Năm 1947, trong bức thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”. Lời căn dặn ấy, đến tận hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Văn học nghệ thuật, dù trong thời đại nào, cũng luôn là một mặt trận, đòi hỏi các văn nghệ sĩ phải thực sự biết dấn thân và xem ngòi bút của mình là một “vũ khí sắc bén” để đấu tranh cho lẽ phải, cho sự tiến bộ, văn minh. Nhắc nhớ lại và không ngừng nỗ lực học tập, làm theo những căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có lẽ là việc làm cần thiết và ý nghĩa nhất để hướng tới kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 -19/5/2023).

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ảnh tư liệu của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ

Có lẽ, hiếm có một vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước nào lại quan tâm đến văn hóa, văn nghệ và gần gũi, sát sao với anh em văn nghệ sĩ như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù không phải là một nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở với sự nghiệp văn học nghệ thuật và có nhiều đóng góp to lớn cho nền văn nghệ nước nhà. Người không chỉ quan tâm đến chủ trương, đường lối về văn nghệ mà còn quan tâm chi tiết đến mọi vấn đề: từ vai trò, chức năng của văn hóa văn nghệ; môi trường sáng tạo văn học nghệ thuật; đối tượng phục vụ; nội dung phản ánh của các tác phẩm; cho đến cách thức trình bày, thể hiện các tác phẩm; vai trò, trách nhiệm của người nghệ sĩ,… Điều đáng nói, Hồ Chí Minh không chỉ nói, khuyên hay đưa ra những luận bàn chỉ trên lý thuyết mà còn tự mình là minh chứng rõ nét cho việc dùng ngòi bút và các tác phẩm để đấu tranh với chế độ thực dân, nói lên tiếng nói của Nhân dân, đặc biệt là của tầng lớp lao động cần lao; để đòi quyền tự do, bình đẳng; để truyền tải những thông điệp đầy nhân văn, hướng con người đến chân – thiện – mỹ… Bởi vậy mà trong quan điểm của Người, văn hóa văn nghệ luôn là một mặt trận đầy cam go, thử thách và các văn nghệ sĩ phải là những người chiến sĩ thực sự trên mặt trận ấy. Các tác phẩm văn học nghệ thuật phải làm sao góp phần vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng; phải tạo nên những chuyển biến tích cực trong suy nghĩ, tư tưởng, tâm hồn con người; hướng con người đến với cái đẹp, cái thiện.

Văn học nghệ thuật không phải chỉ biết ngợi ca cái hay, cái đẹp mà còn phải phê bình nghiêm khắc, đấu tranh chống lại những cái xấu, cái ác, cái chưa tốt trong xã hội. Đó là chủ nghĩa cá nhân, là bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí,…

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng văn học nghệ thuật phải gắn bó và đi sâu vào đời sống quần chúng nhân dân; phải phản ánh hơi thở của thời cuộc, của thực tiễn. Nhiệm vụ lớn lao nhất của văn học nghệ thuật là “phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”. Chỉ khi bám sát thực tiễn, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của dân, chúng ta mới có thể tạo ra được những tác phẩm có giá trị và thực sự xứng tầm. Xuất phát từ quan điểm này nên Người phê phán những tác phẩm dài dòng, mơ mộng và nhấn mạnh người nghệ sĩ phải đi thực tế, phải thực hiện “ba cùng” (cùng làm, cùng ăn, cùng ở) với Nhân dân, đồng cam cộng khổ với Nhân dân. Chỉ khi làm được điều đó, văn nghệ sĩ mới có thể mang đến những “món ăn tinh thần” phong phú, đa dạng; đáp ứng được nhu cầu của quần chúng nhân dân cũng như của đất nước, thời cuộc.

Để thực hiện cho được những sứ mệnh lớn lao đó, văn nghệ sĩ phải không ngừng trau dồi về chính trị, tư tưởng, đạo đức; đồng thời phải trau dồi về nghiệp vụ chuyên môn, trí tuệ. Nghĩa là, trong quan điểm của Người, văn nghệ sĩ phải là những người thực sự có đủ đức, đủ tài; phải có tư tưởng, lập trường vững vàng thì mới có thể thực hiện được sứ mệnh cao cả mà Đất nước, Nhân dân giao phó.

Những bài học còn nguyên giá trị và tính thời sự

Suốt hành trình dựng nước và giữ nước đầy thăng trầm của dân tộc ta, văn học nghệ thuật đã đồng hành và là vũ khí đấu tranh đầy hiệu quả. Các tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau đã phản ánh rõ nét thời cuộc, đã đấu tranh cho quyền con người, cho những thân phận yếu thế, cho tự do và hạnh phúc. Đó có thể là những áng văn, thơ hào hùng như một lời tuyên ngôn độc lập của “Bình Ngô đại cáo” (Nguyễn Trãi) hay những tác phẩm đau đáu nỗi niềm về thời cuộc, thân phận con người của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương,…; là những áng văn chương cách mạng đấu tranh chống lại thực dân, đế quốc và phản ánh một thời kỳ cả đất nước sẵn sàng ra trận, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”! Chúng ta đã có một thế hệ những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ,… đồng thời là chiến sĩ mà chắc chắn không thể nào kể hết tên trong một bài viết nhỏ. Học tập lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thế hệ văn nghệ sĩ ấy đã không ngại lăn mình vào những nơi nóng bỏng nhất để viết, để chiến đấu và không ít người trong số họ đã hy sinh.

