Đúng ngày này 70 năm về trước (7/5/1954- 7/5/2024), một chiến thắng trên mảnh đất Việt Nam bé nhỏ đã làm rung chuyển thế giới, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Điện Biên Phủ – cái tên không chỉ làm nên niềm tự hào cho người dân Việt Nam mà còn là biểu tượng cho khát vọng tự do, hòa bình chính nghĩa muôn đời của những dân tộc bị áp bức, đô hộ. Bảy thập kỷ đã trôi qua nhưng âm vang chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn như còn vang vọng, minh chứng cho sức mạnh diệu kỳ của ý chí, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của dân tộc ta. Để có được kỳ tích đó, bao máu xương cha ông đã đổ xuống trên mảnh đất này; bao lớp người đã không quản ngại khó khăn, hiểm nguy, không tiếc tuổi xuân mà hy sinh, cống hiến. Nhìn lại lịch sử vẻ vang của dân tộc để chúng ta tự hào, tri ân những thế hệ đi trước và cũng là để nhắc nhớ mình về giá trị của tự do, hòa bình, để sống sao cho xứng đáng.
Trong không khí thiêng liêng cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tạp chí Sông Lam trân trọng gửi tới độc giả chùm thơ của các tác giả, trong đó có những cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến với các tác phẩm này, chúng ta sẽ được hồi tưởng lại một thời kỳ gian khó mà hào hùng; sẽ bắt gặp lại chân dung những con người đã làm nên lịch sử, những cái tên đã khiến cả thế giới phải nghiêng mình.
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Mỹ Dịu
Phan Duy Thảo*
Một thời để nhớ
Nhớ xuân Giáp Ngọ năm tư
Tải lương, chuyển đạn nắng mưa vượt rừng
Đèo cao buốt giá tím bầm
Dốc nghiêng đá nhọn, chân trần dẻo dai
Hành quân thức trắng đêm dài
Sương đầm họng súng, trăng cài tóc mây.
Đêm bom xối, ngày đạn cày
Xe thồ gồng gánh đường dài quân đi
Rừng già vắt muỗi hề chi
Gạo ngô, đạn pháo nặng gì hai vai
Càng đi tiếng hát càng dài
Cây che mắt giặc, tiếng cười canh thâu.
Hun hút rừng rậm suối sâu
Dân công bộ đội gặp nhau múa xòe
Ăn cơm vắt, uống nước khe
Hoa ban trắng lối, tắc kè gọi tên
Đường lên Tuần Giáo, Điện Biên
Quân đi khoét núi ngày đêm ngủ hầm.
Bấm tay… đã bảy mươi năm
Tóc xanh đã bạc hoa râm cả rồi
Gặp nhau vẫn tuổi đôi mươi
Phều phào câu hát một thời thanh xuân.
__
* Tác giả Phan Duy Thảo năm nay 90 tuổi, là cựu thanh niên xung phong thời chống Pháp hiện sống tại TP Vinh, Nghệ An.
Cụm tượng đài kéo pháo bằng tay vinh danh trung đội pháo binh của anh hùng Tô Vĩnh Diện trên triền đồi Bó Hôm – Điện Biên. Ảnh: Trần Duy Ngoãn
Bùi Quang Thanh
Nơi an nghỉ của Tướng quân
(Kính dâng Đại tướng Võ Nguyên Giáp)
Nơi an nghỉ của Tướng quân
Hoành Sơn sau lưng, biển Đông trước mặt
Có cả triệu tình dân nâng giấc
Có người lính biên phòng thức gác biên cương.
Xa phố xa làng nhưng chẳng cô đơn
Hoa vẫn thắm dọc lối mòn lên mộ
Hương vẫn tỏa ngát lừng trong mây gió
Và ngàn thông nức nở nỗi nhớ thương.
Nghe cuốc kêu da diết những năm trường
Thấy nhà nát của kiếp dài nô lệ
Trang lịch sử xót dặm ngàn sông bể
Giã mái trường Thầy giáo hóa Tướng quân.
Triệu chiến binh từ liềm búa công nông
Dưới quân kỳ bỗng trở thành dũng sĩ
Ba mươi năm thắng Pháp rồi thắng Mỹ
Thắng đố kỵ, hận thù,
mọi tham vọng xâm lăng…
Quá bách niên Người về cõi vĩnh hằng
Vẫn đột ngột như đất trời sụp xuống
Cả dân tộc nối vòng tay rộng lớn
Hát kết đoàn trong nước mắt thương đau.
