LTS: Vở cải lương “Bên dòng Long Khốt” do nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng viết kịch bản văn học đã đạt giải Xuất sắc – trên giải vàng – trong Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 được tổ chức tại Long An. Đây là vở cải lương có đề tài về chiến tranh biên giới Tây Nam, một đề tài hết sức hóc búa với sân khấu. Ngay sau khi trở về từ lễ mừng công do Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An tổ chức, nhà văn Nguyễn Toàn Thắng đã gửi đến Tạp chí Sông Lam bài bút ký với những cảm xúc chân thành nhất của người sáng tác, và hơn hết, của một người dân Việt Nam biết trân trọng những hy sinh của tiền nhân. Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả.

Phải nói thật, với người viết kịch bản sân khấu, mỗi khi bắt tay vào việc viết một kịch bản, ngoài những gian truân vất vả, thì bên cạnh đó là những hứng thú đến lạ kỳ. Bởi, đó là lúc người viết được sống một cuộc đời khác, một cuộc đời trong tưởng tượng, vừa gần gũi, vừa xa xôi, thoắt ẩn thoắt hiện. Sự hứng thú đó là ma lực dẫn dắt người viết trong nghề, nhưng mặt nào đó, lại làm cho người viết đôi khi lạc lối, luôn ngơ ngác giữa thực và mơ. Đó là lúc sáng tác một mình. Còn đến khi kịch bản được lên sàn diễn, rồi thành vở diễn hoàn chỉnh, người viết lại một lần nữa thấy nhân vật của mình thành hình, sống một cuộc đời khác nữa. Cái lấp lánh ấy lại thêm một lần làm cho người viết bồng bềnh. Cảm giác ấy thoát khỏi cuộc sống hiện tại, khiến người viết có thêm nhiều năng lượng, tạm để quên đi những bộn bề cuộc sống, những âu lo thực tế. Và với những ai thừa lãng mạn dư cảm xúc, cái lấp lánh ấy như một chất gây nghiện. Thế cho nên, tôi luôn cố tránh bị những cảm xúc ấy dẫn dụ, mà tìm cách điều khiển chúng. Có nghĩa là, trong suốt thời gian viết kịch bản, hoặc cùng tham gia dựng vở với đạo diễn, tôi sống trọn vẹn trong thế giới nghệ thuật, đắm chìm theo logique vở diễn, sống thật đã đời. Rồi sau đó là quên đi, gạt sang một bên. Đầu tiên là để thoát ra thế giới ấy đặng còn làm việc khác, hoặc đơn giản là phải bỏ qua mà còn tiếp tục sáng tác. Chớ cứ đắm chìm mãi trong tác phẩm của mình, kể cả có hay đến đâu, đấy cũng không phải là điều tốt. Cho nên, khi nghe tin vở cải lương “Bên dòng Long Khốt” do tôi viết kịch bản đạt giải Xuất sắc, tôi cũng chỉ vui trong một khoảng thời gian rất ngắn. Vui ở đây ngoài việc có thêm thành tích, còn có lý do rằng mình đã làm được một cái gì đó, dẫu là rất nhỏ, để tri ân các chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Khốt, những người đã hiến thân mình cho Tổ quốc. Bởi vì, tôi hiểu, dẫu là sự hiểu biết rất nhỏ nhoi, rằng với nước ta, cái giá của hòa bình độc lập, là quá lớn. Chỉ đơn giản thế thôi.
