Đại hội lần thứ XI – Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra từ  chiều ngày 8 và ngày 9 tháng 5 năm 2024. Tạp chí Sông Lam xin giới thiệu cùng bạn đọc một số chia sẻ, tâm sự chuyện đời, chuyện nghề, chuyện Hội qua những cuộc gặp gỡ trao đổi giữa nhà thơ Tùng Bách và một số văn nghệ sĩ là hội viên của Hội.

Gặp nhà văn Lý Thu Thảo

Nhà thơ Tùng Bách: Không ít học viên Trường Viết văn Nguyễn Du sau khi ra trường đã không theo Nguyễn Du viết văn, làm thơ mà rẽ sang một lối khác “theo chồng bỏ cuộc chơi”, còn Lý Thu Thảo theo chồng mà cuộc chơi không bỏ. Ông chồng là kỹ sư canh nông đồng thời là chủ của một trại ong ăn nên làm ra. Vậy Lý Thu Thảo đã lần nào bị “ong đốt” chưa?

Nhà văn Lý Thu Thảo: Từ xưa ông bà ta đã có câu “theo chồng bỏ cuộc chơi”, đây là một lẽ rất bình thường trong xã hội. Nhưng với với tôi, mỗi một người sinh ra đều có một sứ mệnh và con đường đi riêng của mình, không ai có thể quyết định thay mình. Phụ nữ cần chủ động trong cuộc đời mình và nếu thấy điều gì quan trọng, làm cho mình hạnh phúc, làm cho mình thêm yêu những người yêu mình hoặc thêm yêu cả những người ghét mình thì hãy cứ làm, cứ theo đuổi chứ đừng vì ai mà thay đổi. Đừng vì một cuộc hôn nhân mà bỏ đi tất cả những giá trị, đam mê và cuộc đời chính mình. Đôi khi vì đam mê cái “nghiệp” ấy mà không ít lần tôi đã may mắn được ong đốt. Nhưng sau mỗi lần bị đốt tôi sẽ rút ra bài học cho mình và nghĩ đó chẳng qua cũng chỉ là một tai nạn không mong muốn, hãy bỏ qua và tiếp tục cuộc hành trình, vì cuối con đường sẽ có rất nhiều lối rẽ chứ không phải là đường cùng.

Nhà thơ Tùng Bách: Thời gian 14 năm, Lý Thu Thảo đã cho ra đời 5 đứa con tinh thần “Phía sau cuộc tình”- tiểu thuyết; “Cảm ơn anh đã nắm tay em”- tập truyện ngắn; “Bùa yêu”- tập thơ; “Lưu dấu chân Người” – tập ký chọn lọc; “Đò chiều” – tập truyện ngắn. Xem ra cái nghiệp bút nghiên đeo bám không tha? “Theo chồng bỏ cuộc chơi” chỉ trong thơ Nguyễn Bính?

Nhà văn Lý Thu Thảo: Vâng, “Phía sau cuộc tình” là tác phẩm tốt nghiệp lớp Viết văn Nguyễn Du của tôi năm 2009. Nhưng rồi mãi tới năm 2014 sau khi “theo chồng” nhưng “không thể bỏ cuộc chơi” tôi mới có thêm những trải nghiệm, những kiến thức về tình yêu để “sinh” đứa con đầu lòng này. Như nhà văn Sương Nguyệt Minh đã nhận xét tác phẩm của tôi khi hướng dẫn tôi làm tác phẩm tốt nghiệp: “’Phía sau cuộc tình’ là tác phẩm văn học viết trực diện về lớp người trẻ (không quá trẻ) bế tắc, loay hoay không lối thoát, trong tình yêu, tình dục. Cuộc sống của họ hàng ngày diễn ra trong tác phẩm là gì? Yêu đương và đam mê cuồng nhiệt, những thú vui xác thịt bất tận… chúng như chất ma túy gây nghiện…”.
Nhà thơ Tùng Bách
: “Đò chiều” là tập truyện mới vừa ra mắt quý IV năm 2023. Vậy năm 2024 này nhà văn có ý định gì?

