Chưa ra đảo, vẫn sáng tác hay về… Trường Sa

Người lính ở quần đảo Trường Sa không chỉ đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, nắng nóng, bão giông và đời sống vật chất thiếu nước ngọt, rau xanh, mà còn vắng thiếu đời sống tinh thần: không phim ảnh, không sân khấu chuyên nghiệp, 3 tháng thậm chí 6 tháng mới có báo chí từ đất liền ra. Văn công ra đảo làm nhiệm vụ biểu diễn nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, mang “món ăn tinh thần” ra đảo bổ khuyết vào cái phần vắng thiếu ấy.

Muốn hát về Trường Sa thì phải có ca khúc về Trường Sa. Phần việc này lại thuộc về các nhạc sĩ ở đất liền. Có lẽ “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song là ca khúc đầu tiên viết về Trường Sa? Tháng 4.1979, nhạc sĩ Thế Song cùng nhạc sĩ Phạm Tịnh đi thực tế sáng tác ở biên phòng Quảng Ninh. Khi về, các ông nghỉ tạm ở một trạm 48 sửa chữa tàu biển của Bộ đội Hải quân. Tình cờ, ông được một người lính đã từng 2 năm ở đảo Trường Sa, vừa mới vào đất liền, kể về những vất vả, hi sinh, nỗi nhớ nhà. Một chiến sĩ khác thì kể: đảo toàn con trai, quanh năm ước ao thèm một bờ vai con gái… Thế rồi ca khúc “Nơi đảo xa” được viết ngay trên hành trình hơn 100 cây số trở về Hà Nội. 16 năm sau, khi bài hát đã quá nổi tiếng đến mức lính đảo mà ai không biết hát “Nơi đảo xa” sẽ coi như không phải lính Trường Sa, thì nhạc sĩ Thế Song và nhạc sĩ Lương Nguyên, Doãn Nho mới ra đảo. Biết tin, lính đảo mừng quá, hồi hộp đón chờ người cha của đứa con tinh thần mà họ vẫn thường ngâm nga khi nhớ nhà, nhớ người yêu. Ông được những người lính đảo công kênh khiêng rước như rước ông hoàng không ngai từ bến tầu vào hội trường lớn. Đêm ấy, ở ngay sân khấu rực rỡ ánh đèn trước cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa vĩ độ: 08*38’30”N. Kinh độ: 111*55’55”E, ông cầm đàn ghi ta song ca bài hát của mình với một nữ ca sĩ trẻ xinh đẹp: “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa /Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà/Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa /Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua, vượt qua/ Lướt sóng con tầu mang tín hiệu trong đất liền /Mắt em nhìn theo con tàu đi xa mãi/Giữa nơi biển khơi đang nở rộ ngàn bông hoa san hô/ Cánh hoa đỏ thắm bao hy vọng anh gửi về tặng em/ Ơi ánh mắt em yêu như trời xanh như biển xanh trong nắng mới/ Nhớ cả dáng hình em mùa gặt nặng đôi vai/ Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui/ Đây con tàu ra khơi, đây con tàu ra khơi…”. Nhạc sĩ Thế Song còn sáng tác nhiều ca khúc về Trường Sa như: “Biển chuyện tình hóa đá”, “Biển mưa”, “Mênh mang Trường Sa”, “Ngôi nhà lính đảo”, “Hoa hồng biển đảo”,…  nhưng ca khúc hay nhất vẫn là “Nơi đảo xa” khi ông chưa ra đảo. Trí tưởng tượng và cảm xúc quá mãnh liệt cộng với tài năng đã sinh ra một nhạc phẩm để đời, và làm cho Trường Sa gần gũi đất liền hơn.

Người viết nhiều ca khúc nhất về biển đảo Trường Sa có lẽ là nhạc sĩ Hình Phước Long. Năm 1982 ông viết “Gần lắm Trường Sa” đến năm 1984 thì ông mới ra Trường Sa, nhưng bài hát đã trở thành máu thịt thân thuộc của lính đảo. Lính đảo trẻ trung ùa ra đón ông ngay ở cầu tầu, ôm chầm lấy nhạc sĩ. Sau đó, ông đã cầm đàn ghi ta hòa giọng với các chiến sĩ ở ngay cầu tầu đảo Trường Sa: “Mỗi cánh thư về từ đảo xa /Anh thường nói rằng: Trường Sa xa lắm xa xôi / Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ/ Bên đồng đội yêu thương vẫn có loài chim biển/ Sóng vỗ ngàn trùng quanh đảo trúc san hô…”