Nhưng cuộc sống nhiều khi đầy rẫy những bất ngờ. Ngay khi tôi đã cất được ký ức đẹp về vở cải lương “Bên dòng Long Khốt” vào một ngăn, thì ký ức ấy lại có cơ hội quay lại. Không phải để ám ảnh tôi, mà để tôi có một cơ hội đến Đồn Biên phòng Long Khốt, đầu tiên là để tạ lễ với các anh hùng liệt sĩ, sau đó là giao lưu với các chiến sĩ biên phòng. Đó là kế hoạch mà NSƯT Hồ Ngọc Trinh, Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An thông báo cho tôi, và kế hoạch này sẽ được thực hiện ngay sau lễ mừng công. Hồ Ngọc Trinh bảo tôi “anh cố gắng vào với đoàn, sẽ vui và cảm động lắm đó”. Tất nhiên, điều đó, tôi tin. Vậy là, tôi lại thu xếp công việc để lên đường, dẫu chỉ là mấy ngày ngắn ngủi.

Tác giả Nguyễn Toàn Thắng cùng các diễn viên thăm Đồn Biên phòng Long Khốt

Sau buổi lễ báo công đầy trang trọng và bữa tiệc vui “banh nóc” – nói theo phương ngữ – phải đến trưa ngày hôm sau chúng tôi mới lên đường đến Đồn Biên phòng Long Khốt. Khi xe bắt đầu chuyển bánh, tôi mới có thời gian lướt mạng, tìm hiểu thêm những thông tin về địa danh này. Lần trước, khi viết kịch bản “Bên dòng Long Khốt”, do thời gian quá gấp, nên tôi cũng không tìm hiểu được một cách thật kỹ lưỡng. Thật ra thì đạo diễn của vở – NSND Triệu Trung Kiên, hiện là Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam – cũng gửi cho tôi một ít tư liệu, khá đầy đủ nếu chỉ để nghiên cứu về lịch sử của Đồn Biên phòng Long Khốt. Nhưng với người viết kịch bản sân khấu, cái tôi cần là câu chuyện, là số phận con người. Những cái ấy, khó mà tìm được ở tài liệu chính thống. Đa số người viết kịch bản sân khấu đều dựa theo một câu chuyện, một tuồng tích nào đó để viết. Còn tôi thì không. Bởi tôi thích tự sáng tạo ra những câu chuyện của riêng mình. Tôi thích nghiên cứu hàng trăm nhân vật để rồi chắt lọc ra một nhân vật vừa mang nét chung vừa độc đáo theo cách của tôi. Bởi tôi nghĩ, nếu chỉ dựa vào những câu chuyện có sẵn mà sáng tác thì dễ quá, nó không kích thích được bộ não cho đến tận cùng. Cách tôi làm là rất khó, nhưng nếu muốn dễ, tôi đã không chọn nghề này. Có thể thất bại trong một thời gian rất dài, nhưng nếu may mắn thành công, tôi mới có cái để tự hào. Lần này cũng vậy, khi nhận lời với Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An về đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam, tôi đã nghĩ đến việc làm sao phải kể được một câu chuyện kịch theo cách mới nhất, tiết tấu nhanh mà vẫn phải rất trữ tình. Tôi chia nhân vật ra làm ba tuyến chính và một tuyến phụ. Ba tuyến chính đó là bộ đội tình nguyện Việt Nam, người dân Khmer và quân đội Khmer Đỏ mà trong kịch chúng tôi gọi là quân đội Khmer Dân chủ. Tuyến phụ xuất hiện rất ít đó chính là người dân Long An, hay nói rộng hơn là người dân Việt Nam. Đương nhiên, sẽ phải có mối tình tay ba giữa anh bộ đội tình nguyện Việt Nam, cô gái thiện lương người Khmer và một anh lính Khmer Dân chủ. Lại lồng thêm mối tình giữa một anh bộ đội tình nguyện Việt Nam khác tên Long – Long trong Long An – và một cô gái người Việt. Hai mối tình trong cùng một vở kịch, sẽ làm cho câu chuyện thêm dày dặn. Và anh bộ đội tình nguyện tên Long ấy trong kịch, đã hy sinh khi vào sâu biên giới Campuchia để cứu người dân Khmer vô tội khỏi thảm họa diệt chủng. Nghệ sĩ Trọng Tánh, người thủ vai anh bộ đội tên Long, có kể lại rằng, lần trước khi đi Long Khốt, nhìn vào danh sách các liệt sĩ, thấy có vài người tên Long, anh đã lặng hết người đi. Dẫu biết rằng việc trùng tên là chuyện rất dễ xảy ra, nhưng với Trọng Tánh, đó cũng là một điều gì đó mang yếu tố tâm linh. Bởi nhân vật Long ấy cũng đã hy sinh, để lại cô gái Long An tên Thắm ấy bơ vơ, khi cả hai vừa mới chỉ kịp ngỏ lời.
