LTS: Đất nước đã độc lập, thống nhất gần 50 năm. 50 năm – chúng ta đang được sống trong hòa bình, hạnh phúc; được tận hưởng những giá trị, đúng hơn là sự “vô giá” của của Hòa bình. Đồng thời, chúng ta không bao giờ quên được quá khứ, những đau khổ, hy sinh của đồng bào mình trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, để càng thấm thía giá trị của hai chữ “hòa bình”.

Một câu chuyện vô cùng xúc động, đầy đau thương về một gia đình ở miền Nam trong thời gian chia cắt suốt 20 năm của cuộc chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước, qua tự sự của tác giả Phạm Mỹ Ngọc – cũng là thành viên của gia đình ấy – hẳn sẽ lấy đi không ít nước mắt của độc giả. Câu chuyện đã ghi lại những gian khó, ác liệt, đau thương tận cùng của chiến tranh; đầy xúc động từ những mất mát, hy sinh; thấm đẫm tinh thần yêu nước, quật cường qua số phận điển hình của một Người Mẹ.

Tác giả Phạm Mỹ Ngọc (sinh năm 1948) đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh cùng con cháu. Bà là con gái của Liệt sỹ Phạm Long – một trong những chỉ huy đầu tiên của “Đoàn tàu không số” – Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tác giả cũng là bạn học cùng lớp tại Khoa Cơ khí Động lực, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với nhà văn (NV) Võ Văn Hải. Bà từng là hoa khôi của Trường. Năm 2023, bà đã gửi cho bạn mình “Hồi ký tự sự” này như một sự chia sẻ. NV Võ Văn Hải trao đổi với nhà LL&PBVH Nguyễn Thế Kỷ, thấy sự cần thiết phải chia sẻ ra cộng đồng; ông Nguyễn Thế Kỷ cũng bày tỏ ý nguyện dựng thành phim bởi câu chuyện thực, hội tụ nhiều yếu tố lịch sử, có độ sâu, rộng và đủ dữ dội, hy sinh, mất mát của cuộc chiến. NV Võ Văn Hải đã giữ nguyên vẹn nội dung, biên soạn lại ít nhiều, nhằm ‘trau chuốt diễn đạt’ có thể đối với hồi ký này, và gửi đến Tạp chí Sông Lam tác phẩm – “Má và em gái tôi”.

Nhân kỷ niệm ngày 30/4, Tạp chí Sông Lam trân trọng giới thiệu tác phẩm ký “Má và em gái tôi” (chia thành 2 kỳ) tới bạn đọc!

(Kỳ 1)

Tiếng gà gáy làm tôi giật mình tỉnh giấc, ngơ ngác nhìn quanh. Sao mình lại ngủ nhỉ? – đồng hồ chỉ 08h 30 sáng. Mà sao giấy tờ cạnh đầu nằm lại nhàu nát và ướt? Chắc mình đã lăn lộn, vật vã và khóc nhiều trong giấc mơ…

Tôi được sinh ra trên dải đất miền Trung đầy bão giông, nắng gió. Ba tôi là quân nhân, làm việc trên Tỉnh đội. Má tôi là một nông dân trẻ; là con một, nên má thừa kế ruộng đồng, vườn tược, đất đai cùng toàn bộ nhà cửa, tài sản của ông bà tổ tiên đàng ngoại – một điền chủ lớn: ruộng hàng mấy trăm mẫu, trâu bò ba bốn trăm con, đầm hồ nuôi thả mênh mông, biệt khu nhà ở khang trang rộng rãi.

Bà con lối xóm kể lại: má đẹp, nét đẹp duyên dáng, mặn mà, nổi tiếng khắp vùng; má ăn ở với người trên kẻ dưới rất tình người, đúng mực, nên ai nấy đều yêu mến, quý trọng. Là “cô chủ”, nhưng má thạo việc nhà nông, từ gieo cấy đến cày bừa, nuôi thả, lại hay giúp đỡ mọi người nên càng được thán phục; khắp vùng gọi má là “cô Ba Nông Phú”.

Năm 1954, đất nước được giải phóng khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp. Trong thời gian chờ Tổng tuyển cử, ba và tôi được tập kết ra Bắc; má và em gái – Mỹ Ngà – ở lại, vì ông ngoại mới qua đời, chưa đến kỳ 49 ngày, còn em Ngà mới lên hai, phải ở với má. Má cũng cần ở lại để coi sóc chăm nom nhà thờ, lăng mộ tổ tiên cùng tài sản, ruộng vườn… của gia đình; người ở người đi, ai cũng nghĩ: “hai năm chia xa đâu có là dài”.

