Nhà văn Heinrich Mann sinh năm 1871 tại thành phố Lubeck, mất năm 1950 tại Santa Monica. Ông học giỏi, nhưng không mấy chăm chỉ. Sau khi tốt nghiệp trung học, Heinrich Mann đến thành phố Dresden. Có một thời gian ông làm nhân viên bán sách trên bờ sông Elbe. Sau đó ông theo học trường đại học ở Berlin. Học được một thời gian, ông bỏ trường đại học. Cuộc sống trở thành trường đại học của ông. Từ nhỏ, Heinrich Mann luôn muốn trở thành một nhà họa sĩ tài ba. Thế nhưng đến cuối cùng thì ông lại trở thành một nhà văn lỗi lạc.

Nhà văn lớn người Đức Heinrich Mann.

Heinrich Mann là nhà văn có xu hướng chống lại phát xít Đức. Những trang văn của ông đều hướng đến cổ vũ cho tinh thần của giai cấp tầng lớp dân chủ vô sản. Ông có thiên hướng về hòa bình và niềm tin vào những điều tốt đẹp trong tương lai. Tạp chí Sông Lam xin giới thiệu tiểu thuyết “Lão Unrat” của nhà văn tới bạn đọc.

Tóm tắt nội dung tiểu thuyết “Lão Unrat”

Raat, một giáo viên trung học 57 tuổi, sống một mình và biệt lập. Lão góa vợ và đã từ bỏ con trai mình vì cậu ta nhiều lần thi trượt và để cho mọi người nhìn thấy cậu đi cùng với những ả đàn bà không chồng, lẳng lơ nơi công cộng. Lão Unrat luôn muốn tỏ ra là một thầy giáo nghiêm khắc, nghiệt ngã đối với học sinh của mình. Tất cả các thế hệ học sinh của lão và nhiều người dân trong thành phố, sau lưng đều gọi lão bằng biệt danh “Rác rưởi” (Tiếng Đức: Unrat (có nghĩa là đồ rác rưởi, đồ bỏ đi, “Rat” và “Raat” là hai từ đồng âm, tiền tố “un” mang ý nghĩa phủ định)). Việc này đối với lão Unrat là một sự thiếu tôn trọng và là một sự phỉ báng. Vì thế lão Unrat liên tục tìm mọi cách trừng phạt, trả thù, phá hoại tương lai của các học sinh đã réo tên lão. Ở trường, cậu con trai mười bảy tuổi của ngài lãnh sự Lohmann là đối thủ đặc biệt của lão Unrat. Cậu ta (Lohmann (con)) thông minh, biết cách làm cho lão Unrat không thể trừng phạt mình và luôn khiến lão Unrat tức giận. Khi lão Raat phạt cậu bằng cách bắt cậu phải vào ngồi trong phòng để quần áo ngoài với cách gọi theo tiếng lóng của các học sinh là “phòng nghỉ” vì gọi lão bằng cái tên “Rác rưởi” trong giờ viết tiểu luận, lão nhận ra ở vở của Lohmann có một bài thơ với tựa đề “Sự ngưỡng mộ đối với nữ nghệ sĩ xuất sắc Rosa Fröhlich”. Cuối cùng, để trừng phạt được Lohmann, lão Unrat đã cố tìm cho ra cô Rosa Fröhlich. Lão phát hiện ra cô ta là một ca sĩ biểu diễn tại quán rượu Thiên Thần Xanh. Trớ trêu là sau đó lão Unrat phải lòng Rosa Fröhlich. Vì việc quan hệ với cô ta mà lão bị đuổi việc. Sau đó lão cưới cô ta và lợi dụng cô ta vào việc trả thù các cậu học trò đã réo tên lão là “Rác rưởi”, đặc biệt là Lohmann. Vợ chồng lão Unrat tổ chức đánh bạc tại nhà mình và bản thân lão Unrat sẵn sàng để vợ mình trở thành gái điếm cao cấp. Qua đó lão có thể dễ dàng lợi dụng cô để thỏa mãn khao khát trả thù các học sinh của mình và những người khác mà lão không ưa. Nhưng lão đã không làm được việc đó với Lohmann. Rốt cuộc vợ chồng lão Unrat bị bắt, người dân thành phố nhỏ vui mừng về việc này, vì cuối cùng vợ chồng lão Unrat, một ung nhọt làm băng hoại đạo đức ở thành phố, cũng bị loại bỏ.

Chương XII

Lão Unrat vẫn đi dạy, nhờ phần còn lại của thói quen đi làm của một viên chức và mặc dầu lão đã đoán trước rằng, một trong những lần đi dạy này sẽ là lần đi dạy cuối cùng của lão. Giờ đây, các giáo viên lâu năm đã quyết định không có ngoại lệ về việc không đếm xỉa đến lão. Ở phòng giáo viên tất cả mọi người đều cầm lấy báo che mặt, cúi xuống nhìn gầm bàn, quay mặt nhổ nước bọt vào góc phòng ngay khi lão Unrat ngồi xuống với chồng vở kiểm tra của học sinh. Ở lớp vắng mặt tất cả ba học sinh: Lohmann, Ertzum và Kieselack. Lão Unrat không buồn quan tâm đến những học sinh còn lại và để cho họ muốn làm gì thì làm. Thỉnh thoảng lão chép chép miệng cân nhắc phạt cấm túc nửa ngày một học sinh nào đó. Nhưng sau đấy lão lại quên ủy nhiệm cho bảo vệ nhà trường thi hành kỷ luật.

