LTS: Nhà thơ Trần Hữu Thung sinh ngày 26/7/1923, mất ngày 31/7/1999 tại quê nhà. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân. Quê ông là làng Trung Phường, xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông tham  gia Việt Minh từ rất sớm, năm 1944. Suốt cả cuộc đời ông gắn bó với công tác văn hóa, văn nghệ tại nhiều địa phương, trong đó có nhiều năm công tác tại tỉnh nhà Nghệ An. Từ năm 1965, ông là một trong những văn nghệ sĩ đầu tiên có công vận động thành lập Chi hội Văn nghệ Nghệ An (chi hội được thành lập năm 1967) và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn học nghệ thuật Nghệ An với tư cách là một văn nghệ sĩ cũng như là một người lãnh đạo của Chi hội/Hội Văn nghệ Nghệ An / Nghệ Tĩnh.

Năm 1944 đến 1948, ông hoạt động cách mạng tại quê, tham gia giành chính quyền, là Chủ tịch Ủy ban hành chính xã, Trưởng ban quân sự xã. Năm 1948-1952, ông là cán sự văn hóa văn nghệ của Tiểu ban Văn hóa văn nghệ Liên khu IV. Năm 1952 – 1953, ông làm cán bộ tuyên truyền ở Thanh Hóa. Năm 1954 – 1956, công tác tại Sở Tuyên truyền Liên khu IV, phụ trách Chi hội Văn nghệ Liên khu IV. 1957 – 1959, ông là Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam. 1960 – I961, ông học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. 1962 – 1965: cán bộ Vụ Văn nghệ – Ban Tuyên giáo Trung ương. Năm 1967-2/1974, ông là Phó Hội trưởng Chi hội Văn nghệ Nghệ An. Từ tháng 4/1974- 3/1976, ông là Hội trưởng Chi hội Văn nghệ Nghệ An. Từ tháng 4/1976-8/1981, ông là Hội trưởng Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh.

Nhà thơ Trần Hữu Thung là một trong những văn nghệ sỹ tiêu biểu được tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt I, năm 2001. Ngoài ra ông đã giành được Giải Nhất văn học tại Đại hội Liên hoan Thanh niên và Sinh viên Thế giới năm 1953 (bài thơ Thăm lúa). Giải Nhì thơ, Giải thưởng Văn học Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955 (bài thơ Đồng tháng Tám, bài ca dao Dặn con). Giải Nhất cuộc thi ký do báo Văn nghệ và Đài THVN tổ chức năm 1986 (Ký ức đồng chiêm).

Tác phẩm của ông đã được xuất bản: Việt Nam ly khúc (1944), thơ dài; Thăm lúa (1950), thơ (tác phẩm nổi bật); Dặn con (1955), tập thơ; Ngày thu ấy: Khúc ca Cách mạng Tháng Tám (1957), trường ca; Tôi làm ca dao (1959), tiểu luận; Hai Tộ hò khoan (1961), thơ; Chị Nguyễn Thị Minh Khai (1961), truyện thơ; Gió Nam (1962), truyện thơ; Đồng tháng Tám (1965), tập thơ; Ký ức Vinh rực lửa (1969), truyện ký; Đất quê mình (1971), tập thơ; Tiếng chim đồng (1975), tập thơ; Ngày ấy bên sông Lam (1980) (kịch bản phim); Anh vẫn hành quân (1983), tập thơ; Sen quê Bác (1985 – 1987), tập thơ; Ký ức đồng chiêm (1988), tập bút ký; Thơ vụn vặt (1996) Hồi ức về săn bắn (1996), hồi kí; Ca dao về Bác Hồ (1998), tập thơ – ca dao; Lời của cây, tập thơ.

Năm 2023 này là tròn 100 năm năm sinh của nhà thơ “Thăm lúa” Trần Hữu Thung. Tạp chí Sông Lam mở chuyên mục “Kỷ niệm 100 năm năm sinh nhà thơ Trần Hữu Thung” tập hợp những bài viết của các tác giả, các văn nghệ sĩ viết về cuộc đời và sự nghiệp của ông (từ những hồi ức, những kỷ niệm, những góc nhìn riêng) như một lời tri ân, tưởng nhớ tới một nhà thơ – một vị lãnh đạo tiền bối của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An – người đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn học nghệ thuật tỉnh nhà và để lại nhiều tình cảm đẹp, sâu sắc trong lòng các thế hệ văn nghệ sĩ Nghệ An cũng như các tỉnh bạn.

Nhà thơ Trần Hữu Thung (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) cùng các văn nghệ sĩ Nghệ An năm 1984. Ảnh tư liệu, nguồn: Đại biểu nhân dân Nghệ An.

Có nhiều giai thoại chuyện văn nghệ, chuyện đời về nhà thơ Trần Hữu Thung được bạn bè văn nghệ kể lại. Tất cả dựng nên chân dung một ông đồ nghệ, một nghệ sĩ tài hoa, dị biệt, cái dị biệt đáng yêu, đáng kính. Không chỉ làm thơ hay, Trần Hữu Thung còn viết thư pháp rất đẹp. Câu chuyện nhà thơ Trần Hữu Thung viết thư pháp trong một hoàn cảnh đặc biệt làm họa sĩ Hoàng Hải Thọ nhớ mãi.

