Năm 16 tuổi, tôi sắp tốt nghiệp Trung học cơ sở. Tuy thầy giáo ra sức cổ vũ tôi học Trung học phổ thông để tương lai thi đại học, tôi vẫn dự định thi sư phạm. Tôi biết, thi sư phạm không chỉ được đi làm sớm mấy năm mà hàng tháng còn có khoản trợ cấp sinh hoạt. Hộp thuốc của bà và học phí của hai anh em tôi đã khiến sống lưng của bố mẹ tôi còng xuống.
   Sau khi kết thúc kì thi Trung học cơ sở, tôi tìm đến Tiểu Mai cùng thôn. Tiểu Mai lớn hơn tôi 3 tuổi, là thợ kết tràng pháo trong nhà máy sản xuất pháo của thị trấn. Hàng ngàn pháo vụn chất đống trong một gian phòng lớn, người thợ kết tràng pháo dùng sợi dây xoắn xâu những quả pháo thành chuỗi dài. Khi đó, kết một tràng pháo có thể kiếm được 5 xu.
Nghe nói tôi muốn đi làm thợ kết tràng pháo, Tiểu Mai cười ha ha: “Thợ kết tràng pháo đều là nữ, cậu là nam sinh cũng đi kết tràng pháo ư? E rằng tay của cậu chỉ biết cầm bút, không kết được tràng pháo đâu”.
Tôi không phục: “Sao nam giới không kết được tràng pháo? Chỉ cần có tiền công, tôi không tin không đối phó được với một quả pháo nhỏ!”
Bố biết tôi muốn đi kết tràng pháo thì không nói gì, lặng lẽ tra dầu vào xích chiếc xe đạp duy nhất trong nhà, chỉnh phanh trước phanh sau, còn đắc ý lắp một cái chuông mới.
Hôm sau, tôi cùng Tiểu Mai đi xe đạp đến xưởng làm pháo. Tiểu Mai dẫn tôi đến trước mặt một cô gái cao lớn, bảo tôi gọi dì Quế. Cô ấy nói tình hình của tôi với dì Quế, dì Quế đánh giá tôi một chút rồi hỏi: “Muốn làm công nhân kết tràng pháo?” Tôi gật đầu.
Tiểu Mai vội nói: “Cậu ấy rất thông minh, nếu như không phải trong nhà khó khăn, cậu ấy có thể thi đỗ đại học Bắc Kinh”. Dì Quế cười, cho tôi ở lại thử việc.
Nữ công nhân kết pháo lần lượt đến. Các cô ấy liếc tôi cười hi hi, ha ha, nói tôi là một chấm xanh trong bụi hoa, tôi xấu hổ đỏ mặt lên.
Tiểu Mai kéo tôi qua nói với mọi người: “Đây là em trai tôi, tương lai là giáo viên, không cho phép ai coi thường cậu ấy”.
– “Được, không coi thường em trai giáo viên của cậu”. Một chị dâu cười nói: “Chúng ta trước hết chọn cậu ta làm đội trưởng phụ nữ”. Mọi người lại cười một trận.
Các nữ công nhân rất chăm sóc tôi. Dì lớn tuổi cử người dạy tôi kết tràng pháo. Một chị gái áo hổng bảo tôi mai đeo đôi găng tay mỏng, không thì vài ngày, tay sẽ nứt nẻ, khô ráp. Tôi rất cảm động, ghi nhớ những điều cần thiết cho việc kết tràng pháo và học cách xâu những quả pháo lại với nhau.
Dì Quế nhìn tôi kết tràng pháo thì nói: “Không tồi, bện rất chặt, cháu có thể ở lại làm việc rồi”.
“Thật ạ?” Tôi kích động hỏi.
Tiểu Mai phản đối: “Dì Quế, dì thiên vị, cháu làm một tuần dì mới đồng ý cho cháu ở lại làm việc.”
Dì Quế cười:
– “Là do cháu nói em trai giáo viên của cháu thông minh, dì đã sớm có ý định giữ cậu ấy lại.”
– “Ai dà! Tự bê đá ghè chân mình rồi.” Tiểu Mai cố ý than thở, mọi người đều cười.
Đến trưa, Tiểu Mai kêu tôi rửa tay về nhà ăn cơm. Tôi nhìn mấy tràng pháo mình vừa kết, lại nhìn quả núi nhỏ chất thành đống quanh Tiểu Mai và những người khác, bèn hỏi: “Tôi học cách kết tràng pháo lúc nữa, lát nữa ra phố ăn mì”.