Má dắt díu tôi, xe đò, bộ hành đưa tôi đến thành Quy Nhơn tập kết ra Bắc. Hai ngày đêm cuối cùng tôi được ở với má, má dặn dò: “Ra đó phải luôn vâng lời ba, phải cố gắng học hành, nghe con, hai năm sau con sẽ về với má”. Má ôm tôi suốt đêm, hễ tỉnh dậy là thấy má đang khóc, đang sờ vuốt khắp mình tôi. Ở khu tập kết tôi thấy lạ và vui lắm, mới lên sáu, nhưng tôi linh cảm điều gì đó khi nhìn thấy thần sắc của má, tôi đã hoảng sợ, đòi quay về. Rồi con tàu trắng to lớn cùng các thủy thủ của Ba Lan cập bến, các thủy thủ áo trắng, đẹp đẽ, cười tươi, vẫy chào. Trên boong tàu, tôi vịn lan can nhìn má đứng trên mép bến, tay đưa khăn rằn lên vẫy, tay gạt nước mắt; tôi gào khóc, gọi má!

Hai năm “chia cắt tạm thời” đã trở thành hai mươi năm! 30/4/1975 – đất nước thống nhất. Ba tôi đã hy sinh, tôi đã hụt hẫng, đau xót, khóc cạn nước mắt; rồi một mình trở về tìm má và em. Người dân quê ngoại bảo rằng má và em đã bỏ làng đi từ lâu lắm, không có tin tức gì. Tôi lần về đàng nội. Ông bà nội đã mất, ông bà có nhiều con trai “nhảy núi”, tức là bí mật vượt lên núi theo cách mạng; bốn con trai là liệt sỹ, chỉ còn một ông chú thương binh sọ não, lúc mê lúc tỉnh. Tôi về quê, may gặp chú lúc tỉnh. Chú bảo tôi vào Sài Gòn, đến rìa bến xe miền Đông, “Má cháu có đất cho thuê làm bến xe đò ở đó, nhà cũng cạnh đó; hỏi cánh lái xe, họ đều biết má cháu”.

Chiều đó, tôi lần được đến địa chỉ, nhưng nhà khóa cửa ngoài. Tôi tìm hỏi các lái xe. Một chú xế bảo “Chú tên Bồng, má cháu về trên Buôn Ma Thuột rồi, chú biết trang trại của bả, nhưng mai chú mới ngược, chờ được thì mai chú chở về”. Tôi thuê nhà trọ một đêm, cả đêm nhớ ba thương má, trằn trọc. Hôm sau, tôi theo xe chú Bồng. Xế trưa, chú dừng trước một căn nhà gỗ bên đường; “Nhà chú đây. Cháu vào cùng chú ăn trưa, nghỉ trưa chút xíu đã, chiều ta đi tiếp, còn khá xa đó”. Tôi xuống xe, xách túi, ngó quanh một vòng. Đó là một vùng núi đồi cao nguyên gần như còn nguyên thủy; đất đỏ, cây rừng nguyên sinh xanh tốt xen lẫn từng vùng lớn rừng cao su, đồi cà phê… Đường nhựa đủ cho hai làn xe. Không thấy dấu tích của chiến tranh ở đây.

Quãng hai giờ chiều, chú lấy xe máy chở tôi đi, bảo là cần nhờ tôi chút xíu. Đi chừng dăm chục mét, chú dừng trước một ngôi nhà khang trang phía đối diện, có cái sân rất rộng. Chú kêu: “Có ai ở nhà không? Lấy cho tôi ít cà phê”. “Ai đấy, chú Bồng à. Bao chục ký dậy? Chở xe hay xách tay?”. “Hai ký thôi. Làm quà. Đưa cho con bé chờ ngoài sân, mai đưa xe đến lấy rồi trả tiền luôn, ha. Tôi đang vội”. Chú quay lại giục tôi: “Con vào sân, nhận rồi đưa về nhà cho chú”, rồi vù xe đi. Tôi vội vã chạy vào, đứng giữa sân, chờ. Bà chủ nhà lật đật đi ra, vừa đi vừa lúi cúi cho hai gói cà phê vào bao bóng; “Đây, cháu. Cầm về cho chú Bồng, ha” – bà vừa nói vừa vẫn lúi cúi thắt hai đầu quai túi đựng, xong, bà ngẩng lên đưa túi café cho tôi. Rồi bỗng bà sững lại, mắt nhìn tôi trân trân, miệng há ra, ú ớ: “Ngọc ư! Trời ơi! Con tôi”. Túi cà phê rơi; má khụy xuống, xỉu. Tôi còn kịp đỡ lấy má, kêu thất thanh: “Có ai trong nhà không! Cứu!” Một cô gái từ trong nhà lao vội ra sân – đó chính là Mỹ Ngà, nhưng lúc đó hai chị em không kịp nhìn mặt nhau – chúng tôi cuống cuồng khênh bế má vào nhà; chị em day, lắc, bôi dầu gió, lay tỉnh má. Tôi gào khóc như xé lòng xé ruột: “Má ơi! Má ơi! Con “giếc” má rồi má ơi! Má đừng bỏ con má ơi!…”. Rồi má cũng tỉnh dậy, má khóc hoài, cứ sờ nắn khắp người tôi như người mù gặp lại con. Chỗ đầu tiên má sờ nắn là dái tai bên trái của tôi, má chăm chú ngó vào đó; Má nấc lên: “Đúng thiệt con của má rồi! Hồi xưa, má đeo bông tai hạt xoàn quá nặng cho con, bị rách, còn vết sẹo đây!” “Em con chết! Ba con chết! Mất xác cả rồi, con ơi!” – má gào lên, nức nở, rồi lại ngất… Cả ngày hôm sau, ba má con không ăn được, chỉ ôm nhau, nhìn nhau khóc. Chú Bồng sang chơi, xin lỗi vì đã tạo ra “niềm vui bất ngờ” nguy hiểm ấy, nhưng cũng lại khoe là đã sáng suốt, có lường trước nên đã bố trí cho Ngọc ăn và nghỉ trước đó, dù chỉ còn cách nhà có mấy chục bước chân.

