Đã là nghệ thuật, đương nhiên sự sáng tạo luôn được đặt lên hàng đầu. Nhất là với sân khấu về đề tài lịch sử, bởi những tác phẩm sân khấu ấy có vai trò rất quan trọng trong việc tôn vinh những giá trị văn hóa và giáo dục truyền thống. Thế cho nên, việc sáng tạo trong lĩnh vực này là cần thiết, bởi nếu chỉ dừng lại là việc tái hiện lịch sử một cách thuần túy, thì rõ ràng đó không phải là tác phẩm nghệ thuật. Nhưng, như thế không có nghĩa là muốn sáng tạo thế nào cũng được, để nhân vật và câu chuyện trong tác phẩm vượt quá ra hình tượng gốc đã trở thành biểu tượng của nhân cách, giá trị con người của những nhân vật lịch sử.

Mấy năm gần đây, do nhiều lý do khác nhau, sân khấu về đề tài lịch sử có vẻ thắng thế hơn các mảng đề tài khác, nhất là hiện đại. Lý do thì có nhiều, nhưng tóm lại chủ yếu do các nhà hát ngại ngần với đề tài hiện đại. Khi đầu ra không có, thì những người viết kịch bản phải tìm cách khác, để đứa con tinh thần của mình được lên sàn, đến với công chúng. Không còn cách gì hơn là quay về với đề tài lịch sử, vốn hợp với tất cả các loại hình sân khấu từ kịch nói đến tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch… Nhưng, rõ ràng mảng đề tài này không hề dễ, nếu không muốn nói rằng lại là thách thức với bất cứ người viết nào. Bởi sáng tạo thế nào là vừa?

Có một câu chuyện thế này. Một lần trong trại sáng tác do Hội Nghệ sĩ Sân khấu tổ chức, một tác giả đọc kịch bản của mình cho đồng nghiệp cùng nghe. Phải nói hoạt động đọc kịch bản cho nhau nghe này rất hay, nó giúp cho những người viết nhìn lại sản phẩm của mình, học hỏi người khác. Tác giả ấy đọc đến đoạn Trần Thủ Độ bắt người họ hàng bên vợ chặt một ngón chân khi người này đến xin một chức câu đương, để phân biệt với những người câu đương khác. Chúng tôi có góp ý với tác giả ấy rằng, câu chuyện giai thoại ấy chép đầy trong sách rồi, nếu giả sử kịch bản mà lên sàn, khán giả xem cảnh đó sẽ ngáp ngủ mất, bởi họ biết rồi, chẳng có gì mới cả. Tóm lại, nếu cảnh ngắn ấy chỉ để nói lên rằng Trần Thủ Độ là một người công chính liêm minh, không dùng người nhà chỉ dùng người tài thì viết một cảnh khác, không cho người họ hàng ấy xin chân câu đương mà mua hẳn chức quan lớn hơn đi. Góp ý với nhau vậy thôi, nhưng không hiểu tác giả ấy có nghe không và kịch bản ấy đã được lên sàn hay chưa. Nhưng những câu chuyện thế này khiến chúng tôi có cảm giác lo lắng về một lối viết minh họa lại lịch sử, khiến chúng tôi nhớ lại những hoạt cảnh tự phân vai rồi tự diễn với nhau ngày còn đi học. Tất nhiên, chúng tôi hiểu tác giả ấy muốn tôn trọng tuyệt đối lịch sử, thế nhưng nếu chỉ viết vậy, sẽ rất khó cho dàn dựng, và đương nhiên là không hấp dẫn.

Vở chèo lịch sử “Người con của Vạn Thắng Vương”.

Nhưng, rõ ràng để sáng tác cho hấp dẫn thì không hề đơn giản. Do lịch sử để lại, chúng ta không có nhiều tài liệu khả tín. Lại càng không có những câu chuyện dân gian hấp dẫn, những truyền tích để từ đó người sáng tác có thể “có bột” mà “gột nên hồ”. Thế nên, người sáng tác cứ dựa vào những tuồng tích đã có sẵn từ trước mà lật lại vấn đề. Chẳng hạn như quanh quẩn chuyện Vua Lê và thái hậu Dương Vân Nga, hay chuyện Trần Thủ Độ là gian hùng hay anh hùng, hoặc thảm kịch Lệ Chi viên… Bởi vì có sẵn tuồng tích, giai thoại, nên người sáng tác cứ thế mà đưa cách nhìn của mình vào. Chúng tôi coi đó là cách làm ăn sẵn, không chịu đầu tư suy nghĩ, tìm tòi, và nói một cách khẩu ngữ, là sáng tác rất trendy – theo xu thế. Đó cũng là lý do mà khán giả quay lưng lại với sân khấu về lịch sử, trong khi, lẽ ra với lợi thế là truyền cảm hứng trực tiếp, sân khấu rất dễ dàng trong việc kéo khán giả. Tất nhiên, có một số vở diễn đã làm rất tốt việc này, nhưng tiếc thay, đấy chỉ là số ít.

