Đầu năm 2024, tôi vinh dự được là một trong 2 phóng viên của Tạp chí Sông Lam cùng gần 100 phóng viên các cơ quan Báo chí trung ương và địa phương trên cả nước tham gia chuyến công tác thăm, chúc Tết, động viên cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên quần đảo Trường Sa của Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân. Tôi đã dành tuổi trẻ của mình để rong ruổi khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài; đã từng đón xuân trên nhiều vùng đất khác nhau nhưng chưa từng một lần nghĩ mình được cảm nhận không khí Tết đến xuân về trên những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi vậy, chuyến đi lần này tôi mang theo bao háo hức xen lẫn tự hào. Gần 20 ngày trên con tàu 561 đến với Trường Sa là hành trình ý nghĩa, nhiều kỷ niệm, nhiều xúc cảm nhất trong cuộc đời tôi. Hành trình có đầy nụ cười và cả nước mắt ấy đã giúp tôi nhận ra Tổ quốc mình đẹp đến thế, hùng vĩ đến thế; những người lính kiên trung và nghĩa tình đến thế! Hành trình đã giúp tôi thêm yêu từng mảnh đất, vùng trời, vùng biển quê hương; trân trọng những gì mình đang có và biết ơn những chiến sỹ không ngại hy sinh, không sợ khó khăn, hiểm nguy, ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Các chiến sỹ vận chuyển quất lên tàu, sẵn sàng mang đến Trường Sa

Kỳ 1: Vượt sóng chở Xuân sang

Đó là cái tên tôi muốn đặt cho hành trình gần 20 ngày đến với Trường Sa đầu năm 2024, dẫu chắc hẳn ngần ấy từ ngữ không thể gói gọn tất cả khó khăn lẫn vẻ đẹp của hải trình mang Tết đến với các cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên huyện đảo.

Sau một hành trình dài, xe đưa tôi đến với quân cảng Cam Ranh. Vẻ đẹp, sự uy nghiêm và cách tiếp đón nồng hậu, chỉn chu nơi đây khiến mọi thành viên trong đoàn đều cảm thấy ấm áp, xúc động. Bốn con tàu của vùng 4 Hải quân neo trên cảng, sẵn sàng đón các cán bộ, chiến sỹ, nghệ sỹ và gần 100 phóng viên khắp mọi miền đất nước đến với Trường Sa. Lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến những con tàu to lớn, hiện đại bậc nhất của đất nước mình; tận mắt chứng kiến nỗ lực hiện đại hóa Quân đội Nhân dân Việt Nam để thực hiện lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Chúng ta phải ra sức xây dựng quân đội ta thành một quân đội nhân dân hùng mạnh, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc.” Hôm nay đây, chúng ta không chỉ tự hào về một quá khứ với những chiến thắng vẻ vang mà còn là tiềm lực, sức mạnh được thế giới ghi nhận. Năm 2023, Việt Nam được xếp hạng thứ 19 về sức mạnh quân sự trên toàn cầu (theo xếp hạng của Tổ chức phân tích quốc phòng Global Firepower đối với 145 quốc gia) và để lại nhiều thành tựu, dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực Quốc phòng.

Tàu 561, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân tại cảng Cam Ranh

Cuối năm là mùa biển động, sóng to gió lớn. Điều kiện thời tiết này luôn là một thử thách, kể cả đối với những người có sức khỏe tốt, quen sóng gió. Bởi vậy, trước khi khởi hành, trong buổi gặp mặt các phóng viên, văn công, Đại tá Nguyễn Hữu Minh, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân đã có lời tuyên dương sự dũng cảm của những ai “dám” đi dịp này. Biết rằng phía trước là hành trình sóng gió, khó khăn nhưng phóng viên nào cũng háo hức, cũng trong tâm thế sẵn sàng bởi hầu hết chúng tôi đều lần đầu tiên được đến Trường Sa, được chung tay vào một nhiệm vụ thiêng liêng: Mang Tết đến với cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên đảo. Khó có thể nói hết niềm xúc động khi nhìn cảnh hàng hóa từ khắp nơi gửi về, được gói ghém cẩn thận, lần lượt vận chuyển lên tàu. Hàng trăm tấn hàng hóa, cùng lá dong, nếp, gà, lợn, hoa lan, bánh mứt,… sẵn sàng vận chuyển đến đảo xa, mang theo hơi ấm và tình cảm của đất liền. Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa chia sẻ: “Những món quà này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội đối với các chiến sĩ, Nhân dân ở Trường Sa. Với tinh thần đất liền mang tình cảm ra với Trường Sa, Trường Sa gửi gắm niềm tin về với đất liền và rút ngắn khoảng cách giữa đất liền với đảo xa.” Đây thực sự là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với các cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân nơi đầu sóng ngọn gió để họ vững chắc tay súng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sóng gió là thách thức đối với đoàn công tác, cũng là thách thức đối với việc bảo quản hàng hóa trên tàu, đặc biệt là cây, hoa. Tất cả đều phải được bao gói, neo buộc cẩn thận, thường xuyên kiểm tra, che chắn, tránh nước biển, va đập làm hư hại.

