Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Thanh Phương – Nghiên cứu viên chính của Viện Sân khấu Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Chị vốn là nhạc công đàn tranh được đào tạo chuyên nghiệp, sau đó chuyển sang nghiên cứu chèo. Những công trình và tác phẩm tiêu biểu của TS. Nguyễn Thanh Phương có thể kể đến như: Âm nhạc sân khấu chèo nửa cuối thế kỷ XX, Diễn xướng âm nhạc chèo -Truyền thống và biến đổi, Sự tiếp nhận ảnh hưởng của căn hóa dân gian trong bộ ba vở chèo “Bài ca giữ nước”,… TS. Nguyễn Thanh Phương luôn có những ý kiến sắc sảo xây dựng cho nghệ thuật chèo và luôn bám sát các hoạt động của chèo. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS về những vấn đề của chèo, trên cơ sở lý luận và thực tiễn biểu diễn.

TS Nguyễn Thanh Phương – nghiên cứu viên chính của Viện Sân khấu Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Thưa TS. Nguyễn Thanh Phương, biết chị đã lâu, gặp nhau các đợt hội diễn chèo suốt, nhưng đúng là bây giờ mới có dịp trao đổi với chị một cách chính thống về nghệ thuật chèo. Bản thân tôi là người cũng đã bén duyên với chèo với tư cách là tác giả kịch bản văn học, và từ đó có sự say mê nhất định, thì rõ ràng với chị, chèo chẳng khác gì máu thịt, hơi thở. Nói vậy có hơi quá không, thưa TS?

Nói vậy không quá, chỉ là cách nói cho hình ảnh thôi. Tôi biết mà, bởi anh là người viết kịch bản, luôn có những cách nói hình tượng và đôi khi ngoa dụ. Điều này phần nào hợp với chèo. Cho nên, dù bây giờ cũng không muốn nói gì nhiều về chèo, nhưng khi anh đề nghị, thì tôi đồng ý ngay. Bởi ít ra, thì đó cũng là câu chuyện của những người làm nghề, và hy vọng sẽ giúp được gì đó cho nghề.

Thưa TS, tôi muốn bắt đầu cuộc trò chuyện bằng khái niệm chèo cổ. Thật sự thì tôi cũng xem rất nhiều vở chèo cổ, và thậm chí nhiều trò diễn, nhiều tích trong đó đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều, chi phối cả đến công việc sáng tác của tôi. Vậy thì theo quan niệm của chị – một nhà nghiên cứu, thế nào là chèo cổ?

Như anh đã biết, trước nay có 6 vở chèo đã rất nổi tiếng, thế nhưng tôi lại không thích gọi là chèo cổ, và theo tôi, đúng ra nên gọi là chèo truyền thống.

Tôi xin phép được cắt ngang lời TS. Phải chăng đây là cách gọi khác đi để chứng tỏ một cái gì mới, hay theo chị, phải gọi vậy mới là đúng tên sự vật hiện tượng?

À không. Tôi không gọi là cổ, vì cổ thì là cổ từ đâu? Tôi dùng khái niệm chèo truyền thống, bởi khái niệm truyền thống ta hiểu là một cái gì đó được lặp đi lặp lại nhiều thế hệ, nhiều năm. Gọi chèo truyền thống là để phân biệt với các lớp, các tích của các cụ. Tôi lấy ví dụ thế này cho dễ hiểu. Vở chèo Nàng Si-ta của Nhà hát Chèo Hà Nội rõ ràng không ai gọi là chèo cổ được cả, bởi mới ra đời mấy thập kỷ nay. Nhưng rõ ràng vở chèo này được gọi là vở truyền thống của Nhà hát Chèo Hà Nội, gây dựng tiếng vang cho nhà hát, và đến bây giờ vẫn còn được diễn lại. Do đó, việc gọi tên cho đúng là để không nhầm lẫn, dùng cái gì thì khái niệm phải chặt, và từ đó, chúng ta mới có cái nhìn xác đáng về chèo. Chúng tôi làm nghiên cứu cũng vì mục đích đó, chứ nếu không, nghiên cứu để làm gì?

Vâng, thưa TS, tôi muốn hỏi chị về việc đó, là bởi lâu nay, bên cạnh chèo truyền thống như chị nói, thì vẫn phải có những vở chèo mới ra đời, thậm chí đã rất hiện đại về mọi mặt để phù hợp với khán giả hôm nay. Rõ ràng người làm chèo không thể cứ khư khư giữ mãi cái cũ, bởi vì cái cũ mà hôm nay chúng ta thấy trước kia cũng là cái mới. Vậy ý kiến của chị về việc này ra sao ?

