Nhà thơ Nguyễn Quốc Anh- Người tự biết sức mình

  • Nhà thơ Nguyễn Quốc Anh, quê ở xóm Trung Hòa xã Đức Bùi, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
  • Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
  • Hội viên Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Nghệ An
  • Nguyên Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật thành phố Vinh
  • Huy chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam; Huy chương kháng chiến hạng nhất.
  • Nhà thơ Nguyễn Quốc Anh từng là lính pháo binh thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh những năm 1965- 1970.
  • Năm 1971 chuyển ngành về làm chánh văn phòng Hội văn nghệ Hà Tĩnh.
  • Từng là ủy viên Ban chấp hành Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Nghệ An khóa VI và khóa VII.
  • Đã xuất bản 9 tập thơ và 2 tập văn xuôi
  • Giải thưởng: Giải B và C Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương
  • Ông mất ngày 7 tháng 1 năm 2012.

Tôi nhớ mãi buổi chiều cuối năm 1973, Nguyễn Quốc Anh ghé Phòng Xây dựng – Ty Văn hóa Hà Tĩnh tìm tôi. Sau một hồi thuốc, nước, anh đặt vấn đề rủ tôi chuyển qua Hội Văn nghệ.

Hồi ấy, Hội Văn nghệ Hà Tĩnh được coi như một phòng ban của Ty Văn hóa nên việc điều chuyển nhân sự từ phòng này qua ban khác chả có gì khó khăn! Thấy tôi chần chừ Quốc Anh phán luôn: “Việc này đã được cụ Hưu – Hội trưởng kiêm bí thư Đảng đoàn và cụ Đỉnh – Phó Hội nhất trí rồi, kể cả cụ Hà Huy Lư – Trưởng ty cũng đã gật. Cậu về làm Chánh văn phòng Hội, coi như “thế mạng” thay mình nửa năm. Tháng sau mình phải ra Quảng Bá dự lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khóa 6. Học xong, mình về sẽ đến lượt cậu đi!”.
                                     Nhà thơ Nguyễn Quốc Anh. Ảnh: Tư liệu
Tôi vốn nhẹ dạ cả tin lại ham vui, nghe Quốc Anh nói ngọt thì nhất trí về Hội Văn nghệ.
Xong khóa bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du trở về, tôi viện đủ lý do trả bằng được cái chức Chánh văn phòng Hội cho Nguyễn Quốc Anh. Cũng phải năm lần bảy lượt anh mới nhận lại. Hồi ấy lứa cán bộ ngoài 20 ít ai nghĩ đến chức tước, làm anh cán bộ mà lại cán bộ văn hóa văn nghệ cũng oai lắm rồi .
Có lần tôi hỏi Nguyễn Quốc Anh: “Nửa năm qua bác đi bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du có thu hoạch gì không?”. Nguyễn Quốc Anh bảo: “Úi chà, các học viên đứa mô cũng tỏ ra chữ nghĩa đầy mình nên các thầy cũng chỉ qua loa đại khái thôi! Có những học viên đã thành danh như Phạm Tiến Duật, Tô Ngọc Hiến, Lê Minh Khuê… ngồi phía dưới, thì thầy Xuân Diệu, thầy Nguyễn Xuân Sanh cũng chẳng dại gì mà khua tay múa chân!
Đặc biệt hiệu trưởng – nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh hễ có dịp là quán triệt: Anh em nhà văn chúng mình phải luôn luôn có sợi chỉ đỏ xuyên suốt”! Tưởng gì chứ “sợi chỉ đỏ” thì thằng quái nào chẳng có! Còn chuyện văn chương thì nói như  Xuân Diệu là chả ai bày dạy được ai, kể cả kinh nghiệm. Nhiều người thông kim bác cổ, mà có viết được câu văn nào ra hồn đâu?”.
Tôi biết bài thơ “Trận địa của con”, Nguyễn Quốc Anh sáng tác trong thời gian dự lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, là bài thơ hay nhất trong sự nghiệp thi ca của anh.
