Đó là thông điệp, là mong muốn mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã trao đến thế giới năm 2024. Trong bài phát biểu của mình, ông nhấn mạnh: “Nhân loại mạnh mẽ nhất khi chúng ta sát cánh cùng nhau. Năm 2024 phải là một năm để xây dựng lại niềm tin và khôi phục hy vọng. Chúng ta phải cùng nhau vượt qua những chia rẽ để tìm ra giải pháp chung, cùng hành động vì khí hậu, vì cơ hội kinh tế và một hệ thống tài chính toàn cầu công bằng hơn cho tất cả mọi người. Cùng nhau, chúng ta phải đứng lên chống lại sự phân biệt đối xử và sự thù hận đang đầu độc mối quan hệ giữa các quốc gia và các cộng đồng“. Cũng trong thông điệp truyền đi vào ngày đầu tiên của năm 2024, các nhà lãnh đạo trên thế giới nhìn nhận chúng ta đang đối mặt với một môi trường quốc tế “khắc nghiệt và bất ổn hơn”, tuy nhiên tất cả đều đặt niềm tin vào một tương lai lạc quan, cùng nỗ lực, đoàn kết vượt qua những thách thức phía trước.

Quả thực, thế giới đã bước qua năm 2023 với rất nhiều sóng gió, chia rẽ, mất mát. Trong bài phát biểu của mình, Giáo hoàng Francis đã nói: “Vào ngày cuối năm, chúng ta có can đảm để tự hỏi có bao nhiêu sinh mạng con người đã bị cướp đi bởi xung đột vũ trang, bao nhiêu người chết, bao nhiêu sự tàn phá, bao nhiêu khổ đau, bao nhiêu nghèo đói?” Những điều ấy có lẽ nằm ngoài sức tưởng tượng của mỗi người trong một kỷ nguyên văn minh, hiện đại như hôm nay. Thật khó để tin sau bao nhiêu năm nỗ lực toàn cầu hóa, tăng cường hợp tác quốc tế; chung tay hành động giải quyết các vấn đề toàn cầu chúng ta vẫn phải chứng kiến những dòng người tị nạn kéo dài, những thành phố ngập chìm trong bom đạn, đói nghèo, bất ổn… Chúng ta vẫn phải thấy, phải nghe tiếng gào khóc của những đứa trẻ vô tội, của những người cha người mẹ mất con vì chiến tranh… Nhìn lại để thấy cái giá phải trả cho những tính toan, chia rẽ là quá lớn; nhìn lại để biết những gì cần phải hành động trong tương lai; để biết rằng những thành tựu khoa học công nghệ, trí tuệ con người có phát triển đến đâu mà không có sự thấu hiểu, đồng thuận, tin tưởng lẫn nhau thì cũng không thể mang lại cuộc sống, môi trường hòa bình, hạnh phúc, cuộc sống ấm no.

Một đứa trẻ được đưa qua sông Rio Grande ở biên giới Hoa Kỳ với Mexico vào ngày 29/3/2023. Trong thời điểm ghi nhận làn sóng người di cư kỷ lục từ Nam và Trung Mỹ đến Hoa Kỳ. Ảnh: Go Nakamura-The New York Times/Redux

Rõ ràng nhiều vấn đề trong năm 2023 chưa thể giải quyết; những xung đột, bất ổn vẫn còn tiếp diễn và hệ lụy của nó chắc chắn kéo dài. Tuy nhiên, giữa những khó khăn ấy, vẫn sáng lên nhiều tín hiệu cho phép ta có quyền hy vọng vào một năm 2024 lạc quan hơn. Nói cách khác, chúng ta có quyền nói về hy vọng và niềm tin mà không hề sáo rỗng. Tờ nhật báo lớn thứ hai của Tây Ban Nha vừa qua đã tổng hợp danh sách nhiều tin vui khi thế giới bước vào năm 2024. Đó là tuổi thọ toàn cầu tăng trở lại sau đại dịch, trí tuệ nhân tạo phát triển và tạo ra nhiều đột phá, thế giới có ít vụ tự tử hơn, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh giảm, sự bất bình đẳng giảm, con người vị tha hơn, vai trò và vị trí của phụ nữ được đề cao hơn khi số lượng nữ trong quốc hội ngày càng tăng… Kinh tế toàn cầu cũng đã có những dấu hiệu sáng trở lại khi lạm phát ở một số khu vực như châu Âu, Mỹ có xu hướng giảm, hoạt động kinh tế phục hồi đáng kể,… Các thành tựu khoa học, công nghệ tạo những bước đột phá trong chữa trị bệnh. Quan trọng hơn, phần lớn các quốc gia trên thế giới đã thể hiện quyết tâm phải gác lại những bất đồng, phải tìm ra phương cách để xây dựng lại niềm tin, duy trì hòa bình và ổn định cho sự phát triển chung của nhân loại. Chúng ta thấy người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều lên tiếng phản đối những xung đột, những hành động can dự sâu vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Chúng ta được chứng kiến những tấm gương dũng cảm cứu người trong hoạn nạn, những giọt nước mắt sẻ chia trước đau thương của nhân loại,… để tin rằng tình người vẫn luôn còn đó.