Những ngày tiếp theo, tôi sống trong tình thương yêu “đắp bù” của má và em gái. Khi tĩnh tâm lại ít nhiều, tôi nhớ tới câu má gào khóc “Em con chết!…”; Em nào nhỉ? Khi tôi ra đi, chỉ có mỗi em Mỹ Ngà, lên hai. Xâu chuỗi những lời tâm sự trong nước mắt của má và em gái, tôi hình dung ra toàn cảnh đau thương của gia đình, khi tôi đang ở đất Bắc…

“Má tiễn con lên tàu ở Quy Nhơn ra Bắc xong, trở về quê, sau bốn tháng thì má sinh thêm em của các con. Má đặt tên em con là Mỹ Châu, bởi các chị của nó đã là Mỹ Ngọc, Mỹ Ngà. Ba con trước khi ra đi cũng dặn má như thế. Mỹ Châu giống đàng nội con lắm lắm, đặc biệt giống ba; mỗi khi về bên nội ăn đám giỗ, ai cũng thương, ai cũng tiếc là ba con không được biết mặt Mỹ Châu.

Sau khi con và ba con ra Bắc không lâu, Chính quyền Ngô Đình Diệm phá hoại cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo Hiệp định Giơnevơ. Chúng triển khai việc trả thù tàn khốc người làm cách mạng và gia đình họ. Người cách mạng được bên mình cử ở lại miền Nam đã bị bắt bớ, giam cầm, chém giết, càn quét dã man; số thoát được đều phải rút lên núi. Máy chém được chúng lê đi khắp miền Nam, nhà cộng sản bị đánh dấu bằng sơn đỏ để cách ly với xã hội; nhà mình bị đánh dấu và xếp hạng theo dõi, xử lý đặc biệt. Má biết vậy, nhưng má là đảng viên nằm vùng, má không thể nằm yên, không thể không góp công sức cho bên mình giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, mong sớm đoàn tụ gia đình. Má thường xuyên cung cấp lương thực, tiền bạc cho bên mình. Nhà ta có hàng mấy trăm con trâu, thuê nhiều người chăn nuôi trên núi; lợi dụng việc tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người làm, má tiếp tế luôn cho bên mình.

Má không ngờ là đã bị chúng theo dõi. Một lần, má lên núi, khi vượt lên khỏi vùng trang trại chăn nuôi của gia đình mình thì bị lọt vào ổ phục kích của bọn dân vệ. Chúng bắt quả tang má với nhiều đồ ăn thức uống, lương thực, thuốc men. Cùng với lý do là gia đình cộng sản, có chồng con tập kết ra Bắc, chúng đã đến nhà mình, đuổi hết người đang ở đó, kể cả gia nhân, cả má kế của má; tịch thu tất tần tật tài sản, cả trâu bò gà vịt, chó mèo, kể cả đồ cúng, đồ thờ, kể cả cái võng đầu hè chúng cũng gỡ mang theo…

Cũng còn may, là trong số bọn đầu trâu mặt ngựa làm tay sai cho giặc đó còn có một người tốt. Anh ta thấy Mỹ Ngà đang trốn trong chuồng bò thì vào nói nhỏ với nó: “Con nghé đang ngủ đó. Con lấy rơm rạ phủ kín nó, gãi nhẹ cho nó ngủ; chứ nó mà dậy là họ lùa đi luôn đó”. Mỹ Ngà đã làm theo, và tài sản duy nhất còn lại là con nghé con. Từ đó “bộ ba” gồm hai chị em – năm tuổi, ba tuổi – và con nghé sống cùng nhau. Ngày đi xin ăn, đi chăn nghé; hai đứa phải đi mót khoai ngô, đào bới rau má, đọt khoai, cùi bắp để ăn; nhiều bữa, chúng phải men lên bìa rừng tìm nhặt trái cây rụng hoặc chòi ở những cành thấp, như quả sung, sấu,…; tối đến ngủ chung với nghé trong chuồng.

