Tạp chí Sông Lam xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng, người có nhiều thời gian được tiếp xúc, gặp gỡ với nhà thơ Trần Hữu Thung. Những kỷ niệm không thể nào quên được nhà thơ Nguyễn Văn Hùng chia sẻ như nén tâm hương kính dâng cố thi sĩ của đồng quê xứ Nghệ.

Nhà thơ Trần Hữu Thung và các bạn văn nghệ năm 1984. Ảnh: Tư liệu.

1- Bài thơ “Thăm lúa” ra đời năm 1950, đoạn cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, được trao giải Nhất văn học tại Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới sau đó 3 năm. Có thể nói, tên tuổi và vị trí của nhà thơ Trần Hữu Thung trên văn đàn được đồng nghiệp cùng bạn đọc xa gần biết đến, ghi nhận từ đó. Khoảng năm 1998, tôi vừa từ Hội VHNT Hà Tĩnh ra công tác tại Tạp chí Văn hóa Nghệ An, thuộc Sở VHTT tỉnh nhà, thì nhà thơ Vương Trọng, bấy giờ đang làm biên tập ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, gọi điện vào Vinh, nhờ tôi chạy xe gấp ra Diễn Châu, gặp cho được nhà thơ Trần Hữu Thung. Anh Trọng đang cần bài hỏi chuyện cụ Thung về bài thơ “Thăm lúa”. Việc này, tôi nghĩ đã khá nhiều “nhà” trước đây làm rồi, nay mình ra gặp, có vớt vát thêm tí tư liệu quý nào không, lại là vào chặng cuối, nhà thơ đang đánh vật với tuổi tác và bệnh tật hiểm nghèo?

Phóng xe ra đến thị trấn Diễn Châu, rẽ trái, đi một lúc nữa thì đến Bệnh viện huyện. Nhà cụ Thung đấy, ngôi nhà ngói tỉnh làm cho, khiêm nhường giữa vườn cây tỏa mát, nhà thơ đang nằm, vẻ gầy xanh, mệt mỏi… Cuộc tiếp xúc ngắn ngủi, tôi không muốn làm phiền cụ chỉ vì một bài báo nhỏ, rồi tìm cách đi ra nhà sau trò chuyện với bà Phương, người vợ vô cùng chịu thương chịu khó của nhà thơ. Nhiều tư liệu sống bà kể cho tôi ghi chép cẩn thận, rất tiếc qua năm tháng, thay đổi nhiều cơ quan, tôi không còn giữ được nữa. Sau lần gặp đó, tôi viết xong bài thơ Xa xăm, coi như lưu lại một kỷ niệm khó quên:

Xa xăm

Tôi gạn hỏi về thơ Thăm lúa
Ông nhìn xa
                   cúi lặng
                            mỉm cười.
Sách trên giá, cây bên cửa sổ
Đồng lõa với nhà thơ không thốt một lời.

Ngồi nhớ những bạn văn Khu Bốn cũ
“Tiếng chim đồng”, “Vinh rực lửa” đầu tiên
Khi bão bệnh quật nhà thơ xuống chiếu
Cái miệng cười chuyện trạng hãy còn duyên…

Ngoài kia, lèn Hai Vai ngày càng hẹp lại
Bên giường ông, thế núi cứ ngang tàng
Ngoài kia, lúa trĩu bông có thể làm trật dép
Người chống cuốc trông người đã lẫn xa xăm…
(Diễn Châu, 1998)

Trong bài, có câu “Tiếng chim đồng, Vinh rực lửa đầu tiên”. Đấy là tên hai cuốn sách của nhà thơ. Cuốn đầu xuất bản năm 1975, tập thơ; cuốn thứ hai, tập ký, xuất bản năm 1969. Còn câu “Bên giường ông, thế núi cứ ngang tàng” có ý muốn nhắc lại một quan sát của tôi, năm 1998. Năm ấy, tôi đến thăm nhà thơ, thấy phía trên đầu giường nằm, có treo bức ảnh chụp Lèn Hai Vai, một biểu tượng đẹp, kỳ vĩ trên quê hương Diễn Châu. Nghe nói trong nhà cụ Thung còn treo hai chữ Hán do chính tay cụ thảo: “Chế Nộ” (Khống chế cơn giận dữ của bản thân), tôi đã không kịp xem, không kịp chụp lại, cũng là một sự tiếc!