Nhà văn Lý Thu Thảo: “Đò chiều” là cái tên gây thương nhớ trong tôi. Còn nợ là còn duyên nhưng có duyên gặp nhau chưa chắc đã hết nợ. Cũng như tôi còn nợ với văn chương, chữ nghĩa. Là một người viết, chúng ta không thể lặng im trước những sự vật, hiện tượng đã, đang và sẽ diễn ra trước mắt chúng ta. Hãy đi và đến, hãy đi và viết, để cảm thấy mình không vô cảm. Tôi biết, mình phải có nhiều phước báu lắm mới được về làm dâu xứ Nghệ, chính vì vậy mảnh đất và con người xứ Nghệ sẽ là những đề tài xuyên suốt trong những tác phẩm của tôi sau này.

Nhà thơ Tùng Bách: Tiến tới Đại hội lần thứ XI Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2023 – 2028, nhà văn có đề xuất, nguyện vọng gì không?

Nhà văn Lý Thu Thảo: Thú thực, nguyện vọng đề xuất thì rất nhiều. Nhiệm kỳ 5 năm vừa rồi đã làm rất tốt, chắc chắn nhiệm kỳ tới và những nhiệm kỳ tiếp theo sẽ phát huy ngày một tốt hơn thôi. Nghệ An là vùng đất địa linh nhân kiệt, là mạch nguồn tươi mát để văn nghệ sĩ trải hết lòng mình dấn thân với sự nghiệp văn học nghệ thuật. Bởi tôi biết, Hội LHVHNT Nghệ An có rất nhiều cây bút tài năng nhất định sẽ có nhiều đóng góp tích cực cho Hội. Chính sự gắn kết, thân ái, vô tư là cái nôi để văn nghệ sĩ có động lực chinh phục chính mình bằng những tác phẩm văn học có chất lượng.

Nhà thơ Tùng Bách: Cảm ơn, xin chúc nhà văn cùng đại gia đình ta một năm đầy niềm vui, hạnh phúc và thành đạt.

Gặp nhà thơ Cao Xuân Thưởng

Nhà thơ Tùng Bách: Ông Thưởng là người đa hệ, thích chơi, ham vui. Hiểu biết nhiều món nghệ thuật, và xem ra món nào cũng sành điệu. Làm thơ, viết văn, viết kịch bản sân khấu, chơi đàn đáy, hát ả đào. Ấy là chưa kể đến khả năng làm thầy dùi, thầy gà cho các cuộc hát đò đưa ví giặm Nghệ Tĩnh. Ông còn là thầy thuốc bắc có tiếng ở phủ Diễn Châu. Các cụ xưa bảo người lắm tài thường nhiều tật, vậy Cao lão thì sao?

Nhà thơ Cao Xuân Thưởng: Tôi không dám nhận mình là kẻ lắm tài mà chỉ là đứa ham chơi thôi, vậy nên “tật” càng nhiều. Chỉ kê sơ vài cái: thứ nhất do chính cái ham chơi nhiều mà sinh ra. Người ta nói: “Một nghề cho chín hơn chín mười nghề”. Vậy nên tôi không có cái gì giỏi cả. Thứ hai là “thiếu chí tiến thủ”. Trừ thơ ra mọi môn nghệ thuật mình làm đều do sự tò mò, ham chơi mà tìm hiểu và làm chứ không mấy quan tâm đến thành bại. Không quá mừng khi thành công và không hề buồn khi thất bại. Trong khi đó lao động nghệ thuật đòi hỏi đam mê sống chết, kiểu “chơi” như mình sẽ không có thành quả lớn, v.v…

Nhà thơ Tùng Bách: Trở lại với thơ, sau quả “Chạm vào nỗi nhơ”- tập thơ xuất bản cũng đã lâu lâu rồi đấy, ông đã manh nha sẽ ra tiếp tập thơ mới chưa?