Ở ngoài đường lão Unrat len lén bước đi để không ai nhìn thấy, lão không nghe thấy những lời nhục mạ mà cũng chẳng nghe thấy những lời tán dương. Lão cũng không nhận thấy việc những người đánh xe ngựa thuê dừng lại để hướng sự chú ý của những người khách lạ trên xe vào lão Unrat như một vật lạ của thành phố. Những nơi nào lão đi qua mọi người đều nói về vụ xử án mà lão đã tham gia. Đối với họ đúng ra lão Unrat là bị cáo, và sự xuất hiện của lão trước tòa gây nên sự hối tiếc và phẫn nộ. Những người đàn ông lớn tuổi, những học sinh tốt nghiệp khóa đầu mà lão Unrat gợi lại cho những kỷ niệm vui vẻ, đẹp đẽ thời trai trẻ, ngỡ ngàng và lắc đầu khi lão nhìn họ.

“Có chuyện gì xảy ra với lão Unrat, thầy giáo cũ của chúng ta, thế này? Chắc chắn đó là một tai họa, nhất định mới đây lão đã gây chuyện rắc rối rồi.”

“Một thầy giáo thì không thể phát biểu chống lại một thanh niên trẻ tuổi thế được. Một người dạy dỗ thanh niên mà thế sao? Và sau đó là những lời công kích của lão chống lại giới thương gia và chống lại những gia đình quyền quý trước tòa nữa chứ.”

“Đó chính là cậu thanh niên vẫn còn tự buộc tội vì những cuộc phiêu lưu tình ái thú vị ở độ tuổi của mình và đang tỏ ra thất vọng với chuyện đó. Đúng là cậu ta sống trong nhung lụa. Tôi nghe nói cả thành phố đang xì xào bàn tán rằng cậu ta yêu phu nhân của ngài lãnh sự Breetpoot, và rằng bà ta không muốn cậu ta đi học nữa. Cậu ta có thể bỏ đi nơi khác cùng với người tình của mình.”
“Nhưng bà ta là một thiếu phụ đứng đắn kia mà.”
“Đúng thế đấy.”

Sau đó những người đàn ông nhìn nhau cười đầy ẩn ý.
“Với lão Unrat thì sao?”
“Thì đấy, tôi chả luôn nói với các ông đó rồi sao? Theo thời gian không ai có thể chống lại việc bị gọi với cái tên như thế. Giờ đây thì lão đã là một lão Unrat già cả thực thụ rồi.”

Những người khác nhắc đến cậu con trai của lão Unrat, kẻ trước đây đã để cho mọi người nhìn thấy cùng với một ả đàn bà lẳng lơ ở ngoài chợ. Họ nói rau nào sâu ấy, và quả quyết theo lời kể của thầy Hübbenett, rõ ràng sự suy đồi đạo đức của người cha đã được đoán trước. Từ lâu họ đã nhận thấy một chút gì đó ghét đời, nguy hiểm, rất đáng ngờ ở lão Unrat và nói họ không hề ngạc nhiên về những phát biểu trước tòa của lão chống lại những người được kính trọng nhất của thành phố.

“Người ta nên trừ khử một lão già ghê tởm như thế từ lâu rồi”, ông Meyer, người bán xì gà, tựa người vào cửa khi lão Unrat đi ngang qua ra khỏi cửa hiệu nói, trên những hóa đơn tính tiền cho thầy giáo Raat của ông ta luôn có một chữ U được gạch đi.

Ông chủ quán cà phê trung tâm nói với những người bồi bàn đang làm vệ sinh quán của mình vào sáng sớm, khi lão Unrat len lén đi qua trước quán:
“Đừng bao giờ để lão Unrat thối tha vào quán.”

Trái lại, có những kẻ bất mãn vui mừng hoan nghênh sự phóng túng của lão Unrat cho những quảng cáo độc hại, cho sự tồn tại của mình như là những kẻ cùng hội cùng thuyền và triệu tập các cuộc họp, nơi bọn họ thảo luận về sự phát biểu can đảm của lão chống lại những người có đặc quyền của thành phố, và nơi lão cần diễn thuyết. Họ công khai hô hào:
“Chúng ta hãy ngả mũ trước người đàn ông như thế!”

Nhưng lão Unrat không trả lời thư mời của họ. Lão tống tiễn những người đại diện của họ bằng cách khóa kín cửa. Lão ngồi trong phòng và nhớ đến nữ nghệ sĩ Fröhlich với sự căm ghét, khát khao và độc ác, và lão nghĩ cách làm thế nào lão có thể cưỡng ép cô ta rời khỏi thành phố và bỏ đi thật xa. Lão sực nhớ ra là trong lần gặp nhau đầu tiên của họ lão đã nghiêm khắc nói điều này với cô. Giá mà dạo ấy cô không chống lại thầy giáo Raat! Giờ đây cô đã làm nhiều chuyện bậy bạ, đã gây ra điều bất hạnh, và trong sự mong muốn trả thù đầy đau đớn không kìm nén được lão Unrat nghĩ, đối với lão không có gì đáng khao khát nữa ngoài việc để cho nữ nghệ sĩ Fröhlich kết thúc đời mình trong một căn phòng ẩm thấp và tối tăm.

Ban ngày lão Unrat quá thận trọng tránh đi trên những con đường mà lão có thể gặp nữ nghệ sĩ Fröhlich. Lão chỉ lẻn đến khu vực đó của thành phố vào một giờ, khi bên trong cửa sổ kính của các quán rượu không còn hiện lên bóng đen của những cái đầu cùng với những cái cằm của các giáo viên lâu năm. Sau đó, lão đi một vòng tròn lớn xung quanh khách sạn Zum Schwedischen Hof một cách lấm lét, hầm hầm và trong lòng đầy cảm giác cay đắng.