Sau khi mọi người đi hết, nhà kho tĩnh mịch, chỉ có tiếng tiếng xạt xạt kết tràng pháo của tôi. Tôi lừa Tiểu Mai, trong túi của tôi còn sạch sẽ hơn cả sạch sẽ, lấy tiền đâu ăn mì? Tôi không để ý bụng đói, tiếp tục kết tràng pháo. Bụng không ngừng đấu tranh, tôi đành phải uống nước cầm hơi.
Khi tôi lại uống nước một lần nữa, dì Quế dẫn cô gái nhỏ Hà Hương tới. Cô ấy đặt một bát cháo và một bát tráng men đậu chiên trước mặt tôi: “Ăn đi.”
Tôi đỏ mặt: “Tôi… tôi không đói”. Đang nói thì bụng của tôi lại không ngừng réo gọi.
– “Anh trai, anh không đói nhưng bụng anh đói đó”. Hà Hương đưa đôi đũa và hai cái bánh màn thầu có nhân vào tay tôi: “Đậu đỏ chiên thịt xông khói, thơm lắm đó”. Tôi không nhịn được, nói cảm ơn, sau đó ăn lấy ăn để.
– “Không cảm ơn” Dì Quế cười, “Cháu ở đây, buổi trưa dì không phải khoá cửa rồi.”
Lại đi kết tràng pháo, tôi liền mang theo bánh màn thầu. Tôi không theo kịp những người nhanh tay, muốn nhân giờ nghỉ trưa mọi người trở về nhà ăn cơm làm tăng ca

Minh họa: Hữu Tuấn

Mỗi trưa, Hà Hương đều đến kho. Có lúc cô ấy đưa tôi quả dưa chuột, có lúc là cà chua, còn có lần đưa hai miếng dưa hấu. Mấy ngày sau, trong miệng tôi vẫn còn vị ngọt của dưa hấu.
Nửa tháng sau, có người bảo cha đi huyện thành làm công, sáng đi, tối về. Như vậy, tôi không có xe đạp đi nữa. Tôi bàn với Tiểu Mai, chở cô ấy bằng xe của cô ấy. Tiểu Mai suy nghĩ một lúc: “Tôi nghi ngờ cậu nhỏ bé như vậy không chở được tôi.” Tôi rất bực mình, nói cô ấy coi thường người khác.
Tuy miệng nói cứng, nhưng khi chở Tiểu Mai, tôi mệt đến mức thở phì phò như trâu. Cô ấy cũng lầm bầm kêu ca rằng mông của cô ấy bị đau. Tiểu Mai nhăn mặt: “Không được, như này không phải cậu sụp đổ mà là tôi sụp đổ, phải nghĩ cách.” Đột nhiên, Tiểu Mai mắt sáng lên: “Cậu nói với dì Quế, có thể mang pháo vụn về nhà kết thành tràng được không?”
Tôi lắp bắp nói việc xin đem pháo vụn về nhà kết, dì Quế đồng ý. “Nhưng, nhất định phải bảo đảm chất lượng”. Dì Quế nói, “nếu như phát hiện chất lượng không ổn hoặc không đủ cân thì trừ tiền công. Một lần trừ 10 đồng nhé.” Tôi đồng ý. Tối nhận tiền công, tôi để dì Quế cân 10 cân pháo vụn, lấy xe của Tiểu Mai chở về nhà tôi.
Khi lên đèn, cha trở về. Ông nhìn thấy pháo vụn trong bao xác rắn, nghe tôi nói yêu cầu của dì Quế, dặn dò tôi làm việc cho tốt, đừng để xấu mặt họ La. Cha lại bảo mẹ thu dọn không gian chuồng lợn cho tôi để pháo, không cho bất cứ ai mang lửa lại gần khu chuồng lợn.
Sau hôm đó, buổi sáng thức dậy tôi kết tràng pháo rồi mới ăn sáng. Buông bát đũa, tôi lại vội vàng làm việc. Bà ngoại và em trai cũng muốn giúp tôi, tôi không đồng ý. Bà mắt kém, tôi sao có thể nhẫn tâm để bà mò mẫm kết tràng pháo! Em trai được cái làm nhanh nhưng kết tràng pháo lỏng lẻo, tôi phải hứa gấp cho em trai một khẩu súng lục bằng giấy, nó mới không làm loạn nữa. Tôi một mình ngồi trong chuồng lợn, không để ý chuyện bên ngoài, chú tâm kết tràng pháo, làm việc nhanh hơn nhiều.
Hôm sau, tôi tìm hàng xóm mượn xe đạp, chở những tràng pháo đã kết xong đến xưởng pháo. Dì Quế sau khi kiểm tra, cân lại, ghi tiền công lần này trong sổ. Tôi rất sung sướng, lại cân 15 cân pháo vụn mang về.
