Đã rất nhiều đạo diễn, soạn giả, diễn viên… tâm huyết với cải lương phải thốt lên rằng, phải “cải tổ” lại “cải lương”. Với những bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống khác, câu nói đó đã thể hiện sự suy yếu của nghề, nhưng với cải lương, sự suy yếu ấy lại gấp bội. Bởi ngay chữ “cải lương” cũng đã chỉ một bộ môn sân khấu mang đầy yếu tố tân tiến.

          “Cải cách hát ca theo tiến bộ
       Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.

Tác giả kịch bản Nguyễn Thế Kỷ, Đạo diễn Triệu Trung Kiên cùng ê kíp gần 140 nghệ sĩ, nhạc công, vũ công, võ sinh, kỹ sư, công nhân kỹ thuật vở cải lương Mai Hắc Đế

Từ hơn một trăm năm trước, khi mới ra đời, cải lương thực sự là một luồng gió mới cho nền sân khấu kịch hát dân tộc. Từ đờn ca tài tử, rồi bước tiếp theo là ca ra bộ, rồi khi được kết hợp với tinh hoa kịch nói Tây phương, cải lương đem đến cho khán giả miền Nam và sau này là khán giả cả nước một món ăn tinh thần mới lạ, tân tiến và hấp dẫn. Những bài bản cải lương kết hợp với cấu trúc cổ điển chặt chẽ của kịch nói khiến cho giới mộ điệu phát cuồng với cải lương trong sáu bảy thập kỷ liên tục. Từng có lúc, cải lương huy hoàng đến mức mỗi đêm diễn là một sự kiện, mỗi lúc ra vở mới đều cháy vé, những cô đào cải lương được hâm mộ đến mức nhất cử nhất động đều được các ký giả ghi chép trên nhật trình. Tất nhiên, sự việc gì trên đời cũng vậy, có thịnh có suy. Từ sau thập niên 90 của thế kỷ trước, cải lương bắt đầu xuống dốc. Người ta đổ tại sự cạnh tranh của các loại hình giải trí khác, điều này đúng với tất cả các bộ môn khác. Nhưng bên canh đó, những người tâm huyết với cải lương đều nhận ra rằng, cải lương đã bắt đầu cũ, đã tự thua trên sân nhà.

Còn ai xem cải lương?

Vẫn còn khán giả xem cải lương, đó là điều không phải bàn cãi. Chứ nếu không còn ai mặn mà nữa, thì mọi nỗ lực cải tổ chỉ như đổ xuống sông xuống biển. Nhưng sự xem cải lương ngày hôm nay cũng đã khác xưa rất nhiều. Soạn giả Hoàng Song Việt, Giám đốc sân khấu Cải lương Mới Đại Việt cho biết, ở Thành phố Hồ Chí Minh, khán giả vẫn đi xem cải lương, nhưng phải là cải lương tuồng cổ. Nắm được tâm lý ấy, các ông bầu cho dựng lại những tuồng tích cũ, chế biến lại, hài hước hóa đi, thậm chí “đu” theo trend đến mức cho các nhân vật cổ trang nói tiếng Anh hoặc gây cười theo phong cách hài nhảm. Cách đó, theo soạn giả Hoàng Song Việt, có thể nhất thời đem lại thu nhập cho các gánh hát, nhưng về sâu xa, lại là cách tàn sát cải lương, khiến nhiều khán giả không coi cải lương là một bộ môn nghệ thuật nữa, mà chỉ đơn thuần là giải trí. Cũng theo soạn giả này, khán giả cứ đến mua vé là sẽ hỏi hôm nay có Minh Vương hay Lệ Thủy hát không. Họ không cần biết tuồng tích hay ra sao, mà chỉ đến để coi thần tượng của mình trên sân khấu.

