Từ ngày 8 đến 13/7, Hội VHNT Cao Bằng đã phối hợp với Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An tổ chức trại sáng tác VHNT tại Nghệ An. Đoàn công tác Hội VHNT Cao Bằng đã có những trải nghiệm thú vị khi về thăm quê Bác, thăm những danh lam, thắng cảnh trên quê hương xứ Nghệ. Tạp chí Sông Lam trân trọng giới thiệu bút ký của nhà văn Lã Vinh về chuyến đi ý nghĩa này.

Quê Bác. Ảnh: Quốc Đàn.

“Con vô xứ Nghệ bao lần
Tình quê cảm xúc cứ trào dâng”.

Nhờ sự gắn bó giữa hai quê xứ Nghệ – nơi sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và non nước Cao Bằng – nơi Bác trở về Tổ quốc khởi nên sự nghiệp vĩ đại giải phóng dân tộc, nên tôi – người con của suối nguồn Pác Bó đã có nhiều lần về thăm Nghệ An. Lần đầu, khi đất nước chuyển mình đổi mới, dải đất miền Trung còn loang lổ vết tích khói lửa đạn bom, núi đồi xơ xác, thành phố Vinh chỉ có mấy dãy nhà cao tầng lắp ghép. Đường vào Kim Liên vừa đủ một làn xe đi, đọng lại trong tôi lúc bấy giờ là tiếng chị hướng dẫn viên nhẹ nhàng giới thiệu: làng Trù quê mẹ, làng Sen quê cha… Tuổi thơ Bác hiện về với cảnh mất mát đau thương của người dân mất nước… Thắp nén hương thơm mà nước mắt tự nhiên cứ rưng rưng!

Thành phố Vinh bây giờ bề thế, khang trang vươn xa đến tận Cửa Lò, ra biển. Đồng quê Nam Đàn trở thành làng trong phố, phố trong làng, nhộn nhịp đông vui, tấp nập dòng người, ngan ngát hồ sen. Các cô hướng dẫn viên trẻ trung, duyên dáng, mỗi cử chỉ lời nói đều lắng bao rung động khiến người nghe rưng rưng niềm thuơng nỗi nhớ.

“Tam sơn chung đỉnh hình Vương tự
Nâng bước ta đi suốt dặm trường.
Non xanh nưóc biếc lòng xao xuyến
Ngân tiếng đò đưa thương quê hương”.

Cảm xúc ấy làm cho chúng tôi quên đi cái nóng bỏng của trưa hè miền Trung. Từ Nam Đàn hành trình về phía tây qua Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Con Cuông, Tương Dương, dãy núi Trường Sơn điệp trùng hùng vĩ. Đảo chè Thanh Chuơng mênh mang tràn đầy nắng gió; thiên nhiên và con người đã tạo lập nên những đồi chè xanh tươi nằm như bát úp được căt tỉa gọn gàng, bao quanh là hệ thống ao hồ, lạch nước thông nhau hình thành một khu du lịch sinh thái sơn thủy hữu tình. Du khách thoải mái đi bộ, đi thuyền lên đồi ngắm cảnh non nước, mây trời.

Đảo chè Thanh Chương – một miền non xanh nước biếc. Ảnh: Nhật Thanh

Trong ngôi nhà sàn 5 gian vững chãi, ẩn mình dưới bóng cây râm mát, ông Nguyễn Đình Hợp – chủ nhà hàng HDT cho biết: những người vào đây lập nghiệp đều kết hợp làm trang trại VAC với dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ. Thịt, cá, rau tươi, hoa quả tự mình làm ra vừa sạch, vừa rẻ. Khách phuơng xa và cả người thành phố lên non vãn cảnh, thưởng thức ẩm thực, ai cũng thấy vừa lòng vì được hòa mình với không gian tự nhiên tràn đầy sinh khí.