Ảnh: Phục vụ tại trận địa phòng không. Nguồn ảnh: Bộ VH,TT&DL

Những năm tháng hòa bình, văn nghệ sĩ cũng đã nhanh chóng nhập cuộc với phong trào xây dựng đất nước, phản ánh đời sống xã hội thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, nhìn lại những chặng đường đã qua, nơi văn học nghệ thuật ghi dấu một cách rõ nét trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người thì có lẽ những gì mà hôm nay làm được còn chưa xứng tầm. Hơn bao giờ hết, lúc này đây, chúng ta cần nhắc nhớ lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi cho đến bây giờ, mỗi câu chữ ấy vẫn còn nguyên giá trị.

Trong bất cứ thời đại nào, văn hóa văn nghệ vẫn luôn là một mặt trận cam go. Ở đó là cuộc chiến với cái xấu, cái ác; với những giá trị tụt hậu, lỗi thời; với thái độ hời hợt, xa rời quần chúng nhân dân; với những luận điệu sai trái, thù địch… Văn nghệ sĩ hôm nay phải không thể chỉ biết ngợi ca những thành tích mà còn phải thực sự bám sát, nhập cuộc vào đời sống để có nhiều hơn nữa các tác phẩm mang tính phản biện, đấu tranh; góp phần xây dựng đất nước tốt đẹp hơn. Thời gian qua, cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết nhưng văn nghệ sĩ vẫn chưa thực sự nhập cuộc để đóng góp những tác phẩm phản ánh xứng tầm. Các sáng tác văn học nghệ thuật hiện nay còn thiên nhiều về tính giải trí, ít có giá trị tư tưởng. Chúng ta chưa có những tác phẩm mang tính định hướng, tác động vào nhận thức, tư tưởng của người dân; nuôi dưỡng những tình cảm, đạo đức tốt đẹp cho con người. Giữa thời buổi những giá trị đạo đức bị xuống cấp, những giá trị văn hóa truyền thống lung lay; bạo lực và tệ nạn có xu hướng gia tăng,… như hiện nay văn hóa văn nghệ đang ở đâu?

Trong thời đại ngày nay, khi cuộc sống vật chất đủ đầy hơn, tiện nghi hơn; khi công nghệ hỗ trợ cho chúng ta tốt hơn thì nhiều văn nghệ sĩ lại ngại lăn mình vào thực tế; ưa lối viết “trong phòng điều hòa” nên phản ánh cuộc sống một cách hời hợt. Các chuyến đi thực tế sáng tác phần nhiều vẫn còn nặng tính hình thức, khác xa với lời căn dặn “3 cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu không gắn bó với Nhân dân, không thấu hiểu những trăn trở của dân, chỉ dùng ngòi bút của mình để thực hiện một vài nhiệm vụ tuyên truyền hay tán tụng những cảm xúc bâng quơ nào đó thì có lẽ ta chưa thực hiện được đúng trọng trách của một người nghệ sĩ và các tác phẩm như vậy sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Đoàn văn nghệ sĩ Nghệ An đi thực tế tại tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Hữu Vinh

Một trong những thực trạng đáng buồn hiện nay của văn học nghệ thuật còn là sự thiếu đào sâu tìm tòi, sáng tạo. Văn nghệ sĩ ngày nay đề cao cái tôi của mình nhưng lại chưa chú trọng đến việc trau dồi đạo đức, tư tưởng, trình độ chuyên môn như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi thế, mà ngày nay có không ít những ồn ào buồn lòng trong giới văn nghệ sĩ và hình ảnh văn nghệ sĩ cũng phần nào xấu đi trong mắt công chúng. Có lẽ, đã đến lúc, mỗi một văn nghệ sĩ cần nhìn lại mình và soi lại vào lời dạy của Bác để nghiêm túc thay đổi; để thực sự trăn trở với sứ mệnh của một người cầm bút; để xứng với danh xưng cao quý mà mình được mang.

Tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ ba (1962), trong bài nói chuyện của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới, chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau”. Chia sẻ đó, đến nay vẫn còn là một lời nhắc nhở đầy tính thời sự. Có lẽ, hơn bao giờ hết, hôm nay, quần chúng đang tha thiết chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng tầm. Chúng ta đang thực sự khát những tác phẩm có giá trị; có tác động đến nhận thức, tư tưởng của Nhân dân hôm nay và cả thế hệ mai sau. Hy vọng rằng, trong một tương lai không xa những mong mỏi ấy sẽ được đáp ứng. Hy vọng chúng ta sẽ lại được thấy những thế hệ văn nghệ sĩ thực sự lăn mình vào thời cuộc và lấy ngòi bút của mình làm vũ khí đấu tranh cho những giá trị nhân văn, tốt đẹp, cho tự do và tiến bộ xã hội.

Trang Đoan