Ở các tỉnh phía Nam thì lại khác. Khán giả vẫn cần ngôi sao, vẫn hâm mộ cải lương, nhưng khán giả lại cần những tuồng tích mới. Các tuồng tích cũ tuy rất hay, thậm chí nhiều tuồng đã trở thành kinh điển, nhưng khán giả không còn muốn coi vì họ đã thuộc lòng từng câu thoại, từng lời ca. Thế nhưng, để có những tuồng tích mới được chấp nhận như những tác phẩm đã in sâu trong khán giả từ nhiều thập kỷ nay, quả là điều không hề đơn giản. Có những tuồng cũ chưa chắc đã hấp dẫn bằng tuồng mới, nhưng khán giả xem tuồng cũ từ ngày trước với con mắt khác, còn ngày nay, tuồng mới khó mà được xem với con mắt ấy.

 Ngay ở miền Bắc ngày nay, vào dịp lễ hội đầu năm, khán giả ở các tỉnh vẫn  nô nức đi xem cải lương. Xuân 2023 này, đoàn Cải lương Hoa Mai đã diễn gần 20 đêm chỉ riêng với vở cải lương “Truyền thuyết Triệu Trinh Nương”, tạo nên một kỷ lục của đoàn từ nhiều năm nay.

Pano quảng cáo vở diễn “Vì sao lạc xứ” của Nhà hát Cải lương Việt Nam

Còn ai đổi mới cải lương?

Từ khi thấy được sự xuống dốc của cải lương, những người làm nghề đã tìm mọi cách để vực dậy bộ môn nghệ thuật đã từng rất huy hoàng này. Điển hình là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang với dự án cải lương tiền tỷ – một số tiền rất lớn vào những năm trước. Những dự án ấy, với số tiền đầu tư khủng, với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng cũng như các danh cầm, cuối cùng chỉ đem lại được hiệu quả về mặt truyền thông. Người ta trầm trồ với sự táo bạo, người ta đến rạp vì tò mò trong những ngày đầu, rồi thôi. Bởi với đại đa số khán giả, cải lương hấp dẫn không phải ở sự hoành tráng, ở những hiệu ứng thị giác, mà là ở chất trữ tình của nó. Khán giả lúc ấy thích được đắm chìm vào số phận của nhân vật, được đi vào thế giới nội tâm của vở tuồng, được khóc cười cùng thần tượng của mình.

Những năm gần đây, nổi lên một đạo diễn tâm huyết với cải lương, tìm mọi cách để đổi mới cải lương. Đó là NSND. TS Triệu Trung Kiên, hiện đang là Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam. Trong những tuồng cải lương do mình làm đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên luôn cố gắng đưa vào một cái gì đó mới mẻ. Có những vở diễn, anh kết hợp giữa cải lương và âm nhạc đường phố. Thậm chí, anh còn kết hợp với Liên đoàn Xiếc để cho ra đời những vở cải lương xiếc – diễn viên vừa đu dây vừa hát cải lương. Có dự án thì anh kết hợp diễn viên cả hai miền để vừa tạo sự mới mẻ cho vở diễn, vừa liên kết nghệ sĩ hai miền gần nhau hơn. Những sự đổi mới này của Triệu Trung Kiên có thành công, có thất bại, nhưng cái thất bại lớn nhất mà anh tự thừa nhận, là chưa thể kéo khán giả đến rạp thường xuyên. “Có vở như “Chuyện tình Khau Vai”, chúng tôi đầu tư rất lớn, quy tụ nghệ sĩ hai miền, làm truyền thông bài bản, mà cũng chỉ diễn được ít buổi. Những buổi đầu khán giả rất đông, rồi sau vắng dần rồi vắng hẳn. Lúc ấy, tôi nghĩ, khán giả cũng chỉ còn từng ấy người tâm huyết”, Triệu Trung Kiên tâm sự.

Những sự đổi mới của các đoàn cải lương khác, cũng không khả quan hơn. Nhiều ông bầu đã chán nản, đã xoay sang làm việc khác. Cũng có những ông bầu khác vẫn bám trụ với nghề, nhưng im lặng chờ thời.

Một buổi tập của các nghệ sĩ cải lương

Và khán giả muốn gì ở cải lương?

Nhiều khán giả vẫn muốn tới rạp coi cải lương, đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng khán giả cần tuồng tích mới và hay, cần bên cạnh những ngôi sao đã thành danh là những ngôi sao mới.