Má bị chúng bắt đi tù vì tội “Tiếp tế cho cộng sản; có ghi chú: vợ Việt cộng tập kết”. Không tuyên bố thời hạn tù. Chúng đưa má vào Nhà giam Khánh Hòa.

Hai năm trong Nhà tù Khánh Hòa đúng là hai năm ở địa ngục trần gian. Chúng tra tấn, đánh đập má rất dã man. Quặt hai tay má ra phía sau rồi dùng dây rút lên xà nhà; bốn thằng ác ôn đứng bốn góc nhà, đánh qua quật lại, má lơ lửng trên không, bay đến từng góc nhà để nhận đòn. Đến khi má bất tỉnh, chúng mới tháo dây hạ xuống, ném về trại, không cần xem đã chết hay còn sống. May mà có sự chăm sóc cứu đỡ của chị em trong tù má mới sống được. Mới hồi tỉnh, chúng lại cho “đi tầu lặn”. Ác ôn bỏ má vào một thùng fuy nước vôi, ấn má ngồi xuống, nước vôi ngang mũi má. Bên ngoài, chúng lấy gậy nện mạnh tứ phía vào thành thùng, nghe muốn vỡ cả óc; nước tạo thành sóng vồng qua vồng lại qua mũi má. Má bị nhồi như xóc cua. Đến khi má nôn mửa ra mật xanh mật vàng thì chúng lôi ra, vứt xuống sàn; chờ hồi tỉnh, lại thả vào fuy, đánh tiếp. Đến hiệp thứ mấy mấy nữa, khi má không hồi tỉnh được, chìm xuống, chúng mới lôi ra, vứt má về khám. Đấy là kiểu đánh trấn áp, đánh thị uy.

Đánh lấy lời khai còn rùng rợn hơn. Chúng muốn má khai ra địa điểm căn cứ đàng mình, ít nhất là căn cứ trên núi, “Đi tiếp tế thì phải biết bọn Việt cộng ở đâu?” Chúng trói quặt má vào cột, buộc cố định đầu má vào cột, cho nước lạnh giọt từng giọt một từ trên cao hàng chục thước xuống đầu má, đồng thời chúng bố trí một chiếc đèn pin dọi thẳng vào mắt má. Mỗi giọt nước rơi xuống đầu là mỗi lần má thấy rợn cả người, má cố nhắm mắt, gồng người lên chịu; dai dẳng quá, má gần như phát điên lên. Cứ vậy, giờ này qua giờ khác; cho đến lúc máu mắt, máu mũi trào ra, chúng mới dừng.

Đêm, chúng không cho ngủ. Cứ chặp chặp chúng lại gọi dậy, đánh vài gậy, hỏi “Căn cứ bọn cộng? Ai xúi mày?” Má bảo “Không biết. Không ai xúi. Tôi tiếp tế cho người thuê chăn trâu”. Tụi nó hét “Việt cộng cái! Ngoan cố!”, đánh tiếp, mạnh hơn. Chúng thay nhau đánh cho đến sáng.

Ăn uống trong tù cũng là một cực hình. Cơm sống gạo mọt mốc, cá ôi, ươn, thối – cũng phải ăn. Rất nhiều tù nhân bị tiêu chảy, chết.

Một việc cầm thú hơn nữa, những tù nhân có chồng tập kết ra Bắc bị chúng gọi lên hàng đêm để phục vụ tình dục. Nhiều chị khi vào một mình, khi ra tù lại mang theo một vài đứa con về. Má là trường hợp đặc biệt, “án điểm”, quan trên chúng nó theo dõi tình hình từng ngày một, chúng chờ sự đầu hàng của má để rêu rao về một đảng viên Vixi, vợ một Vixi tập kết cao cấp đã quy hồi, nhằm quảng cáo “tâm lý chiến” ra cả hai miền; bọn dưới này biết “quan trên đang trông xuống” nên không dám.

Hai năm trời ở Nhà tù Khánh Hòa, không moi được gì ở má, chúng đành đưa má về nhà tù địa phương, đó là Nhà tù Phù Cát, cách nhà mình hai chục cây số. May cho má, chúng không đày đi Côn Đảo”.