Có lần trong hội diễn, một NSND ra bảo tôi là cô ơi (tôi làm giáo viên cũng như hướng dẫn khá nhiều nghệ sỹ), chúng em làm đúng như chèo truyền thống, phục dựng lại nguyên bản mà kết quả tay trắng, trong khi đó những vở chèo mới thì đạt giải. Thật ra giữ chèo là một chuyện, nhưng rõ ràng thời đại nào thì vở diễn ấy, vở diễn phải mang hơi thở thời đại mới là đúng. Ví dụ như vở Nàng thứ phi họ Đặng mà anh viết kịch bản chẳng hạn, tôi đi xem thấy rõ ràng là chèo lịch sử mà rất tươi mới, nhịp điệu nhanh, tính hấp dẫn cao. Với tôi, hấp dẫn là một yếu tố không thể thiếu trong nghệ thuật. Và để nói rõ hơn thế nào là xưa và nay, tôi xin kể thế này. Ngày trước, cụ Hàn Thế Du khi biên tập chỉnh trang lại vở Lưu Bình – Dương Lễ mà ngày hôm nay đa phần khán giả được xem, thì cụ cũng đã đem hơi thở thời đại mình vào. Đó là giai đoạn mà quyền con người bắt đầu được đề cao, sự bình đẳng trong quan hệ nam – nữ cũng đã được chú ý. Hay là khi NSND Trần Bảng chỉnh lý lại vở Quan Âm Thị Kính, thì bác cũng đã cho Thị Mầu là nhân vật phản kháng, để bây giờ nhân vật này trở thành nhân vật quen thuộc trong đời sống. Nhưng, những chỉnh lý của các soạn giả, nghệ sĩ gạo cội ấy đều dựa trên nguyên tắc cơ bản của chèo là có tích thì phải dịch ra được trò diễn. Tôi nhắc lại, bài học của các cụ là muốn đổi mới chèo, thì phải dịch từ Tích sang Trò.

Tiết mục Chèo của CLB chèo huyện Yên Thành (Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Đạo

TS nói rất trúng vấn đề này. Một số vở chèo mà tôi được xem thời gian gần đây, ngay cả vở do tôi viết kịch bản, cũng đều yếu ở trò diễn. Kịch bản rất tốt, rất hiện đại, thủ pháp nghệ thuật mới, nhưng vì yếu trò diễn nên như nhiều khán giả nói, vẫn thiếu chất chèo. Trong khi đó, rõ ràng đất cho trò diễn của chèo là rất nhiều. Tôi nói ví dụ mảng miếng hề chẳng hạn. Ngày xưa, tôi mê mẩn với trò Hề Mồi – Hề Gậy, Cu Sứt, từ trò lời đến trò diễn. Và rõ ràng, các cụ đã tạo ra những miếng hề ấy, tại sao chúng ta không tạo ra những miếng khác, chẳng hạn ngày nay là Hề Ba-Toong, Hề Quạt Máy?

Thật ra thì xét đến tận cùng, chèo lại chỉ hợp với đề tài lịch sử hay dân gian, đó cũng là một cái khó khiến chèo ngày nay tìm đến khán giả không dễ. Còn về đề tài hiện đại thì phải biết dựng, chứ không thì nói một cách suồng sã, như “cao bồi thôn” ấy. Ví dụ một nhân vật ăn cắp mặc quần loe áo chim cò mà đứng hát chèo thì xin lỗi, khán giả không xem đâu. Cho nên nếu muốn làm chèo hiện đại thì phải dịch được ra Trò hợp với hiện đại. Trò thì ai cũng biết rồi, trong chèo có trò Lời và trò Diễn. Những mảng miếng hề như anh nói, ngay trò Lời cũng đã rất hấp dẫn, chưa nói đến trò Diễn. Vấn đề là phải phát huy mảng miếng của chèo và sáng tạo thêm. Tôi lấy ví dụ như vở chèo Hồng Hà nữ sĩ về cuộc đời bà Đoàn Thị Điểm. Rõ ràng đề tài này đầy đủ yếu tố để đưa hết các trò diễn của chèo vào, thế nhưng cuối cùng không được như kỳ vọng của cả người sáng tạo lẫn công chúng là bởi rất thuần chèo, nhưng không hấp dẫn. Đây là vấn đề của người sáng tác. Tại sao bác Tào Mạt ngày trước làm được lớp trò Chôn hề, vừa trò Lời vừa trò Diễn, mà có hát chèo đâu, hát chầu văn đấy chứ. Nhưng bác Tào Mạt làm thế là có lý cả đấy, khán giả và người làm nghề biết đấy.

Vậy vấn đề ở đây theo TS, là rõ ràng chỉ ở chỗ người sáng tạo bắt buộc phải hiểu chèo và đủ khả năng sáng tạo cái mới?

Đúng là như vậy. Tôi lấy ví dụ, nếu người viết kịch bản không hiểu chèo thì kịch bản sau này chỉ là kịch nói gài thêm bài ca. Người chuyển thể mà không nắm rõ chèo thì còn nguy hiểm nữa. Ví dụ như tôi xem một số vở chèo do anh viết kịch bản, thì may quá anh lại rất hiểu chèo, nên những thành công của anh là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tôi lấy ví dụ Liên hoan chèo vừa rồi, có những vở đạt giải thì mừng cho anh em nghệ sĩ, nhưng tiếc là nhiều vở rất chèo nhưng rất mới như vở Tình mẹ của NSƯT Lê Tuấn – Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội thì lại không đạt giải vàng. Đó cũng là điều đáng tiếc, tuy nhiên thi cử thì cũng có số, nhưng bên cạnh đó, tôi thấy mừng là bắt đầu nhìn thấy những vở chèo vẫn mới và có trò chèo. Đó là điều khiến tôi hy vọng vào tương lai của chèo.

Cảm ơn TS. Nguyễn Thanh Phương về cuộc trò chuyện này. Chúc chị nhiều sức khỏe để đồng hành với bộ môn ca kịch truyền thống tuyệt vời này.

Nguyễn Toàn Thắng (thực hiện)