Tất nhiên, khi đến khu tưởng niệm liệt sĩ thuộc Di tích Lịch sử Quốc gia Long Khốt, sau khi làm lễ, tôi cũng đi tìm những liệt sĩ tên Long. Bởi ban đầu, tôi lấy tên hai chiến sĩ là Long và An chỉ là chỉ địa danh Long An, chớ không có ý gì khác. Nhưng cũng có chút gì đó vương vấn trong lòng, và thêm một chút tự hào. Chỉ biết khấn với các anh rằng, em đã làm hết những gì có thể, để khán giả hiểu một chút về một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc, nhưng lâu lắm không được văn học nghệ thuật nhắc đến. Bình thường thì tôi ít khi để ý đến những câu thơ đã được mang ra làm khẩu hiệu, bởi ở một góc độ nào đó, chúng khá xa lạ với tôi. Nhưng khi đến Long Khốt, tôi cứ ngắm mãi hai câu thơ của nhà thơ Trần Thế Tuyển được treo trang trọng hai bên khu vực đặt bát hương.
“Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc
Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”.
Khu vực đồn Long Khốt mới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia từ năm 2019. Có thể vì thế mà khi đặt hàng kịch bản, NSƯT Hồ Ngọc Trinh mới có ý đề nghị tôi hướng câu chuyện về phía đó, cũng là nhằm quảng bá cho khu di tích đặc biệt của tỉnh Long An này. Chứ lúc đầu chỉ chung chung là câu chuyện về chiến tranh biên giới Tây Nam. Cũng là một sự tình cờ, ngay lúc đó, cái tên “Bên dòng Long Khốt” đã bật ra lập tức trong tôi. Chỉ đơn giản là, theo những gì tôi nghĩ, biên giới giữa các quốc gia thường là núi hoặc sông. Núi non thì cũng hay đấy, nhưng sông ngòi thì câu chuyện trở nên lãng mạn hơn nhiều. Chỉ riêng cảnh người con trai và người con gái nhìn nhau hai bên bờ sông mà không đến được với nhau, cũng đã bi kịch đến tận cùng. Lần này thì là chuyện tình giữa anh bộ đội tình nguyện Việt Nam và cô gái Khmer có tên Đa Vy trong tiếng Campuchia có nghĩa là thiên thần. Tôi hay chú ý đến việc đặt tên nhân vật, rất ghét cách đặt tên nhân vật kiểu Tí, Tèo hay Dần, Mão, Sửu, nó nôm na và chả có nghĩa gì ngoài việc tưởng thế là dân gian và nông thôn. Cô gái Khmer trong vở cải lương không được sống, bởi thế, cái tên Đa Vy là ngầm nói, rồi thiên thần cũng sẽ bay về trời. Lúc ngồi tâm sự với các chiến sĩ ở đồn, một nghệ sĩ hỏi là có nhiều bộ đội Việt Nam yêu con gái Khmer không, thì anh đồn trưởng cười bảo, có chứ. Lúc này tôi mới hỏi thế có nhiều đám cưới không, đồn trưởng lại cười bảo từ khi em tới đây chỉ thấy yêu nhau chớ chưa thấy có đám cưới. Tôi cũng cười bảo với đồn trưởng, vậy là anh an tâm rồi vì trong kịch anh cũng chỉ cho họ yêu nhau, rồi mối tình có kết thúc đầy nước mắt. Tất nhiên cũng chỉ là câu chuyện lúc trà dư tửu hậu, nhưng với tôi, nó lại có nhiều ý nghĩa khác. Là bởi lúc viết kịch bản, tôi chưa hề đi thực tế, mà tất cả chỉ dựa vào óc sáng tạo cũng như khả năng kể chuyện của mình. Lúc đó vì không còn đủ thời gian để đi thực tế, nhưng lý do quan trọng nhất là chưa bao giờ tôi tin vào kết quả của những chuyến đi thực tế ngay lập tức. Thường là nếu ta chưa tìm hiểu gì về một đề tài, thì chuyến đi thực tế chỉ là cớ để ta tiếp tục đào sâu suy nghĩ, tìm tòi tư liệu, rồi quan trọng nhất là để cho những hiểu biết ấy lắng xuống. Rồi một ngày nào đó, những hiểu biết tìm tòi ấy nó đơm hoa kết trái. Muốn đi đường dài trong nghề viết, phải làm vậy thôi. Chứ cứ dùng trải nghiệm, thì cả một đời này đi được bao nhiêu đường đất, gặp được bao nhiêu con người đâu mà lấy làm vốn sáng tác?

