Năm 1976, Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh được coi là Hội địa phương có lực lượng hùng hậu nhất, nhì cả nước. Văn phòng Hội có những 27 biên chế, được phiên làm 4 tổ. Tổ thứ nhất thật ra là Ban Thường trực nhưng anh em gọi nôm na là tổ lãnh đạo gồm nhà thơ Trần Hữu Thung, Hội trưởng, các hội phó: nhà thơ Minh Huệ, nhà thơ Xuân Hoài, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Thái Kim Đỉnh. Còn nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong cũng là Hội phó nhưng thỉnh thoảng mới ghé Hội, ông đang là Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin.
Tổ thứ 2 là tổ sáng tác gồm các nhà văn, nhà thơ: Quang Huy, Thạch Quỳ, Tùng Bách, Nguyễn Quốc Anh, Cảnh Nguyên, Chính Tâm, Hồ Hữu Nại, Ngô Thực, Nguyễn Hữu Lợi, Trần Văn Kính.
Tổ thứ 3 – Tổ Tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh gồm các nhà văn, nhà thơ: Hồng Nhu, Bá Dũng, Đặng Văn Ký, Nguyễn Xuân Phầu, Đức Ban, họa sĩ Đào Phương.
Tổ thứ 4 là Tổ Hành chính gồm Trần Văn Lệ, Nguyễn Thị Luyên, Nguyễn Thị Thuyến, Kim Anh, Hồ Thị Thu.

Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ chỉ mới có 2 nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là Trần Hữu Thung và Minh Huệ. Quyền lợi tuy chẳng có gì ngoài lương ba cọc ba đồng nhưng hình như khâu oai là quan trọng. Anh chị em văn phòng Hội nhìn chung là vô tư. Làm ở Hội Văn nghệ hay bất cứ cơ quan hành chính sự nghiệp nào lúc bấy giờ cũng nghèo như nhau. Lấy vui làm chính, nhất là được nằm trong biên chế nhà nước. Hồi ấy chế độ hợp đồng lao động hiếm lắm. Nên ai làm gì ở đâu lo bảo toàn sao cho đừng khỏi lọt vào tốp giảm biên chế từng đợt là tốt rồi.

Hàng năm cứ vào dịp Tết Nguyên đán, công đoàn cũng họp bàn làm sao để anh chị em văn phòng có được cái tết kha khá ngoài các tiêu chuẩn được nhà nước quy định. Lương thực như gạo nếp, rượu… thì thân ai nấy lo. Còn thực phẩm thì anh em có khả năng xoay xở được nhờ quan hệ với các cơ sở quen biết. Có lần Tùng Bách và Hữu Lợi được giao nhiệm vụ đi xin bò ở một trại chăn nuôi ở Hồng Lĩnh. Sau khi trình giấy giới thiệu và tỏ bày nguyện vọng, trại chăn nuôi Hồng Lĩnh duyệt cho Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh 1 con bò để cơ quan ăn Tết. Hồi ấy trại chăn nuôi bò nào cũng giống trại nào, gọi là trại bò (nơi giam giữ bò thì đúng hơn) vì hàng trăm con bò con nào con nấy đều gầy yếu xiêu lơ!
Từ Hồng Lĩnh về Vinh khoảng cách 18 cây số mà Tùng Bách và Hữu Lợi dẫn được bò về tới cơ quan Hội Văn nghệ mất đứt gần một ngày trời. Cứ một anh cầm dây thừng cùng xe đạp đi trước, một anh cầm roi dắt xe đạp đi sau vừa đi vừa động viên, vừa dọa dẫm quát tháo mà chú bò cứ xiêu lơ, nom đến thảm hại. Đi mãi cuối cùng cũng đến được cầu phao Bến Thủy. Lúc này thì người trước dắt còn người sau phải dùng hết công năng xô đẩy cật lực bò mới thoát qua khỏi bờ bắc Bến Thủy. Hai anh em ghé vào cửa hàng ăn uống lót dạ suất cơm chiều để còn lấy sức áp tải bò về cơ quan. Phần giết mổ chia chác còn lại giao cho Chánh Văn phòng Trần Văn Lệ. Ngoài bữa liên hoan nhẹ, mỗi cán bộ của Hội được 2,5 kí thịt bò tòng teng về quê ăn Tết.

