LTS: Dịp cuối tháng 12 năm 2019, Ban Thơ của Hội LHVHNT tỉnh tổ chức buổi tọa đàm về chủ đề “Đổi mới Thơ”. Có khá nhiều những ý kiến thú vị của các hội viên được trình bày tại đây. Sông Lam xin giới thiệu đến bạn đọc 1 trong số những ý kiến tham luận ấy. Bài viết cũng là bài tham luận tại buổi tọa đàm do tác giả – nhà thơ Tùng Bách tự đặt tên.

                                                 *********

  Trong lịch sử nước ta, người miền Trung nói chung và người Nghệ Tĩnh nói riêng đóng một vai trò rất lớn trong chiến đấu lao động sản xuất, vệ quốc và kiến quốc. Nghệ Tĩnh đã nảy sinh ra nhiều những danh nhân hào kiệt ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nếu văn hóa là cái duyên cuộc sống, thì thơ chính là tình cảm, nhịp điệu của hồn người. Bởi lẽ trong văn hóa, bao hàm cả văn nghệ, trong văn nghệ có thơ ca hò vè…Thơ ca vốn sẵn và nhiều như nước như khí trời có ở khắp nơi.

Thơ ca vốn được sinh ra ngay sau khi con người có tiếng nói. Thơ không phải là thứ gì xa lạ. Ước mơ khao khát chính là thơ. Có thể nói thế kỷ 20 là thế kỷ của ngôn ngữ thơ ca.

Mỗi vùng đất, mỗi tộc người đều có cách biểu đạt riêng, tùy từng lúc từng nơi theo cung bậc, tình cảm khác nhau. So với các vùng miền khác, tố chất người Nghệ thông minh, cá tính bộc trực, mạnh mẽ, khôn ngoan nhưng không “khôn khéo” bằng người Bắc, không hảo hớn như người Nam, nhưng khi cần phải thể hiện cái “tôi” thì người Nghệ không kém phần quyết liệt.

Thơ miền Trung nói chung và thơ Xứ Nghệ nói riêng ít uốn éo quanh co, ý tứ chặt chẽ, chữ nghĩa trong sáng dễ hiểu, dễ gần.

Tác giả Tùng Bách tham luận tại buổi tọa đàm Đổi mới thơ do Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật NA tổ chức. Ảnh: P.V

  Cách nay 2 thế kỷ, chỉ riêng An – Tĩnh (Tức Nghệ An- Hà Tĩnh) đã xuất hiện gần như cùng một lúc 3 đỉnh thi ca. Một Nguyễn Du mượt mà hào hoa, phảng phất hơi hướm văn minh văn hóa Sông Hồng. Một Hồ Xuân Hương thông minh, dí dỏm, nghịch ngợm và đáo để, được người đời tôn vinh là Bà chúa thơ Nôm. Một Nguyễn Công Trứ, vị quan thượng thư hào hoa, văn võ song toàn nhưng không kém phần lãng tử, dám đưa cả tạo hóa ra mà cười cợt  trêu đùa.

Ba đỉnh “Thi Sơn” ấy, theo tôi, đến nay vẫn chưa mấy ai vượt qua.

  Nói đến xứ Nghệ là nói đến xứ Thơ. Sự xuất hiện của những lớp lớp người thơ hầu như không theo một nguyên tắc, quy luật nào cả. Theo mặt bằng thơ cả nước (10 năm trở lại đây), thơ Nghệ An cũng như thơ các vùng miền cả nước, đang thi nhau “giẫm chân tại chỗ”, có nguy cơ tự sướng cao! Trung bình mỗi tháng, tôi nhận được từ 3 đến 4 tập thơ của bạn bè thơ gửi tặng. Không ít tập thơ, bài thơ cố đọc đi đọc lại mà chả tài nào hiểu tác giả viết gì?
Đành rằng thơ là ý ngoài lời  (Ý tại ngôn ngoại) nhưng ngoại đến mức …ngoài khả năng huy động mọi liên tưởng của người đọc thì nhất quyết không thể gọi là thơ! Có thể thưởng thức thơ bằng linh cảm, chứ không thể bằng ngoại cảm!
Lâu nay trên một số tờ báo văn, (chưa kể đến các trang báo điện tử) xuất hiện không ít bài viết hùng hồn đòi cách tân thơ. Nào là thơ “tân hình thức”, thơ “hậu hiện đại”, thơ sex…Theo tôi, thơ chỉ mỗi tiêu chí đó là HAY. Thơ hay không nhiều, nhưng không phải là không có!

Muốn có thơ hay, cần có sự chuẩn mực. Thơ dở, thơ rác cũng…rất có thể gây tổn hại cho sức khỏe người đọc, người nghe, giống như  nạn rau- củ- quả- thịt- cá…tẩm, ngâm hóa chất!