Một bận, lão Unrat đang đi như vậy thì một người bước ra từ bóng tối ngay trước mặt lão và chào. Đó là Lohmann. Đầu tiên, lão Unrat nhảy lùi lại và há hốc miệng vì kinh ngạc. Sau đó lão xòe hai bàn tay ra và đồng thời chìa cả hai bàn tay về phía Lohmann, người lịch sự nhường đường cho lão. Khi đã trấn tĩnh lại, lão xì một tiếng tỏ vẻ coi thường.

“Cậu là kẻ tồi tệ, cậu còn dám nhìn mặt tôi nữa sao! Tôi phải tóm cổ cậu ngay sát cạnh căn hộ của Fröhlich! Cậu đã lại nhúng mũi vào việc của người khác!”
“Thưa thầy, em cam đoan với thầy là thầy đã lầm. Thầy đã hoàn toàn lầm lẫn”, Lohmann mềm mỏng đáp lại.
“Cậu đã lại làm gì ở đây vậy, đồ đê tiện?”
“Em lấy làm tiếc là không thể nói cho thầy biết được. Em chỉ có thể nói việc em làm không liên quan gì đến thầy.”
“Tôi sẽ cho cậu biết tay!” lão Unrat tức giận nói, mắt long lên sòng sọc. “Cậu hãy chuẩn bị trước tinh thần bị đuổi học với sự nhục nhã và hổ thẹn…”
“Thưa thầy, em sẽ rất vui nếu làm cho thầy hài lòng”, Lohmann nói, mà không có ý giễu cợt, nói đúng hơn là buồn rầu, và cậu thong thả đi tiếp, bị giày vò bởi những lời đe dọa của lão Unrat.

Lohmann không còn hứng thú làm tổn thương lão Unrat. Hôm nay, khi tất cả mọi người nói xấu lão, Lohmann đã thấy hổ thẹn cho lão. Cậu cảm thấy thương hại lão, kẻ vẫn còn nói đuổi học cậu ở thời điểm mà việc cho lão thôi việc đã được quyết định; và cũng là một sự thương hại giống như thiện cảm dè dặt dành cho địch thủ tầm thường đơn côi này, kẻ chắc chắn đã gây thù chuốc oán quá nhiều; dành cho kẻ coi trời bằng vung dị thường đã nổi trận lôi đình tại đây…

Sự nghi ngờ cố hữu của lão Unrat đối với Lohmann vì cô Fröhlich là tội nghiệp và đáng thương. Thậm chí lão còn bị mỉa mai thê thảm nếu người ta gắn kết lão với việc Lohmann đem hết chuyện đêm nay kể cho mọi người biết. Lohmann đã đến từ phố Hoàng đế. Tối nay bà Dora Breetpoot đẻ. Và Lohmann đã có cử chỉ vuốt ve lạ thường khi cúi xuống động viên bà khi bà nằm trên giường đẻ. Con tim cậu, một ngọn lửa nhỏ đang cháy âm ỉ một cách vô ích và le lói, khao khát sưởi ấm thân thể bé nhỏ của đứa trẻ sơ sinh đang run rẩy, có thể gã trợ tá Knust, có thể trung úy Phôn Gierschke, cũng có thể ngài lãnh sự Breetpoot đã gây nên sự ra đời của nó… Đêm nay Lohmann đi đến trước ngôi nhà của ngài lãnh sự Breetpoot và đã hôn cánh cửa khóa kín của nó.

Ít ngày sau những số phận đang lơ lửng được quyết định. Lohmann, người không quan tâm gì đến chuyện đó được phép ở lại trường cho đến khi cậu sang Anh; những người thân của cậu không muốn cậu phải xa gia đình ngay. Kieselack bị đuổi học là do vụ phá hoại mộ cự thạch; nói đúng hơn là do thái độ không nghiêm túc của cậu trước tòa; nhưng trước hết là do những mối quan hệ của cậu với nữ nghệ sĩ Fröhlich đã được duy trì và bị cô ta nói ra trước tòa có vẻ như không thể chấp nhận được đối với một cậu học sinh lớp mười một. Ertzum tự nguyện thôi học và xin vào học ở một trường tư. Lão Unrat bị cho thôi việc.

Lão Unrat bảo lưu quyền tiếp tục hoạt động giảng dạy của mình đến mùa thu. Nhưng ngay lập tức lão lại đình chỉ công việc đó với sự đồng ý của cơ quan cấp trên. Vào một trong những buổi sáng không có giờ lên lớp của lão Unrat, khi lão cứ ngồi không ở ghế sofa và chưa biết làm gì, thì mục sư Quittjens đến. Ông ta đã nhìn thấy tại đây con người ngày càng lún sâu hơn vào tội lỗi và những sự tuyệt vọng. Giờ đây, khi lão Unrat đang ở trong tình trạng bi đát, mục sư tin rằng nên làm gì đó cho Cơ đốc giáo.

Ngay lập tức mục sư bắt đầu thương xót về những chuyện buồn của lão Unrat, về sự cô độc của lão, về những thù hận mà lão vừa mới phải đối mặt từ phía những người khác, và đồng thời mục sư cũng cầm xì gà hút như mọi người. Chẳng ai thích làm một việc như vậy, mà phải làm. Khi lão Unrat ít nhất cũng còn có công việc quen thuộc của mình. Việc lão bị cho thôi việc đã gây ra điều bất hạnh, qua đó đưa lão đến với những ý nghĩ cay đắng một cách tuyệt vọng… Bây giờ, có nói quá nhiều cũng chẳng giúp ích gì cho lão. Mục sư Quittjens tỏ ý sẵn sàng giúp lão Unrat tái hòa nhập với mọi người, đưa lão gia nhập một đoàn thể chính trị, một câu lạc bộ chơi ky. Đương nhiên điều kiện là lão Unrat phải ăn năn những lỗi lầm của mình trước Chúa và mọi người và phải hứa không tái phạm, ông mục sư có vẻ lấy làm tiếc về điều này và xem đó như là một điều khó xử không tránh khỏi.

