Chiều 5/8, tại Khách sạn Mường Thanh huyện Diễn Châu, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với gia đình nhà thơ Trần hữu Thung tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Trần Hữu Thung. Nhà thơ Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội LH Văn học Nghệ thuật Nghệ An đã có bài phát biểu tại buổi lễ.

Tạp chí Sông Lam trân trọng giới thiệu toàn văn tới bạn đọc.

Các đại biểu, văn nghệ sỹ trong và ngoài tỉnh tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Trần Hữu Thung. Ảnh: Võ Khánh

Kính thưa các vị đại biểu, khách quý, các văn nghệ sĩ!

Hôm nay tôi rất vui mừng được tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Trần Hữu Thung – nhà thơ, nhà văn hóa, nguyên Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Hội trưởng Chi hội Văn nghệ Nghệ An, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh. Thay mặt cho lãnh đạo Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, tôi nhiệt liệt chào mừng và gửi đến các quý vị đại biểu, khách quý, các văn nghệ sĩ, gia đình, người thân, bạn bè… của nhà thơ Trần Hữu Thung lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Chủ tịch Hội LH Văn học Nghệ thuật Nghệ An Hồ Mậu Thanh phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Võ Khánh

Nhà thơ Trần Hữu Thung sinh ngày 26/7/1923, mất ngày 31/7/1999. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trần Hữu Thung gia nhập mặt trận Việt Minh từ năm 1944; Từ 1944 đến 1948, ông tham gia hoạt động cách mạng tại quê nhà, tham gia giành chính quyền, làm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã, Trưởng ban quân sự xã. Từ 1948 – 1952, ông là Cán sự văn hóa văn nghệ của Tiểu ban văn hóa văn nghệ Liên khu IV. Từ 1952 đến 1953, ông là cán bộ tuyên truyền ở Thanh Hóa. Từ 1954 – 1956, ông công tác tại Sở tuyên truyền Liên khu IV, phụ trách Chi hội văn nghệ Liên khu IV. Từ 1957 – 1959, ông là Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, sau đó là cán bộ Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương. Chuyển công tác về Nghệ An, ông là  Hội phó Chi hội Văn nghệ Nghệ An từ 1967 – 3/1974, Hội trưởng Chi hội Văn nghệ Nghệ An từ 4/1974-2/1976, Hội trưởng Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh từ 3/1976 đến 1981.

Say mê thơ từ nhỏ, lại sinh ra và lớn lên ở một miền quê có bề dày truyền thống văn hóa, văn nghệ dân gian, Trần Hữu Thung bắt đầu con đường sáng tác bằng những bài ca dao, hò vè phục vụ tuyên truyền vận động quần chúng ở nông thôn. Thơ đối với ông từ những ngày đầu cầm bút, trước hết là phương tiện công tác cách mạng. Ông viết để ca ngợi chiến công, phổ biến chủ trương chính sách, phản ánh đời sống người nông dân kháng chiến. Ông có phong cách của một nhà thơ dân gian, với tình cảm chân thật, đậm đà, với hình thức giản dị, gần gũi lời ăn tiếng nói quần chúng. Thơ ông không nói chuyện cá nhân, những vui buồn riêng, ông vui buồn cùng vận nước, tình dân. Đó là lý do khiến thơ Trần Hữu Thung thời kháng chiến có nhiều bài được phổ biến rộng rãi. Tiêu biểu là bài thơ Thăm lúa (1950), đã thể hiện thành công tình cảm, nỗi nhớ mong của một người vợ trẻ hậu phương hướng về người chồng đang chiến đấu ở tiền tuyến. Tác giả đã xây dựng được hình ảnh một phụ nữ nông dân thật đẹp, tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam thời chống Pháp biết gắn nghĩa nước với tình nhà. Thăm lúa với hình thức thơ 5 chữ, gợi nhớ nhịp điệu hát dặm Nghệ – Tĩnh, nhưng cũng mang tính chất một thi phẩm mới mẻ của nền thơ ca cách mạng đang từng bước khẳng định mình. Các tập thơ chính của ông đã xuất bản là: Đồng tháng Tám (1955), Dặn con (1955), Ngày thu ấy (1957), Hai Tộ hò khoan (1961), Chị Nguyễn Thị Minh Khai (1961), Gió Nam (1962), Đất quê mình (1971), Tiếng chim đồng (1975), Anh vẫn hành quân (tuyển thơ – 1983), Sen quê Bác (1985). Ngoài thơ, Trần Hữu Thung còn sáng tác văn xuôi, viết tiểu luận: Vinh rực lửa (ký – 1969), Ngày ấy bên sông Lam (kịch bản phim truyện – 1980), Ký ức đồng chiêm (ký – 1988), Hồi ức về săn bắn (1996). Tiểu luận : Tôi làm ca dao (1959), Tiếng hát ru (1975). Sưu tầm văn học: Ca dao về Bác Hồ, Giai thoại văn học ở Nghệ Tĩnh. Những năm cuối đời, ông vẫn trăn trở, tập trung công sức biên soạn và xuất bản Từ điển tiếng Nghệ (1997).