Cha chết vì chúng nó
Nằm không yên
Nấm mồ như mũ sắt
Đội trời lên!
Nơi ấy con về xây trận địa
Nấm mộ che cho con một phía!
Bài thơ súc tích, tứ thơ rất hay nhưng lại thuộc diện đứa con phận bạc , phải lênh đênh chìm nổi ngót 15 năm sau mới có dịp in được vào tập thơ riêng! Chỉ vì cái câu” Cha chết vì chúng nó”. ”Chúng nó” là chúng nào? Và rồi cũng chính bài thơ này mà nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bảo vệ thành công việc đề cử Nguyễn Quốc Anh vào Hội Nhà văn sau này!
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể: Trong cuộc họp Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam năm ấy, ông đề cử Nguyễn Quốc Anh nằm trong danh sách đề nghị BCH xét kết nạp. Nhà thơ Phạm Tiến Duật hỏi Nguyễn Trọng Tạo thơ Nguyễn Quốc Anh thế nào? Thử ví dụ một bài xem sao? Nguyễn Trọng Tạo đã đọc bài “Trận địa của con”. Nghe xong mọi người đều nhất trí!
Phải nói Nguyễn Quốc Anh là một trong số người có tố chất cũng như năng khiếu làm “đổng lý” văn phòng… Ngoài đời anh là kẻ lãng tử, bất cần, nhưng trong công việc là người thận trọng, chỉn chu.
          Nhà thơ Nguyễn Quốc Anh và Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Tư liệu
Hội Văn nghệ  Hà Tĩnh bấy giờ cũng có trụ sở riêng, con dấu riêng nhưng mọi hoạt động lại trực thuộc Ty văn hóa, theo mô hình hai nhà chung một ngõ. Cán bộ văn phòng Hội hồi đó chỉ có ba người ( Nguyễn Quốc Anh, Chính Tâm, Tùng Bách) nhưng với tài ăn nói xoay xở của Nguyễn Quốc Anh – Hội đã có được 7 biên chế và ra đời được tạp chí Văn Nghệ Hà Tĩnh thay cho tập san sông La của Ty Văn hóa Hà Tĩnh trước đó. 
Năm 1976 sát nhập hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh thành Nghệ – Tĩnh, anh em chúng tôi lại xoong nồi, hòm tráp  ra Vinh. Sau hơn một năm thì tình hình nội bộ Hội văn nghệ Nghệ Tĩnh “có vấn đề” về đoàn kết! Một số anh em lần lượt xin chuyển công tác! Nguyễn Quốc Anh được Trần Hữu Thung chọn mặt gửi vàng – giới thiệu với Xưởng Phim truyện Việt Nam làm Phó Chủ nhiệm phim “Ngày ấy Bên bờ sông Lam”. Vậy là Nguyễn Quốc Anh bỗng dưng có “chức phận”. 
Tôi nhớ có lần anh rủ tôi qua Nghi Xuân tìm mua một căn nhà lá để phục vụ cho phim. Chả là trong phim “Ngày ấy bên bờ Sông Lam” có cảnh đốt nhà cướp của, chừng nào đến cảnh, bảo đốt thì đốt! Nhà để ở chứ để đốt thì càng rẻ càng tốt!
Tôi hỏi: “Bác làm Phó chủ nhiệm phim vậy công việc cụ thể là gì? Nguyễn Quốc Anh ngúc ngắc cái cần cổ cười khà khà: Cái chức phó chủ nhiệm phim nghe nó oai thế chứ thực chất là điếu đóm sai vặt, cậu ạ!
Ví như, họ cần vai thằng bé bán báo, mình  tìm và giới thiệu cho họ thằng nhóc con nhà Lê Hàm, cần vai thằng “mõ” mình tìm cho họ thằng Danh chuyên bán cao đơn hoàn tán ở chợ Ga Vinh, cần một một thằng mắt xanh mũi lõ đóng Tây mình tìm cho gã Minh cắt tóc ở thị trấn Phố Châu… Tóm lại, phó chủ nhiệm phim là thế , lấy vui là chính chứ có chấm phẩy gì được đâu, hơn nữa đây là phim về Xô Viết Nghệ Tĩnh, kịch bản của Trần Hữu Thung ! Được cái có điều kiện đi đây đó nhiều nơi, biết được những nơi mình cần biết , thế cũng lời lãi lắm rồi!
