Lời giới thiệu: Kate Chopin (1850 – 1904), tên thật là Katherine O’Flaherty, là nữ văn sỹ Mỹ nổi tiếng với những sáng tác tiên phong khai thác vấn đề nữ quyền. Lớn lên trong môi trường đa văn hóa, được giáo dục bài bản, đặc biệt được tiếp xúc và học hỏi nhiều từ những người phụ nữ quanh mình, bà sớm có ý thức về vai trò của phụ nữ trong gia đình cũng như xã hội. Thế nhưng, người phụ nữ cá tính, luôn nổi bật và quyến rũ người khác bằng sự thông minh, duyên dáng ấy lại sớm gặp phải bất hạnh. Bố mất trong một tai nạn khi bà mới 5 tuổi. 19 tuổi, bà kết hôn với Oscar Chopin và chỉ 12 năm sau người chồng qua đời. 32 tuổi, một mình nuôi 6 người con và cáng đáng bao công việc, chỗ dựa tinh thần lúc này của bà là mẹ. Tuy nhiên, 3 năm sau, mẹ bà cũng ra đi. Để vượt qua những buồn đau, cô đơn, bà đã tìm đến với văn chương. Năm 1889, truyện ngắn đầu tiên của bà được đăng tải. Năm 1890, bà xuất bản tiểu thuyết đầu tay At Fault nhưng không nhận được nhiều sự chú ý. Những năm sau đó bà liên tiếp cho ra đời nhiều truyện ngắn nhưng chỉ đến năm 1899, khi tiểu thuyết The Awakening ra đời, bà mới nhận được sự chú ý rộng rãi.

The Awakening khi đó đã phải hứng chịu nhiều lời chỉ trích từ giới phê bình, đơn giản vì trong sáng tác của mình, Kate đã không ngại đề cập đến vấn đề về tình dục, về những góc khuất trong câu chuyện hôn nhân gia đình, về nữ quyền.. Thậm chí, nhiều người còn đánh giá nó là thô tục, bệnh hoạn, bẩn thỉu, tầm thường,…Một số học giả có viết tiểu thuyết này bị cấm tại thư viện quê nhà của bà ở St.Louis song thông tin này chưa được kiểm chứng.

Những sáng tác của Kate Chopin dần chìm vào quên lãng sau khi bà qua đời vào năm 1904. Tuy nhiên, 5 năm sau, một số truyện ngắn của bà xuất hiện trong một tuyển tập, nhiều truyện được tái bản liên tiếp, từ đó, mọi người dần tìm đọc lại các tác phẩm của bà. Sau năm 1969, khi Per Seyersted[i] xuất bản cuốn chuyên khảo về tiểu sử cùng những tác phẩm hoàn chỉnh của bà thì Kate Chopin được thế giới biết đến. Bà thu hút sự chú ý của các học giả, sinh viên; các tác phẩm của bà được dịch ra nhiều thứ tiếng như: Pháp, Đức, Ý, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ả rập, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam,…

Trong sự nghiệp của mình, Kate Chopin để lại 2 tiểu thuyết cùng gần trăm truyện ngắn và cả một số bài thơ, kịch, phê bình văn học. Là người phụ nữ thông minh,cá tính, nhạy cảm lại trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời nên các trang viết của bà luôn thấm đẫm những giằng xé nội tâm phức tạp và mãnh liệt. Đặc biệt, với những tác phẩm của mình, bà là người tiên phong khai thác những khát vọng của người phụ nữ lúc bấy giờ. Đó là khát khao được bộc lộ tình cảm, được làm chủ cuộc đời, được nói lên tiếng nói của mình.

Truyện ngắn Người phụ nữ đáng kính (A Respectable Woman) được bà viết năm 1894 và đăng lần đầu tiên trên Vogue vào ngày 15/02/1894. Tác phẩm được in lại trong tập truyện A Night in Acadie vào năm 1897.

Chân dung Kate Chopin

                                                                     *****

      Bà Baroda khá sốc khi biết rằng chồng bà đang mong đợi một người bạn thân tên là Gouvernail đến ở chơi tại đồn điền của vợ chồng bà trong suốt một hai tuần.