“Gần lắm Trường Sa” đầy chất tự sự trữ tình sâu lắng khiến lính đảo và đoàn công tác, kể cả người đang bước giữa cầu tầu cũng đứng lại nghe. Dường như mọi hoạt động: bốc vác gạo, thực phẩm, bơm nước ngọt,… cũng tạm thời dừng lại trong mấy phút hiếm hoi của tình cảm được viết thành lời, của thăng hoa cảm xúc yêu thương Trường Sa. Thế mới biết sức mạnh của nghệ thuật đến mức nào! Nhạc sĩ Hình Phước Long viết khoảng gần 20 các khúc về Trường Sa, khúc nào cũng dạt dào niềm yêu thương người lính đảo: Vầng trăng nơi đảo xa, Tiếng hát đảo Sơn Ca, Gặp anh trên đảo Sinh Tồn, Tâm tình người lính Trường Sa, Lung linh hồn biển, Đêm trên đảo Thuyền Chài…

Xung kích… gọn nhẹ và… phải đẹp!

Thiên nhiên Quần đảo Trường Sa rất đỏng đảnh, bất thường; đẹp thì đẹp đến mê hồn, nhưng khắc nghiệt thì cũng chẳng nơi đâu bằng. Vì thế, như là một sự chọn lọc vừa tự nhiên, vừa có tính tổ chức, phải là những người khỏe mạnh, sức sống mãnh liệt bền bỉ và là đàn ông, con trai thì mới trụ được ở Trường Sa. Đảo thì nhỏ nhoi, xung quanh tứ bề là nước và sóng, chẳng đi đâu được, tù chân bó cẳng lắm. Sống cùng một môi trường toàn… trai trẻ. Một năm, thậm chí vài ba năm, lính trẻ trai đang hừng hực ngọn lửa đàn ông, nhưng cũng không được nhìn thấy dù chỉ một lần bóng dáng con gái, chứ nói gì đến cầm tay, suông tóc, hít ngửi mùi da thịt người đẹp. Vì thế, khi nghe tin có người ở đất liền ra đảo, lính trẻ đã mong ngóng, đã kháo nhau, đảo chìm này điện thoại hỏi đảo chìm kia đang đón khách rằng: “Có văn công đến không?” Có văn công có nghĩa là có hát, có hát là có nữ ca sĩ. Rồi, lại điện đàm cho nhau khoe được nắm tay cô ca sĩ nọ, được ngồi cạnh cô ca sĩ kia, hoặc vừa tặng nữ diễn viên múa Hồng Hạnh bông hoa làm bằng vỏ ốc… cùng đem ra kể. Phía đầu ống nghe lại hỏi: “Bao nhiêu cô gái văn công?”; “Cô nào xinh nhất, xinh như thế nào?” Thương ơi là thương những thằng giai 18, 20 tuổi!

Hỏi han, mong ngóng là thế, nhưng có thể cái mùi hương da thịt con gái văn công ra đảo cũng chỉ là khát vọng, là tưởng tượng. Bởi, thường là mỗi khi văn công biểu diễn, dù là tổ chức ở đảo nổi, hay đảo chìm, hoặc nhà giàn thì cũng không thể tập trung 100% quân số đến thưởng thức, giao lưu. Vẫn phải còn các phân đội trực chiến sẵn sàng chiến đấu, ban đêm còn phải tuần tra canh gác. Đứng gác ở cuối đảo Trường Sa lớn dỏng tai nghe con gái hát ở đầu đảo, nhìn thấy cái vùng sáng sân khấu bồn chồn háo hức hắt lên nền trời, thèm đến mức chỉ biết… nuốt nước bọt. Rồi tưởng tượng gương mặt nữ ca sĩ đang hát có phải là cô gái gặp lúc ban chiều – gặp khi đứng rất xa nhìn mái tóc chảy dài mà không dám mon men đến gần làm quen. Vì thế, những ca sĩ có kinh nghiệm nhiều lần ra đảo, tranh thủ lúc đoàn công tác nghe báo cáo và kiểm tra các mặt công tác ở đảo nổi, thì các chị, các cô chủ động xuống từng phân đội: thăm hỏi, kể chuyện đất liền, xách thùng ô roa đi tưới rau cùng, xuống nhà bếp phụ giúp anh nuôi, hoặc hát chay (không nhạc đệm) theo yêu cầu lính đảo. Tôi rất cảm động khi tình cờ nhìn thấy bức ảnh chụp từ năm 1988 có hình ca sĩ Thanh Thanh mặc áo trắng, quần bò, ngồi khâu cúc áo quân phục cho lính trẻ, bên chị là bốn anh chàng trai trẻ măng, súng AK dựa vào vai, mặt rạng rỡ. Tôi đoán họ đang trò chuyện rất thân mật và chắc hẳn trong lòng người lính nào cũng xốn xang, rạo rực.

