Trong dòng chảy của lịch sử gần 60 năm thành lập Hội, kế tiếp thành tựu của 5 năm nhiệm kỳ 2013-2018, văn học nghệ thuật Nghệ An đã dày dặn và tô thắm thêm những giá trị tinh thần đáng quý.

Nhiệm kỳ 2018-2023 là một giai đoạn đặc biệt khó khăn không chỉ đối với Nghệ An, Việt Nam mà cả thế giới, con người phải vật lộn với một “căn bệnh kỳ lạ” chưa từng xuất hiện – Covid 19; căn bệnh đi qua nhiều giá trị cuộc sống được xem xét và tái tạo mới. Đồng thời đời sống chính trị, xã hội cũng có những biến động sâu sắc mà sự nhạy cảm của người nghệ sĩ chắc hẳn không thờ ơ. Văn nghệ sĩ Nghệ An vẫn vững vàng, nồng nhiệt đam mê và cống hiến làm nên nhiều thành tựu cho văn học nghệ thuật và góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh nhà.

Chủ tịch Hội Hồ Mậu Thanh đánh trống khai mạc Đêm thơ Nguyên tiêu Xuân Giáp Thìn. Ảnh VK

Tĩnh tâm để nhìn lại trên nhiều bình diện, biến cố covid – 19 như cỗ xe chạy ngược giúp con người lùi lại, sống chậm hơn và tự nghiền ngẫm về ý nghĩa cuộc sống, về lẽ ứng xử với thiên nhiên, ứng xử với con người. Những biến động ấy cũng diễn ra âm thầm trong tâm tư văn nghệ sĩ để có những tác phẩm ra đời, nặng ký hơn về giá trị nhân văn, về “cái đẹp” của cuộc sống.

Bên cạnh những thách thức của biến cố Covid-19, thì giai đoạn này không khí văn chương cũng thực sự sôi nổi và hào hứng; chuỗi các hoạt động về kỷ niệm 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 được tổ chức khắp cả nước, tiếp tục khẳng định, tôn vinh, tôn trọng văn hóa, văn học nghệ thuật của Đảng ta vẫn tiếp diễn trong dòng chảy của lịch sử đất nước. Đặc biệt, Hội nghị Văn hóa toàn quốc với sự tham gia chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như mang tới một luồng sinh khí mới cho văn hóa và văn học, nghệ thuật nước nhà.

Lãnh đạo tỉnh thăm và tặng hoa Tạp chí Sông Lam nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh: Xuân Thuỷ

Trong bức tranh chung ấy, văn học nghệ thuật Nghệ An được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã tạo điều kiện khuyến khích cho văn nghệ sĩ sáng tạo. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An đã nhanh chóng nắm bắt mọi điều kiện “quý” ấy biến thành “cơ hội” làm nên môi trường và động lực mới để văn nghệ sĩ “xông pha” sáng tạo, cống hiến và ghi danh vào lịch sử văn học nghệ thuật quê nhà.

Sau Đại hội lần thứ X Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, tập thể Hội và anh chị em hội viên xác định rõ, nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất là sáng tác. Tuy nhiên, để đi tới kết quả thì một loạt công việc có tính quy định chung, nền tảng được khẩn trương xây dựng, bổ sung, hoàn thiện như Điều lệ Hội, Quy chế hoạt động của các ban, của văn phòng Hội, đề án hoạt động và phát triển Tạp chí Sông Lam, v.v… được triển khai; chú trọng xây dựng và gìn giữ mối đoàn kết để Hội thực sự là mái ấm cho các hội viên sinh hoạt, giao lưu, học hỏi có thêm động lực trong sáng tác. Văn phòng Hội hoạt động nền nếp, chặt chẽ, chỉn chu hơn, không ngoài mục đích tạo dựng niềm tin yêu trong hội viên; từ đó xây dựng, gìn giữ hình ảnh về văn nghệ sĩ, về Hội VHNT Nghệ An trong làng văn nghệ khu vực và cả nước.

Kết nạp hội viên mới. Ảnh Q.K

Trong bộn bề bon chen của đời sống thường nhật, những phơi bày của giá trị vật chất đang lên ngôi, thì đâu đó, nhiều người, nhiều địa phương mong mỏi có được những tổ chức hội để mình sinh hoạt, được học hỏi mà viết nên những tác phẩm thơ văn, vẽ nên những bức tranh, ảnh làm đẹp cho cuộc đời. Điều đó thật vô cùng quý. Nắm bắt và khơi gợi nhu cầu này, ngoài 07 ban chuyên ngành và 04 chi hội VHNT đã có trong nhiệm kỳ trước, Hội đã thành lập thêm 05 chi hội: Thái Hòa, Quỳ Hợp, Cửa Lò, Hoàng Mai, Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số để hội viên ở các vùng, miền trong tỉnh đều có tổ chức sinh hoạt. Ở tỉnh, trong nhiệm kỳ, Hội Liên hiệp VHNT cũng đã kết nạp thêm nhiều hội viên nâng tổng số lên hơn 360 hội viên đang tham gia hoạt động. Đồng thời, Nghệ An đã là tỉnh có nhiều văn nghệ sĩ đứng chân trong tổ chức Hội ở khu vực miền Trung.