Chiều chúng tôi đến Tương Dương – nơi ngọn nguồn sông Cả, cách thành phố Vinh gần 200 cây số. Nơi đây vẫn còn lưu giữ hàng ngàn ha rừng đại ngàn nguyên sinh, được các nhà khoa học đánh giá là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Con đuờng quốc lộ xuyên giữa rừng cây săng lẻ Tam Đình cao ngút ngàn, trải rộng trên 70ha, thân cây vươn thẳng màu vàng cát to cỡ hai vòng tay ôm tỏa rợp bóng mát, mỗi cây giá trị bằng cả 3, 4 con trâu. Để canh giữ nguồn tài nguyên vô giá này cần phải có sự gắn kết cộng đồng và công sức của bà con nhân dân, mỗi người ở đây chắc đã hiểu rất rõ giá trị thiêng liêng cao quý của núi rừng:

“Hồn Tổ quốc ẩn trong rừng thẳm
Rừng suy tàn thì đất nước cũng suy vong…”

Ông Lô Thanh Nhất – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, là người dân tộc Thái, vui miệng nói: Tương Dương còn có hai cái nhất: diện tích lớn nhất nước (gần ba ngàn km2, gấp 3 lần tỉnh Hưng Yên hay Bắc Ninh) và khó khăn nhất tỉnh Nghệ An với 97% đất đai là rừng núi, 85% là đồng bào dân tộc ít người, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào Mông, Khơ Mú, Ơ Đu còn nhiều khó khăn, do địa hình cách trở, thiếu đường giao thông, đất đai canh tác. Bao đời nay bà con đã sống dựa vào rừng, núi rừng đã chở che cho cuộc sống bình yên trước phong ba bão tố…

Khu du lịch sinh thái Văng Phột, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương. Ảnh: Nhật Thanh

Tuơng Duơng từ ngàn xưa đã giữ vị thế trấn ải biên thùy. Di tích còn lưu ở đền Vạn thờ quan Tổng trấn Đoàn Nhữ Hài, thế kỷ XIV theo Vua Trần Minh Tông cầm quân đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi và anh dũng hy sinh trong trận quyết chiến ở Cửa Rào. Sau này, triều đình sắc phong ông là “Thuợng đẳng phúc thần”. Ông được nhân dân ghi nhớ, lập đền thờ trên ngọn đồi cao nằm giữa hai dòng sông Nậm Nơn – Nậm Mộ, tạo thế giao nhau lưỡng long chầu trực, như thầm nhắc nhở vùng đất biên cương xa xôi luôn ẩn chứa những thăng trầm, mà muôn đời con cháu phải chăm lo, vun đắp. Ngược dòng Nậm Nơn chúng tôi lên bản Xoóng Con, bãi tắm suối Văng Phột – một cái tên dân dã hoang sơ, đang được đầu tư  xây dựng thành khu nghỉ mát giữa chốn rừng xanh thâm u huyền bí, hy vọng nay mai sẽ trở thành nơi hấp dẫn du khách.

Đêm ở Tương Dương, anh Vi Tân  Hợi, Trưởng ban Văn học miền núi của Hội đưa chúng tôi đến thăm bản Mác quê anh. Cả Bí thư chi bộ, trưởng bản, đại diện các đoàn thể như mặt trận, hội phụ nữ, hội thanh niên, hội cựu chiến binh cùng các nghệ nhân và già làng, gần 40 người tiếp chúng tôi một bữa cơm thân mật theo đúng phong cách cổ truyền. Họ rải chiếu khoanh chân ngồi xếp bằng tròn, quây quần bên những chiếc mâm mây tre đan, cơm lam, xôi cẩm cầm tay, ghém với thịt nướng, canh khoai, rau rừng đậm đà huơng vị… Nâng chén rượu mời già làng Vi Văn Hoàng, tuổi gần 80, râu tóc bạc phơ, khuôn mặt hồng hào, rắn rỏi, nói tiếng Kinh xen lẫn tiếng Thái mộc mạc, chân chất: dân tộc Tày – Thái là một, cùng chung tiếng nói “kin lau” là “uống rượụ”, “kin kháu” là “ăn cơm”, “pây liêu” là “đi chơi”… Nhà  tôi có hai đứa cháu, một đứa làm dâu ở Hoà An, một đứa công tác ở Nguyên Bình; nhờ con cháu mà Cao Bằng với tôi càng trở nên gần gũi. Ngày xưa núi sông ngăn cách, tầm nhìn chỉ quanh quẩn trong phạm vi làng xã. Bây giờ cơ chế mở ra, suy nghĩ của lớp trẻ đã vượt qua không gian vùng miền… Tuổi già như tôi chỉ mong sao chúng nó dù có đi đâu, về đâu vẫn luôn giữ sắc văn hóa dân tộc.

