Điện Biên, tròn 70 năm sau ngày chiến thắng lịch sử hào hùng (7/5/1954 – 7/5/2024), dường như vẫn còn vang vọng khúc ca khải hoàn. Chúng tôi, những cựu chiến binh (CCB) thuộc Ban Liên lạc truyền thống Sư đoàn 312 tại Nghệ An và Hội chiến sĩ thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Nghệ An, từ quê hương Bác Hồ kính yêu, vượt chặng đường trên 700 cây số lên thăm Điên Biên Phủ đúng vào dịp Điện Biên Phủ chuẩn bị kỷ niệm 70 năm chiến thắng.

Các CCB Ban Liên lạc truyền thống Sư đoàn 312 tại Nghệ An và Hội chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Nghệ An dâng hương hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi A1.Mường Phăng

Mảnh đất Mường Phăng – nơi đặt sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ cách trung tâm thành phố Điện Biên chừng 30km, là điểm đến đầu tiên của chúng tôi. Đường vào Mường Phăng hôm nay được nâng cấp mở rộng và rải thảm nhựa. Cánh đồng lúa Mường Phăng đang thì con gái xanh mướt. Nơi đây, 70 năm về trước là rừng già đã từng che chở cho đồng bào và bộ đội, bây giờ là khu di tích lịch sử lưu giữ những ký ức mãi xanh với thời gian. Đặt chân tới đây, chúng tôi được thăm nơi làm việc đơn sơ của Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp – Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Được nghe những câu chuyện lịch sử của 105 ngày đêm hoạt động (31/01/1954-15/5/1954) của Sở Chỉ huy càng thêm trân quý giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc hôm nay. Bảy mươi năm đã trôi qua nhưng những giá trị lịch sử sâu sắc và tầm vóc thời đại to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên.

Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng

Đến Điện Biên Phủ hôm nay, một địa danh không thể bỏ qua là điểm đồi A1, nơi đây là vị trí chiến lược tối quan trọng trong Chiến dịch Điên Biên Phủ. Sau “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!” (Tố Hữu) quân và dân ta đã làm nên một chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Dấu tích hố bộc phá trên đồi A1 và hầm sở chỉ huy vẫn được giữ nguyên. Hầm có chiều dài 20 mét, rộng 8 mét, chia 4 ngăn vô cùng kiên cố với vòm sắt, ván gỗ, bao cát, hàng rào dây thép gai xung quanh và những bãi mìn dày đặc; bốn góc là 4 xe tăng và phía tây là trận địa pháo bảo vệ, thế nhưng Tướng De Castries đã phải đầu hàng vô điều kiện. Những di tích lịch sử này là bằng chứng sống cho các thế hệ hôm nay và mãi mai sau hiểu được lòng dũng cảm, ý chí kiên cường của quân đội ta, Nhân dân ta, dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Hố bộc phá có khối bộc phá 960 kg được kích nổ vào lúc 2h 30p ngày 6.5.1954 tạo thời cơ cho Trung đoàn 174 xung phong đánh chiếm toàn bộ đồi A1

Tại tỉnh Điện Biên hiện có 8 nghĩa trang liệt sỹ với hơn 6.600 phần mộ liệt sỹ hy sinh trong các thời kỳ kháng chiến, trong đó 705 phần mộ có đầy đủ thông tin, 653 phần mộ có một phần thông tin và 5.285 phần mộ không có thông tin. Các nghĩa trang: A1, Độc Lập, Him Lam và Tông Khao là những nghĩa trang liệt sỹ có quy mô lớn, trong đó A1, Him Lam và Độc Lập là nghĩa trang liệt sỹ cấp quốc gia, nơi an nghỉ của các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tháng Tư, chúng tôi đến Điên Biên cũng là dịp hoa ban đang nở rộ, khi “Lễ hội Hoa Ban” 2024 cũng vừa mới bắt đầu gắn với khai mạc năm Du lịch quốc gia Điện Biên Phủ với chủ đề “Về miền hoa Ban”  và “Vinh quang Điện Biên – Trải nghiệm bất tận”. Cũng đúng vào thời điểm này cách đây 70 năm, những con đường kéo pháo, tải đạn, lương thực, thực phẩm rầm rập vào chiến dịch. Đỉnh đèo Pha Đin nơi chúng tôi dừng chân là ranh giới hai tỉnh Sơn La và Điện Biên, trong tiếng Thái gọi là “Phạ Đin”; “phạ” là trời, còn “đin” là đất; nơi đây thực sự là điểm giao thoa của đất trời, bởi sự hiểm trở, quanh co với một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Thế mới hiểu sự hy sinh gian khổ và tinh thần lạc quan của ông cha ta ngày trước “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh” (Tố Hữu). Con đường lên Điện Biên nay đã khác xưa, đường lớn đã mở, được rải thảm nhựa thẳng tắp.

