Còn nhớ hồi kỷ niệm mười năm Tạp chí Văn hóa Nghệ An, lúc “yến ẩm”, Hồ Mậu Thanh có hỏi tôi rằng: “Em đã đọc thơ anh chưa?”. Tôi thú thật là tôi chưa từng đọc. Anh hứa sẽ tặng tôi một tập, nhưng sau đó hình như anh quên, và tôi cũng không nhắc. Tất nhiên sau bữa đó, thi thoảng, và tình cờ tôi cũng đọc ít nhiều thơ anh trên báo chí, trên mạng xã hội… Còn bây giờ thì tôi đang cầm trên tay tập bản thảo Hơn cả bốn mùa.
  Hơn cả bốn mùa là tên một bài thơ, và được lấy để đặt cho cả tập, đây cũng là điều thường thấy trong thơ ca Việt Nam. Tuy nhiên, việc lựa chọn tên bài thơ này, mà lại không là tên bài thơ khác, hình như lại là một gợi mở, một “thách đố” thú vị của nhà thơ. Cái gì hơn cả bốn mùa? Có lẽ chỉ có thể là lòng người hay một cái gì đại loại thế. Không phải là sự so sánh hơn kém theo lẽ thông thường, mà là sự thể hiện một nỗi niềm, một khát vọng chăng?

Tập thơ Hơn cả bốn mùa, tác giả Hồ Mậu Thanh

Hoặc giả cái “hơn” ấy nằm ở sự tĩnh lặng và chân thật. Thì đây: không màu mè, không cầu kì, không trưng ra quá nhiều thứ làm rối người tiếp nhận, sự “thích” của Hồ Mậu Thanh (được khái quát trong bài Tứ thích) ghim vào mấy điểm, cũng là ghim vào lòng người những nỗi niềm giản dị nhưng không tầm thường: thích thiên nhiên và cái đẹp, thích những gì thuộc về thẳm sâu của truyền thống đã được thăng hoa; thích mùi vị của quê hương với những hằng sản trên cánh đồng quê lam lũ… Đó là “trời trong và mây trắng”; là hoa; là một tiếng chim hót vườn nhà, là tiếng suối tự rừng già vọng lại – thật sự thiên nhiên, trong sạch và thanh tao; là tiếng đàn bầu giữa đêm thanh vắng; mùi hương bưởi hương chanh thơm đỏng đảnh… Tiếng đàn bầu được nhắc đến như là một niềm yêu, niềm tự hào điệu hồn dân tộc. Nhưng tiếng đàn bầu ấy, cùng với những hương bưởi hương chanh phía sau sẽ là một ngậm ngùi xa xót cho những thân phận, những tâm hồn thiếu nữ mộc mạc và non dại. Tôi hình dung khi viết những dòng này, người thơ đương ngoái về quá khứ, trên những mảnh ruộng bờ ngang bờ dọc, để cảm được mùi hương quen thuộc trên những mái tóc thiếu nữ ánh lên vào một buổi trời chiều rủ từng giọt hoàng hôn xuống tóc, mà xa xót với lời nghiêm dạy “làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”; Đó là “vị canh cua màu gạch/ Vị dưa hành chấm ruốc đậm chất quê/ Vị khế chua thằng bé hái bãi đê”… Và quan trọng hơn hết có lẽ chính là điều này:
Thích sống thật, ước mọi điều đều thật
Như mâm xôi, đĩa mật cúng ông bà
Hai câu thơ có thể coi như là kết tinh tuyên ngôn nghệ thuật của Hồ Mậu Thanh: chân thật. Đấy vừa là mã hiện thực, vừa là mã thẩm mĩ của người thơ. Tìm đến những đối tượng miêu tả từ một hiện thực không cầu kỳ, không xa lạ, với một hình thức biểu hiện không hoa lá, mỹ miều, đấy là phong cách của tác giả.

