Nhà thơ Thạch Quỳ tên thật là Vương Đình Huấn, tuổi Tân Tỵ 1941, người thôn Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên sáng lập Hội VHNT Nghệ An năm 1967; Ủy viên Ban Thường vụ – Thường trực Hội VHNT Nghệ Tĩnh khóa IV (1987-19920.

Nhà thơ Thạch Quỳ đã xuất bản 9 tập thơ và 2 tuyển tập. Thơ ông từng đoạt nhiều giải thưởng như giải thưởng Tuần báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương…

Ông mất ngày 10, tháng 12, năm 2022. Nhân giỗ đầu của ông, Tạp chí Sông Lam xin giới thiệu một vài mẩu chuyện vui về ông của nhà thơ Tùng Bách – người bạn thơ vong niên nhiều năm gắn bó với ông lúc sinh thời.

Chân dung hai nhà thơ: Thạch Quỳ (bên phải), Tùng Bách (bên trái).

CHUYỆN THỨ I

Năm 2017 chúng tôi cùng đoàn nhà văn – Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An đi thực tế sáng tác tại huyện Anh Sơn. Đêm ấy tôi được bố trí ngủ chung phòng với nhà thơ Thạch Quỳ tại nhà khách Việt – Lào. Mùa hè nóng nực, phòng có cái máy điều hòa nhiệt độ lại luôn dở chứng, chẳng mát tý nào, lại thêm lý do cả chiều nhấp thử quá nhiều nước chè Gay, thứ chè xanh nổi tiếng của vùng đất Anh Sơn, nên hai anh em trằn trọc mãi không cách chỉ chợp mắt được, bèn xà lỏn ra hành lang ngồi hóng gió trời, mở điện thoại dò sóng oai phai lướt phây búc.

Tôi có bài thơ làm chứng như sau:

ĐÊM ANH SƠN

Được tri huyện Anh Sơn ưu ái
Động phòng chung với bác Thạch Quỳ
Cả chiều khen chè Gay* đêm bác thức
Luôn mồm bác hỏi: – Ngủ chưa mi?
– Ngủ mô? Bác thức, răng em ngủ!
Mằn mò hoài… không sóng oai phai
Lẻn ra cầu thang mở điện thoại
Tìm chị Cả Phây, tính phốt bài!
Thăng Long – thuốc lá mặc sức hút
Khói mù như nhà máy xi măng
Mần thơ, mần thiếc dừ khó lắm
Xe pháo lâu ngày cũng hết xăng!
Văn chương phú lục.. đang dần thoái
Hiện đại – Thơ ca tiến đến vè
Ca ve, khéo vỗ thành hoa hậu
Lời thật, thời nào cũng khó nghe!
Những định ngả lưng chợp tý mắt
Gà rừng, vỗ sáng gáy le te!
Đọc được bài thơ này trên trang phây búc của tôi, Thạch Quỳ bảo: Thơ tốc hành kiểu mì ăn liền như mi, tau chịu!
Tôi thưa: cập thời thi là sở đoản của tại hạ mà. Hơn nữa cái thời buổi ai ai cũng ước sống chậm, mà muốn sống chậm thì mọi thứ đều phải nhanh chớ bác. Xưa cụ Xuân Diệu từng hối thúc ”Nhanh lên chứ vội vàng lên với chứ”. Cụ Chế Lan Viên cũng từng nhắc khéo chúng ta “Chờ gió đọng nên trầm/ Thì thơ anh hóa đất” đó sao?
Thạch Quỳ cười tươi như hoa xuyến chi rồi buông một câu xanh rờn: Ầy, mần a răng thì mần, miễn sao vui và cảm thấy sướng trong con ngài là được!
Thạch Quỳ thuộc tuýp người ham vui, và không có khả năng làm hại được ai.

 CHUYỆN THỨ II

Cách nay chừng 3 năm, anh bạn nhà thơ Lê Huy Mậu từ Vũng Tàu về quê xây nghĩa trang chi họ. Thành tựu hiếu đạo của nhà thơ quê Thanh Chương được coi là mĩ mãn. Điều phấn khởi thứ hai không kém phần trọng đại là nhà thơ xin thêm được suất đất “sinh phần” cho mình.
Đời vốn dĩ vô thường – tàu thời gían không có vé khứ hồi, ai biết ga nào là ga cuối!
Đọc được tin này trên phây búc, Thạch Quỳ tâm sự cùng tôi vẻ đượm buồn: mình cũng sắp tám mươi rồi mà chưa tìm đâu ra tấc đất cắm dùi, nói chi đất “sinh phần”. Theo cậu mình có nên học theo cách thằng Mậu về quê xin hoặc tậu dăm ba thước đất “sinh phần” khung nả?
Tôi bảo: bác cứ hay lo xa, sinh phần với sinh sự nỗi gì. Mọi thứ trên đời đâu sẽ vào đấy cả thôi. Bác tự xưng mình là Đá, thì đứng hay quỳ thì cũng rứa thôi!
Có bài thơ làm chứng như sau:

“Đang sống nhăn lợi đây thôi
Lo chi mồ mả cho đời kém vui
Đã không tấc đất cắm dùi
Thì đành lấy lả (lửa) mà hui, lo gì
Thạch Sanh khác với Thạch Quỳ
Họa cốt thì dễ, họa bì mới nan
Mặc ai ghế ghế, bàn bàn
Phủi khu ngồi bệt trửa sàn, mà thơ!”
Nghe xong mấy câu thơ tôi đọc – Thạch Quỳ tỏ ra lạc quan hơn, ông bảo: nói là nói rứa thôi chơ lo đếch chi khi nớ nựa!
Đúng vậy mà, thưa Thạch tiên sinh.

