Buổi sáng thức dậy trên tầng 5 khách sạn Mường Thanh Điện Biên Phủ, bỗng vọng lên tiếng nhạc kèn hào sảng “Qua miền Tây Bắc” làm tôi chộn rộn. Đồng nghiệp cùng phòng, Dũng Khều, mở cửa sổ khách sạn nhìn xuống, chĩa máy ghi âm ghi lại những khoảnh khắc thanh âm cho Đài phát thanh. Tôi nhìn theo, dưới ấy khoảng một trăm chiến sĩ mặc sắc phục quân nhạc với những chiến kèn sáng lóa. Âm thanh bừng lên chộn rộn cả một góc phố.

Từ trên cao, tôi nhìn bao quát thành phố Điện Biên Phủ bảng lảng mây đan chéo dồn về từ các dãy núi trùng điệp, chùng xuống thành phố Điện Biên Phủ những tia nắng bình minh. Cả một thung lũng hồng rực báo hiệu ngày mới.

 Lò Thị Kim, cô gái Thái tôi gặp một lần tại Hà Nội khi chị tổ chức một Câu lạc bộ Văn hóa Thái Tây Bắc với khoảng hơn hai trăm đại biểu tham gia; đến từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên và cả Lào, Thái Lan. Những ngày này chị rất bận rộn, không có thời gian để nhắn tin với bạn bè. Ngôi nhà của chị ở bản Ten B, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên nơi có di tích cách đây 70 năm, thực dân Pháp tàn sát 444 người già, phụ nữ và trẻ em người dân tộc Thái.

Kim bảo,  đến đó anh mới hình dung nổi tại sao người Thái lại di tản đi khắp thế giới và bài hát “Tay đằm lăm phăn” của nhạc sĩ Lào Koviseth lại lưu truyền trong cộng đồng Thái như tiếng thở dài nao lòng không dứt. Bài hát kể về nỗi đau mất quê hương xứ sở của người Thái Tây Bắc Việt Nam khi bị giặc Pháp tàn hại. Mỗi khi nghe hát, hầu như người Thái nào sống ở thế kỷ trước cũng rơi nước mắt. Nỗi đau ấy cũng kêu gọi người Thái dù đi đâu, ở đâu cũng hãy yêu thương nhau. Gạo một nắm, nước một ca hãy chia nhau ăn, người Thái là vậy. Cũng bởi lẽ đó, tôi biết ở tỉnh Luang Namtha, miền Bắc Lào, có cả huyện Meuang Sing đều là người Thái Đen gốc gác Tây Bắc Việt Nam, hay như bản Nong Bua thuộc quận Sikhottabong giữa Thủ đô Vientiane của Lào, chủ yếu là bà con người Thái Đen có nguồn gốc tỉnh Sơn La.

Kim dẫn tôi đến xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 5 km theo Quốc lộ 279 về phía Cửa khẩu quốc tế Tây Trang. Kim chỉ, Di tích Noong Nhai đó anh – một bức tượng cô gái Thái bế đứa con đã chết trên tay, vẻ mặt đau đớn.

Di tích Noong Nhai xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.

Tài liệu lịch sử ghi nhận, sau chiến dịch Tây Bắc năm 1952, Lai Châu được giải phóng mới gần một năm thì ngày 20/11/1953, quân Pháp nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ với ý đồ thực hiện kế hoạch Navarre; chúng gom toàn bộ dân lòng chảo vào 4 trại tập trung, trong đó có trại tập trung Noong Nhai chứa hơn 3.000 dân, phần lớn là bà con dân tộc Thái; đến từ các xã Thanh Xương, Thanh An, Sam Mứn, Noong Hẹt…Kẻ địch âm mưu cách ly người dân với bộ đội Việt minh và làm bia đỡ đạn cho chúng nếu Việt minh đánh vào Điện Biên Phủ. Hàng ngày, cánh trai tráng khỏe mạnh bị quân Pháp dồn đi lính hoặc bắt đi xây dựng đồn bốt, chiến lũy cho chúng; trong trại chỉ còn lại những người già, phụ nữ và trẻ em, sống chen chúc trong những lều cỏ tạm bợ, lụp xụp. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào đợt tấn công thứ hai, quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ rơi vào tình thế bị bao vây, đứng trên bờ vực bị tiêu diệt, khoảng 14 giờ ngày 25/4/1954, quân Pháp đã cho 4 máy bay Dacota xuất phát từ hướng nam bay thẳng tới trại tập trung Noong Nhai và điên cuồng dội bom  thảm sát, làm 444 người chết, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em, hòng làm nhụt chí quân Việt minh.