Họ đã thong dong vui chơi thoải mái trong cả mùa Đông; phần lớn thời gian họ cũng đã trải qua tại New Orleans với nhiều trò tiêu khiển nhẹ nhàng. Giờ đây, trong lúc bà mong chờ một khoảng thời gian thảnh thơi, không bị quấy rầy bên cạnh chồng thì ông Gaston, chồng bà, báo tin ông bạn Gouvernail sẽ tới ở lại một đôi tuần.

Đó là người bà từng nghe nhắc tới khá nhiều, nhưng chưa lần nào gặp mặt. Ông ta từng là bạn thời sinh viên đại học của chồng bà; giờ là một ký giả, không phải là một người nổi danh trong xã hội hay “một người tiêu biểu của thị trấn”. Có lẽ đó là một trong các lý do khiến bà chưa biết tới ông nhưng trong tâm trí bà đã vô tình mường tượng ra một hình ảnh về ông. Bà hình dung hẳn ông ta cao cao, hơi mảnh khảnh và hơi thô; mắt đeo kính, tay đút túi quần; và bà không thích ông ta. Thực tế là Gouvernail hơi gầy nhưng ông không cao  lắm và cũng không đến nỗi lôi thôi; ông cũng không hề mang kính hay xỏ tay túi quần. Và bà cảm mến ông ta ngay khi ông xuất hiện lần đầu trước mặt bà.

Nhưng tại sao bà thích ông ta, bà không thể nào giải thích nổi dù bà đã âm thầm cố gắng làm điều đó. Bà không thể khám phá ra ở ông ta những đặc điểm nổi bật hoặc đầy hứa hẹn nào mà chồng bà không có. Ngược lại, ông khá trầm lặng và hay tỏ vẻ chấp nhận trước sự háo hức trò chuyện của bà để ông cảm thấy tự nhiên như mình đang ở nhà mặc dù chồng bà đã tỏ ra hiếu khách và hơi lắm lời. Ông ta giữ phong thái rất lịch thiệp đối với bà như thể bà là người phụ nữ chỉn chu nhất chiều theo mọi yêu cầu của ông; nhưng thực tế là ông không trực tiếp thỉnh cầu bà chấp thuận hoặc tỏ vẻ quý trọng ông.

Sau khi ở hẳn tại đồn điền, dường như ông chỉ ưa ngồi trên thành lan can dưới bóng râm của mấy cây cột trụ to lớn ở thành phố cổ Corinth tỏa bóng sang; ông thảnh thơi hút xì gà và chăm chú lắng nghe kinh nghiệm của ông Gaston trong việc trồng mía và sản xuất đường.

“Mình không ngờ nghề đó thịnh đến thế”, ông thốt lên với sự hài lòng sâu sắc, trong khi làn không khí dịu dàng tràn qua cánh đồng mía nhẹ nhàng mơn trớn lên người ông, tạo ra một cảm giác thật ấm áp và êm ái. Ông cũng tỏ vẻ thích thú khi mấy chú chó Alaska rón rén đến gần ông, cọ mình vào chân ông một cách thân tình. Ông không quan tâm đến việc đi câu cá và không tỏ ra hăng hái khi chồng bà mời ông cùng ra đồng bắn chim.

Tính cách của ông Gouvernail khiến bà Baroda hơi bối rối nhưng bà thực bụng ái mộ ông. Ông quả là một người khá lịch thiệp, điềm đạm và đáng yêu. Sau vài ngày, khi bà không thể hiểu rõ ông nhiều hơn lúc ban đầu, lòng bà cảm thấy băn khoăn và hơi ấm ức. Trong tâm trạng đó, bà có phần né tránh, cố để chồng và bạn tha hồ ở bên nhau. Sau đó, nhận thấy ông Gouvernail chẳng phản ứng gì đối với thái độ của mình, bà bèn tìm cách gặp ông, cùng ông tản bộ đến nhà máy và đi dọc triền sông. Bà kiên trì tìm cách thâm nhập vào lớp sương mù mờ ảo mà ông đã vô tình tự tạo ra quanh ông.

“Ông bạn anh lúc nào đi vậy?” Một hôm bà hỏi chồng mình. “Em thấy dường như ổng làm em hơi ngài ngại thế nào ấy.”