Lý giải cho điều này, soạn giả Hoàng Song Việt cho biết, ông và sân khấu cải lương của mình không phải không biết điều đó. Sân khấu của soạn giả này còn tồn tại được đến ngày hôm nay, là nhờ mối quan hệ thân thiết với nhiều ngôi sao. Nhưng cũng chính vì thế, mà mỗi lúc muốn mời thêm ngôi sao, Hoàng Song Việt lại gặp khó khăn. Những ngôi sao mà khán giả thích thì rất bận rộn, chỉ có vài buổi ráp tuồng, vậy thì rất khó đảm bảo chất lượng nghệ thuật. “Họ cũng yêu nghề cả thôi, đến với tôi thì không đặt nặng chuyện cát-sê, nhưng họ cũng phải đi “chạy sô” chứ. Thời của ngôi sao cũng đâu có dài, hết lớp này lại đến lớp khác, nên tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm”, soạn giả Hoàng Song Việt tâm sự. Vì ngay cả đến Nhà hát cũng không giữ được các ngôi sao đã từng đạt giải Chuông Vàng Vọng Cổ, chỉ vì khi có giải, họ đi diễn ở ngoài được nhiều tiền hơn.

Nhiều ông bầu, và nhất là lãnh đạo các đoàn cải lương cũng ý thức được sự quan trọng của việc sáng tác tuồng cải lương mới. Họ đã cậy nhờ đến tổ chức nghề nghiệp là Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức cho những nhà biên kịch có tên tuổi và đang sung sức nhất đi thực tế để viết kịch bản mới. Dự án thì có trước khi dịch Covid-19 lan tràn, nhưng sau dịch, khó mà có thể bắt đầu lại. Khi nền kinh tế còn chưa được phục hồi hoàn toàn, việc này vẫn chưa khả thi. Đó cũng là điều đáng tiếc, khi mà vẫn còn nhiều cây viết muốn cống hiến cho cải lương bằng tất cả nỗ lực của mình.

Nhiều khán giả lại nuối tiếc quá khứ huy hoàng của cải lương, khi mà mỗi tuồng mới đều xuất hiện bên cạnh một ca khúc chủ đề. Chẳng hạn như khi tuồng “Mưa rừng” ra mắt thì bên cạnh đó, bài hát cùng tên của nhạc sỹ Huỳnh Anh cũng trở thành bản hit thời đó. Bây giờ, đi coi cải lương, chỉ là những bài bản cũ, nghe thì hay đấy nhưng cũng bắt đầu quen quá rồi. Đã không có ca khúc chủ đề hay và mới, bài bản cải lương cũng không được bổ sung thêm. Trong khi đó, với cấu trúc âm nhạc đặc thù của bộ môn, cải lương có thể du nhập tất cả các khuynh hướng sáng tác. Đến một bài Vọng Kim Lang của dân ca Liên khu 5 sang đến cải lương còn thành Vọng Kim Lang cải lương. Hay các bài lý do nhạc sĩ Phạm Lý (hay còn gọi là Cao Văn Lý) sáng tác đều được cải lương hóa, và đến nay đã trở thành bài của cải lương, mà trong đó bài Lý Mỹ Hưng được biết nhiều hơn với cái tên Trách ai vô tình đã nổi tiếng khắp thế giới khi được cover lại.

Biết là khó, nhưng những người làm nghề vẫn không nản. NSND Triệu Trung Kiên tâm sự sẽ tiếp tục cải tổ cải lương đến khi nào không còn sức nữa thì thôi. Soạn giả Hoàng Song Việt ít khi giãi bày, nhưng ông đi làm mọi việc từ viết vọng cổ đến soạn tuồng, để có được bao nhiêu lại dồn sức vào làm vở mới, mặc dầu biết chắc là lỗ vốn. Họ và những người ăn cơm Tổ nghiệp đều chỉ mong mỏi một ngày khán giả lại đến với cải lương. Thế là đã đủ mãn nguyện lắm rồi!

Nguyễn Toàn Thắng
(Ảnh trong bài do tác giả bài viết cung cấp)