Mờ tối, khi tôi đang kết tràng pháo, Nhị Cường Tử ở sân trước đến nhà tôi chơi.  Nhị Cường Tử cả ngày lang thang quanh thôn, nếu không bắt gà của nhà họ Trương thì trộm chó của nhà họ Lý. Người trong thôn đều ghét anh ta, gọi anh ta là đồ lông bông.
Nhị Cường Tử nhìn xung quanh sân, tôi hỏi anh ta tìm gì. Anh ta hỏi tôi: “Cậu có để lại một ít không?”
Tôi không hiểu: “Để lại làm gì?”
– “Pháo à, dựa núi ăn núi, dựa nước uống nước, khi cậu đang làm công nhân kết tràng pháo, đương nhiên cần giữ lại ít pháo vụn.”
Tôi lắc đầu: “Sao có thể làm như vậy, làm như vậy chẳng phải làm khó cho dì Quế sao?”
Chúng tôi ở đây có một tập tục, 12 giờ đêm Giao thừa, nhà nào cũng đốt pháo cùng tạo thành 10.000 tiếng pháo xuất hành, có nghĩa là chào đón năm mới may mắn. Tiền để cùng tấu lên 10.000 tiếng pháo, cha mẹ vốn đã thắt lưng buộc bụng lại càng phải thắt lưng buộc bụng, bà ngoại cũng nín ho, em trai chỉ có thể nhìn kẹo mà chảy nước bọt.
– “Bớt pháo lại, dì Quế cân lại không đủ thì làm thế nào?” Tôi hỏi Nhị Cường Tử.
Nhị Cường Tử khinh thường nói: “Mỗi lần giữ lại một ít, không nhìn ra đâu. Hơn nữa lúc cân, cậu nghĩ cách phân tán sự chú ý của dì ấy là được.”
Tôi dao động trước lời của Nhị Cường Tử. Chờ cậu ta bỏ đi, tôi nhặt một quả pháo đựng vào trong một cái túi đen, bên ngoài túi là bao xác rắn. Một lát, tôi lại mở túi, nhặt thêm vài sợi chỉ vụn đặt chúng lại vào giỏ kết tràng pháo, sau đó giấu túi dưới gầm giường.
Lại đi giao pháo, tim tôi đập thình thịch, căng thẳng nhìn dì Quế cân pháo. Dì Quế cân giống như hàng ngày, quả cân đung đưa. Cùng với quả cân di động lên xuống, tim tôi cũng lỗi nhịp lên xuống theo, không dám thở sâu. Dì Quế không phát hiện thấy sự khác thường của tôi, vừa nói chuyện với người khác vừa cân, sau đó bảo tôi chuyển pháo vào kho. Tôi thở phào, lòng bàn tay chuyển pháo ướt nhơm nhớp.
Liên tục hai lần giao pháo, cân lạng đều đủ, chỉ là cân hơi đuối, dì Quế cũng không nói gì. Tôi hết sức yên tâm, nói cười cùng mọi người, còn pha trò cùng dì Quế: “Dì nhìn cân cho chuẩn đi ạ.”
Một hôm, tôi ngủ quên, một nắm đấm thụi mạnh vào tôi. Tôi giật mình thức dậy muốn chửi mắng người, nhìn thấy cha mặt đen sì đứng bên giường. Sau khi cha đi đến huyện thành làm thuê, mỗi ngày đều đi sớm về muộn, tôi đã rất lâu không gặp mặt ông.
Cha ném một cái bao xác rắn qua: “Chuyện gì đây?” Pháo vụn trong túi rơi trên đất, đầu tôi ong ong.
– “Xuất sắc à? Thật biết cách chơi?” Nắm đấm của cha vung qua.
Tôi quỳ trước cha khóc không thành tiếng. “Đứng lên!”. Cha quát to.
Hôm đó, cha không đi làm thuê, dẫn tôi mang theo những quả pháo vụn đã được giữ lại đến xưởng pháo. Cha tự đấm mình: “Đánh mất đi tổ tiên của mình, mặt lão Trương này không biết để đâu. Dì, trẻ con làm việc xấu, dì hãy trừng phạt nó thật thích đáng.” Mọi người đều nhìn tôi, miệng Tiểu Mai há to có thể lấp đầy bằng một quả trứng vịt. Tôi xấu hổ đỏ mặt, hận không có kẽ hở nào để chui xuống đất.
Dì Quế cân những quả pháo vụn, nói với tôi: “Theo quy định trừ tiền công nhé!”