“Chưa được một tuần mà em. Anh không hiểu bạn anh gây rắc rối gì cho em.”

“Chả rắc rối gì cả. Em sẽ thích ông ấy hơn dẫu ông ấy gây rắc rối gì cho em; nếu ông ấy bình thường như những người khác thì em sẽ lên chương trình làm thứ gì đó để ông ấy cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn.”

Ông Gaston nhẹ nhàng ôm lấy khuôn mặt xinh xắn của vợ trong hai lòng bàn tay rồi nhìn âu yếm và khẽ cười vào đôi mắt đầy bối rối của bà. Họ đã cùng nhau đi vệ sinh trong phòng thay đồ của bà.

“Bà xã có vẻ ngạc nhiên lắm hả?”, ông nói với vợ. “Ngay cả anh cũng không thể nào đoán cho ra lúc nào thì em hành động thế nào. Phụ nữ thật khó hiểu.” Ông hôn vợ rồi quay lại thắt cà-vạt trước gương.

“Thì em đó chứ ai”, chồng bà tiếp tục, “em có vẻ hơi nghiêm trang với thằng cha Gouvernail đáng thương và gây chấn động tâm lý hắn, đó là điều cuối cùng hắn mong đợi hoặc mong muốn đó, em ạ”.

“Chấn động tâm lý!” bà hừng hực phẫn nộ. “Làm thế nào anh có thể nói một điều phi lý như vậy được? Chấn động thiệt à! Nhưng anh biết đó, anh đã nhận xét rằng anh ấy rất thông minh cơ mà.”

“Hắn đúng là thông minh lanh lợi. Nhưng thằng cha tội nghiệp đó đang xuống dốc vì làm việc quá sức. Đó là lý do tại sao anh bắt hắn tới nghỉ tại đây.”

“Anh từng nói anh ấy là người giàu ý tưởng”, bà đáp lại, chẳng chút nhún nhường. “Ít ra thì em cũng mong anh ấy được vui vẻ thôi. Em dự định lên thành phố vào buổi sáng để diện áo dài mùa xuân. Anh hãy cho em biết khi nào anh Gouvernail chính thức ra về; em sẽ ở nhà dì Octavie”.

Đêm đó bà bước ra ngồi một mình trên băng ghế dài dưới tán cây sồi tươi tốt nằm bên cạnh lối đi lát sỏi.

Minh họa: Trọng Hiệp

Chưa bao giờ bà thấy suy nghĩ hoặc dự định của mình trở nên rối rắm đến vậy. Bà không thể thu thập được gì từ những suy nghĩ mông lung ấy ngoại trừ cảm giác cần phải rời khỏi nhà vào buổi sáng.

Bà Baroda nghe thấy tiếng bước chân lạo xạo trên sỏi nhưng trong bóng tối chỉ có thể nhận ra một điểm đỏ chợt sáng lên của một điếu xì gà đang đến gần. Bà biết đó là ông Gouvernail, vì chồng bà xưa nay không hút thuốc. Bà hy vọng ông không nhận ra bà nhưng chiếc váy trắng tinh của bà đã vô tình tiết lộ sự có mặt của bà. Ông vứt điếu xì gà và ngồi xuống băng ghế bên cạnh bà, không mảy may e ngại bà có thể phản đối sự hiện diện của ông hay không.

“Chồng chị bảo tôi mang cái này ra cho chị, chị Baroda ạ”, ông ấy vừa nói vừa đưa cho bà một chiếc khăn voan trắng, chiếc khăn mà bà thỉnh thoảng hay quấn lên đầu, phủ tới vai. Bà nhận chiếc khăn từ tay ông với lời cảm ơn nhỏ nhẹ và để nó nằm trong lòng bà.

Ông nhìn quanh, quan sát mông lung về ảnh hưởng bất lợi của không khí ban đêm vào mùa đó. Rồi ông nhìn vào bóng tối, thì thầm, nửa với chính mình:

Đêm của những luồng gió Nam — đêm của mấy ngôi sao lớn! Vẫn tha hồ thoải mái gật gù trong đêm...”

Bà không đáp trả gì về những lời tán dương bóng đêm, những lời tán dương không phải gửi tới bà.