Các nghệ sĩ hát cho lính đảo Trường Sa nghe

Văn công ra đảo là những đội văn nghệ xung kích gọn nhẹ, chứ không hoành tráng, dềnh dàng sân khấu hàng chục, hàng trăm diễn viên, hàng dàn nhạc cụ, hàng dàn âm thanh, ánh sáng hiện đại tối tân. Đội xung kích thường là khoảng chục người trở lại, một nhạc công đàn organ, một ghita, còn lại ca sĩ, diễn viên múa, mà phần lớn là… các cô gái trẻ. (Chuyến đi Trường Sa cùng với tôi là Đoàn Nghệ thuật Bộ đội Biên phòng, cử tới… 6 nữ nghệ sĩ trẻ: Hồng Hạnh, Hà Linh, Thu Hà…). Đội xung kích nào “hoành tráng” hơn thì thêm một nhạc công kèn trompet. Văn công ra đảo Trường Sa, chủ yếu là… hát. Nhưng, hát về biển đảo Trường Sa bao giờ cũng được các cán bộ, chiến sĩ hải quân yêu thích, vỗ tay hoan hô, cổ vũ nhiệt thành nhất.

Các nghệ sĩ ra đảo càng “đa-zi-năng” càng tốt, có nghĩa là: vừa hát đơn ca, tốp ca lại vừa múa được thì tốt quá, đàn ghi ta được mà chơi trống được thì càng hay. Gọn nhẹ mà! Một nhạc công chơi được nhiều nhạc cụ, một diễn viên vừa hát được dân ca, hát được nhạc nhẹ, thậm chí tùy hứng cất lên được một đoạn nhạc thính phòng… ; như con dao pha ấy thì sẽ phục vụ lính đảo hiệu quả hơn. Phải tùy theo địa hình đảo mà triển khai biểu diễn theo kiểu dã ngoại. Ví dụ: ở đảo nổi Trường Sa (chiều rộng nhất 300m, dài 630m) hay đảo Song Tử Tây (diện tích 0,13km2) có thể dựng sân khấu, phông màn quy mô tương đối lớn, có bao nhiêu nhạc cụ, âm thanh, ánh sáng mang theo triển khai hết. Nhưng khi đến các đảo chìm Thuyền Chài, Tiên Nữ, Đá Lát, Đá Nam, Đá Lớn… hay các nhà giàn DKI ở bãi ngầm Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân… thì cũng đội văn nghệ xung kích lại chia ra hai tổ. Tổ này chỉ ôm 1 cái đàn ghi ta, và mấy ca sĩ lên đảo chìm này, thì tổ kia chỉ xách cái đàn organ cùng với vài ca sĩ nữa theo một bộ phận đoàn công tác đi tiếp đến đảo chìm khác (chủ yếu dành cho nữ ca sĩ) lên biểu diễn. Hẹn giờ giấc theo kế hoạch, rồi tầu quay lại… thu quân. Ở đảo chìm, sân khấu biểu diễn là… những cái chiếu được trải ra. Lính đảo ngồi xen cạnh các ca sĩ, diễn viên múa. Đàn organ và ghita nổi nhạc. Lúc đầu, các ca sĩ hát, về sau thì… hát cho nhau nghe. Không phân biệt chuyên nghiệp với nghiệp dư, chỉ có tiếng hát ấm áp, gần gũi, rưng rưng nặng tình. Thế rồi, những con ốc ngũ sắc đẹp lộng lẫy được khui từ ba lô ra. Lính đảo tặng người đẹp, họ lấy địa chỉ, họ hẹn hò chờ đợi một cuộc gặp gỡ nữa ở chính nơi đảo chìm này, hoặc ở đất liền, mà chỉ họ biết với nhau. Cái cách văn công chia thành các “mũi nhọn” tổ – đội văn nghệ xung kích phục vụ Trường Sa chẳng khác gì văn công Trường Sơn chia nhỏ ra đến tận kho trạm, cung đường, chốt trọng điểm phục vụ thời chiến tranh.