Nhà thơ Cao Xuân Thưởng: Cũng có ý định ra một tập mới mang tên “Dấu lặng” khoảng 50 bài vào đầu năm 2024 nhưng vẫn đắn đo, giờ già cốc rồi rất ngại lục lại để làm bản thảo, hơn nữa thơ giờ cũng già như tuổi rồi, biết có nên không (?) Còn một tập văn xuôi rồi kịch hát dân ca nữa nhưng… ngại quá.

Nhà thơ Tùng Bách: Trước thềm Đại hội Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An khóa XI, ông hy vọng và có đề xuất gì không?

Nhà thơ Cao Xuân Thưởng: Tôi thấy khóa vừa rồi tương đối “êm”, Ban Chấp hành đều tay, tổ chức được nhiều hoạt động đặc thù, mang lại nhiều quyền lợi cho hội viên. Tạp chí Sông Lam tăng số lượng, chất lượng. Rất cần quan tâm sâu đến một số nhân tố trẻ có tài năng để tạo ra những tác phẩm “đinh” và những nhân tài kế nghiệp. Thường vụ Hội nếu không vì lí do đột xuất thì hãy giữ nguyên cũ.

Gặp nhà phê bình Hà Vinh Tâm

Nhà thơ Tùng Bách: Ngoài nghề giáo dạy văn chương, thạc sỹ Hà Vinh Tâm còn là một nhà lý luận phê bình văn học và một nhà thơ. Giảng dạy văn chương và sáng tạo văn chương có vẻ như hai mà một, cũng có vẻ như không liên quan gì mấy, Hà Vinh Tâm nghĩ sao?

Nhà phê bình Hà Vinh Tâm: Dạ, câu hỏi của chú hay quá ạ. Với Hà Vinh Tâm thì việc giảng dạy bộ môn Ngữ văn và sáng tạo văn chương nghệ thuật, nghiên cứu phê bình văn chương là thiện nghiệp may mắn mình được gắn bó. Các lĩnh vực này có quan hệ mật thiết với nhau với mục đích hướng đến là khám phá vẻ đẹp của văn chương và cuộc sống, hướng đến chân, thiện, mỹ của đời sống con người. Môi trường giáo dục trở thành đề tài cho các sáng tác văn chương, để văn chương trở nên gần gũi và đời hơn, còn những hiểu biết về văn chương giúp cháu cảm nhận sâu sắc các văn bản dạy học từ đó truyền đến học trò tình yêu, giá trị văn chương một cách thấm thía, giàu cảm xúc. Các lĩnh vực này bổ sung cho làm, làm trọn vẹn hơn đời sống tinh thần và giúp cháu hoàn thiện mình tốt hơn từng ngày, tự tin lan tỏa những giá trị thiện lành, tích cực cho học sinh và bạn đọc văn chương.

Nhà thơ Tùng Bách: Theo Hà Vinh Tâm, văn hóa đọc hiện thời đang xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là lớp trẻ, nguyên nhân do đâu? Có phải những tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa còn vấn đề bất cập nào đó như chưa hay, không phù hợp chẳng hạn?

Nhà phê bình Hà Vinh Tâm:  Văn hóa đọc của học sinh là vấn đề đang được quan tâm chú ý trong các nhà trường với nhiều hình thức và quy mô khác nhau. Có một bộ phận giới trẻ chưa thực sự có thói quen và hứng thú đọc sách mà nguyên nhân chủ yếu là do sự cám dỗ của các ứng dụng công nghệ thông tin của thời đại 4.0. Còn các tác phẩm đưa vào sách giáo khoa thì đã có sự chọn lọc khá kỹ càng từ các nhà biên soạn sách. Cái hay của các tác phẩm phụ thuộc vào định hướng, cách khai thác và kinh nghiệm đọc của giáo viên giảng dạy, của học sinh. Nếu hiểu đúng thì sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo nên giáo viên có thể chọn lọc những tác phẩm khác phù hợp hơn thay thế khi tổ chức cho học sinh khám phá. Điều quan trọng nằm ở tầm đón đợi, ở phông nền văn hóa, gu thẩm mỹ, độ sâu sắc, cách tư duy mở của người đọc trong nhà trường mà giáo viên là người đọc nhiều kinh nghiệm hơn.