Tôi thích cái mới, thích nhìn thấy cái mới ra đời – dù đôi khi có những cái mới chưa có giá trị gì ngoài việc khiến văn đàn hoắng lên một tẹo. Nhưng tôi cũng thích cái truyền thống, cái dung dị. Thơ Hồ Mậu Thanh thuộc loại thơ dung dị, chân thật như chính tác giả đã “giới thiệu”. Sẽ không thấy bất cứ một sự kỳ thú lòe loẹt hay bí hiểm trong hệ đề tài, trong đối tượng mà tác giả lựa chọn. Hơn cả bốn mùa bắt rễ vào một thứ hiện thực quen thuộc, và khá tập trung. Có thể chia 40 bài thơ trong tập vào bốn nhóm đề tài chính với 15 bài thuộc đề tài đất nước – nguồn cội; 11 bài thuộc đề tài thế sự (ở đây xin bao hàm cả một số bài viết về danh nhân, lễ tết… nhưng trong đó chan chứa suy tư của tác giả về thế cuộc, nhân tâm); 11 bài về đề tài tình yêu và 2 bài về đề tài tình bạn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là cách chia có tính tương đối, vì, các đề tài, cảm hứng có khi hòa tan vào trong nhau, nương nhau mà tồn tại. Viết về quê hương lắm khi đầy tính thế sự, và thơ thế sự lại thấm đẫm nỗi niềm, trách nhiệm với những người thân thương…
Và đấy là những đề tài quen, rất quen. Nhưng ở cái vùng hiện thực rất quen ấy, thơ Hồ Mậu Thanh vẫn xác lập cho mình một nét riêng. Ở đề tài quê hương – nguồn cội chẳng hạn, không khó để thấy, nét riêng ấy chính là mã văn hóa của từng miền quê hương đất nước mà người thơ trải nghiệm. Không hề chung chung, với mỗi địa danh được xướng lên, tác giả đều cố gắng giới thiệu cho bạn đọc mã văn hóa riêng của nó. Với Hà Giang chẳng hạn, trước hết là đặc trưng không gian địa lý
Đại ngàn, tôi với Hà Giang
Mây biên giới trắng trời cực Bắc
Cờ Lũng Cú và biên cương dằng dặc
Độc đạo con đường chênh vênh, chênh vênh…
(Đến Hà Giang)
Và không gian văn hóa cũng được mở ra với cái mờ ảo đôi khi huyền hoặc của miền núi cao biên viễn:
Rượu ngô mời, hương vương đậm đầu môi
Chợ Khâu Vai gọi tình yêu đôi lứa
Đêm giao duyên giữa đất trời phố cổ
Trăng tàn rồi, bếp lửa vẫn còn vương.
(Đến Hà Giang)
Với Xẻo Quýt – Tràm Chim, mặc dù đang sống lại những oanh liệt quả cảm của một thời bom đạn, nhưng chủ thể trữ tình vẫn không quên chiêm ngưỡng, thưởng thức hồn cốt của địa phương qua kênh văn hóa với những hoa lục bình, xuồng ba lá, và đây:
Ao nước lặng, mùa này sen thắm nhụy
Giọng đờn ca tài tử vút không gian
Chén rượu em trao, cá lóc giòn tan
Và thơm phức mùi chuột đồng hoang dã
(Xẻo Quýt, Tràm Chim)
Với xứ Nghệ quê anh, đấy là điệu hò câu ví, là hình ảnh những con người cực nhọc, gian khổ nhưng luôn ánh lên vẻ đẹp của sự cần cù, nhân hậu và nhân văn; là vẻ đẹp của những câu hò, điệu ví:
Tôi đã đi khắp mọi nẻo miền
Chỉ thấy quê mình cháo rau mà hiếu học
Rổ khoai luộc đĩa cà giòn bổ dọc
Vọng câu Kiều mẹ chẻ chữ dạy con
(Quê mình miền ví, dặm)
Chỉ bốn câu mà gọi được cả hồn cốt xứ Nghệ, về cả đời sống vật chất và vẻ đẹp tinh thần.
Thậm chí, đôi lúc, văn hóa xứ Nghệ còn thấp thoáng ngay trong cách biểu hiện. Có thể thấy hiện tượng này trong Xứ Nghệ ru tình. Cả bài thơ, nhất là khổ cuối, như là một khúc hát dặm với lời mới:
Ơi con nguời Xứ Nghệ
Mọi thế hệ yêu thuơng
Giữ đạo lý cương thường
Đắp xây tình Xứ Nghệ
Ru tình người Xứ Nghệ

Cái nhìn mang màu sắc địa – văn hóa thậm chí còn gắn với mỗi tiểu vùng, trên từng địa phương cụ thể hơn. Riêng viết về xứ Nghệ, mỗi miền quê hiện lên cũng gắn chặt với nét văn hóa đặc trưng vùng miền. Với vùng đồng bằng ven biển, đấy là vẻ đẹp mặn mòi của “mỗi thuyền về tôm cá nặng bờ vai” – cụ thể với Quỳnh Lưu, tác giả không quên niềm tự hào đất học. Với miền núi, đó là cái mênh mông hoang dại, cái chí tình hồn nhiên:
Con gái Quế Phong
Nấu canh ột ngon nhất tỉnh
Văn hóa rượu
Sinh ra điệu mời và nồi canh ột

Con gái Quế Phong
Sáng vào rừng, trưa nghỉ rẫy
Tối mịt mới về
Nhìn ông hàng xóm ngỡ chồng mình

