Kỳ cuối: Xuân đã về trên biển đảo quê hương

Nhà thơ Pablo Neruda từng viết: “You can cut all the flowers, but you cannot keep spring from coming” (Tạm dịch: Bạn có thể cắt hết đi những bông hoa nhưng không thể nào ngăn mùa xuân đến). Cũng tương tự như vậy, không khó khăn, cách trở nào có thể ngăn nổi tình cảm đất liền với hải đảo; ngăn những chuyến tàu “chở Tết” đến với chiến sỹ, Nhân dân huyện đảo Trường Sa. Để rồi cứ mỗi dịp cuối năm, khi đào mai chớm nụ thì cũng là lúc những chuyến tàu lại rẽ sóng ra khơi mang mùa xuân ra đảo.

Trong ánh nắng chiều rực rỡ tại cảng Cam Ranh, những chuyến tàu sẵn sàng chở mùa xuân ra đảo

Hải trình mang Tết đến với Trường Sa luôn là chuyến đi thiêng liêng và mang nhiều xúc cảm, đặc biệt là đối với các phóng viên như chúng tôi. Đó không còn là một chuyến công tác đơn thuần nữa. Đó là nhiệm vụ cao cả, là vinh dự, là tự hào mà không phải ai cũng có được trong đời. Vậy nên dẫu có khó khăn đến đâu, hiểm nguy đến đâu, chúng tôi cũng sẵn sàng vượt qua. Bởi, chúng tôi biết, các cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân nơi đây luôn chờ đón những chuyến tàu vào dịp cuối năm. Với họ, thấy tàu ra là thấy không khí rộn rã, hân hoan của ngày Tết. Với họ, những chuyến tàu ấy không chỉ chở hàng hóa, nhu yếu phẩm, quà Tết mà còn mang theo bao hơi ấm tình cảm của đất liền. Đó là nguồn động viên tinh thần lớn lao để họ thêm vững chắc tay súng, hoàn thành nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió. Thiếu tá Lý Quý Cường, Chính trị viên cụm chiến đấu 2, đảo Trường Sa chia sẻ với chúng tôi rằng: “Mỗi dịp Tết đến xuân về, điều mà chúng tôi chờ đợi nhất, háo hức nhất, vẫn là những chuyến tàu mang mùa xuân ra đảo. Những chuyến tàu không chỉ mang vật chất, tinh thần của đất liền, mà còn là nhịp cầu nối đảo và đất liền thật gần nhau.

Những ngày được lưu lại đảo, cùng chung tay trang trí, gói bánh chưng, liên hoan văn nghệ với các cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân ở đây, tôi mới hiểu hết lời tâm sự ấy, mới thấy sự gắn kết lạ kỳ giữa những người lần đầu tiên gặp mặt, thậm chí chưa kịp biết tên nhau. Muôn trùng khó khăn nơi miền sóng gió; tình yêu Tổ quốc, yêu biển đảo quê hương đã đưa chúng tôi đến gần với nhau hơn, đã xóa nhòa mọi khoảng cách, thân sơ. Sẽ không quá hay sáo rỗng khi nói rằng đây là một trong những cái Tết đáng nhớ nhất của đời tôi. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh vận chuyển hàng Tết từ tàu vào đảo. Với những đảo tàu không thể cập cảng, phải di chuyển bằng xuồng nhỏ để vào như Đá Đông, Đá Tây,… khó khăn trở nên gấp bội. Đặc biệt là đảo An Bang, nơi quanh năm bốn bề sóng dữ, việc vào đảo không chỉ khó khăn mà còn nguy hiểm vô cùng. Chỉ một tính toán sai, một chút lơ là sẽ có thể trả giá bằng bao rủi ro. Ấy vậy mà nơi nào cũng được chuyển đủ gà, lợn, thực phẩm, bánh kẹo,… không thiếu dù chỉ một chậu quất, một bó lá dong. Có lẽ bởi thế mà khi các cán bộ, phóng viên, chiến sỹ cùng hàng Tết vào đến đảo an toàn, Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, Phó trưởng đoàn công tác tàu 561 không giấu nổi sự xúc động, rưng rưng. Tôi nhận ra, phía sau những bộ quân phục rắn rỏi, sau những mệnh lệnh nghiêm khắc là trái tim đầy tình cảm của những người lính. Họ gắn bó với nhau không chỉ bằng trách nhiệm, bằng công việc mà thực sự bằng bao quan tâm, lo lắng, sẻ chia như trong một gia đình.

