LTS: Robert Frost (1874-1963) là nhà thơ lớn người Mỹ, có bốn tập thơ đoạt giải Pulitzer vào các năm 1924, 1931, 1937, 1943, đồng thời cũng là tác giả nhiều lần được đề cử giải Nobel văn học. Thơ ông trung thành với các hình thức thơ truyền thống, thường khai thác bối cảnh cuộc sống nông thôn ở New England để triển khai những suy nghiệm triết lí về cuộc đời.

Con đường chưa chọn viết năm 1915 là bài thơ thuộc loại nổi tiếng và phổ biến nhất của Robert Frost, thường có mặt trong nhiều cuốn sách giáo khoa bậc trung học ở Mỹ. Bài thơ có nhắc lại những ấn tượng và kỉ niệm với nhà thơ Anh Edward Thomas, vào thời kì Frost đưa gia đình về sống ở Anh (từ 1912 đến 1915). Bài thơ có yếu tố tự sự; vần được gieo theo mô hình cố định và dòng thơ được chia thành các ”bước” khá nhất quán, dù có sự so lệch nhất định về số âm tiết trong mỗi dòng. Chủ đề lựa chọn con đường trước những ngả rẽ không phải là chủ đề mới trong thơ  nói chung, nhưng Robert Frost đã thể hiện nó với toàn bộ những suy tư phức tạp của mình. Việc cảm nhận bài thơ theo hướng tụng ca cái quyết định “làm nên khác biệt” của một cá nhân tự do không hoàn toàn phù hợp với các dữ kiện được tác giả cài đặt cẩn thận trong bài. Chính Frost cũng đã từng “cảnh báo” độc giả về khả năng họ bị “đánh lừa”, do bài thơ có những điểm “lắt léo” hơn người ta có thể nghĩ.

Vâng, cũng như nhà thơ, trước những ngả rẽ của cuộc đời, chúng ta đã lựa chọn. Chúng ta có ảo tưởng về sự tự do của mình. Sự thực thì thế nào? Dường như có một “cái quay búng sẵn trên trời” (Nguyễn Gia Thiều) đang thao túng, khiến sự tự do của mỗi chúng ta sẽ thành một cái gì rất tương đối. Không phải không có những tiếng “thở dài” (sigh) theo sau mỗi lựa chọn ấy. Than ôi, sự “khác biệt” (difference) có bề ngoài kiêu hãnh ấy, không biết có khi nào nó đưa tới cho đời ta những “nông nỗi”  mà có dịp nhìn lại, ta khó tránh được những thẫn thờ, ngậm ngùi? Con đương chưa chọn, con đường hẹn ước, con đường để lỡ… Khi sử dụng quyền tự do của mình, ta có thể thoát được những chi phối của số mệnh, hay không? 

*****

Robert Frost (1874-1963). Ảnh: Tư liệu

The Road Not Taken

Two roads diverged in a yellow wood,
And sorry I could not travel both
And be one traveler, long I stood
And looked down one as far as I could
To where it bent in the undergrowth;

Then took the other, as just as fair,
And having perhaps the better claim.
Because it was grassy and wanted wear;
Though as for that the passing there
Had worn them really about the same,

And both that morning equally lay
In leaves no step had trodden black.
Oh, I kept the first for another day!
Yet knowing how way leads on to way,
I doubted if I should ever come back.

I shall be telling this with a sigh
Somewhere ages and ages hence:
Two roads diverged in a wood, and I –
I took the one less traveled by,
And that has made all the difference.

Robert Frost (1874-1963)

***

Ảnh minh họa: Sưu tầm

Con đường chưa chọn

Hai lối rẽ trong rừng vàng rực lá,

Một lúc khó lòng chọn đi tất cả

Là kẻ lữ hành, tôi đứng đó hồi lâu

Dõi mút tầm lối nọ về đâu

Tới tận khúc quanh giữa bụi bờ chìm khuất;

Rồi tôi chọn lối này, không mấy khác,

Nhưng xem chừng theo thôi thúc mạnh hơn.

Vì cỏ rậm muốn mời chân bước;

Dù qua đây đi về phía trước

Hai lối như nhau đều có vệt mòn,

Hai nẻo đường sáng ấy trải ra

Trên thảm lá chưa chân ai hằn dấu thẫm.

Sẽ đi lối đầu tiên, một ngày nào, muốn lắm!

Nhưng đường nối đường, lòng thao thức mai đây,

Chắc gì tôi được trở lại chốn này.

Rồi với tiếng thở dài tôi sẽ nói

Ngày nào kia trong tháng năm vời vợi:

Hai lối xuyên rừng, đứng đó một tôi

Tôi đã chọn lối đi ít dấu chân người,

Và điều đó làm nên bao khác biệt.

Phan Huy Dũng dịch

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 11/2021)