Những triển vọng kinh tế thế giới cùng thành tựu đạt được trong năm 2023 giúp Việt Nam đủ tự tin để đặt ra nhiều mục tiêu khả quan cho năm 2024. Đó là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0 – 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 – 4.730 USD/người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1% – 24,2%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% – 5,3%… Mặc dù chưa thể kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng cao nhưng nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều biến chuyển tích cực khi tình hình xuất khẩu cho thấy tín hiệu khả quan hơn. Và, thiết nghĩ, một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu chúng ta cần làm lúc này là xây dựng lại niềm tin và hy vọng của Nhân dân, như khao khát Tổng thư ký Liên hợp quốc đã gửi gắm tới thế giới.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào tháng 9/2023. Nguồn ảnh: VTV

Để hoàn thành những mục tiêu đặt ra, để đối mặt với những diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới và chủ động thích ứng, để thắp lên niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn, Việt Nam cần ưu tiên cho hoạt động cải cách thể chế, khắc phục những tồn đọng, yếu kém trong năm 2023, đổi mới tư duy phát triển và hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong công cuộc chống tham nhũng. Đặc biệt, năm 2024, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng môi trường và những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu đang đe dọa đời sống của người dân từng ngày; quan tâm đến công cuộc chấn hưng văn hóa. Thời gian qua, niềm tin của dân ít nhiều bị lung lay vì sự thoái hóa, biến chất của một số cán bộ, đảng viên; tình trạng tham nhũng, chạy chức chạy quyền, quan liêu, xa rời dân, cùng nhiều tiêu cực khác trong bộ máy nhà nước; những bất cập, nhức nhối trong môi trường học đường cũng như trong xã hội nói chung… Chúng ta đều biết, nếu không có niềm tin của dân, Đảng và Nhà nước không thể nào tồn tại và thực hiện sứ mệnh của mình. Khi mất đi niềm tin của dân, chúng ta không thể tạo được sự đồng thuận để phát triển, để hiện thực hóa những mục tiêu, kế hoạch, giấc mơ,…, bởi lẽ mất đi niềm tin là mất tất cả. Lịch sử đã chứng minh niềm tin của Nhân dân quyết định tới vận mệnh, sự hưng vong của mỗi triều đại. Đặc biệt, bài học đắt giá về niềm tin mà Đảng ta phải luôn ghi nhớ chính là sự sụp đổ của hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Và hôm nay, khi khó khăn nối tiếp khó khăn, khi thế giới chứng kiến quá nhiều biến động, khi chia rẽ và đau thương khiến con người ta bắt đầu nghi ngờ những giá trị của thời kỳ văn minh, hiện đại, Đảng và chính quyền càng cần ý thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của xây dựng niềm tin; cần chứng minh sự ưu việt của thể chế và khả năng lãnh đạo của mình.

Muốn dân nghe, dân tin thì lẽ dĩ nhiên, chính quyền cần biết lắng nghe dân, dựa vào dân, tôn trọng và đặt lợi ích của Nhân dân, của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Muốn dân tin thì lời nói phải đi đôi với hành động, phải khắc phục được những tồn đọng, bất cập hiện nay cũng như những vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua. Hơn bao giờ hết, khi thế giới đầy rẫy thách thức, bất ổn là lúc dân cần Đảng, chính quyền hành động quyết liệt để bảo vệ môi trường sống bình an cho họ. Đặc biệt, chúng ta cần làm tốt kế hoạch chấn hưng văn hóa để khơi dậy những giá trị đạo đức, tinh thần bị mai một; để thổi bùng lên ngọn lửa tin yêu và truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam; để giải quyết những bất cập trong đời sống tinh thần, xã hội hiện nay. Chúng ta nhất quyết không thể để những giá trị nền tảng, gốc rễ bị lung lay. Bên cạnh tập trung chăm lo cho đời sống của người dân trong nước, Việt Nam cần thể hiện tiếng nói, trách nhiệm quốc tế của mình mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta cần chung tay xây dựng một thế giới thực sự hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại và không ngại lên tiếng trước cái sai, cái xấu, trước những hành động đẩy thế giới đến bờ vực của chiến tranh và thảm họa nhân đạo cũng như ủng hộ phong trào đấu tranh vì hòa bình, chính nghĩa của nhân dân trên thế giới.

Hơi ấm mùa xuân đang dần xua đi những ngày đông buốt giá và mong cho cuộc đời của mỗi con người cũng sẽ tràn đầy ánh nắng của hy vọng, của niềm tin. Ảnh: Trang Đoan

Tết đang đến rất gần và một mùa xuân mới lại về! Hơi ấm mùa xuân đang dần xua đi những ngày đông buốt giá và mong cho cuộc đời của mỗi con người cũng sẽ tràn đầy ánh nắng của hy vọng, của niềm tin. Tất thảy những ai đang sống trong đủ đầy, hạnh phúc, những người có chức trách, xin hãy lắng nghe trong tiếng xuân về có cả tiếng của những mảnh đời cơ cực, những thân phận bé nhỏ, mong manh; lắng nghe khao khát bình yên của họ. Dẫu biết sẽ luôn còn đó những bất cập, khó khăn, dẫu biết không có điều gì là tuyệt đối nhưng với quyết tâm và nỗ lực chung, chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng vào những hứa hẹn tốt đẹp ở tương lai. Bánh xe đã bắt đầu lăn, đưa chúng ta đến với hành trình của năm 2024. Đây là lúc mỗi người cần gác lại những khó khăn, muộn phiền năm cũ để hướng đến năm mới với tinh thần lạc quan, cởi mở hơn. Hãy cùng nhau hành động để xây dựng lại niềm tin và hy vọng trong mỗi người bởi nếu không còn niềm tin, không còn hy vọng thì cuộc sống sẽ chẳng còn có ý nghĩa gì; bởi như diễn giả Zig Ziglar đã nói: “Dù có bất cứ điều gì xảy ra, đừng buông tay khỏi hai đầu dây chính của cuộc đời – hy vọng và niềm tin (Whatever happens, do not lose hold of the two main ropes of life – hope and faith).

Trang Đoan