Năm 1991, Nghệ – Tĩnh lại được tách thành hai tỉnh – Nguyễn Quốc Anh không về Hà Tĩnh mà ở lại Nghệ An. Anh tham gia 2 khóa chấp hành Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An khóa VI và khóa VII làm Trưởng ban hội viên của Hội.  
Năm 1996, Nguyễn Quốc Anh phải cắt mất 3/4 dạ dày nên mọi sinh hoạt phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Từ giã rượu bia, anh chỉ giữ lại chút thói quen thỉnh thoảng nhấp nhấp đôi điếu thuốc lào. Anh bảo từ bé đến giờ mình chưa nợ ai một cắc, cuối đời lại phải nợ máu cậu ạ! Mình bị u dạ dày phải cắt nhưng khốn nỗi không thiếu tiền mà lại thiếu máu! Thế là phải nhờ cậy vào sự hiến máu của các cháu sinh viên! Món nợ này không ai đòi nhưng nợ vẫn cứ là phải nhớ! Tôi biết anh đã trả món nợ ấy qua thơ, và bằng mọi cố gắng của chút phần đời còn lại !
Đến năm 2008, trời lại hành anh lần nữa. Lần này, anh phải cắt bỏ một lá gan! Thỉnh thoảng đến thăm anh, tôi hay tếu táo để anh vui: Bác nên khẩn trương làm tuyển tập đi chứ đừng viết thêm gì nữa! Nhà thơ cốt ở gan ruột, còn bác lòng, gan tim phổi đã cắt bỏ gần hết rồi còn gì? Nguyễn Quốc Anh lại ngúc ngắc cái cần cổ cười khà khà: Cậu chỉ được cái nói đúng, lâu nay chỉ lấy cái sự chơi làm chính chứ có viết có lách gì nữa đâu. Cố gắng hoàn chỉnh những thứ trước đây rồi làm cái tuyển tập, coi như xong! À, mà cậu đã nghe tuyên ngôn mới của mình chưa nhỉ? 
Tài ư? Tớ chẳng có 
Tâm ư ? Cắt bỏ rồi 
Gan chỉ còn một lá 
Thận một quả teo rồi.
Dạ dày – vứt ba phần 
Bụng tớ giờ rỗng không 
Duy còn lại cái Tình 
Cho Em và cho bạn!
Vâng có thể là anh không có tài, nhưng hãy cứ thử ở vào hoàn cảnh anh xem có mấy ai lạc quan yêu đời được như anh ? Sự đời nhiều khi tưởng vậy mà không phải vậy! Những lúc trong người thanh thản, Nguyễn Quốc Anh cũng tự an ủi mình bằng cả niềm tự hào lạc quan  
Điều họ có thì mình không có 
Họ muốn như mình, cũng chỉ mơ thôi
                                  (Tự an ủi)
Anh thừa hiểu cái thế thái nhân tình ở cõi đời này ai là bạn bè, tri âm tri kỷ: “Khi đi bao nhiêu bạn/ Khi về còn bao người/ Ai bỏ mình thác dữ/ Ai tay sào buông lơi”.
“Tâm trạng” là bài thơ anh tâm đắc, tỏ được thái độ dứt khoát, quyết liệt của bản thân với cuộc đời:
Bàn tay tôi trồng đào
Bàn tay tôi chặt đào
Bàn tay tôi cắm cành đào vào lọ
Bàn tay tôi – vẫn bàn tay tôi
Vứt cành đào ra ngõ!
Ham vui là bản tính của người cầm bút . Với Nguyễn Quốc Anh còn có thêm tố chất của người thích tổ chức, cầm chịch các cuộc vui, đặc biệt anh có khả năng tạo sân chơi cho nhiều người, kể cả khi thể chất phải “ đi nhẹ, nói khẽ” anh vẫn cố hết sức mình với sự đam mê cuồng nhiệt, đôn đáo ngược xuôi để thành lập nên Hội Văn học – Nghệ thuật Thành phố Vinh, lo trụ sở, lo xoay xở tiền bạc để xuất bản được tạp chí Văn Nghệ.  Anh xứng đáng được bạn bè văn nghệ sỹ Thành phố Vinh tri ân!
Đã có lần anh ví mình như cột thu lôi:
Sét nhằm vào cột thu lôi đánh phá 
Cột thu lôi thản nhiên hứng chịu tất cả
Năm tầng nhà bình yên.
Năm tầng nhà bình yên
Lại quên cột thu lôi trên nóc!

Khoảng nửa năm trước khi mất, Nguyễn Quốc Anh về quê Bùi Xá tìm đất và tự tay xây huyệt mộ sẵn cho mình! Anh khoe với tôi thế đất nơi một mai anh nằm đẹp lắm, tuy không phát Vương nhưng được cái khoáng đạt!
Anh quả là người chỉn chu không chỉ “cho em và cho bạn” mà ngay cả cho mình! 

Tùng Bách