Gặp nhà thơ Phan Thúc Định

Nhà thơ Tùng Bách: “Tuổi dại” là tập thơ đầu tay xuất bản cách nay cũng hơi bị lâu rồi ấy nhỉ? Cái hồi thầy Phan Thúc Định còn dạy học ở Quỳ Hợp. Vậy bao giờ thầy giáo, nhà thơ Phan Thúc Định dạy THPT Nam Đàn 2 mới cho ra mắt tiếp tập “Tuổi khôn” đây?

Nhà thơ Phan Thúc Định: Sau tập thơ “Tuổi dại” như anh nói ấy, em đang có dự định xuất bản một vài tập tiếp, tuy nhiên chưa thu xếp đươc thời gian cũng như kinh phí. Thôi thì đến mô tính đó, nói trước nhiều khi bước không qua!

Nhà thơ Tùng Bách: Dạy học là nghề, còn làm thơ là nghiệp. Vậy theo nhà giáo, nhà thơ Phan Thúc Định việc giảng dạy văn chương có gì giống và khác với sáng tạo văn chương?

Nhà thơ Phan Thúc Định: Việc giảng dạy văn trong trường THPT và sáng tác văn học có gì khác nhau? Tôi thích câu hỏi này. Thực ra việc dạy văn và sáng tác văn nó có nhiều cái khác. Dạy văn đòi hỏi giáo viên phải thực hiện các yêu cầu về sư phạm, về lập trường theo lý luận giáo dục và thể chế… còn việc sáng tác văn nó lại là câu chuyện của cảm xúc, của tâm hồn mang tính chủ quan. Tuy nhiên, chính việc sáng tác văn chương lại hỗ trợ rất nhiều cho bản thân em trong giảng dạy. Như anh biết đấy, khi mình là người sáng tác mình sẽ hiểu hơn về chính tác giả và cảm xúc, cảm hứng của tác giả, hệ thống các thủ pháp (kĩ thuật) được sử dụng trong việc xây dựng tác phẩm… đó là lợi thế của người sáng tác khi trực tiếp giảng dạy môn Ngữ văn.

Gặp nhà thơ Hoàng Cẩm Thạch

Nhà thơ Tùng Bách: Có lẽ trong làng thơ xứ Nghệ, Hoàng Cẩm Thạch là nhà thơ có số lượng bài thơ được các nhạc sĩ phổ thành ca khúc nhiều nhất?

Nhà thơ Hoàng Cẩm Thạch: Vâng, có thể là như vậy, tổng số bài hát phổ nhạc thơ Cẩm Thạch gần 200 bài. Nhiều bài được giải thưởng, được phát sóng trực tiếp trên VTV1, VTV3, VTV4, NTV, đài các tỉnh và tham gia liên hoan trong và ngoài tỉnh.

Nhà thơ Tùng Bách: Ngoài nghiệp thơ ca, Hoàng Cẩm Thạch còn là một thiện nguyện có uy tín. Nhà thơ đã hoạt đông thiện nguyện được bao lâu? Cái khó nhất của công việc thiện nguyện là gì? Bằng cách nào để có thể vượt qua mọi dị nghị của người đời?

