Trong tiếng Việt mưa nắng đều có tên riêng. Không phải mưa nào cũng như mưa nào, nắng nào cũng y chang nắng nào. Điều đó thể hiện rất rõ ở trong thơ.
Tên mưa, tên nắng, tên cỏ, tên cây… là do nhân dân và cũng có phần không nhỏ là do các nhà thơ, nhà văn, các nhà văn hóa sáng tạo ra. Trong thơ Việt, riêng việc đặt tên cho nắng cũng đã rất phong phú. Chúng ta thử điểm lại một số câu thơ các nhà thơ đã viết về nắng, đã “đặt tên cho nắng” hoặc đã gọi nắng bằng những cái tên riêng.
  – Nắng sớm.
Nắng sớm em ngồi tỉa thủy tiên
Hồn em say đắm cảnh thiên nhiên (Thơ Lan Sơn)
– Nắng chiều
Chao ôi! Thu đã tới rồi sao
Thu trước vừa qua mới độ nào
Mới độ nào đây hoa rạn rỡ
Nắng chiều choàng ấp dãy bàng cao (Thơ Chế Lan Viên)
– Nắng trưa :
Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình (Thơ Tố Hữu)
– Nắng mới
Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thiếu thời
Lúc người còn sống, tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ người đưa trước dậu phơi

Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không (Thơ Lưu Trọng Lư)
– Nắng lụi
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em (Thơ Vũ Cao)
– Nắng chang chang
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang (Thơ Hàn Mặc Tử)
– Nắng quáng
Đèn lòa cùng nắng quáng
Đài gương lộn đấu bèo (Thơ TQ, các chữ “ đèn lòa”, “nắng quáng” là ở trong Truyện Kiều, thơ Nguyễn Du)
– Nắng quái
Gái thương chồng đang đông buổi chợ
Trai thương vợ nắng quái chiều hôm (Ngạn ngữ dân gian)
– Nắng xuân hồng
Đâu sương xuân biêng biếc nắng xuân hồng
Đâu trên cành xoan hoa tím nhẹ sầu đông
Xuân nhảy nhót với chim tơ nhí nhảnh (Thơ Tố Hữu)
– Nắng lửa
Tình yêu như tháng năm
Mang gió nồng nắng lửa
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức (Thơ Xuân Quỳnh)
– Nắng chói
Nắng chói Sông Lô hò ô tiếng hát (Thơ Tố Hữu)
– Nắng chan hòa
Việt Nam đất nắng chan hòa
Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh ( thơ Nguyễn Đình Thi)
– Nắng nhạt
Ấy là chiều nắng nhạt lá thông rơi (Thơ TQ)
– Xắng xế
Nắng đã xế về bên xứ bạn
Chiều mưa trên bãi nước sông đầy (Thơ Huy Cận)…
Nhà thơ Nguyễn Bính, nhà thơ Tế Hanh khi viết về nắng  không đặt tên riêng cho nắng mà vẫn để nắng ở dạng nguyên trạng.
Nắng mưa là chuyện của trời
Tương tư là chuyện của tôi yêu nàng (Thơ Nguyễn Bính)
Tâm hồn tôi là cả buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống giòng sông lấp loáng (Thơ Tế Hanh)