Tiếp đó lão Unrat hầu như không trả lời gì. Lão không quan tâm đến lời đề nghị của ông mục sư. Khi lão đã mất nữ nghệ sĩ Fröhlich lão thấy việc đánh đổi điều đó để có được một cuộc chơi ky là vô ích.

Sau đó mục sư Quittjens đề cập đến những phương diện rộng hơn. Ông ta nói, ông lấy làm tiếc cho những học sinh mà một người được chọn che chở cho họ lại gây hại cho ngưỡng cửa tuổi trẻ của họ. Và không chỉ có những học sinh lớp mười một, không, đối với tất cả những học sinh khác cũng thế; và không chỉ tất cả những học sinh khác ở trong trường trung học mà vượt ra ngoài những bức tường của trường trung học, tất cả những cựu học sinh – nghĩa là toàn bộ học sinh đã học trung học của thành phố. Tất cả những học sinh này phải nghi kỵ các thầy giáo dạy trung học của mình và bị chao đảo trong niềm tin chân thật của mình, khi nói đến những lời này mục sư Quittjens đã để điếu xì gà của mình tắt. Ông buộc phải nói thế cho dù lão Unrat có muốn nhận trách nhiệm về những sự việc nghiêm trọng như thế hay không. Ông còn nói, cậu thanh niên mới lớn Kieselack đã lâm vào tình trạng bất hạnh, và có lẽ lão Unrat sẽ không nhận ra rằng bản thân lão cũng nên cùng chịu trách nhiệm đối với trường hợp của cậu học sinh này. Nhưng chắc chắn đó không phải là điều tai hại duy nhất mà sự sa sút về niềm tin, đạo đức và lối sống của một người như lão Unrat gây ra…

Lão Unrat ngạc nhiên. Mãi đến bây giờ lão mới biết Kieselack bị đuổi học; và bởi niềm vui bất ngờ lão khao khát mãnh liệt mình là người đã gây nên ra điều đó. Lão chưa nghĩ đến việc trường hợp cá biệt của lão có thể trở nên nguy hiểm cho những người khác và gieo rắc suy đồi trong thành phố. Giờ đây những cơ hội trả thù đang mở ra và kích thích lão. Lão hít sâu nín thở, da mặt lão nổi những đốm đỏ và giật giật ở những chỗ lông thưa.

Mục sư Quittjens hiểu lầm lão Unrat và nói, ông biết là lão Unrat sắp phát khóc. Đặc biệt, khi người ta cân nhắc đến yếu tố con người, vì nó mà lão Unrat và những người khác phải chịu những điều khó chịu nhất, sau đó lỗi lầm chắc chắn sẽ tự khắc được nhận ra.

Lão Unrat hỏi, liệu mục sư có nói về nữ nghệ sĩ Fröhlich hay không.

Tất nhiên là có. Tất nhiên lão Unrat được mục sư nói cho biết vài chuyện không được hay ho kể từ những thú nhận của Fröhlich trong phiên tòa xét xử công khai. Tình yêu dễ khiến người ta mù quáng, điều này đã được thừa nhận – khi nói những lời này mục sư Quittjens lại châm lửa điều xì gà của mình. Tuy nhiên, lão Unrat lại chỉ muốn nhớ lại những năm học đại học của mình, và nhớ lại những cô gái mà hồi ấy lão biết ở Berlin. Dĩ nhiên lão không phải là kẻ ngớ ngẩn, dĩ nhiên rồi, và lão đã biết khá rõ về những cô gái đài các ấy. Tuy thế họ không có giá đến mức khiến lão thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình và của những người khác. Đúng thế, nếu lão nhớ đến Berlin…

Mục sư Quittjens mỉm cười sung sướng và bắt đầu trở nên thân mật. Lão Unrat tỏ ra ngày càng bồn chồn hơn, và đột nhiên lão ngắt lời mục sư. Lão nói, liệu tất cả những chuyện không được hay ho có thể có liên quan đến nữ nghệ sĩ Fröhlich hay không? Mục sư ngạc nhiên và nói là có. Sau đó, lão Unrat đứng phắt dậy khỏi ghế sofa, xì tỏ ý coi thường và tuôn ra những lời đe dọa bằng giọng ồ ồ trong khi nước bọt của lão bắn cả vào mặt mục sư Quittjens:
“Ông đã xúc phạm nữ nghệ sĩ Fröhlich. Cô ấy là người phụ nữ được tôi bảo vệ. Bây giờ thì ông hãy cút khỏi nhà tôi ngay!”

Ông mục sư sợ hãi cầm ghế lùi ra xa. Lão Unrat vội vàng lao ra mở cửa. Sau đó, khi lão giận run người lại lao vào ông mục sư thì ông mục sư hoảng sợ cầm ghế chạy ra ngoài. Lão Unrat đóng cửa lại.