Tượng đài Chiến thắng Điên Biên Phủ trên cứ điểm đồi D1 trung tâm thành phố Điện Biên Phủ

Trên cứ điểm đồi D1 là Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, được xây dựng trong dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2004). Cụm tượng đài chiến thắng có chiều cao 12,6m được đúc bằng 217 tấn đồng, dựng trên bệ cao 3,6m và gồm 12 thớt, trong đó có những thớt nặng 40 tấn, là tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam hiện nay. Điểm nhấn là biểu tượng 3 chiến sĩ đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé người dân tộc Thái, trên cùng là lá cờ quyết chiến, quyết thắng. Quảng trường với không gian khá rộng, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội của người dân Điện Biên. Tượng đài chiến thắng vẫn sừng sững giữa đất trời Điện Biên lịch sử, đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của Tướng De Castries , sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng… đã trở thành những địa danh trường tồn cùng đất nước Việt Nam. Khu Di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ đã ghi lại chiến công của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là công trình mang đậm giá trị văn hóa lịch sử, có tính nhân văn và tâm linh sâu sắc; tôn vinh xứng tầm ý nghĩa to lớn của một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; là niềm tự hào của Nhân dân cả nước cũng như đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Các CCB Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 312 tại Nghệ An và Hội CSTCQT 1972 tỉnh Nghệ An xem trưng bày hình ảnh tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ

Từ tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhìn toàn cảnh cánh đồng Mường Thanh và thành phố Điện Biên thật hùng vĩ. Mường Thanh nhìn từ trên cao xuống có hình thù giống như những cánh hoa ban ngày đêm ôm ấp các di tích lịch sử đã thành huyền thoại. Nơi đây không chỉ mang vẻ đẹp kiều diễm của đất trời mà còn là mảnh đất đầy tiềm năng, được ví là bầu sữa nuôi dưỡng, kết nối những tâm hồn, cốt cách, sức mạnh Điện Biên trong đổi mới, hội nhập và phát triển.

Tượng đài Liệt sĩ – Nghĩa trang Liệt sĩ A1 được xây dựng năm 1958, cách Di tích lịch sử đồi A1 hơn 100m về phía nam

70 năm đã trôi qua, những cánh rừng cháy trụi, xám xịt bởi đạn bom của kẻ thù nay đã được phủ kín bằng màu xanh ngút ngàn của cây cối, của những đường hoa ban rực rỡ. Những ngôi nhà mới tiếp tục mọc lên trên bao dãy phố lung linh, đưa thành phố Điện Biên Phủ tiến lên đô thị văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Sân bay Mường Thanh vừa mới được khánh thành và đưa vào khai thác, là sân bay duy nhất trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc của nước ta, đảm bảo cho các loại tàu bay thế hệ mới A320, A321. Đây là một trong những sân bay quan trọng, tạo điều kiện kết nối hiệu quả Điện Biên với các vùng kinh tế khác trên cả nước và cũng là tiền đề cho các đường bay quốc tế trong tương lai; góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đồng thời đảm bảo an ninh, quốc phòng của khu vực Tây Bắc của Tổ quốc. Theo Quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được tỉnh Điện Biên công bố ngày 17/3/2024, Điện Biên xác định đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía bắc; là trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Đèo Pha Đin dài 32km trên quốc lộ 6 cũ, có độ dốc lớn, điểm cao nhất là 1.648m so với mực nước biển, đường ngoằn ngoèo liên tục, nhiều khúc cua khuỷu tay, cua chữ Z, ngày nay đèo Pha Đin nay trở thành điểm đến du lịch.

Rời Điện Biên, chúng tôi vẫn mang theo vẹn nguyên bao xúc cảm. 70 năm đã đi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt, luôn là lời nhắc nhở thiêng liêng để bao thế hệ tiếp nối hôm nay hiểu và trân quý hơn giá trị của hòa bình. Việt Nam – Hồ Chí Minh – Điện Biên Phủ, những cụm từ thiêng liêng đó đã, đang và sẽ mãi mãi là nguồn cổ vũ to lớn cho đất nước ta trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế.

Trần Duy Ngoãn