Tối 27/4, tại thành phố Vinh, Nhà xuất bản Nghệ An phối hợp với nhóm Vinh xưa tổ chức ra mắt sách và trưng bày ảnh, ký họa nhân kỷ niệm 50 năm tái thiết thành phố Vinh (1/5/1974 – 1/5/2024).

Các đại biểu tham dự chương trình ra mắt cuốn sách “Nhà tầng hồi nớ…

Tham dự chương trình có bà Nguyễn Thị Thu Hường – Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; bà Võ Thị Minh Sinh – Ủy viên BTV, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Giáo sư Christina Schwehkel đến từ Đại học California Mỹ, tác giả của cuốn sách “Nhà ở xã hội chủ nghĩa”; kiến trúc sư, hoạ sĩ Werner Georges – cựu chuyên gia Đức xây dựng thành phố Vinh; nhà Vinh học Phạm Xuân Cần – người sáng lập nhóm “Vinh xưa”; cùng các tác giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, các văn nghệ sĩ và đông đảo độc giả, những người yêu Vinh, gắn bó với Vinh, với Nhà tầng hồi nớ…

Bà Bùi Ngọc – Giám đốc Nhà xuất bản Nghệ An phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, bà Bùi Ngọc – Giám đốc Nhà xuất bản Nghệ An cho biết, đô thị Vinh chính thức ra đời từ năm 1804, khi Vua Gia Long xuống chiếu cho dời lỵ sở của tỉnh Nghệ An từ Lam Thành – Phù Thạch về Vinh. Dưới thời thuộc Pháp, Vinh – Bến Thuỷ đã từng là một đô thị sầm uất. Tuy nhiên, năm 1947, với tinh thần xả thân vì nước, thực hiện chủ trương “Tiêu thổ để kháng chiến” người dân thành phố đã phải tự tay phá huỷ hầu như tất cả cơ sở hạ tầng đô thị, nhà ở dân sinh để bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến.

Sau ngày hoà bình, từ năm 1954 – 1965, Vinh bắt đầu xây dựng lại. Năm 1963, thành phố Vinh tái thành lập. Thế nhưng, một lần nữa thành quả của 10 năm xây dựng lại bị phá huỷ hoàn toàn bởi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1964 – 1972).

Nếu như, năm 1954, người dân Vinh trở về, cả thành phố là một đông gạch vụn, thì năm 1973, khi Vinh ra khỏi cuộc chiến tranh phá hoại, thành phố chỉ còn là những hố bom bất tận. Tất cả chỉ còn là hoang tàn và đổ nát.

Công chúng xem triển lãm bộ sưu tập ảnh và ký họa của kiến trúc sư, hoạ sĩ Werner Georges – Cựu chuyên gia Đức xây dựng thành phố Vinh

Một lần nữa Vinh lại hồi sinh với sự giúp đỡ vô tư, chí tình, chí nghĩa của Nhà nước và Nhân dân Cộng hoà Dân chủ Đức, thành phố đã được xây dựng lại. Trong tổng số 30 công trình, dự án quan trọng ở Vinh, Nghệ An mà các bạn Đức đã xây dựng, thì Khu chung cư Quang Trung là công trình quan trọng nhất.

21 dãy nhà 5 tầng của Khu Quang Trung đã thực sự biến Vinh thành đô thị hiện đại, văn minh lúc bấy giờ. Và trong 21 dãy nhà ấy là biết bao ký ức vui buồn của những thế hệ công dân của Vinh.

Sau 50 năm xây dựng và tồn tại, đến nay, khu chung cư Quang Trung đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Thế nhưng, mỗi cư dân nhà tầng cũng như cư dân thành phố Vinh không ai nỡ đập đi những hình ảnh về những toà nhà ấy trong ký ức mình. Bởi đó là kỷ niệm sâu sắc của một thời đầy gian khó nhưng chất đầy kỷ niệm…

Bìa cuốn sách “Nhà tầng hồi nớ…”.

Với mong muốn dựng lại một bảo tàng thu nhỏ của khu chung cư Quang Trung qua 1 cuốn sách, Nhóm Vinh Xưa và đặc biệt là nhà Vinh học Phạm Xuân Cần đã thực hiện thành công cuốn sách “Nhà tầng hồi nớ…”.

Ông Phạm Xuân Cần giới thiệu về cuốn sách

Theo ông Phạm Xuân Cần, cuốn “Nhà tầng hồi nớ…” dày gần 350 trang với gần 70 bài viết của nhiều tác giả, bao gồm 2 phần. Phần I: Bài ca xây dựng, viết về quá trình lịch sử ký kết thực thi Hiệp định tái thiết thành phố Vinh giữa hai nhà nước Cộng hoà Dân chủ Đức và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Phần này bao gồm những nghiên cứu về lịch sử, những giá trị lịch sử, kiến trúc, xây dựng, khoa học của khu Quang Trung, cũng như đề xuất ý kiến, ý tưởng về bảo tồn, phát huy các giá trị của khu Quang Trung như một di sản đô thị quan trọng, độc đáo của thành phố Vinh. Ngoài ra, còn có những bài viết của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, nhất là có người đã từng là chuyên gia Đức xây dựng khu Quang Trung trước đây.