Tháng Chạp năm sau cũng bổn cũ soạn lại. Lần này đến lượt nhà văn Đức Ban và Bá Dũng. Hai gã nhà văn này sớm rút được kinh nghiệm của Tùng Bách và Hữu Lợi nên sau khi xin được con nghé (trâu con) của một trại chăn nuôi ở tận Cẩm Xuyên, hai gã đã nhờ người giết thịt, chia làm hai bao tải buộc vào gác-ba-ga xe đạp đèo về. Về đến cơ quan hai gã báo cáo là thịt bò. Anh chị em cơ quan Hội cũng đinh ninh đó là thịt bò thật.

Cái thời buổi khó khăn thiếu thốn đủ thứ, Tết nhất có vài ký thịt từ cơ quan mang về góp vui với gia đình là tốt rồi. Thịt trâu, thịt bò cũng là thịt. Chỉ khổ cho lão Trần Văn Kính bị bệnh hen suyễn lâu năm, nghe đâu sau khi chén xong bữa trưa đầu năm mới thì lên cơn hen suyễn, nghẹt thở phải bập hết hai điếu thuốc hoa cà độc dược mới dãn nở phế nang, mới thở lại được. Cái món thịt trâu này tính hàn, kị bệnh hen suyễn lắm.
Sau này, khi đời sống ngày càng được nâng cao, thỉnh thoảng anh em văn phòng Hội có dịp gặp nhau, kể lại chuyện một thời, ai nấy cười ra nước mắt.

Sản xuất câu đối Tết

Năm tám mươi, gạo tám mươi (1980), không riêng gì dân xứ Nghệ mặt vàng như nghệ mà cả nước cũng rơi vào tình trạng đói kém. Chủ trương đề ra 21 triệu tấn lương thực/năm, mà bì bọp mãi vẫn không thể cán đích. Tiêu chuẩn cán bộ viên chức khối hành chính sự nghiệp 13 ký lương thực/tháng. Mỗi tháng chỉ được mua 5 đến 7 ký gạo, số còn lại được quy đổi bằng mì hột, mì bột hoặc các loại ngô, khoai, sắn. Nhiều hộ gia đình thành phố phải liên hệ chạy vạy đủ cách để tăng thu nhập như quấn thuốc lá, bóc lạc thuê cho công ty nông sản, nuôi heo, v.v… Nhóm văn nghệ sỹ độc thân chỉ mỗi họa sỹ Đào Phương chưa có vợ, số còn lại có vợ nhưng sống độc thân ở Vinh như Trần Hữu Thung, Hồ Hữu Nại, Tùng Bách, Cảnh Nguyên, Nguyễn Xuân Phầu luôn thừa thời gian nhưng… thiếu tiền. Giữa tháng 11 âm lịch năm 1980, nhà thơ Trần Hữu Thung triệu hồi Đào Phương, Tùng Bách, Hồ Hữu Nại và Cảnh Nguyên họp bàn chuyện sản xuất câu đối Tết mục đích kiếm tí đỉnh thu nhập tiêu Tết. Sau một hồi bàn bạc, cuối cùng phân công phân việc như sau: Trần Hữu Thung chịu trách nhiệm sáng tác câu đối và viết chữ Nho. Họa sỹ Đào Phương liên hệ xin ông anh ruột là Đào Viên làm việc tại bộ phận chụp XQ Bệnh viện Hữu nghị Ba Lan những tấm phim hỏng – rồi trổ chữ và pha bột màu; Tùng Bách và Hồ Hữu Nại dùng bút lông quét lên phần chữ đã trổ, sao cho phần chữ màu đen lọt xuống nền phông câu đối màu đỏ. Xong việc thì treo lên dây phơi (tuyệt đối không được để nhòe), còn nhà thơ Cảnh Nguyên được Trần Hữu Thung chọn mặt gửi vàng, giao cho việc tiếp thị, tiêu thụ câu đối. Sau một tuần ra sức quyết tâm, anh em cũng cho ra lò được 100 đôi câu đối. Hồi ấy câu đối Tết và tờ cuốn thư là mặt hàng độc quyền của ngành phát hành sách, nên giá cả cứ mềm hơn giá bày bán trong các cửa hàng sách, văn hóa phẩm “mậu dịch quốc doanh” chút ít là cũng dễ bán. Trong thời gian chờ Cảnh Nguyên đi tiêu thụ trở về, anh em cũng kịp sản xuất thêm được chừng 100 câu đối cho lượt tiếp theo.