Một cảnh trong vở cải lương “Bên dòng Long Khốt”

Khu di tích Long Khốt mới được xây dựng nên rất khang trang và thường xuyên được chăm sóc. Tôi có trò chuyện với người phụ trách, cũng là một cựu chiến binh, và được anh kể nhiều chuyện xung quanh anh linh các liệt sĩ. Có những câu chuyện mà nếu để ý kỹ thì đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng có những câu chuyện mà lý lẽ thông thường không thể giải thích được. Tôi thì luôn tin rằng, có một thế giới khác đang tồn tại quanh thế giới hiện tại của con người, nhưng ta không cách nào xâm nhập được. Có lẽ như thế lại hay, bởi như thế con người mới yên tâm mà sống như vốn dĩ phải thế. Tôi tin vào thế giới ấy, như ngày nhỏ tin vào những câu chuyện cổ tích, để rồi bây giờ, những câu chuyện cổ tích ấy quay lại, chỉ lối cho tôi làm những điều cần phải làm, dạy lại tôi những bài học luân lý mà trong một thời điểm nào đó, tôi đã vô tình quên đi để lao vào những hư ảnh phù phiếm của cuộc sống hiện tại. Như lúc này đây, khi đứng ở khu di tích Long Khốt, trong lòng tôi thấy thư thái vô cùng. Rằng ít ra với khả năng nhỏ nhoi của mình, tôi và các đồng nghiệp của mình đã làm được một việc có ích với anh linh các liệt sĩ, và với cả người đang sống. Chiến tranh thì không ai muốn xảy ra cả, trừ những nhà buôn vũ khí, nhưng không ai được lãng quên những cuộc chiến tranh, dù việc nhắc lại đôi khi chỉ gợi những đau buồn.
Lần gặp lại này, tất nhiên trừ tôi bởi là lần đầu tiên tới đây, đại úy Mai Thành Dững – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Long Khốt hào hứng lắm. Dững bảo, không cho ai về cả mà phải ở đây đến hôm sau mới được về. Dững kể, hôm nghe tin Đoàn Cải lương làm vở về đồn Long Khốt, thật tình anh em chiến sĩ cũng hơi lo, vì đây là một đề tài khó. Vốn là cán bộ chính trị, Dững cũng biết về những khó khăn trong việc sáng tác nghệ thuật, nhất là về một đề tài có thể nói là nhạy cảm. Ngày tổng duyệt mà trong đó gọi là phúc khảo, hội đồng nghệ thuật cũng như các cựu chiến binh cũng góp ý rất nhiều để vở diễn tránh những sai lầm nhỏ nhặt không đáng có. Chỉ vậy thôi, chứ còn về nghệ thuật, không ai tham gia cả. Dững cũng bảo, các anh chọn cấp bậc của nhân vật chính là hạ sĩ là đúng. Tôi cũng bảo, anh nghiên cứu và kỹ lưỡng đến từng chi tiết mà. Bây giờ thì hạ sĩ là cấp rất nhỏ, nhưng ngày ấy, bộ đội chỉ đánh trận chứ đâu có thời gian mà phong quân hàm quân hiệu. Để là hạ sĩ, thì nhân vật ấy cũng đã phải đánh trận vài năm, trải nghiệm khói lửa bom đạn nhiều lắm rồi.