Vấn đề giới hạn cho sáng tạo sân khấu lịch sử chính là việc làm thế nào cho tác phẩm hấp dẫn nhất có thể, mà không làm khác biệt lịch sử như người ta từng biết. Tất nhiên, không ai dại gì mà làm thay đổi các cột mốc lịch sử, nhưng đã có trường hợp dựa vào một trong những nguồn tư liệu chưa được kiểm chứng để sáng tạo. Mà như chúng ta đã biết, mỗi sách viết một kiểu. Nhưng trường hợp ấy là chấp nhận được, ở chỗ vẫn không làm sai lệch hình tượng nhân vật. Và nếu làm cho câu chuyện kịch hấp dẫn hơn, khiến người xem hiểu được số phận của nhân vật lịch sử, thì lại là điều nên làm.

Hơn nữa, việc đánh giá một nhân vật lịch sử là hết sức phức tạp, trừ những nhân vật đã được đóng đinh trong suốt chiều dài dựng và giữ nước. Công và tội của nhân vật lịch sử, nhiều lúc không thể đem ra mà cân đong đo đếm một cách rõ ràng, chi tiết. Trừ những anh hùng chống ngoại xâm, thì rất nhiều nhân vật lịch sử chỉ đại diện cho việc tranh đấu quyền lực. Thế nên, để xây dựng hình tượng những nhân vật này là hết sức khó khăn. Nhưng nếu khắc họa được, thì rõ ràng bài học lịch sử ấy rất có giá trị cho ngày hôm nay.

Các vở diễn có chất lượng về đề tài lịch sử trên thế giới đều giống nhau ở một điểm là lấy lịch sử làm cái cớ để chuyển tải những ý tưởng mới, những bài học khác nhau. Chẳng hạn, người Pháp không bịa thêm chuyện về Napoleon mà chỉ lý giải thất bại của ông ở các góc nhìn khác, thêm những chi tiết để khắc họa tính cách của vị hoàng đế này. Lịch sử luôn có khoảng tối, và đó là chỗ để sáng tác. Chính vì vận dụng được nguyên lý ấy, nên phim cũng như kịch về vị hoàng đế này nhiều vô số, và người Pháp thống kê rằng chỉ đứng sau tác phẩm về Chúa Jesus.

Pano quảng cáo vở cải lương đề tài lịch sử “Khất sỹ”

Có một vở kịch sử mà chúng tôi rất ấn tượng, đó là “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Vở này không hẳn đã là kinh điển, mà là chuẩn mực về việc sáng tác đề tài lịch sử. Ai cũng biết, đại thi hào Nguyễn Trãi bị giam lỏng ở Đông Quan, rồi sau này mới tìm cách đi tìm minh chủ và gặp được Bình Định vương Lê Lợi, để rồi sau đó chúng ta có những tác phẩm văn học bất hủ còn mãi đến bây giờ. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi chỉ lấy giai đoạn đó, không hề sai lệch gì với lịch sử, mà còn thêm vào những giai thoại, truyền thuyết trong dân gian một cách khéo léo, nhằm chuyển tải suy nghĩ riêng của mình, ý tưởng riêng của mình. Chúng tôi coi đó là cách tiếp cận đề tài khéo léo và uyển chuyển. Không cần thiết phải lật lại vấn đề, lại càng không phải dựa vào những thông tin chưa được kiểm chứng để cho tác phẩm của mình có tính khác biệt. Còn tất nhiên, để nói về tính hấp dẫn thì vở kịch này chưa phải là mẫu mực, nhưng đó là câu chuyện khác mà nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ xin phép được nói về vấn đề này.

Chỉ có một điều rằng, việc sáng tác này không hẳn là có giới hạn nào. Mà ở đây, chỉ là việc làm sao người làm sân khấu ca ngợi được tinh thần dân tộc, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt ngay trong những giai đoạn khó khăn nhất của đất nước. Xem một vở diễn xong, khán giả phải thêm tự hào về cha ông, bên cạnh sự chua xót nghẹn ngào hay những cảm xúc khác. Bởi như người ta nói, Tổ quốc được dựng lên từ xương máu của tiền nhân.

Nguyễn Toàn Thắng