Tôi ngước lên bức phù điêu và tượng người phụ nữ Thái bế đứa con chết trên tay, sống mũi cay xè.

Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An bảo, “Chúng ta gặp Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên và trao quà cho một số người dân nghèo ở đây”. Chúng tôi rục rịch lên đường.

Trong căn phòng nhỏ của một trung tâm sự kiện, đã thấy Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, Trần Quốc Cường; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến chờ sẵn.

Tôi đã nghe danh vị Bí thư này từ mấy năm trước, nhưng nay mới gặp. Ông là PGS, TS Luật, kỹ sư toán ứng dụng; ông có nét mặt bình dị, đôn hậu, thân thiện; không ai nghĩ rằng, ông từng mang hàm Thiếu tướng Công an rồi qua rất nhiều chức danh, vị trí khác và nay là Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên.

Đoàn công tác Nghệ An do ông Nguyễn Văn Thông dẫn đầu trao 1 tỷ đồng ủng hộ người dân có hoàn cảnh khó khăn ở Điện Biên.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Nguyễn Văn Thông mở đầu câu chuyện: “Nghệ An và Điện Biên có nhiều nét tương đồng. Ngoài có biển thì Nghệ An có ba phần tư diện tích là miền núi trung du, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống; lại là địa phương luôn chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, bão lũ. Những năm “làm một Điện Biên” “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” thì Nghệ An có 6.600 dân công hỏa tuyến, hơn 5.400 thanh niên, gần 2.000 bộ đội địa phương lên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, Nghệ An còn đóng góp gần 1.500 tấn thóc, hàng nghìn con trâu, bò, ngựa làm sức kéo phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ… Kết thúc chiến dịch, tỉnh Nghệ An có 3 người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, trong số 19 chiến sĩ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”.

Bên cạnh thông báo về tình hình chuẩn bị cho đại lễ 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường bày tỏ:  “Bất cứ  đoàn của các địa phương nào trong cả nước đến thăm Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đều là nguồn cổ vũ to lớn, nguồn động viên đối với Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân tỉnh Điện Biên. Đặc biệt nhất là tỉnh Nghệ An, địa phương mà trong suốt hơn 70 năm qua, luôn luôn gắn bó ủng hộ sức người, sức của cho Điện Biên. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, rất nhiều người con Nghệ An, các chiến sĩ Điện Biên Phủ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến lại tình nguyện ở lại xây dựng mảnh đất Điện Biên”.

Tôi trở về khách sạn bằng xe riêng của Phó Chủ tịch tỉnh Lò Văn Tiến để kịp buổi ký kết cụm I của Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị các tỉnh phía Bắc do ông Nguyễn Hồng Kỳ – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh Nghệ An chủ trì.

Ông Tiến là người Thái Đen, nguyên là Bí thư Huyện ủy Tủa Chùa. Ông quê quán xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, nơi có di tích Thực dân Pháp thảm sát cư dân người Thái năm 1954.

Thời xưa, Điện Biên gồm 3 châu: Ninh Biên, Tuần Giáo và Lai Châu. Đây là tỉnh duy nhất của nước ta có chung đường biên giới với 2 quốc gia: hơn 40 km với Trung Quốc  và 360 km với Lào. Dưới chế độ thuộc địa của thực dân Pháp, phủ Điện Biên trở thành trung tâm hành chính của khu vực phía nam tỉnh Lai Châu. Năm 1954, thực dân Pháp thực hiện kế hoạch Navarre đã đổ quân xuống lòng chảo Điện Biên Phủ với ý đồ xây dựng căn cứ chiến lược quân sự, khống chế và thôn tính Đông Dương và phía nam Trung Quốc cùng phía bắc Lào.

Giữa lòng thành phố cũng chính là chiến trường cách đây hơn 70 năm, có hệ thống di tích lịch sử gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ gồm: Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (Mường Phăng, gắn bó với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp); các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập; các đồi A1, C1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (hầm Đờ Ca-xtơ-ri (De Castries)), Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ giữa lòng thành phố,…

Ngôi nhà sàn Thái của Lò Thị Kim nổi bật giữa phố sầm uất. Kim bảo, “em đang làm thủ tục xin tỉnh lập Hội Văn hóa Thái Điện Biên, nhưng trước mắt, Câu lạc bộ vẫn họp mặt giao lưu văn hóa dân tộc Thái thường xuyên”. Ngôi nhà chị cũng là homestay với tên gọi Nàng Ban. Chị bảo, “Điện Biên là miền hoa ban nên lấy tên Nàng Ban cho homesay để khách dễ nhớ. Khách Tây, khách Thành phố Hồ Chí Minh, khách Hà Nội đến với Điện Biên Phủ muốn khám phá văn hóa Thái đều ghé qua Nàng Ban ở bản Ten B, xã Thanh Xương này”. Từ ngôi nhà sàn của chị, du khách đi đâu cũng gần các điểm thăm lại chiến trường xưa Điện Biên Phủ.