Tác giả Phạm Mỹ Ngọc và bố của mình – Liệt sĩ Phạm Long – một trong những chỉ huy đầu tiên của “Đoàn tàu không số” – đường mòn Hồ Chí Minh trên biển của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ.

Mỗi khi má kể chuyện cũ, Mỹ Ngà luôn lánh ra chỗ khác, bởi em hễ nghe là lại khóc. Một bận chỉ có hai chị em lên rừng xem thợ được má thuê cạo mủ cao su. Mỹ Ngà ríu rít vui vẻ, “Ngày lên mười, em đã là thợ cạo mủ này rồi a, chị. Chị xem tay em đây” – em chìa ngửa bàn tay, lòng bàn tay vàng sẫm, đầy chai sạn và vết xước dọc ngang. Tôi cầm lấy bàn tay đó, ngoảnh mặt để giấu nước mắt. “Chị khóc à, sao zậy?”. Tôi đánh lảng: “Không. Mà từ bữa giờ, chị cứ thắc mắc hoài, chưa dám hỏi má, là, đứa em của chúng ta đâu? Từ khi má về trại Phù Cát, các em có đi gặp má?”. “Em có đi…” – Mỹ Ngà ngoảnh sang nhìn tôi, rơm rớm nước mắt. Tôi rào đón trước: “Không được khóc, ha. Em không muốn kể thì thôi vậy”. Mỹ Ngà kéo chị ngồi xuống một gốc cao su lớn, thở dài…

“Hôm đó, có một chú lạ mặt, nói là người trong xã mình, đến nói nhỏ: “Má các cháu đã về nhà giam Phù Cát, các cháu có muốn đi thăm không? Nếu đi thì sẽ có người dẫn đi”. Em mừng lắm, dẫu không biết chú ấy là ai, nhưng đồng ý đi luôn.

Thời đó quê mình không có xe hơi, chỉ có xe ngựa và xe kéo. Người dân đi xa, thường bỏ con vào thúng để gánh đi. Người khá giả như ông ngoại ta thì mới có xe đạp, thường gọi là xe “đam”, xe “đầm”; xe nam thì khung xe có cái đòn giông ở giữa, lót một cái mền vào đó để ngồi; xe “đam” thì đặt mền lên foocbaga. Ba chú cháu đi bộ; chú đi trước một quãng, hai đứa theo sau; phải đi ra ngoài xã thì mới thuê được xe, trong vùng không ai dám chở, vì ai cũng biết mình là nhà Việt cộng, có chồng con tập kết ra Bắc. Dân quê họ thương các em nhưng rất sợ quan hệ với mình thì bị liên lụy; cho bọn em nắm cơm củ sắn, họ đều lén lút treo buộc lên hàng rào khá xa chuồng bò.

Từ quê, phải qua hai cái chợ, là chợ Gòm và chợ Gò Mống, để ra lộ chính thuê xe đi Phù Cát. Bữa đó, hai chị em đã đi đến được chợ, nhưng gọi xe mãi mà không ai dám chở; hóa ra, đến tận đây, xa nhà bốn cây số rồi, người ta vẫn biết mình là con Việt cộng. Xui hơn nữa là lại gặp mấy ông dân vệ. “Chúng mày đi đâu đây? Đi tiếp tế cho Việt cộng hả?… Muốn chết hả? Đi về!” Vậy là hai đứa lại lủi thủi quay về, ông chú lạ đi theo phía sau. Ông chú nói, mai ta lại đi, phải ra khỏi chợ Gòm, đến lộ chính thì chắc là không ai biết các cháu, ở đó sẽ gọi được xe.

Hôm sau, ba chú cháu lại lếch thếch lên đường. Em lúc đó mới lên tám, Mỹ Châu mới qua năm tuổi, nên đi chậm lắm, chú dẫn đường phải thường đứng lại chờ. Đến lộ chính, chú vẫy gọi xe, may gặp được chiếc xe ngựa, cả ba chú cháu lên xe, em mừng lắm. Xe ngựa chạy đã kha khá lâu, Mỹ Châu đã tựa vào em thiu thiu ngủ, thì chú lạ mặt bảo ông tài dừng lại, chú trả tiền xe và dặn em: “Còn 300 mét nữa là đến cổng nhà tù, chú phải xuống trước. Khi đến cổng, các cháu nói với lính gác là xin vào thăm ‘má Ba Phú Nông’, nói vậy là được, họ hỏi gì thêm cũng bảo là không biết; không được nói là có người đưa đi, nhé ”. Rồi chú lạ mặt đi thẳng, sau này em cũng không gặp lại bao giờ. Lớn lên, em nghĩ người lạ mặt này có lẽ là do bên đường dây cách mạng cử đến lo cho hai chị em.