Lão Unrat còn thở dốc đi lại trong phòng một lúc lâu nữa. Lão phải tự thú nhận vừa mới xong lão đã mong cho nữ nghệ sĩ Fröhlich gặp phải những điều bất hạnh. Lão đã có những ý nghĩ xấu xa nhất về cô ấy. Nhưng những gì là quyền của lão Unrat thì còn lâu mục sư Quittjens mới được phép xâm phạm. Đối với lão Unrat. nữ nghệ sĩ Fröhlich đứng trên mục sư Quittjens. Cô ấy đứng trên tất cả mọi người – duy nhất và đáng kính trong cái nhìn của loài người. Thật tốt là lão Unrat lại nhìn rõ mọi việc bằng cách này. Rõ ràng nữ nghệ sĩ Fröhlich là của lão! Người ta hành hạ bản thân lão, nếu người ta dám không tôn trọng cô ấy! Cơn thịnh nộ của kẻ độc tài bị xâm chiếm bởi nỗi sợ hãi đang bao trùm lấy lão, và lão cần phải kiên định: như dạo trước, khi khán giả ở quán Thiên Thần Xanh đã chế giễu cô ấy. Chế giễu người mà lão đã tự tay trang điểm cho! Chê bai những thành tích của cô mà có thể cho là tự lão đã giới thiệu! Đương nhiên đó không phải là những thành tích chơi bời mà cô có được ở mộ cự thạch, và chúng đã gây nên nỗi đau cho lão Unrat. Nhưng chỉ bản thân họ, lão Unrat và nữ nghệ sĩ Fröhlich, đã phải cùng với nhau kết thúc điều đó. Lão muốn đến thăm cô ấy, lão đã không có ý định bỏ qua điều này lâu hơn!

Lão cầm lấy mũ, và lại treo nó vào chỗ cũ.

Fröhlich đã phản bội lão – đương nhiên là thế. Mặt khác cô ta đã trở thành con đường dẫn đến sự hư hỏng của cậu học sinh Kieselack. Bởi thế cô ta đã không được tuyên bố vô tội? Hay là chưa? Nhưng nếu cô ta còn mang lại sự hư hỏng cho những học sinh khác thì sao nhỉ?

Lão Unrat đứng yên, đầu cúi xuống, mặt đỏ gay. Sự khao khát trả thù và sự ghen tuông đang vật lộn nhau trong lòng lão, trong lúc mà lão không nhúc nhích. Cuối cùng sự khao khát trả thù thắng thế. Lão Unrat sẽ đến căn hộ của nữ nghệ sĩ Fröhlich.

Sau đó lão Unrat bắt đầu mơ tưởng đến những học sinh mà Fröhlich đã nên mang lại cho sự hư hỏng. Thật tiếc là gã bán xì gà ở chợ không còn đi học nữa; và thằng học nghề đã không chào mà chỉ cười nhạo lão; và tất cả những kẻ khác ở trong thành phố. Nữ nghệ sĩ Fröhlich đã nên mang lại cho chúng sự hư hỏng. Vì tất cả bọn chúng đã nên bị đuổi học cùng với sự chửi rủa và nhục nhã. Lão Unrat đã không thể hình dung ra một sự hư hỏng nào khác. Lão đã không chợt nghĩ ra được một sự hư hỏng trong đó không bao gồm việc một kẻ bị đuổi học…

Khi lão Unrat gõ cửa căn hộ của nữ nghệ sĩ Fröhlich thì đúng lúc cô ta vừa mới đi ra.
“Ôi chao! Ông đấy ư? Ông đến khi mà giờ đây chính em lại không muốn đến chỗ ông! Dĩ nhiên là ông không tin điều đó, nhưng em sẽ bị trời tru đất diệt nếu em nói sai.”
“Cũng có thể”, lão Unrat nói.

Và đó là sự thật.

Trước tiên nữ nghệ sĩ Fröhlich đã chỉ nói “Không có chuyện cũng có thể” khi lão Unrat đã bước hẳn vào trong căn hộ, rồi cô ta nói là sắp không trả tiền thuê căn hộ này nữa mà còn đang sống một thời gian nhờ khoản tiền bán những đồ nội thất được thừa kế để sau đó tìm một công việc mới vì vợ chồng Kiepert thu xếp ở nơi khác và đã chuyển đi. Cô thực sự đã chỉ dành cho lão Unrat những tình cảm thân thiết nhất mà cô không thể dành cho một người dưng, và nếu lão Unrat không muốn tin điều đó thì mặc lão. Lão đã lầm khi cho rằng cô không chê lão già. Cô có triết lí sống của riêng mình. Cô thấy lão Unrat giống như một người đuổi theo cô một lúc lâu ở trên đường cho đến khi cuối cùng lão đánh liều vượt lên trước cô và quay sang nhìn cô từ bên cạnh. Khi đó bỗng nhiên lão quay ngược lại và làm như thể lão đã không phải là người đã đuổi theo cô. Đến nay có lẽ lão Unrat cũng chỉ biết cô Fröhlich từ phía sau, và ngay khi lão nhìn được mặt cô ta thì mọi thứ kết thúc. Thôi thì đành thế vậy.

Minh họa: Hữu Tuấn

Sau đó, khi cô Fröhlich nhìn thời gian trôi, buồn chán và thấy thiếu tiền tiêu thì cô ta cho là mình quá ngu khi để cho tình cảm giữa cô và lão Unrat đổ vỡ một cách dễ dàng như thế. Cuối cùng, lão chỉ bẽ bàng, hờn dỗi và đợi cô giơ một ngón tay ra gọi mình. Có thể lắm chứ. Lão đúng là đang như một đứa trẻ già, hơi hài hước bướng bỉnh. Cô Fröhlich nhớ đến chuyện lão đã đuổi gã thuyền trưởng ra khỏi phòng thay quần áo hóa trang, và thậm chí vì thế mà đã đọ sức cả với Kiepert; và cô ta cười. Nhưng ngay sau đó cô lại thấy lão Unrat nhìn mình bằng đôi mắt đờ đẫn, nghĩ ngợi mà thỉnh thoảng lão đã nhìn cô. Lão đang ghen, nhất định là thế; và điều đó gợi lên cho cô sự quý trọng. Có thể bây giờ lão sẽ ngồi, tức giận, khiến cô ta cáu tiết và không thể ăn trưa được vì bực mình. Như thế thì rắc rối to. Trái tim nhân hậu của cô rung động. Và cô để lão Unrat vào nhà không chỉ vì lợi ích của mình, không, vì cả lòng thương hại và sự quý trọng.