Con gái Quế Phong
Hát như múa, múa như hát
Vít cong rượu cần
Hương rừng hòa hương tóc em…
(Gái Quế Phong)
Chân thật trong khoanh vùng, lựa chọn, cảm nhận về hiện thực, thơ Hồ Mậu Thanh vì thế tự nó lựa chọn một lối biểu hiện cũng không màu mè. Không mới lạ tân kì, cũng không óng chuốt bóng bẩy. Ngôn ngữ, hình tượng thơ Hồ Mậu Thanh cứ tự nhiên, hồn nhiên ùa về, như chính đối tượng miêu tả tự hiện thân, và vì thế, nó gần gũi với lời ăn tiếng nói dân gian, như là sự sinh sôi của đất, của nước, của đồng lúa nương khoai, và tự biểu hiện sức nặng theo cách riêng của nó. Có những câu mang phong vị ca dao, chẳng hạn: “Và nghĩ sao biết vậy, tôi chỉ mong/ Thích thì đọng lại, ghét dong về trời” (Tứ thích). Nhiều khi ta bắt gặp một câu chữ giản dị nhưng chất chứa nỗi niềm:
Chiều bãi ngang sóng vờn bãi cát
Mỗi thuyền về tôm cá nặng bờ vai.
(Quỳnh Lưu quê mẹ)


Nếu là một người khác, trong một bài thơ khác, có thể sẽ để ý miêu tả một chuyến bội thu bởi dáng vẻ nặng nề của con thuyền, hay “cá bạc đầy khoang”…, nhưng trong bài thơ này, chủ thể trữ tình không đứng xa quan sát như vậy, mà lặng lẽ chuyển cái bội thu ấy đến một khoảng cách gần hơn, với xúc cảm da thịt hơn, là bờ vai, để cảm nhận thật hơn, sâu hơn cái nhọc nhằn của bội thu. Chữ “mỗi” cũng là cách ước lượng, nhưng là ước lượng trong sự tính đếm, của những người biết hoặc buộc phải biết chắt chiu, đong đếm, tính toán, căn cơ, lần dè… và, trong sự tính đếm ấy còn cồn lên niềm phấp phỏng của một đời sống còn nhiều cơ cực, gian truân…
Hoặc câu thơ sau:
Nuôi lớn ta cùng tình yêu của mẹ
Khai trí mở tâm qua câu hát nam nồm
(Quỳnh Lưu quê mẹ)
Hai dòng thơ, nhất là dòng thứ hai, chỉ có chín chữ mà chia – nhập đôi bờ hiện thực: một bên là truyền thống hiếu học, nhân văn, khoa bảng – thứ đã làm nên thương hiệu vùng đất được mệnh danh là đất học; một bên là hiện thức khắc nghiệt như là thử thách của thiên nhiên đối với ý chí con người, và câu hát mẹ trở thành chiếc đòn ghánh mềm mại, khéo léo nhưng vững chãi gánh đôi bờ hiện thực ấy.
Điều đáng nói là giữa những cái giản dị, chân thật ấy, khi gặp cảnh, gặp tình, thơ Hồ Mậu Thanh cũng vút lên những điệu lạ, thành những câu thơ đẹp, tạo thành một cái khác bên cạnh mã thẩm mỹ cơ bản của tác giả. Ví như câu thơ viết khi nghĩ về Hàn Mặc Tử:
Đời thi nhân hoa đất cứ ngậm ngùi
Cỏ thanh thiên lặng thầm buốt nhói
(Xuân về nhớ Hàn Mặc Tử)
Hoặc câu thơ viết khi qua Mộ Dạ:
Ngửa bàn tay hoa đại trắng cửa đền
(Qua Mộ Dạ)
Hay câu thơ viết về Hà Giang:
Mây biên giới trắng trời cực Bắc
(Đến Hà Giang)
Câu thơ không chỉ là tả, không phải là tả, mà là gợi, đôi khi khiến người ta nao lòng, với thậm chí, là một rùng mình khe khẽ, vì sự phối trộn giữa mây biên giới + trắng trời + Cực bắc. Một cái gì đẹp, rợn, khiến người ta nghĩ đến một trận đánh (trong liên hệ với lịch sử), một chia ly, một tận cùng quan tái…
Có thể còn nhiều điều để nói (tôi không muốn dùng chữ khen hay chê) khi đọc tập thơ này. Nhưng có lẽ, mỗi người nên đọc về những điều mình tâm đắc. Đấy là lẽ thông thường của sự tiếp nhận. Với tôi, chỉ chừng ấy thôi, cũng đã đủ tạo cho mình một ấn tượng về Hơn cả bốn mùa. Với một người làm công tác quản lí có thâm niên, đời sống dễ mà chỉ còn là âm vang của những chính trị, chính sách… Nhưng đến thời điểm này, Hồ Mậu Thanh đã có riêng cho mình năm tập thơ, và Hơn cả bốn mùa là tập thơ thứ sáu trên hành trình sáng tạo của mình. Đấy là một minh chứng cho sức sống của thơ.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Lê Thanh Nga