Hai đứa dắt díu nhau đến cổng nhà tù, em làm đúng lời được dặn trước, và may mắn là họ cho vào. Má gặp bọn em thì khóc quá trời luôn. Các cô bác trong tù cũng khóc, chắc họ nhìn bọn em ốm o rách rưới thì nhớ con cháu họ. Người ôm hôn, người sờ nắn chúng em, họ cứ quanh quẩn bên hai em, vừa hỏi vừa khóc.

Má ôm hai đứa vào lòng, nghẹn giọng hỏi các con sống ra sao trong thời gian hai năm qua. Em còn nhỏ dại nên có sao kể vậy. Em kể là hai đứa không được ai chăm sóc. Đàng nội thì hồi nhỏ em đã về, cách không xa, có đâu dăm cây số, nhưng ông bà cô bác hầu như không thấy ai đến. Thỉnh thoảng lắm thì thấy ông nội đến, đội nón sùm sụp, đứng cách xa em mấy chục bước chân, đưa tay vẫy ra hiệu cho em biết, rồi chỉ lên cành cây thấp bên đường – nơi ông treo sẵn một gói thức ăn gì đó, và quay người vội vã đi ngay. Bà con cô bác trong thôn cũng vậy, có chút gì thừa ra như chút cơm cháo, sắn khoai thì họ cho các em bằng cách dấm dúi, hoặc treo lên hàng rào, treo lên then chuồng nghé. Mà nào có được ăn trọn vẹn thức ăn bố thí. Những con chó đói cứ chồm lên chỗ treo đồ ăn, cào xuống để ăn; chúng nhẩy lên ngoạm vào cả cái gáo dừa đựng cơm cháo mà bọn em đang bốc ăn, bọn em chỉ cao bằng chúng khi chúng chồm người lên, không tranh nổi. Sau, người bố thí biết, họ treo cao hơn. Bọn em không với tới, phải dùng sào chòi; đồ ăn rớt xuống đất, vãi tung tóe, cũng phải bốc nhặt, ăn cả đất cát. Thế vẫn còn là may. Nhiều bữa phải đi đào rau má ngoài bờ ruộng để ăn, uống nước ruộng, ngủ đói… Má nghe, tay ghì chặt hai đứa, khóc lịm đi từng đợt, nước mắt rơi lã chã xuống mặt bọn em.

Đêm đó, bọn em được ngủ với má trên nền xi măng phòng giam, hai đứa hai bên, gối đầu lên ngực má. Mỗi lúc giật mình thức dậy, em đều thấy má vẫn đang choàng tay ôm hai đứa và đang khóc.

Chưa sáng đã thấy cai ngục đến thét: “Bà Ba Phú Nông! Không được để con bà ở đây, về ngay! Cơm đâu mà nuôi con Việt cộng. Cút ngay!” Má cố nài nỉ hắn cho ở thêm tý nữa, lúc nữa là trời sáng, chúng còn nhỏ quá, trời tối chúng làm sao đi được… Các cô dì chú bác trong tù cũng giúp lời, mỗi người một câu; cai ngục bỏ đi. Mờ sáng, má và các bạn tù vắt hai nắm cơm cho hai đứa, thêm chút nước đi đường trong cái chai nhỏ. Má kêu khóc: “Trời ơi! Hai chục cây số, trời nóng tháng Sáu, đường dài, con tôi nhỏ dại ốm yếu! Tiền thuê xe không có. Con tôi làm sao về được đến nhà!…”.

Hai đứa bọn em lúi cúi đi. Đầu trần, chân đất. Nắng nóng như đổ lửa. Không một chiếc xe nào cho bọn em đi nhờ. Đoạn trước, khi mới ra khỏi trại giam, chắc họ nhìn thấy những đứa trẻ quần áo rách rưới, đi từ hướng Nhà tù Phù Cát về thì biết là thành phần nào, nên tránh. Nửa đường phía sau, cũng có xe ngựa dừng hỏi, em thực thà bảo đi trại tù thăm má về, họ ngần ngại chút rồi cũng đi luôn.

Cơm, nước đều đã hết. Mỹ Châu kêu khát, kêu mỏi mệt, đòi chị cõng. Em cõng nó. Chân Mỹ Châu khá dài, cứ thòng, quệt xuống đường, em cố lê bước. Mãi rồi cũng gần đến chợ Gòm, mồ hôi hai chị em ướt đẫm; mỏi mệt quá đỗi. Mỹ Châu bắt đầu khóc than, “Sáu ơi! Em khát. Em buồn ngủ quá. Sáu ơi!”; tiếng rên khóc của em cứ nhỏ dần, chắc nó đã ngủ. Em kéo chân tay Mỹ Châu, kẹp chặt rồi cố lê đến chợ Gòm, ở chợ chắc có nước uống. Đến đầu chợ, em thấy một quán bán tạp hóa và nước, bà chủ quán to con, mập mạp, đang bước ra cười mời chào khách, giọng nói oang oang. Em cõng Mỹ Châu bước tới trước cửa quán:
– Thưa dì, dì cho chị em con xin miếng nước.
– Tụi bây đi đâu, ở đâu mà đến đây xin nước? Nước tao chỉ bán chứ không cho.
– Bọn con đi thăm má ở Nhà tù Phù Cát ạ…
Em chưa dứt lời, chưa kịp nói là không có tiền, thì bà chủ quán đã la to:
– Đi! Đi ngay! Ở đây không có gì cho bọn con Việt cộng. Đi ngay! Cút! Không tao xuỵt chó bây giờ.
– Trời ơi! Con chỉ xin miếng nước cho em con thôi mà, dì.
– Không! Đi ngay! Cút!