Từng chuyến xuồng chở đầy đủ hàng Tết ra với các điểm đảo xa xôi

Ở đảo, lần đầu tiên tôi được nhìn những bàn tay sẫm đen vì nắng gió, thô ráp và cứng cỏi chăm chút treo từng bông mai, bông đào bằng vải lên cành, bày biện mâm ngũ quả, trang trí bàn thờ, gói bánh chưng khéo léo đến như vậy. Trong khi ở đất liền, đặc biệt là các thành phố, nhiều gia đình không còn gói và nấu bánh chưng nữa thì nơi đây tôi được chứng kiến cảnh chiến sỹ, Nhân dân cùng quây quần gói bánh, nấu bánh. Nhìn đôi mắt sáng lên long lanh, nụ cười hồn nhiên của những đứa bé được phụ bố mẹ và các chú bộ đội gói bánh, tôi hiểu thế nào là hạnh phúc đến từ những điều bình dị. Dẫu các em không được tiếp cận với internet, không có nhiều không gian vui chơi như ở đất liền nhưng các em đã có một tuổi thơ thật đẹp. Tôi tin những đứa trẻ lớn lên trong tình thương, trong sự đoàn kết, đùm bọc, trong môi trường được giáo dục nhân văn và giàu truyền thống dân tộc như ở đây sau này sẽ là một công dân tốt. Chiến sỹ Lê Văn Kiệt tại đảo Trường Sa chia sẻ với tôi “Đây là lần đầu tiên em tự tay gói một chiếc bánh chưng cùng đồng đội và các hộ dân nên thấy rất hồi hộp, xúc động. Nhất là khi được mọi người hướng dẫn tỉ mỉ để gói sao cho đẹp nhất”. Cuộc thi gói bánh chưng tại đảo Đá Tây không ngớt tiếng vỗ tay cổ vũ và những nụ cười giòn tan. Mùa xuân cứ thế theo về, rạng rỡ, hân hoan.

Với một số điểm đảo ở Đá Đông, Đá Tây, khó khăn nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Các điểm đảo này nằm trên bãi san hô dưới mực nước biển. Khi thủy triều lên xung quanh ngập nước, thủy triều rút thì chỉ trơ ra bãi san hô. Bởi vậy các tòa nhà xây dựng ở đây gần như quanh năm chỉ nghe tiếng sóng và tiếng gió. Nhất là vào những ngày cuối năm biển động, sóng như muốn trùm lên, gió thổi rát da thịt. Trong hoàn cảnh gian khó như vậy, các cán bộ, chiến sỹ ở đây vẫn gắng có một cái Tết đủ đầy, đầm ấm nhất có thể. Trung úy Thái Văn Tuấn – nhân viên cơ yếu tại đảo Đá Đông chia sẻ: “Mặc dù Tết ở đây không được đủ đầy như đất liền nhưng không khí vẫn luôn vui tươi, đầm ấm. Chúng tôi cũng tổ chức gói bánh chưng, dọn mâm cỗ, chơi các trò chơi, thi nấu ăn,… Đêm giao thừa các anh em cùng ngồi lại nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết rồi gọi về cho gia đình. Tình cảm đồng đội gắn kết là nguồn động viên to lớn để chúng tôi vơi đi nỗi nhớ nhà.”

