Trường Sa – hai tiếng thiêng liêng, luôn là niềm mơ ước, khát khao với mỗi người dân Việt Nam một lần được đến nơi này. Với tôi đây có lẽ là cuộc hành trình (hơn 300 hải lý) dài nhất trên biển mà tôi được trải nghiệm. Vinh dự và tự hào khi tận mắt nhìn ngắm biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc giữa mênh mông sóng, gió và biển mặn.

Ra khơi

Chiều ngày 3/1/2024, Quân cảng Cam Ranh nhộn nhịp hơn hẳn những ngày thường. Những chuyến xe tấp nập nối đuôi nhau chở hàng tết ra cảng chờ vận chuyển lên tàu để đưa ra 21 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Không khí nhộn nhịp, vui tươi hiện rõ trên khuôn mặt các chiến sĩ. Hàng trăm tấn hàng hóa do Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân chuẩn bị và trong đó có rất nhiều phần quà Nhân dân cả nước gửi tặng.

Những cây quất mang lên tàu ra Trường Sa được che chắn cẩn thận để tránh gió biển

Các tàu 561, KN 491, 905 tham gia chuyến công tác Trường Sa đã sẵn sàng trên cầu cảng cùng hướng ra biển lớn. Ngoài nhiệm vụ chính vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm, quà Tết từ đất liền ra cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, thay thu quân cho các đảo thì 4 con tàu hải quân còn bảo đảm an toàn cho gần 100 phóng viên báo chí cả nước tham gia đoàn công tác với khoảng thời gian dự kiến kéo dài gần 20 ngày. Đội ngũ báo chí được công bố danh sách, hướng di chuyển, số hiệu tàu ngay ở phút chót. Theo đó, đoàn công tác chúng tôi gồm 43 nhà báo được phân lên tàu 571 đi tuyến phía Bắc quần đảo Trường Sa với 7 điểm đảo Song Tử Tây – Đá Nam – Đá Thị – Sinh Tồn Đông – Len Đao – Cô Lin – Sinh Tồn.

Lễ tiễn đưa đoàn công tác diễn ra trang trọng, có đầy đủ đại diện chính quyền và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, chỉ huy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Dưới ráng chiều trên cầu cảng, không khí chia tay bịn rịn. Người đi, người ở quyến luyến không nỡ rời xa. Vợ tiễn chồng, bạn tiễn bạn, người yêu tiễn người yêu,… Tôi thấy trong mắt họ, dù có chút buồn thoáng qua khi người thân lên đường làm nhiệm vụ  nhưng vẫn ngập tràn ánh lửa niềm tin.

Tàu 571 chuẩn bị rời cảng Cam Ranh trực chỉ Trường Sa thẳng tiến

Đúng 16h, tàu 571 kéo 3 hồi còi dài, các tàu 561, KN 491, 905 cũng kéo còi rồi lần lượt rời quân cảng Cam Ranh trực chỉ Trường Sa thẳng tiến. Vậy là chúng tôi đã tạm biệt đất liền thật rồi! Những bàn tay vẫy những bàn tay. Những ánh mắt tìm ánh mắt. Rưng rưng. Một cảm xúc thật khó tả cuộn lên trong lồng ngực tôi, chưa bao giờ như thế cả. Tôi tự hỏi, tôi chỉ tạm xa đất liền trong một chuyến công tác dài ngày, còn những người lính và những người thân của họ đang vẫy chào trên bờ kia sẽ phải xa nhau cả năm này qua năm khác, hẳn là đang trải qua bao cung bậc cảm xúc. Và biển kia, cũng như rưng rưng trong ráng chiều loang vàng.

Tàu rời vịnh Cam Ranh cũng là lúc sóng điện thoại di động chập chờn mọi người tranh thủ liên lạc về đất liền khi còn có thể. Tôi chợt thoáng nghĩ tới thử thách gần hai mươi ngày không Internet, mạng xã hội bắt đầu.

