Nhà văn Hình Khánh Kiệt.

Hình Khánh Kiệt là nhà văn Sơn Đông, từng có nhiều tác phẩm đăng trên tờ Văn học Nhân dân, Nhà văn Trung Quốc, Văn học Bắc Kinh, Văn học đương đại… Hình Khánh Kiệt bắt đầu viết từ năm 1990, cho đến nay đã công bố hơn 100 truyện cực ngắn, trong đó tiêu biểu là truyện cực ngắn “Lợi hại”.

Năm 1986, tôi đang học lớp 8 trong thôn Liên Trung.

Điều kiện ở Liên Trung rất kém, không có kí túc xá học sinh, nhà ăn học sinh cũng chỉ cung cấp cho chúng tôi thức ăn khô đun nóng, mỗi người một loại canh hỗn độn. Tiền thân của Liên Trung là Tiểu học, lớp chúng tôi là lớp học đầu tiên của trường Trung học cơ sở. Vì có chúng tôi nên mới đổi trường Tiểu học trước kia thành Liên Trung.

Chúng tôi đã là lớp đầu tiên của trường Trung học cơ sở, đương nhiên cũng là lớp tốt nghiệp đầu tiên, được lãnh đạo nhà trường chú ý. Lúc sắp tốt nghiệp, để lớp chúng tôi giành được thành tích tốt nhất trong kì thì Trung học phổ thông, nổ phát súng đầu tiên của các lớp học cấp 2, lãnh đạo nhà trường lấy một phòng làm việc của giáo viên làm kí túc xá tạm thời, sắp xếp cho 10 học sinh đứng đầu lớp ở lại trường.

Khi nghe được tin đó, tôi rất vui. Lúc ấy, thành tích của tôi nhìn chung đứng tốp 4, môn Ngữ văn luôn ổn định ngôi đầu bảng, Anh văn và Toán học kém một chút, nhưng nói gì thì nói, kí túc xá khẳng định có phần của tôi.

Tôi không có xe đạp, hàng ngày đi bộ qua lại giữa trường và nhà, không những rất mệt mà còn muộn giờ. Sau này ở trường, hàng ngày có thể thêm thời gian học tập rồi.

Mỗi ngày, tôi mong chờ kí túc xá sớm sửa xong, kế hoạch là sau khi chuyển vào đó, tập trung nâng cao kiến thức tiếng Anh và Đại số.

Ngày ấy, cuối cùng đã đến.

Sáng sớm vừa lên lớp, thầy Lý chủ nhiệm vui vẻ bước lên bục giảng, mỉm cười nói, các em, thông báo cho các em một tin tức tốt lay động lòng người, kí túc xá của chúng ta đã sửa sang thành công rồi.

Tôi không kìm được vỗ tay, nhưng một lúc phát hiện chỉ có mỗi mình vỗ tay, liền đỏ mặt cúi đầu. Thầy Lý cũng không để ý tôi, có thể thấy thầy rất vui vẻ.

Thầy Lý nói tiếp, sau đây, tôi công bố danh sách học sinh ở lại trường học: Lưu Thiên Vũ, Trương Thục Hoa, Triệu… Tôi cảm thấy thầy Lý có một chút rườm rà, việc rõ ràng như vậy, 10 học sinh tốp đầu ở lại trường, còn công bố làm gì? Cho đến khi thầy Lý đọc xong, tôi mới phát hiện có gì đó không phải, vì từ đầu đến cuối tôi không nghe thấy tên mình.

Trong chốc lát, đôi chân tôi mềm nhũn, đầu ong ong, dường như sắp khuỵu xuống bàn. Giấc mộng chờ đợi hơn 19 ngày phút chốc tan biến, với một cậu bé 15 tuổi, đó là một đả kích lớn!

Tôi không rõ, là một trong những học sinh tốp đầu, tại sao tôi lại không được phép ở kí túc xá? Tôi rất đau lòng, rất tức giận, rất muốn tìm chủ nhiệm lớp hỏi lại. Nhưng tôi không dám. Khi đó, do nhà nghèo, tôi mặc xấu nhất lớp, vì thế mà có chút tự ti, không dám có bất cứ hành vi nào bất kính với giáo viên. Tôi thậm chí còn nghĩ: thầy giáo sắp xếp như vậy chắc có lý do của thầy.

Hàng ngày, tối đến, trở về nhà, tôi đành phải thắp đèn ra sức học để bổ sung cho tổn thất không được ở kí túc xá. Tôi biết 10 bạn cùng lớp ở đó, hàng ngày đều có thầy giáo giúp đỡ, tôi phải cố gắng gấp đôi mới có thể giữ được ví trí của mình.

Sau khoảng 1 tháng, trong một lần nói chuyện, thầy dạy tiếng Anh vô ý làm lộ nguyên nhân thầy chủ nhiệm không cho tôi ở kí túc xá. Nghe xong, tôi đờ đẫn một lúc.