Ảnh: Lê Thắng

Xem lại từ điển tiếng Việt ta thấy việc đặt tên cho nắng có thể có các cách thức sau đây:
Tên nắng được đặt theo ngày: Nắng mai, nắng sớm, nắng trưa, nắng chiều…
Tên nắng được đặt theo tháng: Nắng tháng giêng, nắng tháng ba, nắng tháng sáu, nắng tháng tám…
Tên nắng được đặt theo mùa: Nắng xuân, nắng thu, nắng hè…
Tên nắng được đặt theo màu sắc: Nắng vàng, nắng biếc, nắng đỏ, nắng trắng, nắng hồng…
Tên nắng được đặt theo cường độ của nắng: Nắng hanh, nắng dịu, nắng nhạt, nắng nhẹ, nắng lụi, nắng đổ lửa, nắng chang chang…
Tên nắng được đặt theo phương vị ánh nắng chiếu ra: Nắng xế, nắng xiên, nắng hắt, nắng dọi, nắng chiếu…
Tên nắng được đặt theo cảm quan và trạng thái tâm hồn, tình cảm của người tiếp nhận: Nắng quái, nắng quáng, nắng lụi, nắng lòa…
Nếu thống kê tên nắng ở trong thơ và trong từ điển tiếng Việt thì chúng ta sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm loại nắng. Điều đó nói lên sự đa dạng và phong phú của ngữ ngôn tiếng Việt. Tuy nhiên, đối với các nhà văn, nhà thơ, thì chính sự đa dạng và phong phú của ngôn từ sẵn có ấy lại là một thách thức không nhỏ cho những ai muốn sáng tạo ra các từ ngữ mới.
Giữa hàng trăm tên nắng đã được gọi, chúng ta sẽ gọi nắng bằng cái tên gì để tránh được sự trùng lặp với những ngôn từ đã có ?
Đấy là một bài toán rất nan giải cho những người cầm bút.
Với tư cách là người sáng tạo, các nhà văn, nhà thơ luôn luôn phải đặt mình ở trong cái bài toán khó ấy. Hai chữ “Sáng tác”, thì “tác” là làm, “sáng” có nghĩa là sáng chế, là phát minh, là sáng tạo. Nghĩa đen của hai chữ “sáng tác” là làm cái việc sáng tạo. Nghề nghiệp của chúng ta bản chất là như vậy. Sáng tạo văn học thì có nhiều điều, nhiều thứ, dù vậy, chúng ta cũng không thể lơ là, không thể sao nhãng việc sáng tạo ra những từ ngữ mới.
Hôm kia, nhân việc đến thăm tòa soạn Tạp chí Sông Lam, nơi Tổng biên tập Phạm Thùy Vinh đang làm việc, bỗng dưng có một bạn thơ trẻ hỏi tôi rằng : Nhà thơ Thạch Quỳ có câu thơ nào viết về nắng không? Cháu đã sao chép rất nhiều câu thơ viết về nắng, không biết là nhà thơ có câu thơ nào cũng viết về nắng mà có chút khác lạ hơn không?
Câu hỏi của người bạn thơ hôm ấy chính là cái lý do, cái nguyên cớ để tôi  viết ra mấy dòng nhỏ nhoi trong cái “tiểu luận” này.
Không ai bắt các nhà văn, nhà thơ không được dùng các từ ngữ đã có sẵn. Tuy nhiên, nếu khi làm thơ, viết văn, các nhà thơ, nhà văn có sự sáng tạo về mặt  từ ngữ, gọi ra những từ ngữ mới mẻ để góp phần bổ sung cái mới vào kho tàng ngôn ngữ đã có thì đấy là một việc tốt.

Ảnh: Trần Thi

Giữa hàng chục, hàng trăm tên gọi nắng đã có ở trong thơ, trong từ điển, việc sáng tạo ra tên mới, tiếng mới là việc rất khó khăn. Tôi không rõ là tôi có tìm thêm được lời mới, tiếng mới gì không, nhưng về sự sáng tạo ngôn ngữ trong thơ thì tôi luôn có ý thức.
Để trả lời câu hỏi của người bạn trẻ, hôm đó, tôi có đọc cho người bạn thơ ấy chép lại mấy câu thơ, khổ thơ “đặt tên cho nắng” sau đây :
– Nắng chiêm bao, nắng mật ong:
Mùa xuân thả nắng chiêm bao
Thả mưa bụi phấn bay vào rừng thông
Mùa xuân thả nắng mật ong
Cho cây lá nhọn đứng hong nhựa vàng
(Lục bát về thông)
– Nắng ghỉ sắt :
Nắng ghỉ sắt dẫu cháy vàng gốc rễ
Giọt mồ hôi trong lá vẫn ngời xanh
(Thơ viết ở Hồ Kẻ Gỗ)
– Nắng sùi vẫy cá :
Đất khô cạn, nắng sùi vẫy cá
Lúa khô mùa, cỏ giáp trỗ mùa hoa
(Thơ viết ở Hồ Kẻ Gỗ)…
  Những câu thơ viết về nắng, các nhà thơ đặt tên cho nắng chắc chắn là còn phong phú, đa dạng hơn nhiều so với bản thống kê này ngắn nhỏ này ở trong bài viết của tôi. Hy vọng là các bạn yêu thơ sẽ tìm hiểu và bổ sung thêm cho đầy đủ hơn.

Thạch Quỳ

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 12/2021)