Đến đó thì câu chuyện giữa bộ đội và nghệ sĩ trở nên tếu táo và đùa giỡn là chính, chớ không còn khách khí như lúc đầu. Nghệ sĩ thì không nói, chứ bộ đội thì luôn thích tếu táo và nghịch ngợm. Đạo diễn Triệu Trung Kiên thì đưa mắt ngắm nhìn một lượt các chiến sĩ rồi bảo, sao bộ đội biên phòng gì mà trắng trẻo đã thế lại còn đẹp, làm các chiến sĩ phá lên cười, thậm chí có người còn ngượng. Tôi thì không ngạc nhiên lắm về phát hiện của Triệu Trung Kiên, bởi từ lâu tôi đã nhìn thấy điều đó. Ngày trước hay lang thang hết vỉa hè đến bờ bụi, tôi nghiệm ra rằng mấy ông giang hồ mặt mũi dữ tợn xăm trổ đầy người thực chất cũng hèn nhát, rất hay trốn lính, và toàn kết bè kết đảng cậy đông ăn hiếp kẻ yếu. Còn những người lính nhìn thư sinh thậm chí có vẻ yếu đuối lại là những người dũng cảm đến tận cùng. Đó là logic cuộc sống, và logique này để biến thành logic nghệ thuật thì lại phải làm việc rất kỹ, để người ta tin được vào điều đó. Tôi thì luôn thích chất tếu táo của bộ đội, bởi đó là sự tếu táo của những con người đã luôn vật lộn giữa ranh giới của sự sống và cái chết, mà chỉ trong gang tấc. Cái chết, đôi khi không phải là điều gì đó quá quan trọng. Mà quan trọng là đã sống thế nào để cuộc sống mỗi ngày đều có ý nghĩa. Trong nghề viết của mình, tôi hay chú ý đến tiếng cười và những tình huống gây hài. Đôi khi, chỉ cần một chi tiết hài lại tả được sự bi thương hơn cả tình huống bi kịch, nếu như được đặt đúng chỗ. Nhưng lúc này, sự tếu táo của chúng tôi là sự tếu táo trong không khí vui vẻ, khi mà khoảng cách về địa lý, về công việc… đã không còn. Chỉ còn là sự tếu táo của những con người cùng chung một quốc gia, một vùng lãnh thổ, mà để có được đến ngày hôm nay, biết bao người đã ngã xuống.