Khi đó, trong lớp tôi có hiện tượng: hình thành hai “tiểu tập đoàn” giữa các bạn có thành tích tương đối tốt và các bạn có thành tích tương đối kém. Hai “tập đoàn” này không có xung đột gì, chỉ là trong giờ học và giờ ra chơi, nhóm có thành tích tốt tụm lại một chỗ, nhóm có thành tích kém cũng tụm lại một chỗ, hai nhóm đó dường như không thể hòa đồng với nhau. Không chỉ lớp tôi, kì thực rất nhiều lớp đều có sự phân chia như vậy.

Nhưng tôi thuộc loại tương đối đặc biệt, thành tích của tôi tốt nhưng lại thích chơi với nhóm có thành tích kém, không có lý do gì khác, chỉ là vì vui vẻ. Nhưng tôi lại không làm bất cứ chuyện xấu nào cùng với nhóm này.

Tôi không ngờ, vì chuyện đó, thầy chủ nhiệm cuối cùng dần dần liệt tôi vào hàng ngũ “những đứa trẻ xấu”, sợ tôi ở lại trường sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của các bạn khác.

Trời đất! Đó là chuyện gì vậy? Tôi thừa nhận bản thân thường chơi với nhóm học sinh xấu trong mắt thầy chủ nhiệm, nhưng tôi khác hoàn toàn với các bạn ấy. Tôi học tập nghiêm túc, cũng có ý chí phấn đấu, chẳng phải thành tích học tập của tôi là bằng chứng rõ nhất đó sao?

Sau khi buồn bã, tôi chán nản, thậm chí tuyệt vọng.

Tôi đã vô tình bị cướp đi cơ hội học tập tốt như vậy, thầy chủ nhiệm đã dùng kính đổi màu nhìn tôi, trong lớp tôi còn có tiền đồ và hy vọng hay không?

Sau đó, tôi có cảm giác chán học, không tự tin trong học tập. Tôi từ bỏ nỗ lực, chơi điên cuồng với đám bạn xấu, cuối cùng thành học sinh kém giá thật.

Nhiều năm sau hồi tưởng lại, tôi mới biết mình làm một việc quá ngu xuẩn. Tôi dùng sai lầm của người khác trừng phạt chính mình, trừng phạt mình làm ruộng khoán ở nông thôn 8 năm. Mặc dù sau này, cuối cùng tôi cũng ra thành phố, trở thành một nhà văn có chút tiếng tăm, nhưng phải trả giá gấp nhiều lần so với học hành.

Một nhà văn nghiệp dư nông thôn có văn hóa Trung học cơ sở ít cơ hội thành công gấp bội lần so với có học hành.

Vài ngày trước khi thi Trung học cơ sở, vào một buổi sáng, lớp trưởng nói với tôi, thầy giáo Lý bảo tôi đi gặp thầy.

Từ khi thành tích của tôi trượt dốc, thầy Lý không còn tìm tôi, sắp thi rồi, thầy tìm tôi làm gì?

Mang theo nghi ngờ, tôi khó chịu, bất an bước vào phòng làm việc của thầy Lý.

Thầy Lý rất gầy, hơi gù, hơn 50 tuổi rồi nhưng thị lực vẫn tốt, còn chưa phải đeo kính. Sắc mặt thầy bình thản, bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện với thầy. Lúc đó, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

Thầy Lý hỏi, lần thi này, con đã nắm chắc kiến thức chưa?

Tôi cúi đầu, mấy lần thi thử gần đây, tôi đều xếp thứ 7, 8 từ dưới lên, đừng nói thi đỗ, ngay cả tư cách thi còn không đủ.

Thầy Lý lại nói, nếu như con cảm thấy không có hy vọng, chẳng thà đừng thi nữa, thành tích của con hiện giờ quả thực kém quá, không thể có kỳ tích được.

Tôi nghi hoặc hỏi, vì sao không thi?

Thầy mỉm cười nói, nếu như không thi, con có thể tiết kiệm 5 đồng lệ phí bài thi và phí dự thi cho gia đình. Con nghĩ mà xem, nếu thi không đỗ, thì chẳng phải sẽ lãng phí khoản tiền đó sao?

Tôi nghe xong, cảm thấy thầy nói quá đúng, cần phải biết rằng, 5 đồng vào những năm 1986 ngang với 50 đồng hiện nay.

Tôi miễn cưỡng nói, vậy thì tôi không thi nữa.

Thầy Lý cho tôi kí tên vào một tờ danh sách, sau đó lấy 5 đồng từ ngăn kéo đưa cho tôi.

Ra khỏi phòng làm việc của thầy, tôi nghĩ, thầy Lý thật không tồi, biết tôi thi không đỗ, ngay cả lệ phí 5 đồng cũng tiết kiệm cho tôi.

Minh hoa: Hữu Tuấn

Về đến nhà, tôi không nhắc đến chuyện 5 đồng vì tôi tự do chi phối khoản tiền đó. Đến ngày thi, tôi đến trường giống như bình thường.

Lớp chúng tôi là phòng thi, cả trường đều yên tĩnh. Tôi không có chỗ nào đi, đành phải đeo cặp sách ra cổng trường, đến sân vận động.

