Nhà văn Bá Dũng sinh năm 1941 tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Vinh. Từ năm 1963 đến năm 1972, ông là cán bộ tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, từ 1973 đến năm 1982 công tác tại Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh, Ủy viên Đảng đoàn Hội, từ năm 1983 đến 1992, ông là Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh. Sau đó ông làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Vinh từ năm 1993 cho đến ngày về hưu (2001).

Nhà văn Bá Dũng (người ngồi trong cùng) và lãnh đạo Hội VHNT làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An

Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Bá Dũng (Nguyễn Bá Dũng) được bắt đầu từ tập truyện ngắn “Bình minh xanh” (1970) cho đến cuốn tiểu thuyết “Một thời Bến Thủy” (2007). Ông là tác giả của 20 cuốn sách, gồm các thể loại truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết. Trong văn xuôi xứ Nghệ, ông được coi là một trong vài ba cây bút chủ lực. Các tác phẩm tiêu biểu: Một đời khát vọng (tiểu thuyết, 1980); Hành hương ngoài pháp luật (tiểu thuyết, 1987); Những bóng dáng yêu thương (tập truyện, 1974); Ngày mai đã đến (tập truyện, 1979); Nắng sông Lam (truyện vừa, 1975); Chuyện trong khu vườn cấm (tiểu thuyết, 1983); Bên những dòng sông (truyện vừa, 1977); Tiếng gọi (tập truyện, 1971); Đất gọi (tiểu thuyết, 1976); Người đi phía trước (truyện vừa, 1978); Một thời để nhớ (tiểu thuyết, 1994); Nắng miền Trung (tiểu thuyết, 1973); Nỗi đau muôn thuở (tiểu thuyết, 2000); Ngày phán xét (tiểu thuyết, 1982);Tên em là Xiêm Huệ (tập truyện, 2000); Bí mật trên đồi hổ táng (truyện vừa, 1985); Muôn nẻo đường đời (tiểu thuyết, 2004); Một thời và mãi mãi (kịch bản).

Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An tổ chức Tọa đàm Văn xuôi nhà văn Bá Dũng

Nhà văn Bá Dũng là một trong những thành viên sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An từ năm 1967. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nghệ An, Trưởng ban Văn xuôi. Với vai trò người sáng tác, người quản lý Hội VHNT và người lãnh đạo trong công tác Đảng, công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố Vinh, ông đã có đóng góp đáng kể cho phong trào sáng tác của Hội VHNT tỉnh nhà, cho sự nghiệp VHNT Nghệ An/Nghệ Tĩnh.

 Vào tuổi 67, sau cơn bạo bệnh nhà văn đã qua đời ngày 10-6-2008. Giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà, bạn bè trong và ngoài tỉnh thương tiếc ông với bao dự định phát triển văn học nghệ thuật tỉnh nhà ông đang nung nấu mà chưa thực hiện được. Càng quý ông hơn, khi biết rằng trong thời gian đang là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An, ông đã lo lắng, nhiệt tình tổ chức làm phim chân dung, tuyển tập cho một số nhà văn, còn bản thân ông thì chưa. Nhiều bạn đọc sau sự kiện này đã tìm đọc những tác phẩm của ông, cũng như suy ngẫm thêm về con người, cuộc đời của nhà văn.

 Trong một buổi trưa mùa đông lạnh buốt cách đây mấy năm, tôi đến nhà gia đình nhà văn Bá Dũng, số 62 trên đường Ngư Hải. Đó là con đường xanh sạch đẹp của thành phố Vinh, có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm. Cũng trên con đường này, ngày Bá Dũng chưa qua đời, lúc chiều tà tôi thường gặp ông thong dong đi thể dục, đi đánh bóng chuyền ở sân Thành ủy Vinh hoặc dắt tay những đứa cháu nội, ngoại dạo chơi. Nhiều hôm vào lúc sáng sớm tôi lại gặp ông và người phụ nữ của cuộc đời ông đi ăn sáng hoặc cùng mua đưa về nhà ăn và nhìn nhau đến là… tình tứ. Nhìn ông bà, tôi thầm nghĩ, tuổi trẻ bây giờ có giữ được tình cảm lâu bền cho người bạn đời như lớp người thế hệ của ông không? Người phụ nữ của cuộc đời ông là giáo viên dạy môn hoá học, tên bà giản dị như bản chất người phụ nữ đồng quê: Cao Thị Chẩn. Bà về hưu cũng đã lâu, đi bên cạnh ông, gương mặt bà luôn rạng rỡ và lúc nào cũng cười tươi khoe hàm răng trắng. Bà thường khen con đường Ngư Hải đẹp nhất trong nhiều con đường ông đã đưa bà đi qua. Tôi hiểu rằng bà muốn nói nơi cư trú ở đâu cũng được, miễn là có ông bên cạnh nơi đó trở thành đẹp nhất, phải không bà?

