Biết Phạm Thanh Hà đã lâu nên chúng tôi không ngạc nhiên khi càng ngày, những thành công của chị trong lĩnh vực hoạt hình càng nhiều. Hơn hai thập kỷ gắn bó với hoạt hình, nhà biên kịch Phạm Thanh Hà vẫn nhiệt huyết như khi mới bước chân vào nghề. Cuộc trò chuyện này đặc biệt bởi được chúng tôi thực hiện tại Nhà Sáng tác Đại Lải, nơi lần đầu tiên Phạm Thanh Hà thử sức với việc viết kịch bản sân khấu, tất nhiên là về đề tài thiếu nhi, bởi đề tài này là thế mạnh của chị.

Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà

 Xin chào nhà biên kịch Phạm Thanh Hà. Thật thú vị khi chúng ta được gặp nhau ở một bối cảnh hoàn toàn khác, là tham gia Trại sáng tác kịch bản sân khấu, nhưng lại trò chuyện về kịch bản hoạt hình, và phim hoạt hình.

Cũng là lần đầu tôi thử sức, nhưng khi tham gia trại sáng tác kịch bản sân khấu tôi mới thấy quả là khó. Nên có khi, tôi vẫn cứ chung thủy với hoạt hình thôi vậy (cười).

Thật ra lý do khiến tôi muốn có cuộc trò chuyện này là bởi thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe nhiều bình luận cũng như cái nhìn rằng hoạt hình Việt Nam thì ai xem. Nói thật, tôi không thích cách nhìn phiến diện ấy. Đồng ý rằng hoạt hình của chúng ta chưa phải quá xuất sắc nhưng cũng đã có rất nhiều tác phẩm thành công. Tôi lên Youtube tìm kênh của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, thì thấy có khoảng 700 ngàn lượt đăng ký, và có những phim đạt hàng chục triệu lượt xem. Tất nhiên Youtube chỉ là một trong những tiêu chí để đánh giá, nhưng rõ ràng rằng, sức hút của phim hoạt hình Việt là không thể phủ nhận.

Anh nói đúng. Đó là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam chỉ đưa các bộ phim lên một cách thuần túy, như một cách để quảng bá phim mà thôi, và yêu cầu số một là đem sản phẩm của các nghệ sĩ đến với khán giả, với những người muốn xem chứ không hề có “chiêu trò” ví dụ như làm shorts, hay cắt ghép các bộ phim như những kênh Youtube chuyên nghiệp hay làm. Bởi vì, thực chất những bộ phim của Hãng là được đặt hàng. Chính vì vậy Hãng không nắm giữ bản quyền mà bản quyền thuộc về Cục Điện ảnh. Cho nên, việc kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội thì Hãng chưa nghĩ tới, và cũng không thuộc chức năng của Hãng. Các hoạt động quảng bá, giới thiệu phim đều có sự phối hợp và cho phép của đơn vị
nắm bản quyền. Ngoài ra, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam vẫn chiếu các phim. Ngoài ra, hãng phim Hoạt hình Việt Nam vẫn chiếu phim trên các đài truyền hình, đến hè thì mở các phòng chiếu miễn phí trong suốt vài tháng trời. Có cái khó là những hoạt động này Hãng đều không được cấp kinh phí, mà tự thân vận động, sáng tạo ra các phương pháp để tiếp cận khán giả. Còn kết quả đến đâu xin không tự đánh giá, chỉ biết rằng chúng tôi đã tìm mọi cách có thể để phim đến được với khán giả. Ngoài ra, theo chúng tôi, số người đăng ký trên Youtube mà anh nhắc tới, đều là những đăng ký thật, xuất phát từ nhu cầu muốn xem thật. Bởi nhiệm vụ chính của chúng tôi vẫn là làm phim do Nhà nước đặt hàng, chỉ khi nào “nông nhàn” mới làm thêm một số dịch vụ. Nói chung, Hãng cũng muốn đẩy mạnh kinh doanh trên Youtube hay các nền tảng mạng xã hội nhưng còn nhiều ràng buộc, tuy nhiên đây là cách làm linh hoạt để kéo khán giả đến với hoạt hình.