Những người ngồi uống nước trong quán đều nhìn ra. Em nhớ là có một vài ánh mắt thương cảm, nhưng họ không dám nói gì; cũng không ai dám mang ra cho hai đứa trẻ một ngụm nước. Có lẽ do họ ngại bà chủ đang hậm hực, đang la lối om sòm. Sau này, em nghĩ thêm là không ai muốn bị ghi sổ đen vì dính líu đến gia đình “Sổ đen”.

Em đành cố cõng Mỹ Châu đi tiếp. Hai chân của Mỹ Châu đã kéo lê xuống đường, em cảm giác được, thấy nặng và khó bước hơn. Mỹ Châu mới sang tuổi thứ sáu, nhưng người nó cao cao, nên chân dài. Em mệt lắm; cố kéo lê nó như kéo theo một tàu dừa khô. Rồi cũng về đến chợ Gò Muống đầu làng mình. Một vài người đi chợ, họ biết nhà mình, nên đã kêu lên:
– Ê! Chúng mày đi đâu mà kéo lê em thế kia? Chân nó chảy máu bê bết kìa!
– Dạ, dì Bảy. Con với em đi Nhà tù Phù Cát thăm má về ạ. Mà sao em con nó không chịu đi, bắt con cõng từ phía ngoài chợ Gòm về đây.
– Đâu, tao coi nào.
Dì Bảy thả gánh, đến sau lưng em, lắc lắc Mỹ Châu, rồi la to:
– Trời đất ơi! Bà con ơi. Cứu! Cứu!… con cô Ba Phú Nông… nó chết giả rồi. Cứu! Bà con ơi!…

Người kéo đến mỗi lúc một đông. Họ đưa em vào bóng cây sát lề đường. Kẻ xoa dầu, người lay lắc, người quạt cho Mỹ Châu. Em nó vẫn bất tỉnh. Một người nào đó kêu to: “Gọi ngay ông Đinh Hồng đến đi! Mau cứu đứa nhỏ. Tội nó quá!”.
Em thì chẳng biết gì về cái chết, cứ hết đứng lại ngồi bên Mỹ Châu, lại còn sờ sờ người em, bảo “Em cứ ngủ đi một chút, lát nữa chị cõng về”!

Ông lương y Đinh Hồng đến. Ổng cầm tay, bắt mạch rồi vạch mi mắt Mỹ Châu ra xem. “Ồ! Xong rồi! Nó đi cả tiếng đồng hồ rồi. Bà con mình lo hậu sự cho nó đi”. Ổng mở cái tráp gỗ nhỏ xách tay: “Tôi có ít bạc đây, bà con cầm hộ để giúp cho các cháu… Tội nghiệp hai đứa nhỏ quá!”. Ông vừa đóng tráp vừa lắc đầu: “Con Việt cộng! Thì chúng cũng là cháu con máu đỏ da vàng mình mà. Ba má chúng cũng đâu phải người xấu; có tội tình gì với dân nước đâu!”.

Mỹ Châu được chôn cất bên lề đường thôn Cát Phú, Cát Hài, thuộc Phù Cát, Bình Định – xa khu vực nhà dân. Nhà mình có cơ man nào là ruộng đồng, trang trại, vậy mà em chúng mình không có chỗ chôn. Trước khi đưa Mỹ Châu ra huyệt, bà con cử dì Bảy dắt em về nhà; dì thẽ thọt với em: “Mỹ Châu nó hổng về được nữa đâu con! Nó chết thật rồi! Con đi về với dì”. Trời đất ơi! Em vẫn không tin, nó vừa rên rỉ trên lưng em cơ mà? Chắc người ta tách em ra cho rảnh để chăm cho nó.

