty Hồ Gươm Audio, lúc đó lãnh đạo công ty thường giao cho tôi những đề bài với yêu cầu duy nhất là phải thực hiện cho bằng được, không có cơ hội từ chối. Nhưng bù lại, lãnh đạo công ty cung cấp cho tôi máy móc đủ mạnh để thỏa sức sáng tạo. Được làm việc, được nhìn nhận, tôi chỉ còn cách là cống hiến hết mình.

Vâng, trải qua từng ấy thời gian, để từ một chuyên gia kỹ xảo trở thành một đạo diễn phim 3D, quả là một chặng đường dài. Chúng tôi rất ấn tượng với dự án phim 3D lịch sử anh đang thực hiện, bởi trước nay người ta hay làm bằng hoạt hình, phim truyện hoặc phim tài liệu. Vậy theo anh, phim 3D hoàn toàn dùng kỹ xảo có gì đặc biệt để anh say mê đến vậy?

Đối với tôi, là một họa sỹ trước khi là đạo diễn, thì phim 3D là khoảng không gian lý tưởng cho sáng tạo của tôi được bay bổng tuyệt đối. Tôi lấy ví dụ thế này, nếu làm phim truyện, đôi khi ta ưng diễn viên này ở khuôn mặt thì lại không hài lòng đôi mắt bởi nhiều lý do. Với phim 3D, ta có thể vẽ được hết. Ta tưởng tượng thế nào thì vẽ được như thế. Ngoài ra, với điều kiện nền điện ảnh của chúng ta bây giờ, với những đại cảnh nhiều khi về xem lại nháp mới thấy là chỗ này cần vầng mặt trời, chỗ kia cần đàn chim về tổ mới tạo được hiệu quả. Lúc ấy nếu thêm kỹ xảo vào thì rất khó và tốn kém, tuy vẫn có thể thực hiện được. Nhưng nếu làm không tới, thì sẽ gây cảm giác giả tạo. Còn với phim 3D, tôi tha hồ sáng tạo mà không ngại gì. Bởi khán giả biết đó là phim 3D rồi. Ở dự án phim  “Thời đại Hùng Vương”  này chẳng hạn, tôi tổng hợp tất cả những tư liệu về 18 đời vua Hùng để ra chân dung những nhân vật lịch sử và truyền thuyết, sao cho hấp dẫn và khả tín nhất. Bộ phim này cũng là một thử thách với tôi, nhưng may sao tôi được sự hỗ trợ của nhiều người, ngay từ khâu kịch bản. Mọi người tin tưởng tôi, điều đó làm tôi phải nỗ lực hơn rất nhiều.

Cảnh demo phim 3D “Thời đại Hùng Vương”

Làm kỹ xảo nhiều năm, có bao giờ anh nghĩ một ngày nào đó kỹ xảo điện ảnh sẽ thay thế cho diễn viên, sẽ làm được tất cả. Như thể người ta đang nói với nhau rằng, trí tuệ nhân tạo, hay Chat GPT đang dần thay thế con người?

Tôi cho rằng kỹ xảo rất quan trọng, nhưng nó không phải là tất cả trong điện ảnh. Lấy ví dụ, những cảnh cử động của diễn viên thì họ làm rất dễ, nhưng để cho máy làm, thì khó mà ngọt ngào và chuẩn xác được như thế. Mặc dù ở một số dự án tôi đã làm, khi cho diễn viên đóng trước để máy tính mô phỏng theo, tôi đã thực hiện được khoảng 7-8 phần so với cử động thật, nhưng chỉ dừng lại ở đó thôi. Còn nữa, với điện ảnh, cử động của khuôn mặt, của đôi mắt là cực kỳ phức tạp, để mô phỏng được là quá khó. Và trên hết, mỗi diễn viên có một cách sáng tạo khác nhau, điều này máy khó mà làm theo được. Cho nên, kỹ xảo cần thiết, nhưng kỹ xảo là kỹ xảo.

Anh cũng đang dạy kỹ xảo điện ảnh trong trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Với cương vị là một người thày, anh đánh giá thế nào về những đồng nghiệp tương lai của mình?

Anh dùng từ đồng nghiệp tương lai là rất đúng. Tôi đi dạy với tâm thế mình là người đi trước, có gì thì truyền hết. Các bạn sinh viên bây giờ rất say mê với kỹ xảo điện ảnh, và hơn thế hệ chúng tôi là ở chỗ biết ngoại ngữ, nên dễ dàng tiếp xúc với nhiều thông tin mới, công nghệ mới. Ngày trước, để tìm tư liệu, tôi phải đặt hoặc nhờ bạn bè từ nước ngoài cầm về cho. Bây giờ, lên mạng là có hết. Tôi vẫn hay nói với những đồng nghiệp tương lai của mình rằng, các em phải nắm thật chắc kỹ thuật Photoshop, bởi nó là nền tảng cho những sáng tạo của mình. Khi nắm thật chắc, ta gắn thân người nọ vào đầu người kia mới thật được. Kỹ xảo nói thì to tát, nhưng nó bắt đầu từ những việc đơn giản như thế. Và nói thật lòng, với sự đam mê cũng như trình độ của các bạn sinh viên bây giờ, trong một ngày không xa nữa, kỹ xảo điện ảnh Việt Nam sẽ gần tiệm cận hơn với kỹ xảo thế giới.

Cảm ơn đạo diễn Bùi Hoài Thanh về cuộc trò chuyện này. Chúc anh sức khỏe và thành công.

Nguyễn Toàn Thắng (thực hiện)