Hơn 1000 chuyến bay đưa hơn 200 nghìn người từ 62 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước trong những ngày bóng đen Covid -19 bao trùm tưởng như là ánh sáng nhân đạo củng cố niềm tin của Nhân dân vào chính quyền, là điều làm nên hình ảnh đẹp của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Ấy vậy mà, dịch bệnh qua đi, người ta lại phải chứng kiến một bóng đen khác, đối diện với một sự thật khác kinh khủng hơn khi chi tiết về vụ tham nhũng, hối lộ trong những chuyến bay dần hé mở.

Những ngày qua, dư luận cả nước tập trung vào phiên tòa xét xử vụ “chuyến bay giải cứu”. Phiên tòa thu hút sự quan tâm của người dân không chỉ bởi 54 bị cáo kia phần lớn là những người từng nắm giữ quyền cao chức trọng mà còn bởi tính chất thiếu nhân đạo, thiếu lương tâm của những hành vi. Thật khó có thể tin, trong những giờ phút người dân hoang mang, cận kề ranh giới sinh tử, những người được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó trách nhiệm thực hiện chủ trương nhân đạo lại thản nhiên tìm cách trục lợi. Họ đã kiếm tiền từ trên nỗi đau, sự sợ hãi của người dân. Trong những tình thế cấp bách ấy, khi mối quan tâm của hầu hết mọi người đều chỉ là chuyện sống chết, họ vẫn trắng trợn vơ vét, tư lợi thì thử hỏi những ngày thường, họ còn tìm cách nhũng nhiễu, vòi vĩnh ra sao?

Một số mức án Viện Kiểm sát đề nghị đối với các bị cáo. Nguồn: Báo Tuổi trẻ

Những mức án đã được đề nghị đối với các bị cáo, trong đó có một án tử hình cho Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế. Viện Kiểm sát Nhân dân nhận định hành vi nhận hối lộ của các cán bộ đã “phản bội sự cố gắng của chính đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp của mình”. Nhưng trên hết, họ đã phản bội lại niềm tin của Đảng, của Nhà nước, của Nhân dân. Đó là sự phản bội lớn nhất và khó có thể tha thứ. Họ đã lấy vỏ bọc nhân đạo để làm những việc thiếu lương tâm. Họ đã vứt bỏ đi lòng tự trọng, danh dự và nhân phẩm của mình. Đáng xấu hổ hơn, họ vẫn sẵn sàng rao giảng những bài học về nhân đạo, về niềm tin khi chính bản thân mình lại tha hóa và “tự diễn biến”.

Vụ chuyến bay giải cứu không phải là tiêu cực duy nhất xảy ra trong đợt dịch Covid -19. Chúng ta đã chứng kiến vụ Việt Á, vụ nâng khống giá máy xét nghiệm Covid ở các CDC… Điều đó cho thấy có những lỗ hổng trong cơ chế tạo điều kiện cho các hành vi tham ô, hối lộ; những lỗ hổng trong công tác cán bộ; những bê bối tồn tại trong hệ thống Nhà nước và sự suy thoái đạo đức nghiêm trọng của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Họ đã để những cám dỗ vật chất làm phai mờ lý tưởng, để đồng tiền che đi lương tâm và trách nhiệm của mình.

Một số mức án Viện Kiểm sát đề nghị đối với các bị cáo. Nguồn: Báo Tuổi trẻ

Thật may mắn khi những hành vi tham ô, hối lộ ấy đã được đưa ra ánh sáng. Việc kịp thời xử lý các sai phạm này của Đảng, Nhà nước có lẽ cũng được xem là một chuyến “giải cứu”, giải cứu niềm tin cho Nhân dân. Niềm tin là điều khó xây dựng nhất vậy mà thời gian qua một số cán bộ, Đảng viên tha hóa, biến chất sẵn sàng coi rẻ niềm tin của Nhân dân, giẫm lên niềm tin của dân mà làm những việc bất chính. Hôm nay đây, họ có thể nhận những bản án thích đáng, trả lại số tiền tham ô hay xin lỗi Nhân dân nhưng điều dân cần hơn hết đó là những người làm quan luôn biết nghĩ tới dân, đặt lợi ích của dân lên trước trong mọi hành động.

Phiên tòa này khép lại, sẽ còn những phiên tòa khác được mở ra và chúng ta vẫn chờ đợi giai đoạn 2 của vụ án. Chúng ta hy vọng những kẻ phạm tội sẽ phải nhận hình phạt thích đáng, bất kể là ai. Đó sẽ là lời răn đe, cảnh tỉnh cho tất cả những người đang lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi bất chính. Hy vọng Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục công cuộc chống tham nhũng, tiếp tục đưa ra ánh sáng những vụ việc sai phạm khác, mạnh tay xét xử các quan tham mà không có vùng cấm để lấy lại lòng tin của Nhân dân; để người dân không cảm thấy niềm tin của mình bị lợi dụng hay đặt nhầm chỗ.

Trang Đoan