Tối đó, em ngủ một mình với con nghé. Đói lắm, bụng kêu ành ạch. Em đói, em nhớ Mỹ Châu. Em cứ thắc mắc sao ông bà nội không đưa bọn em về bên đó? – mỗi ngày chỉ tốn mấy củ khoai thôi mà, bọn em chịu đói quen rồi; mà bọn em cũng tự kiếm được rau củ ngoài đồng, quả xanh quả chín trên rừng để ăn thêm. Hay là dưới nội đông người quá, đói quá. Lớn lên em mới biết là ông bà nội có đến mười bốn người con, lúc đó đang dở sống dở chết, bởi có đến bốn người con trai nhảy núi theo Cộng sản, một người tập kết.

Chiều ngày sau vẫn không thấy ai đưa Mỹ Châu về, em lần ra chỗ cái huyệt hôm qua, thấy đất mới đã phủ lên thành hình nấm. Em ngồi xuống vỗ vỗ lên nấm đất, gọi Mỹ Châu dậy về với chị. Gọi mãi không được, em khóc ầm lên, vừa gào khóc dùng hai tay bới đất, tìm. Bà con lối xóm đi qua, dừng lại, lắc đầu. Có người lau nước mắt rồi bỏ đi, có người thở dài, “Tội con bé quá! Em đã chết mà còn không biết”. Có người khuyên em hãy về đi, “Em con chết thật rồi, hãy để yên cho nó nghỉ!”. Người nào cũng chỉ dừng lại cỡ một phút, rồi đi ngay. Họ sợ dân vệ biết được thì khốn; dính với Cộng sản là liên lụy; là bắt, là tù”.

Mỹ Ngà ngừng kể, nấc lên, tay ôm mặt gục đầu xuống hai đầu gối. Tôi nuốt nước mắt, quàng tay ôm lấy em, vỗ vỗ, “Thôi em, việc đã qua lâu rồi. Em mệt quá thì khi khác kể!” Tôi nghĩ, không dám buột miệng vì sợ em lại khóc thêm: tội nghiệp cho các em tôi. Mấy năm cô độc, các em sống thế nào, ăn gì mà sống? Đêm ngủ với nghé, mùi phân hôi thối, làm mồi cho muỗi, cho bọ chét! Lúc trời hè nóng bức, lúc đêm đông giá rét… Rồi lúc trở trời, ốm đau… Chỉ hai đứa trẻ!

Mỹ Ngà lại ngẩng đầu lên, mắt đỏ hoe:

“May mà, có lẽ nhờ ơn đức ông bà ngoại đối với bà con trong vùng, với trai cày gái cấy và gia nhân, nên chúng em còn được bà con lén cứu trợ, người cho cái áo, cái quần, người cho đùm cơm, tấm bánh, củ khoai, củ sắn… Hầu như mỗi lúc bọn em ốm đau hoặc đói lả, không ra khỏi chuồng nghé để đi đào rau má, kiếm củ quả được nữa, thì thường có gói thức ăn gì đó treo trên thang ngang cửa chuồng nghé.

Rồi em thấy mình bị xa lánh hơn, đói khổ hơn nhiều. Hóa ra, chính quyền Ngô Đình Diệm mở rộng đàn áp. Chúng ra luật 10/59, mang máy chém đi khắp miền Nam, chặt đầu người làm cách mạng; lập trại tập trung, giết người hàng loạt bằng cách bỏ thuốc độc vào cơm tù, ví như vụ trại Phú Lợi mà ai cũng biết. Họ lập ra “ấp chiến lược” để cách li nhân dân, cắt đứt hỗ trợ của dân cho Việt cộng. Họ bắt gia đình của người tập kết và những thành phần nghi vấn đi canh ấp hàng đêm. Cứ 10 mét có một bóp canh. Em mới tám tuổi, chúng cũng bắt đi canh. Chúng cấp cho em một cái mõ, một que gỗ, giao: “Hễ thấy sột soạt đâu đó là phải gõ mõ báo động ngay; nhịp gõ là 1-1-1-3, ba tiếng đầu rời nhau, ba tiếng sau liên tục, tức là: cốc- cốc- cốc – cốc cốc cốc”. Chỉ cần ngủ gật mà dân vệ hoặc lính tuần bắt gặp là ăn đòn nặng ngay. Em bị đánh bằng dùi rất nhiều lần, bởi hết chịu nổi thức đêm, nên ngủ ngồi thiếp đi từng chặp; giật mình dậy, hoảng hốt gõ mõ; chúng đến ngay, không thấy gì, lại lôi em ra đánh; em ôm đầu, ngoảnh lưng lại cho chúng đánh.

Hồi ấy dân uất quá, Phù Mỹ và Phù Cát đã tổ chức đấu tranh, phá ấp chiến lược, giành được tự do nhưng chỉ được một thời gian ngắn; về thời gian này, có câu “Ngày quốc gia – đêm cộng sản”.

Phạm Mỹ Ngọc – Võ Văn Hải
(Còn nữa)