Hằng năm, cứ đến dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi lại được nghe đây đó phụ huynh, học sinh bàn bạc các phương án chúc mừng thầy, cô với băn khoăn “Mua quà hay đi phong bì?” Có lẽ, khi cụm từ “văn hóa phong bì” đã trở nên quen thuộc thì ít nhiều chúng ta đều hiểu ra “vấn đề”, đều biết phía trong những chiếc phong bì ấy đựng gì nhưng câu hỏi ấy không hiểu sao vẫn gợi lên trong tôi bao suy nghĩ về giá trị thực sự của những chiếc phong bì.

Trước đây, phong bì vốn được dùng để đựng những bức thư, tấm thiệp; mang yêu thương, nhớ nhung, tin tức,… gửi đến người nhận. Bởi thế, ấn tượng của tôi gắn với phong bì luôn là cảm giác háo hức, hạnh phúc khi nhận nó từ tay người đưa thư; là sự nâng niu cất giữ từng chiếc phong bì trong chiếc hộp nhỏ của riêng mình. Cuộc sống phát triển, người ta không còn giữ thói quen viết thư nữa. Ngày nay, có vô vàn cách tiện lợi để liên lạc, để trực tiếp nói chuyện với nhau bất kể khoảng cách xa đến đâu nên cũng dễ hiểu khi chẳng mấy ai còn mặn mà với những dòng thư tay. Cũng bởi thế mà những chiếc phong bì dần phải thay đổi chức năng của mình.

Giờ đây, phong bì được dùng phổ biến để đựng tiền đi thăm hỏi, chúc mừng,… Nhắc đến phong bì là người ta nghĩ đến tiền, đến những giá trị vật chất mà nó mang lại. Từ “phong bì” cũng dần mang một nghĩa khác, như ẩn dụ cho hành động hối lộ,… Vấn nạn phong bì trở thành nỗi nhức nhối của xã hội và thật đáng tiếc khi nó cũng tràn lan trong ngành giáo dục, ăn sâu vào cả nhận thức của con trẻ. Vốn dĩ, ngày lễ 20/11 là dịp để tri ân những người làm công tác giáo dục nhưng nay ít nhiều trở thành gánh nặng của học sinh, phụ huynh.

Tất nhiên, số tiền mỗi phụ huynh bỏ ra cho một giáo viên trong dịp này không quá lớn nhưng vẫn là nỗi canh cánh của họ. Một năm bao nhiêu ngày lễ là bấy nhiêu lần họ băn khoăn tặng gì để lấy được lòng giáo viên, để họ quan tâm hơn tới con em mình; nên tặng những giáo viên nào, môn học nào của con cần điểm cao…?  Mỹ phẩm, những món trang sức, áo quần,… dần cũng không được ưa chuộng bằng “phong bì” vì không phải ai cũng hiểu rõ sở thích của giáo viên để lựa chọn phù hợp. Đối với các gia đình có điều kiện kinh tế, chuyện này khiến họ băn khoăn một thì với những gia đình còn khó khăn lại phải băn khoăn mười. Mặc dù thực trạng này đã được phản ánh nhiều năm nhưng tình hình không mấy thay đổi. Mối quan hệ giữa giáo viên – phụ huynh, giáo viên – học sinh đang dần bị vật chất hóa. Những ngày lễ dần dần không giữ được ý nghĩa đẹp đẽ vốn có của nó nữa.

Đáng buồn hơn, những chiếc phong bì kia không không phải lúc nào cũng chứa đựng tình cảm, sự tôn trọng. Người ta trao đi với đủ thứ mong cầu, gửi gắm, xem đó như là công cụ để thực hiện những nguyện vọng của mình. Một giáo viên có tự trọng nghề nghiệp thì chắc chắn những hành động như thế sẽ khiến họ chạnh lòng! Nhưng, đáng buồn thay, một bộ phận không nhỏ giáo viên lại chẳng quan tâm đến thái độ, tình cảm này.

