Chuyến công tác đầu năm 2024 đến Trường Sa, chúng tôi may mắn được đi trên tàu 561, Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân. Con tàu được biết đến như một bệnh viện di động giữa biển khơi với những trang thiết bị hiện đại hàng đầu Đông Nam Á. Suốt hải trình gần 20 ngày đến với các đảo ở huyện đảo Trường Sa, chúng tôi được trải nghiệm, chứng kiến nhiều điều để thêm hiểu, tin yêu và cảm phục những người lính, đặc biệt là những người lính khoác trên mình chiếc áo blouse trắng nơi đầu sóng ngọn gió.

Tàu 561, Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân được biết đến là bệnh viện di động giữa biển khơi

Chữ thập đỏ

Quân cảng Cam Ranh hôm ấy, thu hút sự chú ý của tôi là hình ảnh con tàu trắng với chữ thập đỏ lớn nổi bật, vững chãi neo bên cảng trong ánh sáng cuối ngày. Bỡ ngỡ, lạ lẫm và cả ngạc nhiên, đó là cảm xúc của bất cứ phóng viên nào khi được đặt chân xuống tàu. Tàu 561 có cơ sở vật chất được trang bị ngang với một bệnh viện tuyến huyện, có thể thực hiện các ca cấp cứu tai biến nặng, những tình huống khẩn cấp như đau ruột thừa,… Tàu có 15 giường bệnh, có đầy đủ các phòng như: chụp X-quang, siêu âm, nội soi, mổ,… Tàu được trang bị hệ thống hội chẩn trực tuyến, sẵn sàng kết nối với bệnh viện Quân y 175 trong các tình huống phẫu thuật, ca bệnh phức tạp.

Từ khi hạ thủy vào năm 2012 đến nay, tàu 561 không những thực hiện nhiệm vụ chuyên chở đoàn công tác mà còn vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu đến với cán bộ, chiến sĩ, người dân các đảo; tổ chức khám sức khỏe, cấp cứu, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, ngư dân… Hình ảnh con tàu trắng với chữ thập đỏ lớn giữa đại dương đã trở nên quen thuộc với những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân để họ vững tin hơn trong bao hải trình đầy sóng gió. Đối với cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên đảo, đối với các đoàn công tác, tàu 561 cũng luôn là một điểm tựa vững chắc. Chúng tôi, đặc biệt là những người có sức khỏe yếu và say sóng, luôn nói đùa với nhau rằng đi trên tàu quân y thì chẳng phải lo gì cả, có thể an tâm tuyệt đối. Quả thực, mọi vấn đề về sức khỏe, an toàn của không chỉ đoàn công tác mà của mỗi chiến sỹ trên tàu đều luôn được quan tâm, chăm sóc kỹ lưỡng suốt hành trình. Những chuyến tàu như thế đã chuyên chở bao nhiêu niềm vui, bao tình cảm, niềm tin; là cầu nối giữa đất liền và hải đảo.