Sau một tuần “tác nghiệp” tại chợ Si Diễn Châu trở về, nom sắc diện hồ hởi phấn khởi của Cảnh Nguyên, anh em ai nấy đều rạng ngời hy vọng. Trần Hữu Thung hỏi Cảnh Nguyên: Câu đối bán  hết  rồi  hả  Tích? (Tích là tên khai sinh của nhà thơ Cảnh Nguyên), Cảnh Nguyên hồ hởi: Tình hình là tiêu thụ gần hết rồi anh ạ. Còn tiền thì mới thu được dăm câu! Trần Hữu Thung bảo: Nguẩy, bán những một trăm đôi câu đối mà chỉ thu tiền được dăm câu là răng? Cảnh Nguyên cười hề hề… Khổ lắm, ra chợ Si gặp toàn người làng, người quen, bạn bè. Nhiều người nghe nói câu đối của Trần Hữu Thung họ thích lắm. Người mua một đôi, người mua hai đôi, nhưng họ hẹn phiên chợ sau trả tiền, người làng cả lo chi. Thôi, để em làm tiếp chuyến nữa, lần ni về gặp, em bảo họ thanh toán một thể!

Lại 100 câu đối tiếp theo được Cảnh Nguyên gói ghém buộc vào gác-ba-ga xe đạp hướng phía cầu Cấm trực chỉ, để rồi hai tuần sau quay về, lại được Cảnh Nguyên báo cáo tình hình y như lần trước, không sai dấu chấm dấu phẩy nào: “Họ bảo bữa sau về có tiền sẽ thanh toán”.

Trần Hữu Thung bảo Tùng Bách xuống quán rượu ông Hứa cạnh Rạp 12/9 tạm ứng chai rượu gạo và xâu nem chua Thanh Hóa, gọi anh em “tổ hợp sản xuất câu đối” tụ họp tại phòng Trần Hữu Thung liên hoan, mừng “câu đối biếu chạy”
Chuyện như mới hôm qua mà đã 43 năm. Trong số anh em sản xuất câu đối Tết ngày ấy, đến nay (năm 2024) chỉ còn lại Tùng Bách và nhà thơ Cảnh Nguyên. “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”!

Ngôn ngữ bất đồng

Bấy giờ là tháng 12 năm Bính Thìn 1976. Nhân ngày đẹp trời mấy anh em gồm nhà thơ Thạch Quỳ, Nguyễn Xuân Phầu, họa sỹ Đào Phương và Tùng Bách rủ nhau ra phố Quang Trung thực tế công trường xây dựng nhà lắp ghép do chuyên gia Cộng hòa Dân chủ Đức chỉ huy thực hiện.

Mấy anh em đến khu B5 xem chú chàng phụ trách chiếc cần cẩu cao to nhất thành Vinh lúc bấy giờ nâng những miếng, mảng bê tông đúc sẵn chao qua chao lại giữa không trung nhẹ như lông hồng. Mấy vị chuyên gia Đức thấy chúng tôi nở nụ cười thân thiện, bắt tay, xin chào… ríu rít.

Cậu phiên dịch người Nghi Lộc không biết trình độ ngoại ngữ thế nào mà thông ngôn bằng cách miệng nói, tay múa! Biết chúng tôi là những người làm thơ viết văn của Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh, qua thông dịch, họ yêu cầu chúng tôi đọc thơ? Tôi chỉ vào nhà thơ Thạch Quỳ, nói với chú chàng thông dịch rằng đây là nhà thơ “khét tiếng” của Nghệ Tĩnh. Thạch Quỳ được ưu tiên giới thiệu đọc thơ. Tôi bảo Thạch Quỳ: Bác cứ “Gạch vụn thành Vinh” mà ngôn thôi? Lần đầu tiên trong đời tôi thấy Thạch Quỳ đọc thơ say sưa bằng giọng đặc Nghệ và cả ngôn ngữ hình thể dẻo như diễn viên múa sắc bùa. Đến đoạn “ Gạch vụn ùa lên ôm lấy cột cờ” Thạch Quỳ cũng dang rộng hai tay vươn về phía trước, rồi ôm trọn vòng tay! Mấy vị chuyên gia Đức gật gật đầu, sau khi được chú chàng thông dịch. Đến đoạn ”Em nhỏ ném thia lia trên bến Cửa Tiền/ Thấy bộ đội hành quân mừng chạy lại” thì chú chàng thông dịch không biết phải dịch thế nào cho người Đức thông, bèn ngoảnh sang tôi hỏi nhỏ: Tại mần răng em nhỏ đang ném thia lia… Thấy bộ đội hành quân mừng chạy lại làm gì? Tôi bảo: Cậu cứ dịch là mấy em nhỏ đang chơi trò ném mảnh sành trên sông, thấy đoàn quân đi qua bèn dừng ném thia lia, chạy lại. Còn chạy lại để xin kẹo hay xin lương khô thì ai mà biết! Thôi thì, cậu cứ dịch đại là các em nhỏ chạy lai xin kẹo các chú bộ đội cho nó lành. Người Đức chắc họ không hiểu lương khô là gì đâu! Không biết cậu thông dịch, dịch thế nào, chỉ thấy các vị chuyên gia Đức nghe xong, người nọ vỗ vai người kia cười thích thú lắm.
Đến lượt Nguyễn Xuân Phầu đọc thơ. Nguyễn Xuân Phầu là nhà văn nhưng thỉnh thoảng có làm thơ. Tôi bảo, anh nên rút kinh nghiệm, đọc bài nào ngăn ngắn, có tứ là được, chứ như anh Thạch Quỳ đọc “Gạch vụn thành Vinh” vừa rồi, bố thằng nào có thời giờ mà nghe với dịch!
Nguyễn Xuân Phầu hắng giọng đọc bài thơ ca ngợi những người thợ mỏ khai thác than đá. Bài thơ chưa đến 20 câu. Tôi nhớ 2 câu cuối bài “ Một thước chiều cao/ Một thước chiều sâu”.
Không hiểu cậu thông dịch dịch thế quái nào mà các vị chuyên gia Đức tỏ vẻ kém vui.
Sau ít bữa có dịp gặp lại, tôi hỏi cậu thông dịch, hôm ấy cậu dịch bài thơ của bác Phầu thế nào? Cậu ta bảo: thì em dịch theo tinh thần lao động của những người phu đào huyệt!
Trời ạ, công việc của người đào than đá, mà cậu dịch ra phu đào huyệt! Quả là hết nước chấm!