Nguyên nhân vì đâu việc tri ân giáo viên trở nên biến tướng như hiện nay? Trước hết, có lẽ bởi sự tác động chung của đời sống xã hội. Trong một xã hội mà vật chất được coi trọng, đề cao thì điều này hoàn toàn dễ hiểu. Bên cạnh đó, sự suy thoái đạo đức của một bộ phận giáo viên, những tiêu cực trong môi trường học đường khiến mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh, học sinh bị lung lay. Tình cảm, sự gắn kết, lòng tôn trọng dần dần phai nhạt; thay vào đó là một mối quan hệ theo hình thức có đi có lại, miễn cưỡng và đầy lợi ích. Mặt khác, không thể không đề cập đến một nguyên nhân là do chế độ đãi ngộ đối với giáo viên chưa thỏa đáng. Khi chưa thoát khỏi nỗi lo và gánh nặng cơm áo, khi đụng đến đâu cũng cần tiền thì đôi lúc họ đành phải chấp nhận những điều mình không mong muốn.

Phải thấu hiểu nguyên nhân dẫn đến thực trạng này mới có thể tìm cách khắc phục, thay đổi một cách triệt để. Những gì chúng ta làm trong thời gian qua chỉ là giải quyết phần ngọn, chưa đào sâu đến gốc rễ của vấn đề. Cấm nhận quà, cấm đưa quà chỉ là biện pháp tức thời và cũng thể hiện sự bất lực trong việc tìm lại đúng ý nghĩa của ngày tri ân nhà giáo. Muốn những hành động của học sinh, phụ huynh mang đến cho giáo viên trong dịp này xuất phát từ tình cảm, lòng biết ơn chân thành thì chúng ta phải chấn chỉnh lại những tiêu cực tồn tại trong hệ thống giáo dục. Chúng ta cần những biện pháp để ngăn chặn tình trạng xuống cấp đạo đức trong xã hội và cần có cơ chế tiền lương mới cho giáo viên để đảm bảo đời sống của họ. Chỉ khi khắc phục được những căn bệnh đang hoành hành trên cơ thể giáo dục; chỉ khi xã hội hướng đến chú trọng giáo dục đạo đức, khơi dậy tình yêu thương, tính nhân văn trong mỗi con người thì mới mong chấm dứt được vấn nạn phong bì hiện nay.

Tất nhiên, chúng ta không thể cứ ngồi yên đợi sự thay đổi của thời cuộc, của hệ thống. Các nhà trường, giáo viên, học sinh cũng có thể bắt đầu tạo nên thay đổi từ những hành động nhỏ của chính mình. Mỗi giáo viên hãy tự nhìn nhận lại bản thân, cách giáo dục con trẻ để làm sao gắn kết hơn với học sinh bằng tình cảm chân thành và vận động các em, phụ huynh trả lại sự trong sáng cho những ngày lễ. Hãy làm từng việc nhỏ thật đẹp và lan tỏa nó để tạo nên thay đổi lớn hơn.

Chúng ta đều biết, tổ chức UNESCO cũng chọn ngày 5/10 hàng năm là ngày Nhà giáo thế giới. Trên trang của tổ chức này cũng như của nhiều trường, tổ chức giáo dục ở các quốc gia khác nhau có những bài viết về mục đích, ý nghĩa của ngày lễ và gợi ý tổ chức kỷ niệm như thế nào. Các phương án đưa ra phần lớn hướng đến cách mang tới món quà bất ngờ, có giá trị về mặt tinh thần cho thầy cô. Đó có thể là đọc một bài thơ mình tự sáng tác, là gửi một tấm thiệp với thật nhiều lời bày tỏ yêu thương, là chia sẻ những tâm sự/nguyện vọng của mình, là mang đến một bó hoa tươi thắm và những thành tích tốt,… Tổ chức một ngày lễ với những hoạt động ý nghĩa, bất ngờ để bày tỏ yêu thương, tăng sự gắn kết và thấu hiểu là việc chúng ta cần làm. Đừng nên quy mọi thứ ra giá trị vật chất, cũng đừng xem đây là dịp để nhờ cậy, xin xỏ, chạy chọt!

Hy vọng rằng, với quyết tâm thay đổi, với sự nhận thức lại về giá trị, những năm tới đây chúng ta sẽ được thấy một không khí khác trong ngày lễ nhà giáo Việt Nam. Chúng ta sẽ thấy những chiếc phong bì không còn đựng tiền, đựng những mong muốn vụ lợi nữa mà thay vào đó là tấm thiệp, bức thư mang thật nhiều lời yêu thương mà mỗi học sinh muốn gửi đến giáo viên của mình. Hãy để những chiếc phong bì được thực hiện chức năng ban đầu của nó và hãy trả lại ý nghĩa đích thực cho một ngày lễ thiêng liêng – Ngày tri ân những người đã cống hiến trí tuệ, tâm huyết của mình vì sự nghiệp trồng người!

Trang Đoan