Phần II: Nhà tầng hổi nớ… dành riêng cho ký ức của cư dân khu Quang Trung, những người đã gắn bó cuộc đời với những căn hộ nhỏ nhắn và yêu thương.

Cuốn sách là món quà ân nghĩa mà nhóm biên soạn muốn dành để tri ân những người đã góp phần tái thiết lại thành phố Vinh, xây dựng nên khu chung cư Quang Trung, trong đó có lãnh đạo hai nước, người quyết định chủ trương, tạo tiền đề chính trị, kinh tế cho sự hồi sinh của Vinh; tri ân những chuyên gia, kiến trúc sư, kỹ sư, công nhân Đức và Việt Nam đã sát cánh cùng nhau trong quá trình khảo sát, quy hoạch, thiết kế và thi công, xây dựng nên hàng chục công trình, dự án ở Nghệ An và Vinh, trong đó có khu chung cư Quang Trung lịch sử. Đó cũng là nỗi lòng, hoài niệm và cả những ký ức của biết bao cư dân khu Quang Trung. Cuốn sách cũng là nguồn tư liệu quý để các thế hệ hiện tại và tương lai có thể hình dung được, cảm nhận được, sau chiến tranh, thành phố Vinh đã hồi sinh kỳ diệu như thế nào.

Giáo sư Christina Schwehkel đến từ Đại học California Mỹ, tác giả của cuốn sách “Nhà ở xã hội chủ nghĩa” chia sẻ về cuốn sách này.

Tại lễ trưng bày sách, Giáo sư Christina Schwehkel đến từ Đại học California Mỹ, tác giả của cuốn sách Nhà ở xã hội chủ nghĩa đã chia sẻ về cuốn sách đầy tâm huyết của bà viết về khu chung cư Quang Trung.

Giáo sư Christina Schwehkel tặng cuốn sách Nhà ở xã hội chủ nghĩa cho lãnh đạo tỉnh và nhóm Vinh xưa

“Nhà ở xã hội chủ nghĩa là cuốn sách khoa học xã hội nói về sự tàn phá, hồi sinh, tái phát triển của thành phố Vinh qua góc nhìn của cư dân khu Quang Trung và góc nhìn của các cựu chuyên gia Đông Đức. Cuốn sách là mối quan hệ xuyên thời gian giữa con người và kiến trúc. Mối quan hệ giữa các chuyên gia, thợ xây và cư dân khu Quang Trung… Nhà ở xã hội chủ nghĩa là kết quả hơn 10 năm nghiên cứu. ”Tôi là nhà nhân học đã nghiên cứu nhiều tài liệu về thành phố Vinh ở Béc Lin, Washington, Hà Nội. Sau đó, tôi đã thuê nhà ở nhà C2, khu Quang Trung trong 9 tháng để tìm hiểu gặp gỡ, khảo sát 600 hộ cư dân nơi đây bổ sung nhiều tư liệu quý giá cho cuốn sách”.

Kến trúc sư, hoạ sĩ Werner Georges – cựu chuyên gia Đức xây dựng thành phố Vinh, tác giả của rất nhiều bức ảnh và ký hoạ về Vinh và Nghệ An

Tại buổi lễ, kiến trúc sư, hoạ sĩ Werner Georges – cựu chuyên gia Đức xây dựng thành phố Vinh, tác giả của rất nhiều bức ảnh và ký hoạ về Vinh và Nghệ An, sáng tác năm 1977, 1978 đã xúc động kể lại nhiều kỷ niệm khó quên khi đang làm chuyên gia ở Vinh. Ông đã trao tặng lại cho nhóm Vinh xưa nhiều tư liệu quý giá trong quá trình tái thiết xây dựng lại thành phố trong đó có tấm bản đồ quy hoạch xây dựng thành phố Vinh những năm 70.

Bà Võ Thị Minh Sinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã mua tặng Thư viện Nghệ An 50 cuốn sách “Nhà tầng hồi nớ…”
Nhà thơ Phạm Thùy Vinh – Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam đã chia sẻ, trao đổi về giá trị nội dung cuốn sách

Cũng tại buổi lễ, PGS,TS Nguyễn Công Khanh – nguyên giảng viên Trường Đại học Vinh; nhà thơ Phạm Thùy Vinh – Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam đã chia sẻ, trao đổi về giá trị nội dung cuốn sách.

Dịp này, bà Võ Thị Minh Sinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã mua tặng Thư viện Nghệ An 50 cuốn sách “Nhà tầng hồi nớ…” để lưu giữ và phục vụ bạn đọc.

Tin: Hoàng Nguyên
Ảnh: Võ Khánh