Ông Gouvernail không phải là người thiếu tự tin vì ông chẳng có chi ngại ngùng. Ông đang có một khoảng thời gian thảnh thơi nhưng đôi lúc đầy tâm trạng chẳng qua là do thái độ quá nghiêm túc của ông. Ngồi xuống bên cạnh bà Baroda, thói quen kiệm lời của ông dần dần tan biến.

Ông nói chuyện một cách thoải mái và thân mật bằng một giọng trầm, ngập ngừng đôi chút nhưng không gây khó chịu cho người nghe. Ông nói về những ngày học đại học xa xưa khi ông và ông Gaston đã cư xử rất thân tình với nhau; nói về những ngày tháng đầy hoài bão và những dự định lớn lao gần như mù quáng. Giờ đây, ít nhất còn lại với ông một triết lý hài lòng với thực tại – ông chỉ mong muốn tồn tại, và đôi khi, phớt qua trong cuộc sống chân thành của mình một làn gió thoảng, khe khẽ như ông đang thở giây phút này.

Tâm trí bà chỉ mơ hồ nắm bắt những gì ông nói. Sự hiện hữu về cơ thể của bà mới là điều đang nổi trội. Bà không nghĩ đến những lời ông thốt ra, mà chỉ hớp lấy giọng nói trầm trầm của ông. Bà muốn vươn tay trong bóng tối và chạm vào người ông bằng những đầu ngón tay nhạy cảm trên mặt hoặc trên môi. Bà muốn xáp lại gần ông và thì thầm vào má ông như bà có thể đã làm nếu bà không phải là một người phụ nữ đáng kính.

Sự thôi thúc đưa bà đến gần ông càng mạnh thì thực tế bà càng cố rời xa ông. Ngay khi bà có thể làm như vậy mà không có vẻ bề ngoài sỗ sàng quá mức, bà lập tức đứng dậy và để ông ngồi đó một mình.

Trước khi bà bước vô nhà, ông Gouvernail đã châm thêm một điếu xì gà và lặng lẽ kết thúc dấu chấm than cho đến tận khuya.

Bà Baroda đã bị cám dỗ rất dữ dội vào đêm đó để có thể nói với chồng – thực chất cũng là bạn của bà – về điều điên rồ đã chiếm đoạt tâm trí bà. Nhưng bà không bị khuất phục trước sự cám dỗ đó. Bên cạnh việc bà là một người phụ nữ đáng kính, bà còn là một người rất nhạy cảm; và bà biết có một số trận chiến trong cuộc đời mà người ta phải tự chiến đấu một mình.

Khi ông Gaston thức dậy vào buổi sáng, vợ ông đã rời đi. Bà đã nhanh chóng bắt chuyến tàu sáng sớm để lên phố. Bà không trở lại cho đến khi ông Gouvernail từ biệt mái nhà vợ chồng bà.

Trong mấy ngày kế đó, có một vài cuộc trò chuyện về việc mời ông ấy trở lại trong mùa hè sau. Ông Gaston rất muốn bạn mình quay trở lại nhưng mong muốn này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của vợ ông.

Tuy nhiên, hoàn toàn từ bản thân, vào cuối năm ấy, bà đã gợi ý chồng bà mời ông Gouvernail đến thăm hai vợ chồng một lần nữa. Chồng bà rất ngạc nhiên và vui mừng với ý kiến của bà.

“Bà xã! Anh rất vui khi biết rằng cuối cùng em đã vượt qua sự ghét bỏ đối với thằng bạn chí cốt của anh, thực sự hắn không đáng phải bị như thế.”

“Ồ”, bà cười hớn hở và nói với ông, sau khi đặt một nụ hôn dài và dịu dàng lên môi ông, “Em đã vượt qua mọi thứ! Rồi anh sẽ thấy. Lần này em sẽ rất tốt với anh ấy”.

Kate Chopin

(Trần Như Luận dịch)

(Bài đã trên Tạp chí Sông Lam, số 10/Chào Xuân Tân Sửu 2021)


[i] Per Seyersted (1921- 2005)  là Giáo sư Văn học Mỹ tại Viện Hoa Kỳ thuộc Đại học Oslo. Ông nổi tiếng quốc tế nhờ chuyên khảo về tiểu thuyết gia Kate Chopin.