“Đúng là lâu chúng ta không gặp nhau”, nữ nghệ sĩ Fröhlich nói, dè dặt và giễu cợt.
Mọi chuyện xảy ra đều có lý do của nó”, lão Unrat ngập ngừng nói. “Chẳng qua là do… tôi đã bận việc.”
“Ra thế. Ông đã bận làm gì vậy?”
“Tôi phải giải quyết hậu quả của việc tôi bị sa thải khỏi biên chế giáo viên của trường.”
“Em hiểu. Em thấy mình cũng có lỗi trong chuyện này.”
“Em chẳng có lỗi gì cả. Thằng Kieselack cũng bị đuổi học và bị mất đi mãi mãi tương lai rộng mở đối với kẻ được học hành.”
“Y là kẻ đáng ghét, cho đáng đời.”
“Mong sao có nhiều học sinh khác cũng bị đuổi học như y.”
“Sao chúng ta lại chỉ mong muốn điều đó nhỉ?”, Fröhlich nói và ngước nhìn lão Unrat mỉm cười. Lão đỏ mặt. Hai người không nói gì một lát trong lúc Fröhlich dẫn lão Unrat vào phòng khách và bảo lão ngồi xuống. Cô ta ngồi xuống đùi lão, gục đầu vào vai lão và nũng nịu, đùa cợt hỏi:
“Bây giờ thì thầy giáo Raat không còn giận cô nghệ sĩ Fröhlich bé nhỏ của mình nữa rồi chứ? Anh biết không, tất cả những gì em đã nói trước tòa đều là sự thật. Em đã gần như thốt lên “Chúa là người làm chứng cho tôi”, mặc dù điều đó cũng chằng giúp ích gì. Nhưng anh có thể tin tưởng em.”
“Cũng có thể”, lão Unrat nhắc lại. Và với mong muốn cô Fröhlich thông cảm với mình qua việc giải thích và tóm tắt các lập luận lão nói:
“Dĩ nhiên anh biết chắc rằng cái gọi là đạo đức trong phần lớn các trường hợp liên kết chặt chẽ nhất với sự ngu ngốc. Kẻ không được giáo dục nhân bản có thể hoài nghi về điều đó nhiều nhất. Ít ra thì đạo đức cũng có lợi cho kẻ không có nó giành được quyền thống trị một cách dễ dàng đối với những kẻ không thể từ bỏ nó. Thậm chí có thể quả quyết và chứng minh rằng cái gọi là đạo đức được những kẻ bề tôi đòi hỏi khắt khe. Nhưng sự đòi hỏi này lại khiến cho anh tin rằng những lời răn dạy đạo đức trên đời này toàn là những lời răn dạy sáo rỗng của những kẻ lên mặt đạo đức tầm thường.”

Cô Fröhlich ngạc nhiên lắng nghe.

“Ồ, không lẽ lại thế. Đó không phải là bịp bợm đấy chứ?”
“Chính bản thân anh đã luôn tham gia vào những quy tắc đạo đức của kẻ lên mặt đạo đức”, lão Unrat nói tiếp. “Không phải vì anh đã coi chúng có giá trị hoặc đã cho rằng mình bị ràng buộc với chúng mà vì anh đã không gặp dịp tách mình khỏi chúng.”

Lão Unrat phải tự cổ vũ mình trong khi nói, giọng lão rất ấp úng và mặt lão đỏ ửng vì rất xấu hổ, lão bảy tỏ quan điểm sống khác thường của mình.

Fröhlich khen sự bày tỏ của lão Unrat và cảm thấy mình được đề cao, vì lão chỉ bày tỏ quan điểm sống của mình với cô. Khi đó lão còn nói thêm:
“Trái lại anh chưa bao giờ trông chờ ở em một cách sống giống như cách sống của anh, anh không thể không khẳng định điều này”.

Khi đó cô Fröhlich cau mặt với lão Unrat vì ngạc nhiên và cảm động và hôn lão. Cô hôn lão ngấu nghiến, còn lão thì đã lại nói:
“Tuy nhiên điều đã không ngăn cản anh đến với em…”
“Anh nói gì vậy? Cái gì đã không ngăn cản anh đến với em thế?”
“… khi mà sự thiện cảm của anh dành cho em đã buộc anh phải chấp nhận những gì đã xảy ra, đúng thế, khi mà những điều đó đã khiến anh đau khổ.”

Fröhlich gần đoán ra lão Unrat muốn nói đến điều gì, cô ta dúi đầu vào ngực lão.

“Vì em coi anh là một sự thiện cảm mà người khác không dễ gì mà dành được.”

Fröhlich trở nên nghiêm túc và đăm chiêu.

Lão Unrat cảm thấy hài lòng, nói:
“Cũng có thể.”

Nhưng sau đó, với sự dằn vặt dữ dội của một hồi ức khủng khiếp, lão Unrat đã thốt ra:
“Chỉ có một kẻ mà anh không bao giờ có thể tha thứ cho em vì kẻ đó, em phải quên kẻ đó đi, kẻ mà em không bao giờ được phép gặp lại. Đó là Lohmann!”

