LTS: Nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc – nguyên Trưởng ban Hội viên, nguyên Thư ký Tạp chí Sông Lam, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật – là người đã gắn bó trọn đời công tác với cơ quan Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An từ năm 1992 cho đến này tháng 7/2023. Đầu tháng 8/2023 này, nhà văn vừa nhận “sổ hưu”.

Khi nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc về công tác tại Hội LH Văn học Nghệ thuật Nghệ An thì nhà thơ Trần Hữu Thung đã nghỉ hưu khá lâu. Tuy nhiên, chị vẫn biết về ông khá nhiều qua những câu chuyện, tình cảm của các đồng nghiệp thế hệ trước dành cho ông và cũng khá nhiều lần chị được về quê hương của nhà thơ, gặp gỡ, thăm hỏi và trò chuyện. Ông đã để lại trong chị ấn tượng sâu sắc và một tình cảm ấm áp của một người nghệ sĩ bậc cha chú giàu tình thương và độ lượng.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Trần Hữu Thung nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc ghi chép vài lời về những kỷ niệm với nhà thơ.

Nhà thơ Trần Hữu Thung và bài thơ “Thăm lúa”.

Tôi biết đến tên tuổi của nhà thơ Trần Hữu Thung khi bài thơ “Thăm lúa” in vào sách giáo khoa, nhưng nhiều năm sau mới được gặp tác giả ở ngoài đời, lúc ông đã nghỉ hưu ở quê nhà. Ngày ấy, tôi vừa học xong ở Hà Nội, về nhận việc làm ở Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An tại thành phố Vinh (1992). Tôi đã theo các anh chị là cán bộ cơ quan đi thăm ông lần đầu ở xã Diễn Minh, Diễn Châu, Nghệ An.

Tôi nhớ, ông đã hỏi khi thấy tôi: “Chú nghe các anh chị nói Ngọc mới về Hội à, chịu khó học hỏi làm việc, cuộc sống còn khó khăn lắm cháu ạ”. “Dạ, mong chú mau khỏe, vào lại cơ quan gặp mọi người, chỉ bảo cho cháu với”. “Ầy”. Nói chuyện gì ông cũng “ầy” mà không hứa hẹn gì. Nhà thơ Trần Hữu Thung nhắc đến cuộc sống ở Hội đang còn “khó khăn lắm” khiến ngay lúc ấy tôi nhớ đến một bác tên Kính, làm việc ở Tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh, phụ trách trang Lý luận phê bình. Cuối những năm tám mươi (1980), đầu chín mươi (1990), đói lắm, bác Kính ở ngay Hội, đưa cả người cha già vào ở cùng. Hàng ngày, tôi thấy ông già lặng lẽ gánh trên vai đôi sọt đi dọc đường phố nhặt phế liệu, que củi hay tờ giấy rơi rụng đem về đun nấu. Giờ nghĩ lại, mắt cay cay, thương cho những người làm công tác VHNT có lúc cuộc sống nghèo đến mức gần như phải… xin ăn. Ông Thung nhắc, biết là ông thương anh em cán bộ cơ quan lắm, nhưng lực bất tòng tâm. Vào thời điểm đó, ông đang ốm, và những năm tháng sau, tôi còn theo mọi người đi thăm ông mấy lần nữa trong căn nhà cấp bốn tuyềnh toàng và đơn giản. Nói thật ra, cuộc sống của ông ngày ấy cũng đang rất nghèo.

Các văn nghệ sĩ Diễn Châu, Quỳnh Lưu thắp hương trước mộ nhà thơ Trần Hữu Thung. Ảnh: Hữu Vinh.