CHUYỆN THỨ III

Tháng 7 năm 2020, nghe tin Thạch Quỳ ốm, tôi đến thăm. Có bài thơ ghi lại như sau:

Với bác Thạch Quỳ

Chiều qua Phong Định Cảng
Ghé thăm bác Thạch Quỳ
Bác đang lướt phây búc
– Bách đấy à? Vào đi!

  • Nghe bạn bè phản ánh
    Ngọc thể bác bất an
    Hóa ra sắc vẫn khởi
    Thơ, phú rải đầy bàn!

  • Mấy bữa ni đau bụng
    Nỏ màng cơm cháo chi
    Chuyền xong mấy chai đạm
    Dừ mới được a ri!

– Sang năm tròn tám chục
Cũng oách xà lách rồi
Hay bác thử đổi vía
Thạch Quỳ sang Thạch Ngồi?

  • Ngồi hay Quỳ cũng rứa
    Sống cốt ở nghĩa tình
    “Bước sao khỏi bóng mình
    Khi mặt trời đúng ngọ”.

Nom sắc diện tươi tắn, cách nói năng hoạt bát của Thạch Quỳ và cách rít thuốc lá tôi biết sức khỏe anh đã bình ổn. Tôi rủ Thạch Quỳ qua quán Nghé bên kia đường Phong Định Cảng đối diện nhà anh làm tí sương sương, gọi là mừng hiền huynh vừa thoát khỏi nạn ”Mã Siêu rượt Tào Tháo”?
Thạch Quỳ bảo: Lâu ni khoản rượu bia cơ bản ngửi là chính chớ nỏ húp được như khi tê nữa. Thuốc lá cũng ngày dăm ba điếu đổ lại, còn nhu cầu ăn uống thì mỗi ngày chỉ mươi nghìn bạc xôi, coi như xong.
Tôi đùa: Vậy còn cái khoản VitaminEm thì thế nào?
Thạch Quỳ hạ giọng: ngó là chính, chơ sức nghỉn mô đây tau nựa mi hè!
Nói đoạn, Thạch Quỳ châm thuốc hút, vẻ mặt nghiêm nghị bảo tôi: theo tau, thơ mi hiện tại hay nhít Nghệ An. Tau nói thật chơ nỏ phải nịnh mi mô. Mi là cấy chi mà tau phải nịnh!
Vơ trời, được Thạch Quỳ khen, mũi tôi không phồng to lên được tẹo nào! Thấy tôi cười, Thạch Quỳ hỏi: tau nói thật chơ răng mi lại cười?
Tôi thưa: bác nói rứa báo hại thằng em tổn thọ đấy. Thơ em cũng phọt phẹt bài được bài chưa, phập phù như đánh phỏm. Ưu tiên, chiếu cố lắm may ra cũng chỉ thứ 3 – xếp sau thằng Hòa đã là phúc lắm rồi!
Vậy thằng Hòa là thằng nào? Số là, Hội Văn nghệ Nghệ An trước đây có cậu lái xe tên Hòa. Một bữa nọ, gặp nhà thơ Thạch Quỳ ở văn phòng Hội, Hòa mời nhà thơ Thạch Quỳ vào phòng uống nước. Thấy Hòa hiền lành lễ phép, lái xe luôn an toàn và chỉn chu, Thạch Quỳ hứng chí bảo: “Hòa này, hiện tại thơ Nghệ An ta, thứ  nhít (nhất) là tau, thứ 2 là mi chơ nỏ đứa mô khác”!
Báo hại thằng Hòa chắp hai tay vái Thạch Quỳ như tế sao: em xin bác, em chỉ biết vặn cổ ô tô chơ biết chi thơ phú, bác tha cho em!
Thạch Quỳ nói tỉnh bơ: “Đó là tại mi chưa mần, chơ mi mần, nhít định hay là hay rồi”.
Ngoài đời Thạch Quỳ là người sống giản đơn, bổ bả, hồn nhiên. Thơ ông có thể hay với người này và không hay với người khác, tùy cảm thức của từng người đọc? Nhưng tôi dám chắc một điều, Thạch Quỳ không bao giờ để sự dễ dãi len lỏi vào thơ ông! Thạch Quỳ say thơ đến cuồng dại, yêu thơ, vì thơ đến tả tơi xơ xác nhưng vẫn giữ được nét hồn nhiên của Đá.

Nhà thơ Tùng Bách