Bác sỹ khám bệnh cho người dân trên đảo Trường Sa

Blouse trắng

Trong chuyến đi của mình, tôi may mắn được chuyện trò với những bác sỹ trẻ lần đầu ra đảo nhận nhiệm vụ để rồi thêm khâm phục, tin yêu những người lính khoác trên mình chiếc áo blouse trắng. Họ đều là những thanh niên còn rất trẻ, tài năng, sẵn sàng gác lại tình cảm riêng tư, thậm chí là cả những cơ hội tốt hơn để mong được cống hiến cho Tổ quốc. Dẫu biết ra đảo phục vụ là đối mặt với bao khó khăn, vất vả, thiếu thốn nhưng họ biết ở đó người dân cần, chiến sỹ cần, đất nước cần nên không ngại ngần, không đắn đo. Tại đảo Trường Sa, dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt, vườn cây thuốc Nam của trung tâm y tế vẫn xanh tốt nhờ luôn được chăm sóc kỹ lưỡng. Năm 2023, bệnh xá đảo Trường Sa đã khám, điều trị cho 1.712 lượt người, cấp cứu 92 ca, trong đó 33 ca ngư dân, 14 ca người dân trên đảo; phẫu thuật 163 ca, đại phẫu 3 ca, cấp cứu chuyển về đất liền 24 ca (bằng tàu 20 ca, máy bay 4 ca), điều trị tại bệnh xá 53 ca. Thiếu tá, bác sỹ CK1 Dương Minh Chiến Bệnh viện Quân y 175 – Bệnh xá trường Sa cho biết: “Mỗi chiến sỹ quân y chúng tôi luôn thấm nhuần tư tưởng “Lương y như từ mẫu” khi thăm khám bệnh nhân, và nhất là các ca nặng của ngư dân. Thường các ca bệnh nhân đưa vào gần như đã để quá thời gian, mặc dù trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn, trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho khám bệnh và điều trị xuống cấp nhanh do đặc điểm khí hậu nắng nóng, gió muối, máy móc bị giảm tuổi thọ do nguồn điện không ổn định song bệnh xá đã quyết tâm lãnh đạo, khắc phục, làm bằng mọi biện pháp chuyên môn tốt nhất có thể và luôn chữa thành công”.

Tôi vẫn không quên xúc cảm trên khuôn mặt của bác sỹ Dương Minh Chiến lúc chia sẻ kỷ niệm khó quên vào ngày 20/9/2023, khi cấp cứu cho ngư dân Nguyễn Hóa (1957) quê Quảng Ngãi. Bệnh nhân được tiếp nhận từ tàu KN 466, chuyển từ đảo Phan Vinh qua đảo Trường Sa trong tình trạng suy hô hấp, nguy kịch, được chẩn đoán viêm phổi ARDS, nhiễm khuẩn huyết đường vào từ tiêu hóa – nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn ngày 3, tổn thương đa cơ quan. Các bác sỹ đã liên tục làm vệc trong nhiều giờ, làm tốt công tác tư tưởng cho người nhà bệnh nhân, hội chẩn với Bệnh viện Quân y 175, tiến hành đặt ống nội khí quản thở máy, an thần tốt, bù dịch điện giải,… “Bệnh nhân đã đáp ứng điều trị, sau đó tôi cùng 2 y sĩ của bệnh xá hộ tống bệnh nhân về bờ bằng máy bay, bàn giao cho Bệnh viên Quân y 87. Bệnh nhân sau đó được lọc máu, cấp cứu trong nhiều ngày và ra viện.”, bác sỹ Chiến chia sẻ trong niềm xúc động lẫn tự hào.

Thượng úy Đặng Văn Vũ – Chỉ huy trưởng điểm C đảo Đá Đông chia sẻ dù điều kiện tại đảo còn nhiều khó khăn nhưng hàng năm nơi đây vẫn luôn sẵn sàng và hoàn thành tốt nhiệm vụ ứng cứu ngư dân gặp nạn trên biển; tổ chức thăm khám sức khỏe, cấp cứu cho ngư dân ốm đau cũng như hỗ trợ đồ ăn nhanh, nước ngọt,… cho họ. Bằng cách này hay cách khác, tất cả các đảo trên quần đảo Trường Sa đều luôn là điểm tựa của ngư dân như thế.

Bác sỹ quân y tại đảo Đá Đông kiểm tra tủ thuốc, giới thiệu cơ sở vật chất của đơn vị