Những cái vẫy tay chào đất liền của các cán bộ, chiến sỹ trước khi ra đảo công tác

Trong đời mình, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh chia ly, đã trải qua không biết bao lần tiễn đưa trên những bến tàu, bến xe, sân bay,… nhưng chưa lần nào có cảm xúc nhiều như trong buổi tiễn đoàn tại cảng Cam Ranh hôm ấy. Từ trên con tàu 561 nhìn xuống, chúng tôi không khỏi bồi hồi trước hình ảnh nghiêm chào của những sĩ quan, chiến sĩ trong trang phục hải quân, trước cái vẫy tay bịn rịn của người dân, trước những tà áo dài thướt tha bay trong gió, trước những lời tạm biệt và hẹn ngày trở về… Sau ba hồi còi, tàu rời cảng, bóng người trên đất liền xa dần, không ai nói ai mà khóe mắt đều thấy rưng rưng. Những tiếng còi tàu xưa nay vẫn cứ xé lòng ta đến vậy…!

Thế là hành trình của chúng tôi bắt đầu. Tôi đã được nghe nhiều về mùa biển động, đã được mọi người miêu tả cảm giác của những trận say sóng, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hành trang nhưng chỉ thực sự thấm khi bắt đầu tự mình trải nghiệm. Có những hôm sóng cao gần 5m, con tàu 5 tầng vẫn lắc lư chao đảo, đồ đạc trong phòng cứ rơi, va vào nhau loảng xoảng. Bát đũa vừa bày lên bàn lại chỉ muốn chực rơi, đổ. Cơn say sóng ập đến đáng sợ hơn cả những gì tôi đã được nghe kể, tưởng tượng. Hai bác sỹ quân y được cử lên đo huyết áp, mạch, kê thuốc, chăm sóc cho tôi. Dẫu không thể mở mắt để nhìn hay hỏi tên nhưng tôi vẫn nhớ mãi cái nắm tay ấm áp và những lời động viên của người bác sỹ trẻ: “Chị cố gắng không nôn trong 20 phút cho thuốc ngấm hộ em”; “Chị hít sâu, thở đều nào chị”. Những người bác sỹ ấy cũng như tôi, lần đầu tiên đến với Trường Sa, lần đầu tiên ra đảo làm nhiệm vụ. Họ cũng phải chịu đựng những cơn say sóng không kém nhưng vẫn cố gắng vượt qua để chăm sóc tôi và toàn đoàn, để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhiều chiến sỹ trong tổ phục vụ trên tàu cũng không chịu nổi những đợt sóng lớn dồn dập nhưng vẫn luôn đảm bảo ngày 4 bữa ăn cho đoàn công tác. Họ phải dậy từ 3h sáng mỗi ngày để chuẩn bị thực phẩm, nấu nướng. Khi phóng viên, bộ đội say sóng không thể ăn cơm thì tổ phục vụ nấu cháo và mang đến tận phòng. Hoa quả, cơm cháy, sữa,… những món ăn đơn giản hàng ngày ấy không ngờ lại khiến tôi xúc động đến vậy khi được nhận từ tay các chiến sỹ. Tôi đã thử bao nhiêu món ăn, nhiều loại đặc sản, vậy mà chưa lúc nào thấy ấm lòng và ngon như lúc ăn những thìa cháo được chị đồng nghiệp Đoàn Quỳnh Anh (Báo Thừa Thiên Huế) bón cho; khi ăn miếng khoai, bát mỳ từ bếp của tàu; khi có quả cam hay miếng củ đậu giữa cơn say sóng nghiêng ngả… Hơn lúc nào hết, tôi cảm nhận thực sự hơi ấm của tình người, của sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Tôi nhận ra, vẻ đẹp của người chiến sỹ ngời sáng từ những điều giản đơn như thế!