Trần Hữu Thung đã được trao tặng nhiều giải thưởng văn học cao quý: Bài thơ Thăm lúa đạt giải thưởng thơ tại Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới ở Bu – ca- rét (Rumani) năm 1953; tập thơ Đồng tháng Tám – tập hợp phần lớn thơ của ông trong kháng chiến chống Pháp – được tặng giải Nhì về thơ của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955; Ký ức đồng chiêm đoạt Giải Nhất cuộc thi ký do báo Văn nghệ và đài TNVN tổ chức năm 1988. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1, năm 2001.

Kính thưa các vị đại biểu, khách quý, các văn nghệ sĩ!

Là một nhà thơ trưởng thành sau Cách mạng tháng Tám, tác phẩm của Trần Hữu Thung phần lớn gắn liền với vùng quê Nghệ Tĩnh, phản ánh sinh động cuộc sống nông thôn, hình ảnh người nông dân trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trần Hữu Thung là biểu tượng của sự gắn kết giữa thơ ca và quần chúng lao động, trước hết là những người nông dân. Về hình thức, Trần Hữu Thung thường sử dụng các thể thơ dân tộc quen thuộc, lời thơ mộc mạc, giản dị, vừa mang đậm phong vị dân ca Nghệ Tĩnh, vừa gây được ấn tượng độc đáo trong thơ hiện đại. Thơ Trần Hữu Thung vẫn sống mãi cùng lèn Hai Vai, cùng những chú chim chiền chiện, cùng đồng đất Diễn Minh quê ông. Thơ ông đúng như hình ảnh cây tre trong bài thơ ông viết:

Dù trăm ngọn gió xoay chiều
Là tre cha chỉ biết reo tiếng mình.
Gốc bền, cây thẳng, ngọn xinh
Thủy chung sống giữa nghĩa tình xóm quê.
                                        (Cây tre)

Con đường làng dẫn vào nhà của nhà thơ Trần Hữu Thung. Ảnh: Kièu Nga

Trong buổi lễ này, chúng ta cũng ghi nhớ công ơn của nhà thơ Trần Hữu Thung trong việc xây dựng Hội Văn nghệ Nghệ An và Hà Tĩnh. Đang công tác ở Hà Nội, năm 1965, ông chuyển về Nghệ An để bắt tay thành lập Chi hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà. Ông là hội viên sáng lập Chi hội Văn nghệ Nghệ An, nhiều năm là Phó Hội trưởng rồi Hội trưởng (3/1974-2/1976). Khi 2 hội văn nghệ Nghệ An và Hà Tĩnh hợp nhất (1976) thành Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh, ông được tín nhiệm bầu làm Hội trưởng từ 1976 đến 1981. Sau khi thôi đảm nhiệm chức vụ quản lý, ông vẫn tiếp tục say mê sáng tác, có những đóng góp lớn cho phong trào văn học nghệ thuật trên quê hương Nghệ An. Để có được sự phát triển vượt bậc và đội ngũ đông đảo hôm nay, các thế hệ văn nghệ sĩ Nghệ An không quên công lao to lớn của những nhà văn, nhà thơ có công đầu gây dựng, tổ chức Hội, mà một trong số đó chính là nhà thơ Trần Hữu Thung.

Để có buổi lễ kỷ niệm ấm áp này, thay mặt cho lãnh đạo Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, xin gửi lời cảm ơn đến Hội Nhà văn Việt Nam, đại gia đình nhà thơ Trần Hữu Thung, các văn nghệ sĩ, bạn bè, người thân…đã góp nhiều công sức và có mặt tham dự buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ. Xin trân trọng cảm ơn!