Buổi trưa, con đường Ngư Hải lạnh lẽo dưới màu trắng của mưa phùn đầu năm, căn nhà số 62 như bao căn nhà khác đều khép kín để tránh gió mùa đông. Tôi gõ cửa, bà giáo Cao Thị Chẩn nhìn ra, gương mặt bà không còn nụ cười tươi, cả thể chất và tinh thần đều xuống cấp trông thấy từ ngày ông qua đời, mặc dầu đến nay đã nhiều giỗ qua đi. Đôi mắt bà rưng rưng khi nghe tôi nhắc về ông. Bà nói ban đêm thường thấy ông về, tôi biết điều đó vì tự trong tâm hồn và trái tim của bà luôn thường trực hình ảnh ông. Bà kể tôi nghe về ông, nhà có 9 anh em nên ông vất vả từ bé, ông là người giỏi văn chương từ những ngày đang là học sinh của trường làng. Ông luôn điềm đạm gương mẫu với em út trong gia đình, tính cách ấy phù hợp với phong thái của nhà chính trị kiềm chế cảm xúc tốt trong quá trình làm việc sau này của ông.

Tôi đang nói chuyện thì mấy cháu nội của bà chạy vào ngôi nhà chật hẹp mà chúng tôi đang ngồi trò chuyện, vòng tay chào ngoan ngoãn. Người thợ sửa ống nước cho gia đình cũng đi vào. Bà giáo kể, ngày mới lấy nhau, ông bà ở xã Lăng Thành, Yên thành – nơi thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An. Một thời gian sau, năm 1973, ông bà trở về Vinh, nơi bà đang dạy học ở trường cấp 3 Vinh I, ở tạm gian nhà tập thể khoa sinh Đại học Sư phạm Vinh. Bốn năm sau, nơi ở không được an toàn ông bà đưa nhau về khu tập thể Quang Trung do nhà trường phân. Năm 1988, nhờ quen biết bà xin được mảnh đất của Công ty Xây dựng I, với sự  giúp đỡ của người thân đã dựng nên ngôi nhà cấp 4 có gác xép. Thời gian trôi đi cho đến ngày hôm nay, ngôi nhà đã được sửa sang nâng cấp rất nhiều lần. Bà giáo dừng lại, không muốn kể nhiều về chuyện nhà cửa. Bà nói muốn đọc bài thơ “Đảm đang” ông viết tặng bà từ những năm cuối 70 của thế kỷ trước. Điều này đã làm tôi ngạc nhiên, bởi trong tôi thì ông là nhà chính trị, nhà văn, có bao giờ nghe nói ông làm thơ. Ông làm thơ từ lúc nào? Chắc chắn trong bài thơ này có hình bóng của bà: “Đâu phải bây giờ em mới đảm đang. Nuôi mẹ chăm con thay chồng trăm chuyện… Bởi lòng yêu thương em là người vợ. Anh đứng hiên ngang em lại hóa anh hùng”.

Chiều mùa đông, mới hơn 5 giờ, không gian trên đường Ngư Hải đã sậm tối, không khí lạnh hơn, bà giáo rùng mình quàng thêm chiếc khăn màu tím Huế và nói đây là chiếc khăn ông đã mua tặng bà trong một lần đi công tác tại Huế. Bà thì thào, những ngày trời mưa lạnh, tôi nhớ ông. Tôi như nhìn thấy ông đang nhắc nhở mặc ấm và quàng thêm chiếc khăn này những lúc cùng đi dạo phố, có lẽ ngày mai tôi về lại những nơi có nhiều kỷ niệm với ông…

Tôi chia tay, hiểu nỗi niềm của bà, không gian mùa đông vắng lặng, cũng có thể nỗi niềm của bà ít nhiều đã ghi tạc sang tôi. Bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp của ông ít nhiều cũng đã và đang hoài niệm. Ngày ông lâm chung, họ về chia buồn với bà đông chật cả con đường Ngư Hải. Thời gian là liều thuốc hiệu nghiệm nhất sẽ làm bà nguôi ngoai. Lòng mình vui thì ở mảnh đất nào rồi cũng vui và ngược lại phải không bà?

 Đàm Quỳnh Ngọc