Nhà báo Đoàn Quỳnh Anh (Báo Thừa Thiên Huế) chăm sóc đồng nghiệp say sóng

Được chăm sóc kỹ lưỡng, tôi nhanh chóng thích nghi và hồi sức, để lại hân hoan khi tàu cập cảng Trường Sa sau hành trình 254 hải lý từ quân cảng Cam Ranh và hơn 36h đồng hồ di chuyển, đối mặt với sóng to gió lớn. Thị trấn Trường Sa hiện lên trước mắt chúng tôi như một pháo đài sừng sững, kiên trung giữa Biển Đông. Những cái bắt tay, những nụ cười rạng rỡ, những lời hỏi han ấm áp của cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên đảo đã xua tan mọi mỏi mệt của đoàn công tác. Những thùng hàng, quà Tết, những chậu quất, cây hoa, gà, lợn,…cũng nhanh chóng được vận chuyển từ tàu xuống đảo để chuẩn bị trao cho quân và dân nơi đây đón Tết.

Khác với tất cả tưởng tượng trước đây của tôi, Trường Sa đẹp thanh bình, hiền hòa và cũng rất nên thơ. Giữa miền nắng gió cháy da và quanh năm sóng vỗ; nơi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo không được một giây phút lơ là ấy không ngờ là một thảm xanh với đủ loại cây và cả sắc hoa được chăm chút kỹ lưỡng. Trường Sa là đảo lớn trong quần đảo với diện tích hơn 48ha, chiều dài 1.300m, chiều rộng 550m; là chốt tiền tiêu bảo vệ và khẳng định chủ quyền, là điểm dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển. Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, sự chung tay của các địa phương, Nhân dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài, diện mạo của đảo không ngừng được đổi mới, ngày càng khang trang và kiên cố hơn. Đảo có Ủy ban Nhân dân, trường học, trạm xá, bưu điện đảm bảo phục vụ người dân cũng như chiến sỹ trên đảo. Nơi đây còn được xây dựng, trang bị nhiều công trình, trang thiết bị hiện đại như: cầu cảng dài 150m, sân bay, âu tàu, trạm thu phát tín hiệu điện thoại qua vệ tinh, trạm hải đăng, hệ thống năng lượng sạch, nhà khách Thủ đô,… Trên đảo cũng có nhiều công trình phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh cho người dân và cán bộ chiến sỹ như: Đài tưởng niệm liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa, phòng đọc sách với hàng nghìn đầu sách, sân bóng,… Với tất cả những nỗ lực vượt khó, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảo Trường Sa vinh dự đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (1985), Huân chương Chiến công hạng Ba (1984), Huân chương Chiến công hạng Nhì (2001), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (2006),…

Đoàn công tác tại thị trấn Trường Sa

Đoàn công tác được lưu lại đảo hơn 3 ngày đêm. Với tôi, đó thực sự là một trong những khoảng thời gian đẹp và quý giá nhất cuộc đời mình. Sẽ còn rất nhiều những câu chuyện để kể, nhiều điều để nói về không khí đón Tết trên đảo Trường Sa và những sóng gió trong hành trình tới những đảo tiếp theo. Dẫu khó khăn thế nào chăng nữa, chúng tôi tự hào khi đã cùng đoàn công tác hoàn thành nhiệm vụ vượt sóng chở xuân về trên đảo xa.

Khi ngồi viết những dòng này, cảm xúc trong tôi vẫn còn vẹn nguyên như giây phút vừa đặt chân lên đảo Trường Sa. Dường như, trong đầu vẫn còn vang vọng giai điệu ca khúc “Giữa trùng khơi sóng” được phát trên tàu 561 khi chuẩn bị cập cảng. Đó là phút giây tôi hiểu âm nhạc có thể chạm vào lòng người ta lạ lùng đến thế!

“Nắng Trường Sa đốt cháy thịt da
Đốt lá phong ba, lá bàng thành màu hoa gạo
Mưa Trường Sa vốn thường đỏng đảnh
Chợt đến chợt đi, hạt nổi hạt chìm

Sóng Trường Sa dập dồn như giông bão
Muối trùm lên mặn cả chỗ nằm”.

(Còn nữa)

Trang Đoan