Nấu cơm nếp thành cháo chè

Cứ theo như nhiều giai thoại được kể đăng tải trên một số sách báo thì nhà thơ Trần Hữu Thung quả thật là người lắm tài. Ông là đô vật có đai có đẳng nổi tiếng khắp vùng Diễn Châu, là thiện xạ săn bắn chim muông, cáo chồn… bách phát bách trúng. Là ông đồ Nghệ thông tuệ chữ Nho và chữ Pháp. Viết tấu nói, đặt vè nổi tiếng khắp vùng Nghệ Tĩnh. Ấy là chưa kể đến bài thơ “Thăm lúa” của ông từng được tặng giải thưởng văn học Á Phi thập niên 50 của thế kỷ 20. Trước khi trở về Nghệ An làm văn hóa – văn nghệ, Trần Hữu Thung từng là Tổ trưởng tổ thơ Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cũng là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Sau khi chia tay với người vợ đầu, ông tính chuyện đi bước nữa với cô y tá tên Phương làm việc tại Bệnh viện huyện Diễn Châu.
Chánh Văn phòng Hội Văn nghệ Nghệ An Trần Văn Lệ kể: Sáng sớm hôm ấy, trước lúc đi chợ, Trần Hữu Thung qua phòng mình bảo trưa nay cô Phương đến nhởi, mình tranh thủ đi chợ mua ít nếp và ít trứng vịt.
Hồi ấy có cơm nếp với trứng vịt rán tiếp đãi khách cũng được gọi là sang.

Anh em cơ quan văn phòng Hội biết chuyện, ai cũng thấp thỏm mong người yêu của thủ trưởng Thung đến để xem mặt. Khoảng chừng 10 giờ Trần Hữu Thung vẻ hớt hải ghé phòng Trần Văn Lệ hỏi mi có chai mật mô không? Trần Văn Lệ bảo có, anh lấy mật kho cá hay kho thịt? Trần Hữu Thung nói tỉnh bơ: cá thịt chi mô, tau nấu cơm nếp nhưng quên tẻ bớt nước nên dừ lõng bõng như cháo rồi. Thôi thì không ra cơm nếp thì thành cháo chè cũng được chơ biết răng dừ! Trần Văn Lệ bảo mình cố nhịn cười mà không tài chi nhịn được. Không biết bữa ấy Trần Hữu Thung đãi người yêu món gì, ngoài món cháo chè?!
Đúng là “Cơm nếp hóa cháo chè/ Không nhớ anh răng được/ Không nhớ chàng răng được”.

Nhà văn siêu xuất ngoại

Có lần cơ quan văn phòng Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh họp thông qua các bản khai lý lịch cá nhân của cán bộ viên chức. Theo mẫu lý lịch, trong đó có một số câu yêu cầu người khai điền vào chỗ trống như: Đã đi nước ngoài lần nào chưa? Đi nước nào? Số lần đi? Lý do?