Gió và sóng mỗi lúc càng lớn, tàu 571 lắc lư mỗi lúc càng mạnh, những cơn sóng lừng đã xuất hiện. Đoàn công tác sau bữa ăn chiều vội vã trở về phòng nghỉ, người bắt đầu nôn nao khó chịu, vài người yếu sức đã bỏ cơm. Cơn “ác mộng” say sóng bắt đầu. Quả thật, cơn say sóng không chừa một ai, kể cả những người đi biển thường xuyên, thậm chí những chú lợn to khỏe theo tàu ra đảo cũng nằm bẹp ra sàn, say lứ đử. Trung tá Bùi Văn Quê – Phó trưởng đoàn công tác cẩn thận dặn dò, nhắc nhở, phổ biến kinh nghiệm khi ra khơi cho anh em báo chí nhưng rốt cục không một ai thoát khỏi nỗi khiếp đảm này.

Phóng viên tác nghiệp cảnh tổ phục vụ chuẩn bị bữa ăn cho tàu HQ 571

Có một điều quả là đáng khâm phục  mấy anh lính phục vụ ở nhà bếp. Sóng to, gió lớn, tàu lắc lư mạnh, nhưng các anh vẫn phải có nhiệm vụ chuẩn bị cơm nước tươm tất cho đoàn công tác. Vừa nấu cơm, vừa tìm cách đứng vững, chốc chốc, có chiến sỹ không “trụ” nổi cơn say sóng, tổ trưởng lại phải tìm người khác thay thế. Tổ phục vụ có 15 người, phải dậy từ 4h sáng để chuẩn bị bữa ăn cho hơn 300 người trên tàu. Thấy đoàn công tác hầu như ai cũng mệt và bỏ bữa vì say sóng, các anh đã đưa từng nồi cháo và cả khoai lang đến tận từng phòng. Còn các anh lính quân y thường xuyên gõ cửa từng phòng để hỏi thăm hỗ trợ, chăm sóc cho mọi người trong đoàn.

Đảo Song Tử Tây hiện lên trong ánh bình minh rực rỡ

Sau 48 tiếng đồng hồ, con tàu 571 đã vượt qua hơn 300 hải lý trong điều kiện cơn sóng gió cấp 7- 8, biển dộng dữ dội do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc. Tiếng loa vang lên thông báo tàu đã tới điểm đảo đầu tiên là đảo Song Tử Tây, dường như quên hết mệt nhọc, đoàn công tác hân hoan, vui sướng ùa hết lên boong ngắm nhìn đảo tiền tiêu đang bừng sáng trong ánh nắng bình minh rạng rỡ.

Xuân sớm ở Song Tử Tây

Nhìn từ xa, đảo như một thành phố nhỏ mọc lên giữa đại dương với màu xanh của cỏ cây. Đảo Song Tử Tây nằm ở cực Bắc quần đảo Trường Sa có diện tích 210.080 m2. Lòng đảo trũng, xung quanh có độ cao so với mực nước biển từ 4 – 6 m.

Ngày 14/4/1975 14/4/1975, trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, đảo Song Tử Tây được giải phóng đầu tiên tạo đà để quân ta giải phóng các đảo khác trên quần đảo Trường Sa… Và giờ đây, ngọn hải đăng sừng sững vươn cao 36m, đêm đêm thắp sáng dẫn lối cho những con tàu vượt qua vùng biển đầy bãi ngầm, đá cạn và sóng gió như minh chứng cho một Song Tử Tây kiên cường, vững chãi vươn mình phát triển với một sự đổi thay mạnh mẽ.