Tự bao giờ và sẽ mãi muôn sau
Người tô thắm trang sử vàng dân tộc
Đại Tướng quân sẽ muôn đời, bất diệt
Dẫu mộ phần nằm khuất dưới bóng thông.
Xưa lên ba, Đời phong Thánh, tôn Ông*
Nay trăm tuổi, Dân: Anh Văn**, trìu mến
Sống: tài, đức dâng đời trọn vẹn
Thác: yên, thiêng một cõi sơn hà.
__
* Phù Đổng Thiên Vương
** Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bên tượng đài
Anh hùng Phan Đình Giót
Anh lầm lũi tìm con cua con cá
Trẩy trái bần chua hói Tùng lót dạ
Rổ sim chiều hái tận miệu Than
Đỡ những tháng ngày đói rét miên man…
Nếu không có một mùa thu cách mạng
Cờ đỏ bay – cuộc kháng chiến trường kì
Thế hệ anh và sau này – tôi nữa
Sẽ là gì trong nô lệ, khinh khi?
Đoàn Vệ quốc trùng trùng lên Tây Bắc
Vút ngàn xa, chân đi vai vác
Sức vóc nông dân dày dạn đói nghèo
Anh cùng đồng đội vượt gieo neo.
Tiếng cuốc xẻng đào chiến hào tiếp cận
Ôi hoành tráng những ngày đêm “vây lấn”
Cánh tay các anh siết chặt kẻ thù
Trận quyết chiến này âm hưởng đến thiên thu.
Khi lồng ngực Anh ấp trùm lên hỏa điểm
Súng giặc nghẽn. Đồng đội Anh xông đến…
Tổ quốc bật lên khúc khải hoàn
Tràn ngập đỉnh đồi A1, Him Lam.
Bảy mươi năm – biết bao mùa lúa trổ
Anh vẫn về hái sim cùng lũ trẻ
Hương đồng quê thơm vấn vít tượng đài
Bần hói Tùng hoa đỏ thắm hôm mai.
Đến thăm Anh, hình như Anh đi vắng
Trong khói hương chiều vàng gió lặng
Chợt âm âm rừng lá bạch đàn:
“Mình bận về Tây Bắc ngắm hoa ban”.
Đường hào có nắp của quân Pháp trên đồi A1. Ảnh: Trần Duy Ngoãn
Trần Xuân Kính*
TRỞ LẠI ĐIỆN BIÊN
Bảy mươi năm tôi trở lại Điện Biên
Đường chiến dịch nay đã thành đại lộ
Chiến trường xưa, nay mọc lên thành phố
Rộn rã nhịp khèn, sáng ánh đèn khuya
Đồi Độc Lập trận công đồn oanh liệt
Nhớ mùa ban thắp lửa sáng thung sâu
Đường kéo pháo vào bảy mươi năm trước
Nay đã nối nhau siêu thị, nhà lầu
Thăm đồi A1, Him Lam, Hồng Cúm
Lặng cúi đầu trước mộ chí vô danh
Di vật còn những ngôi sao năm cánh
Tìm dấu mình qua khói lửa chiến tranh
Thăm Bản Mường tình quân dân nghĩa nặng
Đêm Mường Thanh ngày ấy tiếng thoi đưa
Thăm đồng đội từng vào sinh ra tử
Rừng bạt ngàn phủ trắng những cơn mưa
Tiếng hò reo xuyên thời gian chiến dịch.
Nay vẫn ngân vang mãi khúc quân hành.
__
Tác giả Trần Xuân Kính là Cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện đang sống tại thành phố Vinh, Nghệ An
PHẠM HÀ GIANG
Cái thời…
Cái thời dân công hỏa tuyến
Cái thời đập đá – vá đường
Cái thời xe thồ chở gạo
Còn trong nỗi nhớ, niềm thương
Nhớ khi anh thồ, chị gánh
Nhớ khi giặc quét, giặc vây
Nhớ khi bom thù dội xuống
Tình thương đồng đội… đong đầy…
Bao nhiêu năm rồi ấy nhỉ
Chiến tranh tưởng đã lùi xa
Mà sao nỗi đau còn đó
Vẫn kia… rất thật, chăng là…
Ai quên, ai kia còn nhớ
Dòng sông bên lở, bên bồi
Kiếp người đục, trong, xói lở
Thương người phiêu bạt dòng trôi…
Một thời để thương, để nhớ
Còn kia, chẳng dễ quên mà
Cái thời vào sinh, ra tử
Vẫn còn đâu đó… chưa xa!