Bấy giờ là năm 1978, gia đình họa sĩ Hoàng Hải Thọ mới chuyển từ xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) về Vinh. Anh em văn nghệ sĩ gồm Phan Hồng Khánh, Trần Hữu Thung, Tiêu Cao Sơn, Đào Phương, Trần Khánh, Nguyễn Trọng Tạo, Thạch Quỳ, Văn Hoành, Tuyết Nga… thường gặp nhau trong những buổi đi chơi và sinh hoạt văn nghệ.

Hồi ấy, các văn nghệ sĩ sinh hoạt văn nghệ một cách say sưa, tự nguyện, tuy tự phát nhưng rất có tổ chức. Những đêm đọc thơ, bình thơ thường được đốt trầm rất trang trọng. Không khí “thi đàn” đắm chìm trong hương trầm ấm cúng, thiêng liêng, ai muốn đọc thơ hay phát biểu phải theo trật tự. Người tham dự chăm chú lắng nghe, có lúc không khí im ắng làm cho giọng của người đọc thơ càng vang lên hào sảng. Sau khi tác giả đọc thì anh em bình phẩm một cách chân thành, có góp ý xây dựng, sửa chữa mà không mất lòng ai. Mọi người thường rủ nhau ra cầu Cửa Tiền trải chiếu ngồi hóng mát, uống rượu, đọc và bình thơ. Sông Cửa Tiền ngày ấy rất đẹp, nước xanh trong, dòng rộng và thoáng chứ không chật hẹp và bề bộn như bây giờ. Người đưa chai rượu, người đưa dưa muối, người đưa lạc rang… góp vào, vừa uống rượu vừa ngâm nga tới hai mươi hai, hai mươi ba giờ mới nghỉ.

Một hôm, một số văn nghệ sĩ gặp nhau ở cầu Cửa Tiền, nhà thơ Trần Hữu Thung nói với họa sĩ Hoàng Hải Thọ: “Thọ mới về Vinh mà anh em chưa có dịp đến chơi thăm hai cụ, hẹn một ngày nào đó mình gặp nhau ở nhà Thọ”. Thế rồi nhân ngày sinh nhật cụ Hoàng Văn Ngọc – thân sinh của họa sĩ Hoàng Hải Thọ, cụ xuất thân là một kiến trúc sư cũng rất yêu văn chương, anh em đến dự sinh nhật cụ Ngọc tại nhà B3 tầng 4, khu tập thể Quang Trung từ lúc chiều muộn. Gia đình cụ Ngọc được cấp căn hộ một gian, được xem là vào loại sang thời đó nhưng cũng rất chật chội, ăn cơm, tiếp khách, ngủ nghỉ đều trong vòng khoảng 30m vuông.

Họa sĩ Hoàng Hải Thọ nhớ mãi hình ảnh nhà thơ viết câu đối tặng bố mình.

Mọi người cùng nhau ngồi trên nền nhà uống rượu, gần 8 giờ tối thì cuộc rượu tàn. Lúc ấy, nhà thơ Trần Hữu Thung cao hứng nói: “sinh nhật cụ mà chẳng lẽ không có câu đối, nhà có lụa đỏ, mực tàu không Thọ”. Mực tàu thì có nhưng lụa thì không, thế là họa sĩ Hoàng Hải Thọ ra cửa hàng tạp hóa mua ngay tờ giấy đỏ về mài mực cho nhà thơ Trần Hữu Thung viết câu đối tặng cụ Ngọc. Rất tiếc là thời gian đã lâu, loại giấy đỏ thông thường ấy không thể giữ được nên cũng không ai nhớ nội dung đôi câu đối ấy nữa. Nhưng cái không khí mà nhà thơ Trần Hữu Thung viết câu đối ấy thì họa sĩ Hoàng Hải Thọ nhớ rất rõ: Trần Hữu Thung với vẻ đẹp tự tại của người nghệ sĩ như nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân vậy. Giống cái thần thái, còn hoàn cảnh thì khác hoàn toàn. Lúc chuẩn bị viết thì có điện, điện thời ấy rất yếu, tù mù và đỏ lòm, nhưng mấy phút sau thì mất điện. Nhà không có đèn, nến, thế là Hoàng Hải Thọ lấy hai khúc nứa, đập dập đầu rồi đốt lên làm đuốc. Trần Hữu Thung suy nghĩ một lát rồi viết, ông viết bằng chữ nho, nét chữ như rồng bay phượng múa rất đẹp trước sự thán phục của anh em bạn bè, người thì mặc áo, người thì cởi trần chụm đầu vào nhau, vây quanh chiêm ngưỡng từng con chữ trong gian nhà chật chội. Rồi đôi câu đối cũng hoàn thành trong sự phấn khích của mọi người. Cụ Ngọc vui lắm, cụ rất xúc động vì được tặng đôi câu đối bất ngờ trong không khí thăng hoa như thế.

Cuộc sống của văn nghệ sĩ những năm sau 1975 còn nhiều vất vả, thiếu thốn về vật chất nhưng tinh thần văn nghệ thì sáng như ngọn đuốc trong đêm hôm ấy, không gì có thể cản trở người nghệ sĩ sống với niềm đam mê. Anh em nghệ sĩ có nhiều cuộc hội ngộ nhưng cuộc hội ngộ hôm ấy là một kỉ niệm đẹp, nó thể hiện cái tài năng, cốt cách và tinh thần vượt qua hoàn cảnh, vượt qua “bóng tối” mà đến với nghệ thuật của người nghệ sĩ xứ Nghệ.

Hoàng An