Fröhlich mệt mỏi nhìn lão Unrat, trán vã mồ hôi, và không hiểu sao lão lại nói thế, vì cô đã không biết gì về hình ảnh làm lão đau khổ đã từng xâm chiếm lão – hình ảnh Lohmann ở bên cô.

“Anh sao thế?”, Fröhlich nói. “Lúc nào anh cũng tỏ ra giận dữ với cậu ta. Rõ ràng là anh muốn ăn tươi nuốt sống cậu ta. Anh cũng nên độ lượng một chút. May thay giữa em và gã trai ngu ngốc ấy chẳng có gì. Nếu em có thể giải thích cho anh rõ điều đó. Nhưng em biết làm sao đây? Anh để cho em khóc vậy.”

Và trên thực tế Fröhlich cũng muốn khóc: vì cô ta hoàn toàn không tin là mình không có cảm tình gì với Lohmann; vì cô đã linh cảm thấy điều gì đó liên quan đến Lohmann ở nơi sâu kín nhất của trái tim mình mà nói cho đúng ra đã lấy mất lòng tin của cô; vì lão Unrat, đứa trẻ già ngốc nghếch, đụng chạm đến điều đó một cách rất thường xuyên và rất vụng về; và vì trong cuộc sống hiển nhiên đang không có sự bình yên mà cô khao khát.

Nhưng vì lão Unrat không hiểu được nguồn gốc những giọt nước mắt của Fröhlich, và vì cô ta không muốn làm mọi thứ rối tung lên một cách không cần thiết nên cô ngừng khóc.

Tiếp đến là một khoảng thời gian vui vẻ. Lão Unrat và nữ nghệ sĩ Fröhlich cùng nhau đi đây đi đó, mua sắm đồ đạc và trang trí nội thất cho căn hộ mới thuê của cô ta. Mặc trên mình những cái váy sang trọng được đặt mua ở Hamburg(1) tối nào cô cũng ngồi cùng lão Unrat trong một khoang lô của nhà hát thành phố, đón nhận tất cả những cái nhìn ghen tỵ xen lẫn tức giận và không thân thiện xen lẫn thèm thuồng lướt qua với một sự thỏa mãn ranh mãnh. Giờ đây, kịch mùa hè cũng đã bắt đầu được biểu diễn, và mọi người có thể ngồi ở trong các khu vườn giữa đám bạn phong lưu và đàng hoàng, ăn bánh mì phết bơ với cá hồi và vui vẻ, thoải mái khi không bị người khác ghen tị.

Nữ nghệ sĩ Fröhlich không còn lo ngại chịu ảnh hưởng lão Unrat về lối sống hận thù nữa. Mối nguy hiểm bị bỏ qua, vì cô ta, lão đã bị cho thôi việc cùng với sự tẩy chay của mọi người.

Đồng thời ban đầu Fröhlich cảm thấy hơi lo sợ. Cô âm thầm nghĩ lý do khiến cô như thế là vì lão Unrat đã cho cô rất nhiều. Đầu tiên, cô nhún vai tự nhủ: “Bọn đàn ông đều thế cả.” Dần dần cô ta nhận ra rằng lão Unrat đã hành động đúng, và rằng cô đáng được thế và còn có giá hơn thế. Lão Unrat rất cương quyết nhắc lại với cô ta rằng cô cao quý và rằng chỉ ít người đáng được cô để mắt đến, đến nỗi cuối cùng cô bắt đầu rất coi trọng bản thân mình. Trước đây chưa có ai coi trọng cô như thế, và vì thế cô cũng không coi trọng bản thân mình. Cô biết ơn lão Unrat, kẻ đã nói cho cô biết điều đó. Về phần mình cô cảm thấy là cô đang phải cố gắng quý trọng lão, người đàn ông đã nói cho cô biết cô cao quý. Càng ngày cô càng quý trọng lão nhiều hơn: cô đang cố gắng yêu lão.

Bất ngờ cô Fröhlich nói với lão Unrat là cô muốn học tiếng Latinh. Ngay lập tức lão làm theo ý muốn của cô ta. Sau đó cô để cho lão nói, cô trả lời sai hoặc không muốn nghe câu hỏi và chỉ luôn nhìn lão, hỏi lão nhiều câu hỏi khác về bản thân mình. Trong giờ học thứ ba cô thăm dò:
“Bây giờ anh hãy nói xem, thực ra học cái gì khó hơn, tiếng Latinh hay tiếng Hy Lạp?”
“Có lẽ đối với hầu hết mọi người là tiếng Hy Lạp”, lão Unrat trả lời, và sau đó Fröhlich nói:
“Vì em đang muốn học tiếng Hy Lạp.”

Lão Unrat thích thú. Lão hỏi:
“Tại sao em lại muốn học?”
“Vì anh.”

Fröhlich hôn lão Unrat, đó là một nụ hôn nhạt nhẽo. Tuy nhiên đó là một nụ hôn được cho là chân thật; lão đã làm cho cô ta có nhiều tham vọng, và cô đòi hỏi lão mang lại danh tiếng cho mình bằng việc học tiếng Hy Lạp thay vì học tiếng Latinh, vì tiếng Hy Lạp khó hơn. Sự đòi hỏi của cô ta là một sự tỏ tình – một sự tỏ tình được thực hiện trước của một tình yêu mà cô muốn mình buộc phải yêu.