Sân vận động rộng lớn không một bóng người, tôi một mình lang thang quanh cột bóng rổ, cảm thấy vừa cô độc vừa chán nản. Ve sầu trên cây bắt đầu kêu, càng tăng thêm cho tôi sự buồn chán.

Không biết vì sao, rõ ràng bản thân quyết định không thi, nhưng nhìn học sinh toàn trường đều thi mà chỉ có tôi một mình một chỗ, cảm giác thật lạc lõng.

Bỗng nhiên, tôi nghe thấy có người kêu tên mình. Nhìn trước ngó sau, phát hiện tiếng nói phát ra từ bức tường bao của trường, người kêu tên tôi là Mã Liên Quân, học sinh đứng cuối cùng toàn lớp.

– Mã Liên Quân, ái chà, đồ ngớ ngẩn, sao lại lang thang chỗ này?

Tôi đột nhiên vui lên, hỏi: “Sao, cậu cũng không thi?”

Mã Liên Quân không tiếp lời tôi mà chỉ mỉm cười ra vẻ bí mật: “Mau đến kí túc xá, có chuyện vui”.

Tôi lại hớt hải quay trở vào trường, đến phòng kí túc xá trống duy nhất của trường. Vừa bước vào, phát hiện thấy trong đó có không ít người, toàn là “những món hàng” tinh nghịch, cứng đầu cứng cổ. Tôi liền hiểu rõ, những người đó đều được “chăm sóc”. Phòng kí túc xá ấy bình thường luôn khóa cửa, xem ra hôm nay vì thu nạp những “nạn dân” chúng tôi mà khai ân ngoài vòng pháp luật rồi.

Có được những người bạn cùng chung hoạn nạn, tôi không buồn phiền nữa, vui vẻ tham gia hội chơi bài poker. Chúng tôi chơi bài “Tiến lên”, 6 người, chỉ cần một người thắng thì coi như xong ván bài, 5 người thua mỗi người đều móc ra 5 hào.

Đó là lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất cho đến nay tôi đánh bạc, khi đó, tôi cảm thấy vừa vui vẻ, vừa kích động.

Sắp đến trưa, tiền của tôi đã thua sạch. Khi ấy trong lòng mới có chút hối hận.

Lưu Tinh, người to đầu nhất trong chúng tôi bất ngờ ném tấm thẻ bài trong tay xuống, không chơi nữa, dù thắng hay thua, mỗi người đều móc ra 5 đồng. Trên bàn ném rất nhiều phiếu số không, ai thắng thì trả lại tất cả tiền, lại móc ra 5 đồng, 6 người thu gom lại được 30 đồng. Lưu Tinh cuộn tiền lại, nhét vào túi, nói đi uống ngụm nước.

Chúng tôi đến quán Dầu Điều ngoài cổng trường. Trường học nằm trong thôn, không có quán rượu, quán Dầu Điều ngoài cổng trường là nơi ăn uống duy nhất.

Chúng tôi chọn ít đậu phộng, xào ít rau xanh, uống chút rượu giống như uống thực sự. Đó là lần đầu tiên tôi uống rượu, chừng vài hớp, có chút say nhưng tinh thần dễ chịu hơn.

Tôi nói: “Thật may có thầy Lý, nếu không, chúng ta lấy tiền đâu mà uống rượu?”

Mã Liên Quân lập tức nói: “Sai! Đó là tiền của chúng ta, không nên cảm kích ông ta”.

Lưu Linh uống nhiều hơn chút, mặt và mắt đều đã đỏ. Miệng cậu ấy đã không còn linh hoạt, nhưng vẫn nói nhiều nhất. Cậu ấy ôm cổ tôi, thở ra đầy mùi rượu: “Cậu có biết thầy Lý vì sao không để chúng ta thi không?”

Không chờ tôi trả lời, cậu ấy nói tiếp, “Ông ấy không phải là tiết kiệm tiền cho chúng ta mà là vì chính mình”.

“Đánh giá kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông năm nay tính tỷ lệ phần trăm giữa số người dự thi và số người thi đỗ. Chúng ta nằm trong số mặc định thi không đỗ thì không thi, như vậy phần trăm số học sinh thi đỗ chẳng phải sẽ cao hơn sao?”

Mấy người cùng nói, đúng rồi! Thầy Lý là rũ bỏ chúng tôi như một gánh nặng. Mã Liên Quân nâng cốc nói, “huynh đệ chúng ta sắp chia tay rồi, cạn chén vì sự vứt bỏ nào”.

– Cạn chén! Cạn chén! Cạn chén!

Chúng tôi đều say khướt.

Tôi và Mã Liên Quân ôm đầu khóc.

Sau khi tỉnh lại, chúng tôi đều rõ ràng rằng mình đều là những người tuyệt đối không có hy vọng đỗ. Nhưng bị cự tuyệt ở bên ngoài trường thi luôn vô hình trung cảm thấy bị thương tổn.

Chúng tôi giống như bị tập thể bỏ rơi, trong lòng phiền muộn, hoang vắng.

Thu Hiền (dịch)

(Truyện ngắn đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 19 bản in)