Tôi ghé số nhà 31, ở tổ 4 phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Tiếp chúng tôi là đôi vợ chồng trẻ Thảo, Ngọc. Cả hai đều quê Hà Nội, riêng Thảo sinh ra, lớn lên ở Điện Biên Phủ, còn Ngọc là cựu chiến binh. Cưới nhau, hai người không về xuôi mà quyết định làm ăn sinh sống tại Điện Biên Phủ.

“Em hạnh phúc và tự hào vì mình được sinh ra tại Điện Biên Phủ, rồi nay là cư dân Điện Biên. Dù đi đâu về đâu, chúng em cũng trở về nơi này, quê hương thứ hai của mình”. Mới đây cả hai vợ chồng về thăm quê Bác tại Nghệ An, tham dự Lễ kỷ niệm 45 năm Quân tình nguyện Mặt trận 379 Bắc Lào, đi một vòng thăm thú các tỉnh miền xuôi nhưng rồi trong tâm khảm cứ muốn về nhanh với ngôi nhà của mình ở Điện Biên Phủ.

“Bố em dặn, các con hãy ở lại Điện Biên, cho dù bố đã không còn. Nhớ lời bố, chúng em quyết ở Lại miền đất này”, Thảo nói. Bố cô hoạt động cách mạng những năm 1950, từng bị giặc Pháp bắt giam ở nhà tù Lai Châu. Sau khi được giải thoát, ông vẫn hoạt động trong lực lượng công an của ta cho đến khi chuyển ngành.

“Bọn em muốn làm thủ tục cho bố là người có công với cách mạng, lại từng bị địch bắt tù đày. Chúng em đã tìm được nhiều nhân chứng là đồng đội của bố, nhưng bố em bảo: mình cống hiến cho cách mạng, không cần đòi hỏi gì đâu. Những người thân của mình biết, đồng đội của bố biết, thế là đủ rồi”. Và ông yên lòng nhắm mắt nằm lại Điện Biên Phủ, nơi ông từng cống hiến và thế hệ của các con ltiếp tục bảo vệ và xây dựng.

Một góc TP Điện Biên Phủ hôm nay.

Thành phố Điện Biên Phủ những ngày này nhộn nhịp, tấp nập chưa từng có. Nhiều tuyến đường phải cấm phương tiện, nhường đường cho người đi bộ và các đoàn khách tham quan, du lịch. Các khách sạn, nhà nghỉ cũng kín chỗ. Tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, hàng ngàn người tề tựu viếng, thắp hương cho liệt sĩ Điện Biên Phủ; thăm các chiến tích đồi A1, hố bom, hầm hào, ụ pháo, rồi ghé Bảo tàng Lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chị Phan Thị Hoa Ngọc, nhân viên Bảo tàng trực tiếp hướng dẫn đoàn công tác của Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh Nghệ An chia sẻ:  “Em rất tự hào vì bản thân là con em Nghệ Tĩnh. Công tác tại Bảo tàng này, mỗi khi được đón những người đồng hương lên Điện Biên thăm lại chiến trường xưa, cảm xúc thật khó tả. Khi đón tiếp đoàn đồng hương, em cảm thấy như mình được trở về quê hương của mình.Em quá vinh dự và tự hào khi được làm người phát ngôn, người tuyên truyền đến các đoàn khách tham quan.”

Bảo tàng Lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ những ngày này đã tăng giờ phục vụ khách tham quan. Chỉ hơn ba tháng lại nay, Bảo tàng đã đón gần 60.000 lượt khách, chủ yếu là các đoàn cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ, sinh viên và khách quốc tế… đến tìm hiểu, nghiên cứu, ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng của ông cha đã làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đoàn công tác Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Nghệ An dưới chân tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.

Buổi chiều, tôi lại lên tầng thượng của khách sạn Mường Thanh Điện Biên Phủ. Ở nơi cao nhất ấy, tôi nhìn thấy mây hồng đã nhuốm đầy thành phố mà cách đây 70 năm, nơi đây từng là chiến trường ác liệt nhất Đông Dương.

Lang Quốc Khánh