Thật ra thì ngoài những ý nghĩa tâm tư nói trên, lần tới Long Khốt này với tôi còn một gợi mở nữa. Bởi lúc cùng nhau dựng vở, đạo diễn Triệu Trung Kiên có bảo tôi rằng, kịch bản này thừa chất liệu cho một cuốn tiểu thuyết. Là người viết văn bên cạnh viết kịch bản, nhưng quả thật tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều này. Cũng do lúc vào Long An để cùng làm vở, tâm trạng tôi lo lắng nhiều quá. Nhất cử nhất động trên sân khấu đều chú ý, xem có cái gì hớ hênh không, xem nói thế đã ra chất Khmer chưa, xem động tác của bộ đội đã chuẩn chỉ chưa. Nhưng khi vở ra mắt và đạt giải, cái ước muốn một ngày nào đó sẽ tái hiện lại cuộc chiến đấu hào hùng và bi tráng tại đồn Long Khốt lại trỗi dậy trong tôi. Sân khấu có sức hút riêng, giao lưu trực tiếp với khán giả, sau mỗi buổi diễn lại càng hay hơn là bởi người làm sân khấu được tương tác trực tiếp. Nhưng văn học thì chưa bao giờ tỏ ra kém cạnh bất cứ loại hình nghệ thuật nào, bởi sự gợi mở đến tận cùng của nó. Những đấu tranh nội tâm, những ý đồ nghệ thuật, thậm chí những sự sắp đặt, đều là đất của văn học. Chỉ có điều, tôi sẽ còn mất một thời gian nữa, để dư âm của vở cải lương này lắng xuống, để tôi quên hết những gì đã viết ra. Chứ một khi vẫn còn đắm đuối với tác phẩm của mình mà không thoát ra được, người ta sẽ gặp muôn vàn khó khăn với tác phẩm tiếp theo. Mà tác phẩm đỉnh cao thì luôn ở phía trước, có khi, đi mãi cả đời cũng chẳng gặp được. Bởi vì, thế nào là đỉnh cao thì ai mà biết được. Mà cũng chỉ cần tự biết, mình cuối cùng cũng chỉ là một người viết và cố gắng làm tốt nhất công việc của mình, thế là đủ. Chẳng cần mơ đến những đỉnh cao, những cột mốc làm gì. Cứ đi, khắc đến. Hoặc giả nếu không đến, thì chặng đường mình đi cũng đã đẹp lắm rồi. Trên con đường ấy, có thể mình sẽ gặp khó khăn, có thể sẽ lạc lối. Cũng có lúc sẽ hái được những bông hoa đẹp ven đường, gặp những con người thú vị. Tất cả đều có thể xảy ra, miễn là ta vẫn còn dám đi. Và thích đi.
Dòng Long Khốt hôm nay, do thiên nhiên, do con người, chỉ còn là một con rạch nhỏ. Trước kia, nó cũng chưa hề quá lớn như những dòng sông chằng chịt của miền Nam Bộ. Nhưng nó đủ để làm biên giới phân chia quốc gia, nó cũng đủ cho trí tưởng tượng của tôi bay xa, mà biến thành câu hát trong vở cải lương:
“Anh đứng mình ên, bên dòng Long Khốt
Nhớ dáng em trong điệu Apsara
Mà gần gũi như điệu múa quê nhà
Bởi tình người là không biên giới
Mỗi ngày trôi qua là một niềm vui mới…”
Một ngày nào đó, Long Khốt sẽ trở lại trong tôi, trong tiềm thức của tôi bằng những sáng tác mới. Những chiến sĩ mà tôi đã gặp, sẽ lại thành những nhân vật mới. Có thể, họ sẽ là những người nối tiếp truyền thống cha anh. Cũng có thể, họ lại là cảm hứng mà tôi biến thành những nhân vật của ngày xưa. Chẳng hề gì, vì lính thời nào chẳng oai hùng, chẳng gian lao như nhau. Thời chiến vất vả kiểu khác, thời bình vất vả kiểu khác, chẳng thể nào so sánh được. Tôi nghĩ thế, là bởi ngay trong đồn vẫn còn tấm biển đề “khu cách ly tập trung”, dấu ấn không thể nào quên của một thời dịch dã mới vừa xảy ra gần đây thôi. Lúc ấy, lại những người lính đi đầu trong công cuộc chống dịch, giúp dân.
Chỉ ít ngày nữa thôi, tôi sẽ quên ký ức về vở diễn này. Mà phải cố quên để còn làm việc khác. Nhưng quên không phải là để quên, mà quên để cho ký ức còn sống mãi, còn được tái hiện lại. Là bởi, tôi cảm thấy, mình còn nợ những chiến sĩ đồn Long Khốt nhiều lắm. Và cũng bởi, tôi luôn thấy mình có khả năng trả món nợ ấy, dẫu rằng không hề đơn giản chút nào.

Nguyễn Toàn Thắng