Đúng là Fröhlich thấy việc yêu lão già Unrat là khá khó. Tiếng Hy Lạp cũng không khó hơn. Cô ta luôn vuốt ve bằng những ngón tay xung quanh khuôn mặt khô đét của lão, xung quanh cái miệng đang nói, hai hốc mắt góc cạnh, từ đó hai con mắt của lão hằn học liếc nhìn tất cả những người khác và liếc nhìn cô đang ân cần vuốt ve lão một cách đầy hồn nhiên như thể cô rất muốn khắc ghi hình ảnh của lão. Điều đó gợi lên trong cô lòng thương hại và khiến cô nhẹ nhàng vuốt ve âu yếm lão. Những cử chỉ và lời nói của lão, đối với người này là sự chướng tai gai mắt còn đối với người khác là phong cách trí thức rườm rà, đều khiến cô xúc động. Cô cũng thường xuyên nhớ đến sự tôn trọng mà lão đã dành cho lão. Nhưng mới đây cô đã không thế nữa. Để bù đắp thất bại trong cảm xúc của mình một vài lần trong giờ học tiếng Hy Lạp cô đã chăm chú nhìn ngắm lão Unrat. Lão đỏ bừng mặt và tràn ngập vui sướng, vội vàng vận dụng đến các phụ ngữ. Khi lão mở trang sách có đoạn thơ của Homer và lần đầu tiên để cho cô ta chọn ra một từ µὲν… δὲ νῦν(2) – khi giờ đây những tiếng đáng yêu này thực sự được nói ra từ cái miệng có đôi môi xinh đẹp trên gương mặt được đánh phấn tô son, thì trái tim lão đập rộn ràng. Lão phải đặt quyển sách xuống và tập trung tư tưởng. Hơi thở của lão vẫn đang rất gấp gáp; lão cầm lấy bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại và luôn hơi trơn của nữ nghệ sĩ Fröhlich ở trên bàn và nói, lão không muốn tách quãng đời còn lại của mình khỏi cô dù chỉ một tiếng đồng hồ. Lão muốn cưới cô. Đầu tiên cô bặm môi khóc. Sau đó, cô mỉm cười xúc động, áp má mình vào vai lão và từ chối việc đó. Rồi cô thấy cần phá tan bầu không khí nặng nề; cô cười phá lên, kéo lão Unrat đứng dậy khỏi ghế, đi xung quanh nhìn lão.

“Bây giờ mà em trở thành bà Unrat! Thế thì buồn cười lắm! Mọi người sẽ gọi em là bà vợ lão Unrat. Không đâu, anh Raat, em xin anh!”

Và ngay lập tức Fröhlich đóng giả làm một người đàn bà quý phái ngồi xuống ghế bành. Cô kênh kiệu nói một tràng: bây giờ cô hoàn toàn không còn thích căn hộ mới của mình nữa; tốt nhất là bán nó đi. Bây giờ cô muốn được vào sống trong biệt thự của lão Unrat và mua sắm đồ đạc mới, trang trí lại toàn bộ nội thất! Sau đó cô ta lại cười phá lên. Cuối cùng cô im lặng, trông có vẻ trầm tư và chỉ còn nói:
“Em sẽ trở thành người như thế nào?”

Khi lão Unrat hỏi cô có vui hay không và có lẽ mọi việc nên được tiến hành sớm thì cô chỉ còn mỉm cười lơ đãng.

Những ngày sau đó có vẻ như cô Fröhlich không hề để ý đến lão Unrat. Thỉnh thoảng trông cô có vẻ rất ưu tư, nhưng lại cương quyết phủ nhận điều đó. Cô thường đi ra khỏi nhà và trở nên bối rối khi lão Unrat muốn đi cùng. Lão buồn rầu và lờ mờ cảm thấy Fröhlich có chuyện muốn giấu lão. Một hôm lão bắt gặp Fröhlich bước ra từ một quán trọ rẻ tiền. Sau một lúc im lặng đi bên nhau cô ta nói xa xôi:
“Mọi việc không phải lúc nào cũng như ta tưởng.”

Câu nói đó của Fröhlich làm lão rất băn khoăn, nhưng cô ta không muốn giãi bày.

Cuối cùng, một hôm khác, khi lão Unrat buồn rầu đi một mình qua con phố Siebenberg trống vắng vào buổi trưa, thì một đứa trẻ mặc váy trắng chạy lon ton đến chỗ lão và nói bằng giọng nũng nịu, thơ ngây:
“Cha ơi, về nhà đi!”

Lão Unrat sửng sốt đứng lại và nhìn vào bàn tay bé nhỏ đeo găng tay trắng mà đứa trẻ chìa ra cho lão nắm.

“Cha ơi, về nhà đi!” đứa trẻ nhắc lại.
“Cháu tên là gì thế?” lão Unrat hỏi. “Nhà cháu ở đâu vậy?
“Ở đằng kia”, đứa trẻ nói và chỉ tay về phía sau mình.

Lão Unrat nhìn theo, và khi đó lão nhìn thấy nữ nghệ sĩ Fröhlich đứng ở góc phố gần nhất, cô ta nghiêng đầu mỉm cười và rụt rè giơ bàn tay ra cách hông không xa, nửa như xin lỗi và nửa như mời chào.

Lão Unrat bối rối không nói lên lời. Đột nhiên lão đã hiểu ra; và lão sẵn sàng nắm lấy bàn tay bé nhỏ đeo găng tay trắng vẫn đang được chìa ra cho lão.

Phạm Đức Hùng (dịch)

  1. Hiện nay là một tiểu bang và là thành phố lớn thứ 2 của Đức, có cảng Hamburg lớn thứ 2 trong Liên minh châu Âu
  2. Tiếng Hy Lạp: “mặc dù”… “nhưng”