Nhà thơ Hoàng Cẩm Thạch: Ngoài thơ ca, tôi đã hoạt động thiện nguyện được hơn 10 năm. Khởi tâm từ những người thân trong gia đình mình (bố mẹ và các con). Tôi đã mua 1 tấn gạo về Hưng Nhân, sau khi cơn lũ đến tàn phá. Góp 10 triệu chương trình Tết ấm biên cương tỉnh Nghệ An kêu gọi từ (truyền hình trực tiếp)… Được bạn bè sinh sống ở Đức, ở Ukraina tin tưởng, tôi làm đại diện Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Kiev – Ukraina, nhiều năm mang tiền, gạo, quần áo, sách vở… đến các vùng lũ tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An giúp bà con; đi Hà Nội ủng hộ Cảnh sát Biển chống hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981… quyên góp hàng nhu yếu phẩm, quần áo bảo hộ y tế, nước rửa tay diệt khuẩn đi ủng hộ Bộ đội Biên phòng và đồng bào biên giới chống Covid-19. Cùng Bộ đội Biên phòng Nghệ An kết nối, quyên góp tiền tặng 4 ngôi nhà tình nghĩa, 3 điểm trường xây dựng các hạng mục: bếp ăn, bờ rào, mái tôn… Nhiều năm quyên góp gạo, mắm, dầu, mì chính, mì ăn liền lên biên giới tặng quà tết cho bà con vùng cao khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động làm thiện nguyện cũng có những cái khó như chưa tranh thủ được sự ủng hộ của một số bạn bè, vẫn còn những nghi ngờ.

Cách vượt qua dị nghị là luôn nghĩ đến người nghèo khó, tự tin ở bản thân mình. Hãy luôn nghĩ rằng, đồng bào nơi biên giới đang rất nghèo, họ đang chờ mong sự cảm thông chia sẻ và những tấm lòng yêu thương. Mình đến với bà con bằng tấm chân tình ấy.

Gặp nhà thơ Nguyễn Trường Thọ

Nhà thơ Tùng Bách: Nghe đồn lâu nay nhà thơ ít giao du bạn bè, dành thời gian cho cuộc “cách mạng thơ lục bát”. Tiêu chí sẽ trình làng tập thơ 1000 bài lục bát nhà thơ chuẩn bị đến đâu rồi?

Nhà thơ Nguyễn Trường Thọ: Đúng thế, dự định của tôi sẽ hoàn thành tuyển tập 1000 bài thơ lục bát, các thể loại thơ khác tôi vẫn sáng tác, nhưng thơ lục bát là chủ đạo, đó cũng là dự định trong cuộc đời sáng tác của tôi. Nếu không có gì thay đổi bước sang tuổi 70 tôi sẽ xuất bản. Còn sang năm 2024 này tôi sẽ xuất bản tập thơ mới, với 108 bài lục bát, bản thảo cơ bản đã chuẩn bị đâu vào đấy rồi.

Nhà thơ Tùng Bách: Nhà thơ có nghĩ tập thơ chỉ độc mỗi món lục bát dễ gây nhàm chán không?

Nhà thơ Nguyễn Trường Thọ: Tôi nghĩ đã “nhàm” thì thể loại nào cũng “nhàm” không cứ gì lục bát, nếu thơ không ra thơ. Nhưng đã yêu, đã dự định thì phải cố gắng hết khả năng của mình thôi.

Gặp nhạc sĩ Lê Hàm

Nhà thơ Tùng Bách: Theo quan niệm của người Việt ta, cứ chạm đến ngưỡng 70 tuổi được coi là thượng thọ. Còn ngoài 70, thêm tuổi nào, coi như lãi ròng. Năm nay 2024, nếu tính cả tuổi mụ vị chi đại ca chạm ngưỡng “cửu thập nhất niên”, nằm trong tốp những người hiếm xưa nay. Xin hỏi đại ca, từ giờ trở đi, đại ca có “âm mưu” hay dự tính gì khả thi cho mình không?

Nhạc sĩ Lê Hàm: Từ giờ trở đi chỉ lo đừng ọc ạch ốm đau chi cả. Còn kế hoạch là chơi. Trời còn cho – Trò còn chơi!

Nhà thơ Tùng Bách: Vâng, tiểu đệ xin chúc đại ca luôn sống vui, sống khỏe tiếp tục chơi trên 5 dòng kẻ với 7 nốt nhạc ma mị của đời. Biết đâu đấy “anh hoa lại thêm lần phát tiết”!

 Tùng Bách (thực hiện)