Trung úy Thái Văn Tuấn tại đảo Đá Đông đang bê những chậu quất vừa được tàu chuyển ra lên hội trường trang trí đón Tết

Sáng mồng 1 Tết, lễ chào cờ được tổ chức nghiêm trang. Dưới lá cờ Tổ quốc tung bay bên cột mốc chủ quyền, quân và dân một lòng hát vang Quốc ca trong niềm tự hào, xúc động. 10 lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam được hô vang. Hai chữ “xin thề” cất lên hào hùng như một lời khẳng định chắc chắn của các cán bộ, chiến sỹ nguyện hy sinh tất cả để giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc; để bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân. Giữa mênh mông sóng gió, lời thề ấy dường như vang vọng hơn, rắn rỏi hơn và thực sự chạm đến lòng những người lần đầu được tham dự như tôi. Lòng tự hào dân tộc, tình yêu biển đảo quê hương, niềm cảm phục người lính chưa bao giờ trỗi dậy mạnh mẽ, thiêng liêng và xúc động đến thế!

Thiêng liêng lễ chào cờ đầu năm tại đảo Trường Sa

Buổi sáng đầu tiên của năm mới trên đảo cũng thấp thoáng những tà áo dài du xuân; cũng thấy cái náo nức của những đứa trẻ khi được nhận lì xì, được cùng bố mẹ và các chú bộ đội đi lễ chùa; cũng rộn ràng những cái bắt tay, lời chúc mừng ấm áp tình quân dân. Nhưng Tết ở đảo còn có hình ảnh những người lính sẵn sàng gác lại nỗi niềm riêng tư, vững chắc tay súng canh gác, tuần tra ngày đêm; hình ảnh các cán bộ đến thăm hỏi, chúc Tết, động viên, lì xì cho những người lính đang thực hiện nhiệm vụ trong đêm giao thừa. Bởi có những khó khăn, hy sinh thầm lặng ấy; bởi có sự quây quần, đoàn kết, sẻ chia như cùng chung một gia đình giữa những người đến từ khắp mọi miền ấy mà những cái Tết ở đây trở nên thật đẹp, thật đặc biệt.

Tiếng chuông chùa đầu năm vang vọng, hòa trong tiếng sóng vỗ, trong mặn mòi gió biển, trong phảng phất hương trầm lắng dịu lòng người. Tôi đứng bên cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, lắng nghe tiếng chuông chùa và nhớ lời nói của Đại đức Thích Nhuận Đạt – Trụ trì chùa Trường Sa: “Ngày nào cũng như ngày nào, tiếng chuông chùa ở đây luôn được cất lên đều đặn vào sáng và chiều, mỗi hồi dài 30 phút. Đó là tiếng chuông mang khát vọng hòa bình, cầu cho quốc thái dân an.” Mong cho tiếng chuông ấy sẽ mãi ngân vang như khát vọng hòa bình của dân tộc. Mong cho những mùa xuân sẽ luôn về rạng ngời trên biển đảo quê hương, mang theo sức sống, niềm tin vào một tương lai tươi sáng. Nhìn những mầm xanh vươn mình giữa nắng gió, nhìn những đôi mắt trẻ thơ trong veo và nụ cười rạng ngời của các chiến sỹ ngày đầu năm ở quần đảo Trường Sa, tôi chợt nhớ câu nói của triết gia Bernard Williams: “Ngày mà Thượng đế tạo ra hy vọng chắc hẳn cùng ngày Ngài tạo ra mùa Xuân” (The day the Lord created hope was probably the same day he created Spring). Quả thật, mùa xuân, bằng một cách nào đó, luôn mang đến cho người ta khát khao sống, khát khao yêu thương và niềm hy vọng vào những điều tốt đẹp. Ta có quyền tin mùa xuân cùng với mạch nguồn sức sống căng tràn của nó sẽ thức dậy và thắp lên ngọn lửa của tin yêu, hy vọng trong mỗi người nơi đầu sóng ngọn gió này!

Cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên đảo Đá Tây cùng đi lễ chùa đầu năm

Tôi ngước nhìn những đàn chim sải rộng cánh bay trong lấp lánh ánh bình minh như mang mùa xuân hân hoan về khắp đảo, vương lại trên những tán lá bàng vuông, phong ba, bão táp; trên sắc hoa lan và tím biếc rau muống biển; trong rì rào tiếng gọi của hàng dương xanh, lòng như thầm reo lên: “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng”!

Trang Đoan