Người được đi nước ngoài hồi đó hiếm lắm. Cơ quan Hội Văn nghệ gồm 27 người, nhưng chỉ có mỗi nhà thơ Trần Hữu Thung là được đi nước ngoài một lần (tham dự liên hoan Hội Thanh niên Á Phi) số anh chị em còn lại cũng chỉ mới đi loanh quanh trong 16 tỉnh thành miền Bắc. Ấy thế mà nhà văn Hữu Lợi khai trong bản lý lịch của mình là đã từng đi nước ngoài nhiều lần, nhiều tới mức không nhớ nổi. Lý do đi nước ngoài Hữu Lợi khai là đi đòi tru kéo cho Lâm trường Hương Sơn.

Chủ trì cuộc họp là Hội trưởng, nhà thơ Trần Hữu Thung hỏi: Rứa Hữu Lợi đi sang nước Lào đòi tru kéo cho lâm trường thật hư a răng mà đi nhiều đến mức không nhớ nổi? Ung mi không đùa với anh em đấy chơ? Nếu thật thì nói nghe thử mồ?
Hữu Lợi đứng lên thưa: Chuyện tôi đi sang Lào đòi tru kéo cho lâm trường là thật, không tin các anh cứ hỏi Tùng Bách thì biết?

Tôi là chỗ thân tình với Hữu Lợi nhiều năm, hình như mọi sự cố sự kiện của Hữu Lợi tôi đều biết. Tôi vốn dĩ nhẹ dạ cả tin lại hay thương người, anh em bạn bè nhờ gì, thấy giúp được thì giúp.
Tôi đứng dậy, thay lời Hữu Lợi trình bày: Dạ thưa, nhà văn Hữu Lợi vốn là cán bộ kỹ thuật của Lâm trường Hương Sơn, đơn vị 2 lần được phong Anh hùng.

Một lần, trong Đại hội công nông binh toàn miền Bắc tổ chức tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn năm 1969, một số nhà báo có phỏng vấn Hữu Lợi về khai thác gỗ và tiềm năng cây rừng Hương Sơn, Hữu Lợi trả lời: Về tốc độ khai thác của lâm trường trong thời gian qua và như hiện nay, cơ bản chúng tôi đã và đang hoàn thành việc xóa xong cây rừng Hương Sơn! Bởi lẽ, chỉ nhằm vào việc chặt hạ cây để lấy thành tích mà không lo đến việc trồng rừng thì tương lai lấy đâu ra gỗ để khai thác!

Việc trả lời báo chí của cán bộ kỹ thuật Hữu Lợi lúc bấy giờ như gáo nước lạnh dội xuống bản thành tích lâm trường. Biết chuyện này, Giám đốc Lâm trường Phạm Tự Do thấy cứ để Hữu Lợi ở phòng kỹ thuật Lâm trường Bộ thì sớm muộn họa sẽ nhiều hơn lợi, nên quyết định điều chuyển Hữu Lợi qua Đội vận chuyển gỗ.
Đội vận chuyển gỗ từ rừng ra bãi tập kết chủ yếu là trâu kéo. Con nào con nấy to béo lừng lững. Hữu Lợi được giao việc chăn trâu. Chăn trâu công việc tưởng nhàn nhưng không kém phần vất vả. Bản tính Hữu Lợi xuề xòa, hồn vía trao khe gửi suối, chăn trâu theo cách thả rông, nên đến cuối ngày dẫn trâu về bàn giao cho Đội vận chuyển thì tìm đỏ mắt chẳng thấy con trâu nào. Hóa ra trâu vượt qua đỉnh núi Giăng Màn sang bên nước bạn Lào kiếm ăn, không nhớ đường quay lại. Báo hại Hữu Lợi phải luồn rừng, vượt suối qua mái núi bên kia nước Lào dẫn trâu về. Ngày nào cũng như ngày nào… Sau hơn 1 năm chấp hành tốt công việc tại Đội vận chuyển không để mất mát con trâu nào, Hữu Lợi lại được điều về phòng kỹ thuật Lâm trường. Đến năm 1975, Hữu Lợi xin chuyển công tác về Hội Văn nghệ Hà Tĩnh.
Thưa các đồng chí, chuyện xuất ngoại của anh Hữu Lợi là như thế đấy ạ.
Nghe Tùng Bách kể xong, anh chị em cơ quan vui hẳn vì không nhịn được cười. Nhà thơ Trần Hữu Thung cười không ra tiếng, chỉ thấy toàn thân rung bần bật, vẻ khoái chí, rồi buông một tiếng “gòa” rõ to.
Từ đấy trở đi Hữu Lợi được mệnh danh là “nhà văn siêu xuất ngoại”.

Nhà thơ Tùng Bách kể