Đêm nhạc “Nghĩa tình Tương Dương” tại bản Mác để lại nhiều dư âmđẹp trong lòng các văn nghệ sĩ Nghệ An – Cao Bằng. Ảnh: Nhật Thanh

Chương trình nghệ thuật “Nghĩa tình Tương Dương” do câu lạc bộ văn hóa thôn bản tự biên tự diễn với trang phục, đạo cụ truyền thống. Tiếng cồng chiêng, khèn trống vang lên rộn rã náo nhiệt, tiếng ca reo vui: “Bà con ơi khách quý đến bản ta rồi. Hãy nổi trống lên! Cùng  múa hát nào…”. Một màn chào hỏi thật là ấn tuợng. Tiếng trống, tiếng chiêng giục giã, sắc chàm Cao Bằng đằm thắm hoà quyện với sắc màu thổ cẩm xanh, đỏ, tím vàng Tương Dương, tạo nên bức tranh sinh động. Đêm đã về khuya mà tiếng vỗ tay của người già, trẻ nhỏ, trong nhà, ngoài sân vẫn cứ ngân dài không dứt. “Khoan khoan chớ vội về, bản làng còn đây, núi rừng còn đó, sai dám lỏ sai dàm… Cao Bằng ơi sao thân thương đến thế”. Giữa không gian của núi rừng yên tĩnh, tiếng hát như trong trẻo vang xa. Sự giao thoa văn hóa và âm nhạc, thêm chút hương say của những ché rượu cần, làm cho người ta thêm thăng hoa cảm xúc, cởi mở tâm tình, xích lại gần nhau.

Bản Mác là một bản Thái cổ nằm bên sông Nậm Nơn, có hơn 100 hộ gia đình quây quần theo chân núi, nối liền với thế giới bên ngoài bằng một nhịp cầu treo, địa thế ngăn cách nhưng nhà nào cũng có vuờn cây, ao cá, chuồng trại chăn nuôi, chăm chút giữ nghề truyền thống. Đội văn nghệ cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc được cha truyền con nối, cả nhà 3 thế hệ cùng tham gia biểu diễn. Anh Vi Tân Hợi – nguyên là Phó Chủ tịch huyện về hưu, gắn bó với bản làng, góp sức xây dựng mô hình kinh tế trang trại, đam mê văn hóa dân tộc, là mạnh thường quân trong các chuơng trình văn nghệ của bản Mác.

Thật mừng, nhà văn hóa bản Mác được xây dựng rất khang trang trên diện tích hơn 200m2, một nửa là nhà xây kiên cố, một nửa là sân có mái che, dành để biểu diễn nghệ thuật, giao lưu với các huyện, các tỉnh và cả nước bạn Lào. Văn hóa dân tộc, nghệ thuật cồng chiêng đã nâng tầm bản Mác lên cao, vươn xa.

Từ nền tảng của các chi hội văn nghệ huyện và câu lạc bộ văn hóa thôn bản, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Nghệ An đã mở rộng ra với hơn 360 hội viên ở khắp các địa phương. Các chi hội còn xuất bản cả  ấn phẩm riêng như Văn nghệ Cửa Lò, Nhà văn Nghệ An… Tạp chí Sông Lam của Hội cũng được nâng cấp có trụ sở, con dấu riêng với tư cách pháp nhân riêng và hoạt động độc lập.