Đội ngũ những người làm thơ ở Nghệ An ta, phải nói là khá hùng hậu, không thua kém bất cứ vùng miền nào trên cả nước. Ban thơ của Hội có gần 100 hội viên, chưa kể đến hàng chục CLB thơ ca của các phường xã, thị trấn, thị xã và tỉnh, thành phố. Trình độ học vấn của các người làm thơ phải nói là khá cao và tương đối đồng đều. Nhưng, xem ra lâu nay, trong số đó chưa có cây bút nào tỏ ra xuất sắc, tỏa sáng, vượt trội, gây được chú ý trong làng thơ Nghệ như các thế hệ cha , chú , anh, chị trước đây, mà chỉ mới đạt đến ngưỡng phong trào, hay nói cách khác là “hát đồng ca”.

   Nhân cuộc tọa đàm về “đổi mới thơ”, nếu chúng ta chỉ đến đây để nghe một vài ý kiến, nên thế này, phải thế kia, để có thơ hay, theo tôi, quả là hơi bị khó!

Nhưng khó, không có nghĩa là không thể, mà còn phụ thuộc vào nhiều thứ khác, để xem con“người thơ” có chịu, có khả năng để đổi mới hay không? Đổi mới bằng cách nào để có thơ hay ? Vì sao” Hạt gạo muôn đời vẫn mới / Câu thơ chưa viết đã cũ mèm”?

Theo tôi, muốn đổi mới thơ, trước nhất cứ phải là Thơ đã. Thơ dở, có thể hay, còn thơ nhạt thì… “nước ốc, khó mà thành rượu”:

                    “Muốn “đổi mới Thơ” ? Cứ phải là Thơ đã
Không thể ngồi đợi “thi hứng tự nhiên lai”
Nòng Nọc đến kỳ, đứt đuôi thành Nhái Bén
Cõi nhân gian có được mấy thiên tài

                     Muốn đổi mới Thơ ? Cứ phải là Thơ đã
Mới – Cũ – chỉ là cách nói mà thôi
Mới, không lạ – lạ, không hay – “hồn xưa – vía cũ”
Không vô cớ trước Kiều – hậu thế chắp hai tay !

Theo sự biết của tôi thì các bậc cha chú, đàn anh của chúng ta trước đây cũng đã từng đổi mới thành công từ vè – giặm -tuồng – tấu nói – ca dao…thành thơ.
Ví dụ: Tố Hữu viết “Chú Lũy liên lac” là thể loại vè  ;  Trần Hữu Thung với Thăm lúa Minh Huệ  với Đêm nay Bác không ngủ …là một thứ giặm được “đổi mới bằng cách không “giặm”:

“Em nhớ ruộng nhớ vườn/ Không nhớ anh răng được”. Nếu là giặm, sẽ có thêm câu:“Nỏ nhớ chàng răng được” Hoặc: “Mời Bác ngủ Bác ơi / Trời sắp sang mất rồi / Bác ơi mời Bác ngủ”

Còn nhà thơ được coi là một trong những lá cờ tiên phong trong phong trào thơ mới Thế Lữ, ông đã có cái nhìn mới mẻ, nhưng vẫn chưa rủ bỏ được cách thể hiện của “ Hát bội”: “Gặm một mối căm hờn trong cúi sắt/Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua ( a….)“Dăm vầng lá hiền lành không bí hiểm Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu (a….)

   Trên đây là một vài ví dụ về những “người thơ” lớp trước đã có công đổi mới, chuyển hóa hò vè, ví giặm, hát bội …thành thơ. Chúng ta hôm nay chỉ việc làm sao để có thơ hay? Theo tôi, HAY là MỚI, còn hiện đại hay chưa hiện đại cũng chỉ là khái niệm mơ hồ, có khi chỉ là cách biện hộ của những kẻ “lực bất tòng tâm”

Ai cũng biết,Thơ vốn dĩ không phải là nghề kiếm sống. Bởi thơ không nuôi nổi người thơ. Vậy thơ là nghiệp (nghiệp chướng)! Thơ có thể biến kẻ vô danh tiểu tốt thành danh, và cũng không mấy khó khăn biến những người từng có danh thành dở hơi, hâm hấp!

Muốn có thơ hay, ngoài vốn sống, kiến văn ra, người thơ cần phải có “tay nghề”- tạm gọi đấy là kinh nghiệm, cộng thêm một chút “Trời cho” (Xin mở ngoặc – cảm xúc là thứ rất khó bề truyền dạy). Người làm thơ ai chẳng muốn thơ mình hay, được người đọc người nghe đồng cảm, chia sẻ…Nhưng để có thơ hay thật chẳng dễ dàng chi – bởi thơ luôn đòi hỏi sự tìm tòi sáng tạo để có được cái mới, cái lạ. “Năm mươi năm tí toáy làm thơ/ Gom một tập vài mươi bài, sao mà khó/ Nửa thế kỷ bới đất, lật cỏ/ Cỏ mơn man rạo rực dưới chân người”