 2- Sau lần thăm hỏi tác giả “Thăm lúa” không lâu, vào cuối chiều ngày 31-7-1999, nhà thơ Trần Hữu Thung trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện huyện nhà. Bấy giờ, tôi đang công tác tại Tạp chí Sông Lam – Hội VHNT Nghệ An, nhà thơ Lê Thái Sơn làm Chủ tịch Hội. Biết tin dữ, chuyến xe của Hội chở chúng tôi đáng lẽ vào thẳng thị xã Đông Hà, Quảng Trị dự giao lưu tạp chí Văn nghệ 06 tỉnh khu vực Bắc miền Trung, thì anh Hòa lại cho xe quay ra Diễn Châu viếng một nhà thơ vô cùng thân yêu, một người Anh cả của cơ quan Hội nói riêng, của văn nghệ sỹ xứ Nghệ nói chung. Chúng tôi đến nơi vào sáng ngày 1/8, nhà giáo Trần Hữu Dinh bước ra, nắm chặt tay từng người, mắt đỏ hoe vì mất ngủ. Cả đêm qua, nhà giáo thức viết điếu văn cho “anh trai” mình. Trên đường vào Quảng Trị, tôi nhẩm xong bài thơ “Nuối” bốn câu: “Những phút cuối, Ông Thăm Lúa sống nhờ dưỡng khí/ Gượng gắng với cháu con, hay nuối chút hương đồng/ Hay cuốn sách nợ đời chưa xong trang kết/ Con chiền chiện năm nào còn kiếp long đong?”.

 3- Nhiều đồng nghiệp và bạn đọc biết Trần Hữu Thung không chỉ qua sáng tác văn chương,ông còn là nhà sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, giới thiệu văn học dân gian Nghệ – Tĩnh; tác giả những cuốn sách giá trị về vè giặm, ca dao, dân ca, chuyện cổ tích, chuyện trạng của vùng đất văn vật này. Tôi còn nhớ, cuốn Ca dao về Bác Hồ, Nhà xuất bản Nghệ An tái bản năm 1996, với 224 đơn vị ca dao, cùng vài chục trang cảm nghĩ nhân đọc ca dao về Bác mà ông sưu tầm, biên soạn rất công phu. Trong tiểu luận Đi tìm ca dao về Bác, in trên tạp chí Sông Lam, số 23, năm 1997, có đoạn tôi viết: “Với Trần Hữu Thung, ca dao về Bác gắn bó máu thịt với từng kỷ niệm, hồi ức, với những năm tháng hào hùng, đẹp đẽ của cả nước cũng như của bản thân ông. Từ phong trào chống nạn mù chữ hồi đầu cách mạng mà ông là một giáo viên, phong trào tăng gia sản xuất, tiết kiệm, đến phong trào tòng quân đưa tiễn người thân ra trận…”.

Con người và tác phẩm của Trần Hữu Thung là vậy đấy, có kể bao nhiêu cũng khó hết được. Nhiều đồng nghiệp, đồng hương cầm bút cùng thời hoặc sau ông đều gặp nhau ở nhận định: thơ văn Trần Hữu Thung ở đâu cũng nhuốm cái chân chất của anh thợ cày, mang hương vị ngọt ngào dân ca xứ Nghệ, bởi ngay từ khởi đầu đặt nền móng, nhà thơ đã đằm sâu vào ngọn nguồn và sức sống dồi dào, mãnh liệt của văn hóa quê hương…

 4- Mấy ngày cuối tháng 12 năm 2017, Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An đang sửa soạn cho Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội (1967 – 2017). Ngồi ghi lại những dòng hồi ức này, người viết bồi hồi hình dung ra nhiều gương mặt đáng kính đã găm vào “bộ nhớ”, từ sau năm 1975, đất nước thống nhất, bản thân bỡ ngỡ dần làm quen và gia nhập vào làng văn nghệ. Tôi hình dung rất rõ gương mặt, vóc dáng, cử chỉ, lời lẽ chân chất, dí dỏm, lão thực, còn có phần quyết liệt của Trần Hữu Thung. Ông là thành viên sáng lập của Hội Nhà văn Việt Nam (1957) cũng là thành viên sáng lập và là Phó hội trưởng cùng với nhà thơ Minh Huệ (nhà văn Bùi Hiển là Hội trưởng danh dự) Hội VHNT tỉnh nhà (1967). Biết sống hết mình cho sự nghiệp và quê hương, đất nước nên khi “thân tứ đại” hòa vào đất mẹ, ông đã nhận được bao nhiêu niềm thương tiếc, niềm kính trọng, lời ngợi khen thật lòng.

Tôi còn giữ tờ báo Văn Nghệ, số 32, ra ngày 7/8/1999, có bức “Điện chia buồn” của Hội Nhà văn Việt Nam. Một đoạn trong bức điện viết như khắc vào bia đá:”Nhà thơ Trần Hữu Thung mất đi là một tổn thất lớn đối với nền văn học đất nước. Ông để lại nhiều ấn tượng đẹp đẽ, nhiều tình cảm quý mến, tiếc thương trong lòng bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, và để lại những đóng góp xứng đáng vào thành tựu nền văn học cách mạng nước nhà”. Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt I, năm 2001, dành cho nhà thơ Trần Hữu Thung đã và sẽ còn làm cho nhiều đồng nghiệp, nhiều thế hệ bạn đọc của ông, thêm ấm lòng!

Nguyễn Văn Hùng