Hát và nghe qua… bộ đàm

Trường Sa có 12 đảo chìm (đảo đá ngầm), nhưng nhiều đảo có tới 3 điểm đóng quân A, B, C như: đảo Thuyền Chài, Tốc Tan, Đá Lớn… Đoàn công tác và văn công đến các đảo chìm ấy cũng chỉ đến được một điểm đóng quân, ban chỉ huy đảo phải điện thoại triệu tập đại biểu của hai điểm đóng quân còn lại chạy xuồng CQ về báo cáo và tiếp đoàn. Không thể bỏ căn cứ đồn trú rỗng không, vẫn phải có một cơ số trực. Có những chàng lính trong số “không may mắn” ấy mãi mãi không được gặp con gái hát cho đến tận ngày thay quân, vào đất liền. Khắc phục tình trạng ấy bằng cách bộ đàm lên sóng. Và hát cho lính đảo nghe qua làn sóng vô tuyến. Suốt hành trình đi biển, tôi đã nhiều lần chứng kiến các nữ ca sĩ Hà Linh, Thu Hà,… vừa cầm khăn mùi xoa lau nước mắt, vừa hát cho các chàng lính trẻ ở “đầu dây” đằng kia nghe.

Nữ văn công “chân yếu tay mềm” lên nhà giàn DK1 bao giờ cũng khó khăn hơn đàn ông, nhưng chẳng bao giờ các chị, các cô ấy bỏ cuộc. Đàn organ nặng khó mang đành để lại, chỉ cắp ghita mang theo. Xuồng CQ lần lượt đưa chúng tôi cập nhà giàn DK1/20, đoàn công tác và văn công lên được nhà giàn làm việc và biểu diễn, nhưng xuồng CQ chở bộ phận công tác khác lại không cập được vào nhà giàn DK1/21 – bãi ngầm Ba Kè. Khi ấy biển hơi động, nhưng sóng cứ dồn dập vỗ, xuồng CQ chỉ còn là cái lá tre bị sóng lớn đùa giỡn mũi chúi xuống rồi ngóc lên như đánh võng. Xuồng CQ lại phải cẩu lên mạn tầu, dừng việc lên nhà giàn để bảo đảm an toàn. Lương thực thực phẩm… từ đất liền đưa ra phải bọc nilon, buộc dây, chiến sĩ hải quân mặc áo phao bơi ra tầu kéo về chân nhà giàn, rồi dùng giấy kéo dòng dọc tời lên. Đoàn trưởng đoàn công tác đành phải chúc sức khỏe cán bộ chiến sĩ nhà giàn, dặn dò qua máy bộ đàm. Phương án các ca sĩ lên buồng lái tàu, và hát qua máy bộ đàm cho cán bộ chiến sĩ nhà giàn nghe được thực hiện. Ca sĩ Hà Linh, Thu Hà, diễn viên Hồng Hạnh… đều nghẹn lời. Các chị hát bằng nước mắt: “Trường Sa ơi bên đảo quê hương/ Vẫn đứng hiên ngang giữa sóng cồn bão giật/ Đảo quê hương canh giữ đêm ngày giữa biển khơi /Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ /Trường Sa ơi/ Không xa đâu /Trường Sa ơi /Không xa đâu/ Trường Sa ơi /Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”. Dù cố gắng bình tĩnh, nhưng giọng các chị vẫn run run. Sau đó, các chiến sĩ nhà giàn DK1/21 hát, các anh đứng thành hàng ngang ở lan can nhìn xuống tầu HQ hát “Vì Nhân dân quên mình”. Phía trên đầu các anh là cờ Tổ quốc sao vàng nền đỏ, bên trái có tấm biển: “C.H.X.H.C.N Việt Nam”; bên phải là tấm biển: “Trạm dịch vụ kinh tế, kỹ thuật Ba Kè”. Bỗng dưng, tôi cảm thấy người lính nhà giàn rất oai nghiêm, hoành tráng và đẹp đến lộng lẫy. Giữa chừng, tốp ca nam trên nhà giàn DK1/21 cũng nghẹn ngào dừng lại. Chỉ còn là những bàn tay vẫy của người đất liền đứng trên boong tầu và những người lính đảo đứng trên lan can nhà giàn.

Thuyền trưởng cho tầu hú còi, chạy quanh nhà giàn hết ba vòng. Lại hú thêm hồi còi dài nữa tạm biệt những người lính nhà giàn buồn vui lẫn lộn đón hụt khách, trong khi các cô gái văn công vẫn nước mắt lăn dài trên má.

Sương Nguyệt Minh