Cha vẫn  gương mặt xấu hổ: “Dì, ngoài trừ tiền công, dì nên đuổi việc nó, xem nó còn có thể làm chuyện mất mặt nữa không.”
“Chất lượng kết tràng pháo của cậu ấy ổn, lại lần đầu sai phạm, trước tiên chưa đuổi việc.” Dì Quế cường nói, “sau này tái phạm thì đuổi việc.”
“Bốp”, cha lại tát tôi một phát, “còn không nhanh cảm ơn dì Quế. Tiểu tử, sau này lại muốn lấy pháo, trước hết làm cái túi che mặt lão Trương này lại.” Tôi lại đỏ mặt.
Chiều hôm sau, tôi không mượn được xe đạp, đành phải đi bộ trả pháo. Giữa đường, trời đột nhiên tối sầm, cây cối lắc lư, thấy sắp đổ mưa, trong lòng tôi như lửa đốt. Chiếc làn treo pháo sắp bị thấm nước mưa, tôi không chỉ bị trừ tiền công, còn phải đền tiền pháo. Tôi ra sức bước thật nhanh, nhưng chiếc làn treo pháo giống như hòn đá kéo tôi lại, tôi suýt khóc. Đúng lúc đó, xe đạp của chú Lý ở phía sau xưởng pháo tiến về phía trước. Chú nhìn thấy tôi, vội quay đầu xe, vội bảo tôi lên xe, nói đưa tôi đến xưởng pháo.
Chú Lý chở tôi vào xưởng pháo, mưa to như hạt đậu ào ào đổ xuống. Mưa hơn nửa giờ mới dứt.
Đột nhiên, có người kêu tên tôi: “Mẹ cậu mang theo thư bảo cậu mau về nhà, giấy thông báo của cậu đến rồi.”
“Thật không?” Tôi vội chạy ra ngoài. Chạy được mấy bước, tôi lại quay đầu: “Dì Quế, cháu quên cân pháo mang về.” Mọi người đều cười, Tiểu Mai vui nhất: “Cậu đi xe tôi chở pháo về, tôi làm việc xong sẽ về sau.”
Ngày 25 tháng Tám, tôi đi giao pháo lần cuối cùng. Tiểu Mai hỏi tôi: “Nghỉ hè năm sau cậu còn đi kết tràng pháo nữa không?”
“Khẳng định không đến nữa đâu.” Một cô cười nói, “đều làm giáo viên rồi, sao có thể đến làm công nhân kết tràng pháo?”
“Không, năm sau cháu nhất định đến, làm đội trưởng phụ nữ của các cô.”
“Anh trai, anh không làm đội trưởng của họ, làm giáo viên của em.” Không biết lúc nào, Hà Hương tiến đến. Dì Quế theo phía sau đưa cho tôi một món tiền: “Đây là tiền công, cháu đếm lại đi.”
Đếm tiền xong, tôi nghi ngờ nhìn dì Quế. Dì không những không trừ tiền mà còn đưa thêm cho tôi 30 đồng. Dì Quế thấy tôi ngây ngườithì cười: “Cháu đều đã trả lại pháo thì không trừ tiền, 30 mươi đồng đó là tiền cháu mua sách cho Hà Hương.”  Tay tôi như bị bỏng, vội rút ra 50 đồng đưa dì Quế: “Sao có thể làm thế, cần phải trừ tiền nhất định phải trừ. Đó là sách cũ, không đáng gì.” Dì Quế cầm tiền nhét lại cho tôi: “Cháu cứ cầm lấy, coi đó là dì chúc mừng cháu đỗ sư phạm.” Tôi liên tục khoát tay, nói không thể nhận. Dì Quế giả vờ tức giận: “Sao nào? Nhà có việc vui, còn không cho phép tặng quà?” Tôi đành nhận tiền, khom người cảm ơn dì Quế. Lại nói với Hà Hương: “Năm sau nghỉ hè, anh đến kết tràng pháo sẽ mang sách cho em, còn dạy em phiên âm và làm toán.” Năm sau, Hà Hương sắp lên lớp 1. Hà Hương vui vẻ: “Thật ạ? Chúng ta ngoắc tay, một trăm năm không được thay đổi nhé!”
    Từ giã dì Quế và xưởng pháo, tôi xách giỏ tre về nhà. Bầu trời phía tây lấp đầy ráng hồng, gió đêm nhè nhẹ thổi. Tôi hít một hơi thở sâu, giang rộng đôi chân chạy trên cánh đồng xanh mướt.

La Vinh
Thu Hiền dịch
Theo tạp chí Trung Quốc “Truyện cực ngắn”, số 1/2021
(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 13/2021)