Nhớ lại những lần chuẩn bị đi thăm ông, cơ quan rộn lên, bà Luyên kế toán tất bật mua cân đường hộp sữa, ông Hòa lái xe mở cửa ga ra rất sớm đứng chờ. Bà Thuyến thủ quỹ hỏi đi hỏi lại xem “có ai gửi chi cho anh Thung nữa không?”. Ông Quốc Anh làm công tác hội viên, kiêm việc công đoàn cứ cầm đùm thuốc lào trở đi trở lại nơi tay giục mọi người: “nhanh lên, đừng để anh Thung phải chờ, sốt ruột”. Tôi thì được phân công ôm sách, báo, tạp chí để biếu ông. Đi thăm ông, ai cũng có cảm giác như đang về chính nhà mình vậy, không khí vui và ấm cúng. Gặp ông rồi tranh nhau hỏi chuyện: “Dạo ni ra răng rồi anh Thung, ăn uống được không?” “Có viết được chi mới không anh?” “Khỏe rồi tiếp tục làm đô vật anh hầy?”… Chuyện trò cứ ríu ran như vậy. Ông lắng nghe, nhìn kỹ từng người, chỉ “ầy”, “ầy”, không nói gì thêm, nhưng đôi mắt ánh lên long lanh, ông đang vui khi gặp lại các cộng sự của một thời. Lúc mọi người chào để về, ông nắm tay từng người thật chặt, lắc đi lắc lại: “không bận thì lại về Diễn Châu nữa nhé”.

Tôi biết bạn bè đồng nghiệp, bạn đọc yêu thơ thường gọi ông là “nhà thơ nông dân”. Tiếp xúc nhiều lần, thấy tình cảm, tên gọi mọi người dành cho ông thật chuẩn. Từ bộ quần áo nâu ông mặc thường ngày cho đến tính cách, thích ăn trầu, nói câu chuyện thường kết “ầy” rất là… nông dân. Ông là con nhà nông, khá giỏi việc ruộng đồng, một nhà thơ gắn bó máu thịt với ruộng đồng và bà con nông dân, tích cực tham gia công việc đồng áng và các hoạt động tập thể dân dã. Nghe kể, thời niên thiếu, ông có bốn thú vui là: đánh bắt cá, bẫy chim, đấu vật và thích nghe hò vè. Ông chỉ được học hết thành chung (trung học) rồi tự miệt mài học để vươn lên. Ông thạo tiếng Pháp, chữ Hán, chữ Nôm. Có một vốn kiến thức uyên bác về văn hóa Việt Nam, Trung Quốc và Pháp. Theo lý lịch, trong kháng chiến chống Pháp, ông là cán sự văn hóa, cán bộ tuyên truyền thuộc Liên khu IV rồi phụ trách Chi hội Văn nghệ liên khu. Ông làm thơ, viết ca dao – xem đó chỉ là phương tiện để thực hiện công tác hàng ngày. Thơ ông viết từ tấm lòng, ca ngợi chiến công, phổ biến chủ trương chính sách, phản ánh đời sống người nông dân kháng chiến. Lời lẽ mộc mạc, tình cảm thật thà, phổ cập, dễ nghe, dễ hiểu. Ông không ủy mị, yếu đuối, hay theo cách gọi bây giờ là dùng ngôn tình để thỏa nỗi lòng riêng tư. Ông không bao giờ nói, kể lể, bộc bạch chuyện riêng của mình với mong muốn sẻ chia. Ông hòa đồng, cùng vui buồn với vận nước, tình dân.

Ông sáng tác ở nhiều thể loại: thơ, viết tấu, ca dao, bút ký, kịch phim và soạn thảo Từ điển tiếng Nghệ và để lại cho hậu thế khá nhiều tác phẩm. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã đạt được nhiều giải thưởng lớn: Huy chương Vàng, Giải thưởng thơ tại Liên hoan Thanh niên thế giới năm 1953 cho “Thăm lúa”; Giải Khuyến khích Giải thưởng Văn nghệ 1951-1952 về thơ cho tác phẩm Hai Tộ hò khoan; Giải Nhì Giải thưởng Văn nghệ 1954-1955 về thơ cho 2 tập Đồng tháng Tám và Dặn con.

Có lẽ đánh giá sau đây của Giáo sư, Viện sỹ N.I.Niculin – người một đời vì văn học Việt Nam – về Trần Hữu Thung đã nói đầy đủ về thơ, cũng là về tâm hồn của “nhà thơ nông dân”: “Thơ của ông có sự giản dị, trong sáng của dân ca, chứa chan tình cảm chân thành và lòng tin tưởng ở tương lai, mang những nét tươi mát và hăng say của tuổi trẻ (…). Dưới ngòi bút của ông, thiên nhiên Việt Nam và tất cả những sự vật ở xung quanh người nông dân Việt Nam trở nên sinh động” (N. L. Niculin – Văn học Việt Nam, Viện Đông phương học Liên Xô xuất bản năm 1971).

Đàm Quỳnh Ngọc