Ký văn bản kết nghĩa với Hội VHNT Cao Bằng. Ảnh Quốc Đàn

“Trong cái khó ló cái khôn”, dù hơn hai năm căng thẳng dịch bệnh, song các hoạt động của Hội vẫn không đứt đoạn. Không thể tổ chức cho anh em đi thực tế tại các địa phương thì thay bằng “thực tế sáng tác tại chỗ”, các đợt sáng tác vẫn diễn ra đều đặn, vẫn gặt hái bội thu bởi sự sáng tạo của hội viên vẫn không ngưng nghỉ. Sau khoảng thời gian “đặc biệt” đó, đời sống văn học nghệ thuật tỉnh nhà trở nên sôi động mạnh mẽ và thường xuyên, dường như tháng nào cũng có hoạt động văn học nghệ thuật: từ triển lãm tranh, ảnh, tọa đàm, giao lưu, hội thảo, đi thực tế, mở trại, các cuộc thi, các đợt đầu tư sáng tác, v.v… 16 trại sáng tác trong tỉnh và ngoài tỉnh, 7 đợt đi thực tế sáng tác; 02 trại sáng tác VHNT cho các em thiếu nhi; 03 cuộc hội thảo, hội nghị, v.v… diễn ra liên tục trong 05 năm, phần nào đáp ứng được nhu cầu thâm nhập thực tế, tăng cường kinh nghiệm, kiến thức, vốn sống cho hội viên.

Đây cũng là thời kỳ Hội đã tăng cường khai thác sự phối hợp, ủng hộ của các tổ chức, ngành, địa phương để có được sự phong phú, đa dạng trong hoạt động của VHNT và lan tỏa giá trị, ý nghĩa của loại hình này trong cộng đồng, xã hội. Đó là Mặt trận Tổ quốc, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, các huyện: Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Cửa Lò, v.v…, với các tỉnh bạn: Đắk Lắk, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hội Mỹ thuật Hà Nội, v.v… Hội đã thực hiện 03 chuyến đi thực tế, sáng tác ở miền núi phía bắc, Tây Nguyên và ở huyện Anh Sơn; 03 cuộc thi sáng tác văn, thơ có chủ đề; 01 cuộc triển lãm mỹ thuật; 01 cuộc hội thảo và các hoạt động vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương, v.v… Những sinh hoạt da dạng ấy càng củng cố vị thế của Hội VHNT Nghệ An và khích lệ mạnh mẽ hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ. Ở các địa phương, các chi hội VHNT cũng hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng, sôi nổi hơn, có sức gắn kết và tập hợp hội viên nên đã thu hút ngày càng nhiều người tham gia sinh hoạt. Hàng năm các chi hội đều tổ chức được các đợt đi thực tế, giao lưu văn học nghệ thuật, ra các tập san sáng tác của hội viên. Sự gắn kết giữa các chi hội, các ban và các hội viên với Hội tỉnh ngày càng gắn bó, sâu sắc, chân thành.

Hoạt động phối hợp với các địa phương (phối hợp với huyện Anh Sơn sáng tác các tác phẩm văn nghệ, báo chí). Ảnh Quang Dũng

Đây cũng là thời kỳ ghi dấu sự phát triển của Tạp chí Sông Lam với nhiều sự thay đổi có tính bứt phá. Sau khi sáp nhập với Tạp chí Văn hóa Nghệ An, đội ngũ nhân lực được tăng cường, Hội đã khẩn trương kiện toàn bộ máy, đồng thời xây dựng đề án phát triển tạp chí giai đoạn 2020-2025 và được tỉnh thông qua. Tạp chí đã đổi khổ lớn, tăng trang để thành một quyển tạp chí khá đầy đặn, đẹp về hình thức, tốt về nội dung và phát hành đều kỳ hàng tháng, nhuận bút nhanh và khá hấp dẫn. Nội dung tạp chí ngoài những tác phẩm có tính chuyên sâu, còn cập nhật nhiều hơn về tính thời sự, thời cuộc. Để theo sát xu thế phát triển của báo chí, từ đầu nhiệm kỳ Hội đã chỉ đạo Tạp chí hình thành trang web vannghenghean.vn chạy thử, rồi xây dựng đề án phát triển thành tạp chí điện tử tapchisonglam.vn.