Tạp chí Sông Lam là sự sáp nhập của hai ấn phẩm: Tạp chí Sông Lam của Hội và Tạp chí Văn hóa Nghệ An. Mỗi tháng xuất bản một kỳ dầy dặn trăm trang, đầy đủ thông tin và các chuyên mục, chuyên đề. Có cả tạp chí in và bản điện tử cập nhật hàng ngày. Tòa soạn của tạp chí là một ngôi nhà 2 tầng xinh xắn như một căn biệt thự, có sân rộng rãi,thông thoáng, liền kề với trụ sở Hội. Nhà thơ Phạm Thùy Vinh – Phó Chủ tịch Hội, kiêm Tổng biên tập tạp chí chia sẻ: hoạt động độc lập cũng có cái khó riêng, nhưng phát huy được tính chủ động sáng tạo và nâng cao trách nhiệm của mỗi khâu công việc. Hội VHNT Nghệ An có số lượng hội viên nhiều và công tác viên trong nước và nước ngoài cũng tích cực cộng tác với tạp chí Sông Lam nên lượng bài vở khá phong phú. Công tác biên tập như người làm dâu trăm họ, phải sắp xếp, lựa chọn sao cho vừa đảm báo chất lượng vừa khuyến khích đuợc hội viên và thu hút đông đảo cộng tác viên tham gia.

Các văn nghệ sĩ Nghệ An – Cao Bằng giao lưu văn nghệ tại thành phố Vinh. Ảnh: Nhật Thanh.

PGS.TS Đinh Trí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội tâm sự: “Hội là mái nhà chung, Tạp chí Sông Lam là diễn đàn chung, hội tụ những người cầm bút, như tôi là giảng viên đại học quê ở Hà Tĩnh, cô Vinh quê ở Thái Bình là biên tập của Báo Nghệ An. Có nhiều cán bộ trưởng thành từ cơ quan báo chí, nên trình độ chuyên môn khá đồng đều. Nghệ An là đất khoa cử, văn chương, văn nghệ sĩ, trí thức tài năng làm việc ở nhiều ngành nghề, bút lực khá dồi dào. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hết sức cẩn trọng, chỉ cần một chút “lệch pha” thôi cũng đủ dẫn đến nhiều phiền hà, gây phản tác dụng; rồi cách ứng xử với từng tác phẩm, từng tác giả, v.v… mọi cái đều phải làm thật chỉn chu và kiên quyết vì cái chung. Đã tâm huyết, đã làm thì phải dấn thân”.

Tôi hỏi: “Việc sáp nhập Tạp chí Văn hóa Nghệ An vào tạp chí Sông Lam thành một cơ quan báo chí hoạt động độc lập dược thực hiện thế nào?”. Chuyện này cũng khá tế nhị, nhưng có thế nói đó là chủ trương chung của cả nước nhằm tinh giản bộ máy, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của cơ quan báo chí được Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm. Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An cũng đã phối hợp chặt chẽ cùng với Sở Văn hóa và các cơ quan chức năng có trách nhiệm tham mưu, xây dựng đề án và tổ chức thực hiện từng bước. Cũng phải chứng minh, thuyết phục để các cơ quan, ngành chức năng hiểu hoạt động của một cơ quan báo chí chuyên ngành về văn học nghệ thuật để họ ủng hộ.

Câu chuyện của anh làm cho tôi và anh Việt Hùng – Chủ tịch Hội Văn nghệ Cao Bằng, càng thêm thấm thía. Chuyến đi quê Bác đãcho chúng tôi học tập, mở mang thêm nhiều điều. Đi một ngày đàng học một sàng khôn, nhưng với tôi chỉ cần đôi điều thôi cũng đã thấy mãn nguyện.

Bầu trời Nghệ An xanh. Màu xanh của cánh đồng Kim Liên, của đồng bằng Nam Đàn – Nghi Lộc – Hưng Nguyên. Xanh của núi rừng Thanh Chương, Tân Kỳ, Tương Dương. Xanh của biển Quỳnh Lưu, Cửa Lò, Bến Thủy, sông Lam. Man mác điệu hò ví, giặm. Xanh cả ước mơ và niềm tin của mỗi con người “Trời mô xanh bằng trời xứ Nghệ”… nghe sao mà thương mà nhớ!

Lã Vinh