Phim hoạt hình “Hiệp sĩ nghé vàng” do Phạm Thanh Hà biên kịch

Trong số những bộ phim mà Hãng đưa lên Youtube, những bộ phim hoạt hình về đề tài lịch sử lại có số lượt xem rất cao. Rõ ràng rằng đây là một minh chứng cho thấy chúng ta vẫn có cách làm nghệ thuật vừa đạt mục đích tuyên truyền vừa hấp dẫn đấy thôi. Với cương vị là Trưởng phòng Biên kịch của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, chị và các đồng nghiệp đã thực hiện khâu đầu tiên của dây chuyền sản xuất phim như thế nào?

Chủ trương của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam khi làm phim lịch sử là làm những cái hay, cái đẹp của lịch sử nước nhà, làm sao cho hấp dẫn để từ đó khán giả có sự say mê. Và khi say mê rồi thì khán giả sẽ tìm hiểu, tìm tài liệu để đọc. Hãng làm phim không phải để dạy sử, mà để khơi gợi tình yêu đối với lịch sử, để trẻ em có thể tự đi tìm hiểu. Vì số tiền đầu tư của Nhà nước cho đề tài lịch sử không được nhiều nên hãng phải cơ cấu. Ví dụ, 30% tổng kinh phí đặt hàng trong năm là làm phim lịch sử, 30% là làm phim sê-ri cho trẻ em, 30% là làm phim đồng thoại hay các vấn đề hiện đại. Thế nhưng, đã làm phim lịch sử là lại phải đầu tư tốt, thời gian thực hiện lâu hơn rất nhiều và rất chỉn chu. Vì lý do là ít tiền mà tham vọng là muốn cung cấp cho khán giả nhỏ tuổi thật nhiều phim lịch sử nên chúng tôi có định hướng rõ ràng về phim lịch sử. Đó là chọn từng giai đoạn, mỗi gian đoạn chọn lấy nhân vật nổi tiếng, câu chuyện tiêu biểu để chỉ cần các em thuộc hết đầu đề của các bộ phim hoạt hình lịch sử Việt Nam là có thể hình dung ra sơ đồ khái quát chiều dài lịch sử của nước nhà. Ví dụ như giai đoạn trước Công nguyên thì làm những bộ phim về sự tích thành Cổ Loa, truyền thuyết Mị Châu – Trọng Thủy. Tiếp đến là từ Công nguyên trở đi là làm phim về Hai Bà Trưng, Bà Triệu, rồi đến Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương…rồi các giai đoạn về sau. Sau đó các em tự tìm hiểu, và nếu như không tìm hiểu thì cũng nhớ được có bao nhiêu triều đại, triều đại này có vua nào nổi danh, có sự kiện gì tiêu biểu. Để nhớ được như vậy nếu học sử thì rất khó, nhưng chỉ cần xem vài chục bộ phim thì lại dễ hơn rất nhiều. Thật ra, đó là việc của tôi, trách nhiệm làm kịch bản của tôi. Đây là công việc hết sức nặng nề, bởi ngay kịch bản đã duyệt rất kỹ. Trong việc này, ngay một câu thoại, một cách xưng hô thôi đã phải tính rất kỹ. Nếu làm đúng hẳn như sử, trẻ con bây giờ khó mà tiếp nhận được. Vậy thì mình phải làm thế nào cho phù hợp nhất với thẩm mỹ của thời đại, nhưng không được sai lệch lịch sử, mà lại phải hợp với phim hoạt hình. Cực kỳ khó khăn. Phim lịch sử thì tôi cực kỳ thích, nói bao nhiêu cũng không thể nào hết được.