Tạp chí Sông Lam đoạt giải A “Bìa báo Tết ấn tượng” tại Hội Báo toàn quốc năm 2024

Tạp chí Sông Lam đã trở thành một trong rất ít cơ quan tạp chí nói chung, tạp chí văn nghệ nói riêng trong cả nước đã đưa tạp chí điện tử vào hoạt động từ đầu năm 2022. Hiện nay, dù kinh phí rất eo hẹp nhưng tạp chí điện tử đã duy trì hoạt động thường xuyên với lượng tin bài khá phong phú. Loại hình này đã thể hiện rõ ưu thế, tính hiệu quả trong việc lan tỏa giới thiệu lịch sử, hình ảnh con người, thiên nhiên, văn hóa Nghệ An, tác phẩm của hội viên đến cộng đồng bạn đọc rộng lớn trong và ngoài nước. Tạp chí được xem là “bà đỡ” hỗ trợ cho hội viên trong công bố, giới thiệu tác phẩm, qua đó khuyến khích, động viên các tác giả hăng say sáng tạo. Những cố gắng ấy đã làm nên thương hiệu Tạp chí Sông Lam – một tạp chí văn nghệ địa phương thuộc hàng đầu các tỉnh Bắc miền Trung và cả nước.

Đoàn văn nghệ sỹ Nghệ An đi thực tế tại các tỉnh miền núi phía Bắc, chụp tại cột cờ Lũng Cú. Ảnh Quốc Đàn

Sáng tác là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của Hội, của mỗi văn nghệ sĩ. Mọi nỗ lực từ kiện toàn nhân sự của Hội, xây dựng các tổ chức chi hội, các ban; hoàn thiện các văn bản, quy chế mang tính pháp lý; đến tổ chức các hoạt động để hội viên tham gia, thụ hưởng đều hướng tới mục tiêu khơi dậy, nhân lên đam mê, cống hiến của văn nghệ sĩ. Nhờ đó, văn học nghệ thuật Nghệ An trong những năm qua đã có tác phẩm vượt trội cả số lượng và chất lượng; không có sai sót về tư tưởng, chính trị, yếu kém về đạo đức, văn hóa. Các tác phẩm phong phú về đề tài, đa dạng về phong cách, được giới văn nghệ sĩ trong nước ghi nhận, tạo nên diện mạo đời sống văn học nghệ thuật Nghệ An sôi động, đa sắc và có chiều sâu.

Đại diện lãnh đạo tỉnh trao giải Nhất – Giải thưởng Hồ Xuân Hương cho các tác giả. Ảnh: Đình Tuyên

Trong nhiệm kỳ, đã có trên 160 đầu sách của hội viên được xuất bản, gần 280 tác phẩm mỹ thuật đã được triển lãm trưng bày quốc gia, khu vực; 4 tác giả tổ chức triển lãm mỹ thuật cá nhân; có trên 230 tác phẩm ảnh nghệ thuật được triển lãm quốc gia, khu vực; trên 400 tác phẩm trưng bày triển lãm cấp tỉnh; hàng trăm ca khúc và kịch bản sân khấu, tác phẩm múa được dàn dựng, công diễn. Có 01 tác giả được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; 02 tác giả được trao tặng giải thưởng Nhà nước; 01 tác giả đạt Giải thưởng văn học các nước Đông Nam Á (ASEAN), 01 nghệ sĩ nhiếp ảnh đạt HCV cuộc thi Ảnh nghệ thuật Singapore; 25 hội viên đạt giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, 20 hội viên đạt giải thưởng do các bộ ngành Trung ương tổ chức; nhiều hội viên đạt nhiều HCV, HCB tại các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân. Các hội viên Ban Mỹ thuật đạt 2 giải B, 1 giải C và 2 giải khuyến khích; chuyên ngành nhiếp ảnh đạt 2 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ, 3 giải khuyến khích và 5 giải đồng đội trong các triển lãm khu vực,… 31 tác phẩm – tác giả đạt giải trong các cuộc thi (tỉnh và trung ương) sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về đề tài Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đợt I. Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương lần thứ VI cũng ghi dấu những thành tựu, nỗ lực của văn nghệ sĩ với 74 tác phẩm/cụm tác phẩm đạt giải và diễn ra trong một không khí trang trọng, cởi mở, tin tưởng.

Đam mê sáng tác là nhu cầu tự thân của văn nghệ sĩ. Làm cho niềm đam mê ấy thăng hoa, cộng hưởng, nhân lên trong cống hiến là nội dung mà tổ chức Hội phải hướng tới. Chúng ta may mắn đã có các thế hệ tiền bối dựng xây nên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An từ 57 năm qua, nhiệm vụ của chúng ta là kế thừa và phát huy di sản ấy để có được những tác phẩm có giá trị, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân, làm cho văn hóa, văn học nghệ thuật thấm sâu vào đời sống, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh nhà. Trong những năm tháng qua chúng ta đã sát cánh bên nhau, đã nâng bước cho nhau cùng tiến lên trên hành trình sáng tạo. Mọi sự đam mê, cống hiến luôn cho ta quả ngọt. Điều đó đã thấy rõ ở Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An.

Hồ Mậu Thanh
(Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An)