Mỗi chuyến hàng vào đảo Song Tử Tây phải vận chuyển bằng xuồng chuyển tải

Âu tàu ở đảo Song Tử Tây có diện tích hơn 58.000 m2 có khả năng chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn, là bến đậu, là địa chỉ an toàn cho ngư dân các tỉnh khai thác hải sản. Đảo Song Tử Tây đã có trạm dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa, cấp dầu, nước ngọt cho ngư dân với giá bằng trên đất liền. Hệ thống năng lượng gió và mặt trời đã được đưa vào khai thác và sử dụng góp phần nâng cao đời sống của quân và dân trên đảo…

Cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây đón nhận hàng hóa từ đất liền

Đón chúng tôi khi đặt chân lên đảo, Trung tá Đào Xuân Hùng, Chỉ huy Trưởng, Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây hồ hởi “khoe”: “Chưa bao giờ chúng tôi đón nhận một khối lượng hàng hóa tết nhiều và đến sớm như năm nay. Cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên đảo rất ấm lòng trước tình cảm tràn đầy đất liền gửi tặng Trường Sa, đó không chỉ quà vật chất mà hơn hết là món quà tinh thần vô cùng quý giá”. Anh phấn chấn bảo, cán bộ, chiến sĩ ở đảo thường đón Tết sớm hơn ở đất liền cả một tháng bởi sự có mặt của đoàn công tác. Đây cũng là thời điểm cán bộ, chiến sĩ cũng như Nhân dân rộn ràng nhất.

Giữa màu trắng của sắc lính hải quân, giữa sắc nắng vàng xuân sớm ấm áp trên đảo phủ xuống bạt ngàn xanh bàng vuông, cây tra, cây phong ba, cây bão táp…, đoàn công tác và cán bộ chiến sỹ trên đảo tiến hành các nghi lễ chào cờ, diễu binh, viếng và thắp hương tại tượng đài Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn; tham gia lễ chùa tại chùa chùa Song Tử Tây nguyện cầu cho quốc thái dân an, cho biển đảo bình yên, vững vàng trước phong ba bão táp.

Đoàn công tác cùng cán bộ, chiến sĩ, chính quyền và Nhân dân xã đảo Song Tử Tây dâng hương tại tượng đài Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn

Không khí Tết cũng sôi động hẳn lên với các hộ gia đình đang sinh sống trên đảo. Trước Tết một tuần mọi người trên đảo cùng nhau bắt tay vào việc tổng dọn vệ sinh, vườn tược, nhà cửa, các con đường, trang trí cờ hoa, sắp xếp cây quất, cành đào. Chị Trần Thị Liên – một hộ dân trên đảo cho biết: ” Em là người Quảng Bình, lấy chồng về huyện Cam Lâm rồi cả gia đình ra đảo được 7 tháng. Đây là cái Tết đầu tiên ở trên đảo rất nhiều cảm xúc. So với đất liền thì đón Tết ở đây cũng chẳng thiếu thứ gì, cũng có cây quất, cành mai, bánh chưng, giò thủ… Ấm áp nhất là sự chung vui, chia sẻ cùng các cán bộ, chiến sĩ thân tình như người trong một nhà.”

Cán bộ, chiến sĩ, chính quyền và Nhân dân Song Tử Tây đi chủa đầu năm

Có một điều rất ấn tượng trong ngày Tết ở Song Tử Tây là những chiếc bánh chưng nơi đây được gói bằng lá bàng vuông. Cây bàng vuông có rất nhiều ở đảo. Lá bàng vuông to, dày và xanh như lá dong. Để gói bánh, cán bộ, chiến sĩ phải chọn lá bàng vuông to nhất, rửa sạch, dùng kéo tước bớt phần cọng lá trước khi gập cho vào khuôn. Gói bánh chưng bằng lá bàng vuông sẽ gặp khó khăn hơn so với gói bằng lá dong vì lá bàng vuông nhỏ, khó thành nếp hơn. Nhiều cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa cho biết, ở nơi đầu sóng, ngọn gió, quanh năm sống với sự mặn mòi của biển cả, việc gói và ăn miếng bánh gói bằng lá bàng vuông mang hương vị vừa độc vừa lạ lại mang hương vị mặn mòi, nắng gió của biển cả Trường Sa.