Với những người lần đầu đi công tác Trường Sa trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như tôi, hình ảnh những người bác sỹ quân y là một kỷ niệm khó phai mờ. Gần 20 ngày sóng gió, tôi không chỉ nhận được sự chăm sóc đặc biệt từ các y, bác sỹ những khi say sóng không thể nào gượng dậy mà còn luôn được hỏi han về tình hình sức khỏe, được cấp phát thuốc, được động viên ân cần suốt cả hành trình. Trung tá Ngô Văn Tân – Trưởng Ban quân y Lữ đoàn 146, một thành viên trong đoàn công tác là người mà hễ có vấn đề gì về sức khỏe chúng tôi lại hỏi han, xin tư vấn. Dị ứng, thiếu vitamin, đau đầu, chóng mặt,… mọi vấn đề của chúng tôi đều được bác sỹ tư vấn ngay lập tức, cho thuốc, động viên. Tôi nhớ mãi lời chia sẻ của một bác sỹ trên đảo rằng: “Hạnh phúc của người bệnh cũng là hạnh phúc của chúng tôi.” Quả thực, những người bác sỹ, chiến sỹ nơi đây luôn đặt hạnh phúc, an nguy của mọi người lên trên hết. Bởi vậy mà dẫu sóng gió, dẫu gian khó, thách thức đến đâu họ cũng luôn sẵn sàng vượt qua và luôn tìm thấy niềm vui, hạnh phúc cho mình.

Mênh mông tình người

Một buổi chiều, khi tàu 561 đang neo giữa biển khơi thì tàu cá KH 95724TS của ngư dân Khánh Hòa tiến đến sát mạn tàu xin gạo. Trước sự tò mò, ngỡ ngàng của các phóng viên, các sỹ quan trên tàu giải thích đây là điều họ vẫn thường gặp mỗi lần ra khơi. Như một thói quen, bất cứ khi nào gặp khó khăn, hễ thấy tàu hải quân, các ngư dân sẽ chủ động tìm đến. Các chiến sỹ trên tàu nhanh chóng chuyển gạo, gia vị, rau cho ngư dân. Chứng kiến khoảnh khắc ấy, chúng tôi nhận ra, nhiều khi một cuộc gặp gỡ chóng vánh giữa biển như vậy lại có sức lay động và đẹp hơn mọi ngôn từ ngợi ca!

Hỗ trợ lương thực thực phẩm cho tàu cá KH 95724TS của ngư dân

Khi thăm Trung tâm hậu cần hỗ trợ nghề cá tại đảo Đá Tây, chúng tôi may mắn gặp thuyền của ngư dân Ngô Văn Tiến ở Bình Định vào tiếp đá lạnh cho chuyến đi biển dài ngày. Anh chia sẻ “Bất cứ khi nào có khó khăn gì chúng tôi đều được bộ đội hỗ trợ miễn phí. Từ sửa chữa tàu thuyền, khắc phục sự cố, thăm khám, đến cho gạo, dầu,… Nhờ đó mà người dân yên tâm hơn mỗi khi đi đánh bắt”. Những lời tâm sự mộc mạc, chân chất của người chủ tàu khiến chúng tôi hiểu sự gắn bó mật thiết, niềm tin mà người dân gửi gắm vào những chiến sỹ hải quân. Để có được niềm tin ấy chắc chắn không thể chỉ ngày một ngày hai mà phải là một quá trình lâu dài gây dựng bằng hành động, bằng sự chân thành.

Không thể kể hết những hình ảnh, những cảnh tượng xúc động mà chúng tôi đã được chứng kiến suốt hành trình. Chỉ biết rằng chính những ngày lênh đênh trên sóng nước biển Đông đã giúp chúng tôi nhận ra thế nào là hạnh phúc, là tình người. Đó là đôi mắt sáng long lanh của những đứa trẻ trên đảo khi chơi đùa cùng các chú bộ đội, là giọt nước mắt bịn rịn lúc chia tay, là sự ân cần của thầy trụ trì đối với từng em nhỏ, là những bài giảng say sưa của người thầy trong lớp học có đủ lứa tuổi, là chia cho nhau một chút lương thực, một viên thuốc,…

Tôi vẫn luôn tâm đắc với câu nói đại ý rằng không có điều gì khiến ta có thể rung động bằng sự tử tế. Có lẽ đó là lý do khiến hải trình đến với Trường Sa luôn in đậm trong tâm trí những ai từng một lần được tham gia. Nó đáng nhớ không phải bởi khó khăn, bởi sóng gió, bởi những ngày không sóng điện thoại, không mạng internet. Nó đáng nhớ vì trong thiếu thốn, trong khó khăn, ta nhận ra vẻ đẹp long lanh của tình người!

Trang Đoan