Vậy thì chúng ta sẽ nói nhiều hơn về phim hoạt hình lịch sử. Bởi vì, để nhìn nhận một cách khách quan, hoạt hình sẽ làm được nhiều thứ mà phim tài liệu hay phim truyện không thể làm được. Nhưng rõ ràng, việc chuẩn bị kịch bản là hết sức công phu và đầy khó khăn

Vâng, quả là như thế. Lấy ngay ví dụ bộ phim về Phật hoàng Trần Nhân Tông mà chúng ta vừa hợp tác. Rõ ràng, chúng ta đã phải chuẩn bị hồ sơ nhân vật rất công phu, thu nạp kiến thức về cả một vùng đất, cả một giai đoạn lịch sử, nhưng chúng ta chỉ dùng một lát cắt mà thôi. Ta dùng đến hay không không biết, trên phim chỉ lướt qua, nhưng mỗi một hình ảnh lướt qua đó đều có mục đích, đều có câu chuyện của nó trong đấy.

Phim hoạt hình “Kỳ tích đầm Dạ Trạch”, Phạm Thanh Hà tham gia biên kịch

Điều này hiển nhiên đúng. Trong thời gian chuẩn bị kịch bản này, tôi cũng nói với chị rằng những sự chuẩn bị ấy, dù cho không dùng đến, cũng sẽ là cái để gợi mở cho khán giả.

Vâng, thưa anh. Và như anh nói ở trên, hoạt hình lại không khô khan bởi đặc trưng ngôn ngữ. Hoạt hình có thể làm được sự hoành tráng, từ những cái phục cổ. Hoạt hình không khó khăn gì trong việc tìm diễn viên. Bởi với các nhà làm phim hoạt hình, việc khắc họa được khí chất của nhân vật lịch sử là điều hoàn toàn trong tầm tay mà không phụ thuộc các yếu tố bên ngoài. Hay nhiều khi, hoạt hình lại phù hợp hơn hết với những đề tài huyền sử, huyền thoại, điều mà phim truyện hay tài liệu rất khó khăn trong khâu thực hiện.

Từng ấy năm viết, biên tập và tổ chức kịch bản, chúng tôi thấy chị còn giảng dạy và đào tạo đội ngũ viết kịch bản hoạt hình. Và đến hôm nay, đâu là điều chị lo lắng nhất về đội ngũ này?

Tôi cũng góp phần phát hiện ra những biên kịch mới. Có những em học tôi từ lúc chưa tốt nghiệp, có tác phẩm và giờ vẫn tiếp tục cộng tác. Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cũng được ưu tiên hơn là mỗi năm đều có trại sáng tác riêng cho hoạt hình. Hiện giờ, tôi cũng tham gia dạy biên kịch hoạt hình ở Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Tuy nhiên, điều tôi trăn trở là vẫn chưa có chuyên ngành biên kịch hoạt hình riêng, mà chỉ là chuyên đề. Tôi cũng đang tham gia soạn giáo trình nghiệp vụ viết kịch bản hoạt hình. Bởi kịch bản hoạt hình đòi hỏi nghiệp vụ rất cao. Viết làm sao để đúng ngôn ngữ loại hình, là chuyện không đơn giản. Tất nhiên, chúng tôi vẫn mời cộng tác viên viết, rồi tham gia biên tập. Là bởi kịch bản hoạt hình luôn cần những cách nghĩ mới, những ý tưởng mới. Và nói thật, ngày nay nhu cầu về đội ngũ viết kịch bản hoạt hình là rất cao. Có rất nhiều tập đoàn cần người viết kịch bản hoạt hình chuyên nghiệp trên Youtube chẳng hạn, họ có những kênh đã đạt nút vàng, nút kim cương. Cho nên, tôi chỉ mong tìm được nhiều người mới, thích viết một cách chuyên nghiệp.

Xin cảm ơn nhà biên kịch Phạm Thanh Hà về cuộc trò chuyện này.

Nguyễn Toàn Thắng (thực hiện)
(Ảnh trong bài do nhân vật cung cấp)