Gói bánh chưng là hoạt động không thể thiếu trong những ngày Tết trên đảo

Trong đêm vui xuân, các cán bộ, chiến sĩ và người dân đều tập trung về hội trường để giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ. Những cây quất, cây mai đã được trang trí những dây đèn nháy, bao lì xì lung linh, tạo nên không khí Tết tươi vui, gần gũi. Những tiết mục văn nghệ, bài hát về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc được các cán bộ, chiến sĩ lần lượt trình diễn thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, xen vào đó là những vần thơ viết về những người lính ngoài đảo xa do các em nhỏ sinh sống trên đảo thể hiện khiến ai cũng rưng rưng.

Bộ đội chơi kéo co trong ngày xuân

Một trong những tiết mục thú vị không kém trong đêm xuân sớm tại Song Tử Tây là chương trình hái hoa dân chủ. Cây hoa dân chủ được trang trí bằng những nụ mai vàng, câu đối đỏ. Lần lượt từng chiến sĩ, hộ dân, của các đội chơi được mời lên để bốc thăm các câu hỏi thú vị về kiến thức lịch sử, những câu đố vui, tiếng nói cười, cổ vũ râm ran khiến không khí càng thêm sôi động.

Các chiến sĩ biểu diễn văn nghệ trong đêm giao thừa

Thiếu tá Trần Văn Minh – Cụm trưởng cụm chiến đấu số 3 cho hay, gần 20 năm cuộc đời binh nghiệp gắn bó với biển đảo, anh không nhớ hết bao nhiêu lần đón Tết xa quê, nhưng cứ mỗi lần Tết đến lại nhớ đất liền, nhớ quê hương xứ Nghệ. “Bộ đội chúng em cũng buồn và nhớ gia đình chứ, cũng may ngoài này lính đảo tựa vào nhau thành một khối không thể tách rời. Chúng em có đồng đội, đồng chí, vui xuân, đón Tết cổ truyền và động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Với mỗi chiến sĩ trẻ lần đầu đón Tết xa nhà quả thực là kỷ niệm khó quên. Với dáng vẻ rắn rỏi khi trải qua một năm lính, chiến sĩ Vũ Quốc Đạt (quê Bình Thuận) chia sẻ, đây là cái Tết trên đảo đầu tiên của em. Trước đây, em chỉ biết Trường Sa qua báo, đài và luôn ước ao được một lần ra đảo. Bởi vậy được đón Tết của lính trên đảo Song Tử Tây sẽ mãi là kỷ niệm đẹp, không bao giờ quên trong cuộc đời của em”. Trong ánh mắt của người lính trẻ ấy, tôi đã thấy sự tự hào, niềm tin mãnh liệt khi được khoác trên mình màu áo lính hải quân.

Nghi lễ chào cờ đầu năm tại xã đảo Song Tử Tây

Tết ở Trường Sa không có rượu, bia, không có pháo hoa mừng đón giao thừa nhưng luôn tươi vui và ấm áp bởi tình đồng đội, tình quân dân gắn bó keo sơn. Thượng Tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây cho hay: “Thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nhà nhà sum họp đầm ấm, còn chúng tôi, những cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài đảo thì hướng về gia đình. Bởi đó là điểm tựa giúp chúng tôi vững vàng, yên tâm công tác. Chính vì thế mà giao thừa ở đảo cũng rất đặc biệt, anh em đồng đội yêu thương nhau hơn, chia ngọt sẻ bùi. Sau khi nghe Chủ tịch nước chúc Tết, chúng tôi ngồi hàn huyên về chuyện gia đình, con cái nhưng không quên nhắc nhở và chúc nhau luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Xuân ở Song Tử Tây là thế! Không náo nhiệt, tấp nập, đủ đầy như phố thị, nhưng không khí Tết nơi đây cũng đủ để làm cho những người con xa quê đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió ấm lòng. Cái Tết của những người lính nơi đảo xa không chỉ là sự giao hòa giữa đất trời mà còn là tình yêu luôn chất chứa trong trái tim mỗi chiến sĩ vì một Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

Hoàng Nguyên